• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/05/1985
BỘ LAO ĐỘNG
Số: 03-CT-LĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1985

 

 

 

 

CHỈ THỊ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 03-CT/LĐ NGÀY 20 THÁNG 4 NĂM 1985
VỀ VIỆC PHÂN BỔ, SỬ DỤNG HỢP LÝ, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, CHĂM SÓC, BẢO HỘ LAO ĐỘNG NỮ, THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 176A-HĐBT NGÀY 24-12-1984 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

 

1- Phân bổ, sử dụng hợp lý và có hiệu quả lực lượng lao động nữ ở địa phương:

a) Trong việc điều tra nghiên cứu nắm nguồn lao động, đánh giá chính xác nguồn lao động, quỹ thời gian lao động của địa phương, cần điều tra nguồn lao động nữ, cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu độ tuổi, khả năng ngành nghề... phân tích kỹ quỹ thời gian của lao động nữ, đồng thời tính toán các nhu cầu về phúc lợi dịch vụ xã hội, nhà trẻ, lớp mẫu giáo... tạo điều kiện để phụ nữ tham gia lao động sản xuất v.v... phải là một trong những căn cứ để xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và quy hoạch ngành của huyện, tỉnh, nhằm tận dụng hợp lý nguồn lao động ở địa phương.

b) Cùng với việc xây dựng và thực hiện quy hoạch kế hoạch phân bổ, sử dụng trên địa bàn huyện, tỉnh, việc sắp xếp tổ chức lại sản xuất ở khu vực quốc doanh, soát xét lại việc phân công, bố trí lao động nữ từng cơ sở, ngành nghề, địa bàn... Nhận xét đánh giá việc sử dụng nữ, khâu nào hợp lý, khâu nào chưa hợp lý, từ đó có kế hoạch, biện pháp từng bước bố trí hợp lý ngành nghề, cơ cấu nam nữ phù hợp với khả năng, sức khoẻ của phụ nữ.

c) Kiểm tra tình hình sử dụng nữ ở các ngành nghề, công việc quá nặng nhọc độc hại, đặc biệt đối với những công việc Nhà nước đã quy định cấm sử dụng phụ nữ. Kiên quyết chuyển chị em sang các công việc khác, trước hết là chị em đang có thai và đang cho con bú. Số chưa chuyển được, còn sử dụng phải có các biện pháp trang bị bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bồi dưỡng hiện vật, giảm bớt giờ làm việc.

2- Đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, trình độ văn hoá nghiệp vụ đối với lao động nữ:

Căn cứ vào kế hoạch phát triển sản xuất và nhu cầu lao động địa phương cần có kế hoạch đào tạo nghề, bồi dưỡng kinh nghiệm sản xuất, kiến thức khoa học kỹ thuật, khả năng quản lý cho lao động nữ, cùng với kế hoạch phân bố sử dụng lao động, nhằm trang bị cho chị em có nghề, tạo điều kiện sắp xếp giải quyết việc làm tạo cho chị em nâng cao nghề nghiệp, biết thêm nghề phụ hoặc kiếm nghề để có thể điều chuyển khi cần thiết.

Mở rộng việc đào tạo nghề bằng nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng thích hợp với từng đối tượng, từng cơ sở, từng địa phương theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", "hợp tác xã, nhân dân làm, Nhà nước giúp đỡ" v.v...

Có các biện pháp cụ thể để bổ túc văn hoá cho lao động nữ, nhất là chị em ở các vùng kinh tế mới, ở các địa bàn miền núi xa xôi, chị em làm các việc giản đơn nặng nhọc, chị em tuổi còn trẻ có triển vọng nghề nghiệp hoặc nòng cốt trong lao động sản xuất.

3- Chăm sóc và bảo hộ lao động nữ:

a) Tiến hành kiểm tra điều kiện lao động ở các xí nghiệp, công - nông lâm trường, hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là lcác cơ sở có đông lao động nữ mà điều kiện lao động xấu, nồng độ hơi khí độc, bụi độc quá tiêu chuẩn cho phép, môi trường làm việc quá bụi, bẩn, nóng, thiếu ánh sáng, lao động thủ công quá nặng nhọc v.v... Từ đó đề ra biện pháp phù hợp với khả năng thực tế cho phép để từng bước cải thiện điều kiện lao động cho chị em.

Xây dựng kế hoạch nhu cầu cải thiện điều kiện lao động từ cơ sở lên, có nhu cầu của lao động nữ (nhu cầu này lớn, nhiều mặt từ xây dựng cải tạo cơ sở vật chất nhà xưởng, thiết bị máy móc, cải tiến công cụ lao động đến trang bị phòng hộ cá nhân v.v...) phải đưa nhu cầu này vào kế hoạch kinh tế tài chính của cơ sở và của địa phương hoặc của ngành và thể hiện thành chỉ tiêu vốn, vật tư, sản xuất...

Chỉ đạo việc phân phối vật tư, thiết bị, các trang bị bảo hộ lao động... trong địa phương, dành một tỷ lệ thích đáng cho khu vực tập thể, và cá thể (tỷ lệ lực lượng lao động nữ ở các khu vực này rất cao).

b) Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chế độ chính sách Nhà nước đã quy định riêng đối với lao động nữ: nghỉ đẻ, cho con bú, trông con ốm đau, vệ sinh hành kinh, đặt vòng tránh thai, nạo thai, miễn ca đêm cho lao động có thai đến tháng thứ bảy và đang nuôi con dưới 12 tháng, khám và chữa phụ khoa.v.v...

4- Kiện toàn công tác kiểm tra, thanh tra từ tỉnh, thành đến các đơn vị cơ sở. Tăng cường cán bộ (cả số lượng, chất lượng phương tiện làm việc, đủ quyền lực...) để làm tốt thanh tra chung và thường xuyên thanh tra kiểm tra các chế độ chính sách đối với lao động nữ.

5- Nghiên cứu đề xuất với Nhà nước các chế độ chính sách đối với lao động nữ ở khu vực tập thể HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trước hết, những kinh nghiệm vận dụng các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nữ CNVC với lao động nữ ở khu vực tập thể.

Bộ Lao động đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu quan tâm tổ chức thực hiện Nghị quyết 176a của Hội đồng Bộ trưởng căn cứ theo nội dung của chỉ thị này và giao trách nhiệm cho Sở lao động tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương phối hợp với các cơ quan đoàn thể cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng, theo dõi, đôn đốc và tổng hợp các vấn đề về lao động nữ ở địa phương, định kỳ báo cáo công tác về BộLao động.

 

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Thiện Thi

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.