THÔNG TƯ
Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam
_______________________
Căn cứ vào các Quyết định: - Số 267/CP ngày 19/7/1979 của Hội đồng Chính phủ về cuộc chuyển Ty Đăng kiểm thành Cục Đăng kiểm Việt nam; - Số 203/TTg ngày 28/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động đăng kiểm tàu biển tại Việt nam; - Số 276/CP ngày 28/7/1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí.
Sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ quản lý tài chính đối với Cục Đăng kiểm Việt nam như sau:
I/ NGUYÊN TẮC CHUNG:
Cục Đăng kiểm Việt nam là tổ chức duy nhất tại Việt nam được Chính phủ Việt nam uỷ quyền thực hiện hoạt động đăng kiểm tầu biển theo các tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật Việt nam hoặc điều ước quốc tế có liên quan mà Việt nam ký kết, công nhận.
Cục Đăng kiểm Việt nam là đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu. Cục được giữ lại một phần nguồn thu để chi theo dự toán được duyệt, phần còn lại phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
II/ NHỮNG NGUYÊN TẮC CỤ THỂ:
1/ Các nguồn thu của Cục Đăng kiểm Việt nam (gọi là lệ phí đăng kiểm).
Nội dung các nguồn thu của Cục Đăng kiểm (cả thu bằng ngoại tệ và đồng Việt nam) gồm có:
- Lệ phí thẩm tra duyệt thiết kế các phương tiện tàu thuỷ
- Lệ phí giám sát kỹ thuật đóng mới phương tiện thuỷ
- Lệ phí giám sát kỹ thuật các phương tiện thuỷ đang khai thác và các sản phẩm công nghiệp lắp đặt trên tàu.
- Lệ phí kiểm tra giám sát kỹ thuật sửa chữa phương tiện thuỷ
- Lệ phí kiểm tra và cấp giấy chứng nhận dấu hiệu chở hàng
- Lệ phí đo dung tích tàu
- Lệ phí kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các giàn khoan biển và các thiết bị giàn khoan biển.
- Thu lệ phí kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và giấy chứng nhận dung tích cho các tàu biển nước ngoài khi có yêu cầu của chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu nước ngoài (theo thông lệ quốc tế).
- Thu các dịch vụ khác (nếu có).
2/ Mức thu:
Mức thu của từng loại lệ phí đã được quy định cụ thể, chi tiết từng bản lệ phí đăng kiểm đối nội và bản lệ phí đăng kiểm đối ngoại đã được Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 20/6/1991. Trong trường hợp có biến động nhiều về giá cần điều chỉnh giá thu lệ phí cho phù hợp thì Cục Đăng kiểm trình Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính.
3/ Nội dung chi của Cục Đăng kiểm:
Nội dung chi của Cục Đăng kiểm (chi bằng ngoại tệ và chi bằng đồng Việt nam) gồm có: chi thường xuyên, chi không thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản.
a/ Chi thường xuyên gồm:
- Chi tiền lương của cán bộ công nhân viên
- Chi bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn
- Chi quản lý hành chính phục vụ sản xuất như: chi cho phương tiện đi lại, thông tin liên lạc, công tác phí, thuê nhà, điện, nước, vệ sinh, y tế, chi cho bảo quản sửa chữa thường xuyên tài sản cố định và các chi phí quản lý hành chính khác.
- Chi quan hệ đối ngoại và khách hàng: đưa đón đoàn ra đoàn vào, chi tuyên truyền công tác đăng kiểm ...
- Chi phí quản lý khác ...
b/ Chi không thường xuyên:
- Chi mua sắm máy móc thiết bị lẻ, kiểm tra đăng kiểm.
- Chi mua sắm máy móc, trang bị phục vụ cho hoạt động quản lý của cơ quan đăng kiểm.
- Chi cho điều tra tai nạn
- Chi sửa chữa lớn tài sản cố định.
c/ Chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Ngoài ra Cục Đăng kiểm Việt nam còn được trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi.
4/ Xét duyệt dự toán thu - chi của Cục Đăng kiểm:
Hàng năm, Cục Đăng kiểm lập dự toán thu, chi (cả bằng ngoại tệ và đồng Việt nam) theo các nội dung thu, chi nêu trên gửi về Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự toán thu, chi của Cục Đăng kiểm và giao cho Cục thực hiện dự toán thu, chi đó.
Riêng về chi đầu tư xây dựng cơ bản thì trình tự lập kế hoạch, xét duyệt chi và cấp phát thanh toán vốn phải thực hiện theo Nghị định 385/HĐBT ngày 7/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý xây dựng cơ bản.
Trường hợp do thay đổi nhiệm vụ, do chính sách của Nhà nước và do giá cả biến động có ảnh hưởng đến dự toán thu, chi tài chính đã duyệt thì Cục Đăng kiểm sẽ lập dự toán điều chỉnh để trình duyệt.
5/ Quản lý nguồn thu - chi và nộp Ngân sách của Cục Đăng kiểm.
a/ Quản lý nguồn thu:
Cục Đăng kiểm có trách nhiệm mở sổ sách kế toán để theo dõi đầy đủ các nguồn thu phát sinh.
Chứng từ thu do Bộ Tài chính (Tổng Cục Thuế) ban hành. Trường hợp cần sử dụng chứng từ đặc thù (kể cả trên máy vi tính) thì Cục Đăng kiểm phải đăng ký với Tổng Cục Thuế và phải có sự thống nhất của Tổng Cục Thuế.
b/ Quản lý dự toán chi tiêu:
Cục Đăng kiểm được phép giữ một phần số thu để chi thường xuyên và chi không thường xuyên theo dự toán đã được duyệt. Chi tiêu phải đúng mục đích, có hiệu quả và phải được quản lý chặt chẽ. Để có cơ sở lập dự toán chi và quản lý kiểm tra chi được chặt chẽ, Cục Đăng kiểm cần phải xây dựng cụ thể các định mức chi trình Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xét duyệt.
c/ Nộp Ngân sách Nhà nước:
Cục Đăng kiểm có trách nhiệm nộp Ngân sách Nhà nước khoản chênh lệch giữa số thu và số chi đã được duyệt thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở. Hàng tháng, Cục thuế Địa phương có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc Cục Đăng kiểm nộp kịp thời số tiền phải nộp vào Ngân sách Nhà nước trên cơ sở phân bổ số chênh lệch giữa thu và chi kế hoạch đã được duyệt đầu năm.
Cuối năm khi quyết toán được duyệt, nếu số đã nộp nhỏ hơn số chênh lệch (thu - chi) thực tế được duyệt thì Cục Đăng kiểm có trách nhiệm nộp nốt số còn thiếu vào Ngân sách Nhà nước. Nếu trường hợp số đã nộp lớn hơn số chênh lệch (thu - chi) thì Cục Đăng kiểm sẽ được trừ vào số phải nộp của năm tiếp theo.
Đối với số thu phải nộp Ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ, thu bằng loại ngoại tệ nào thì phải nộp vào tài khoản quỹ ngoại tệ tập trung của Ngân sách Nhà nước loại ngoại tệ đó. Khi nộp vào Ngân sách Nhà nước Cục Đăng kiểm được tính quy đổi ra đồng Việt nam theo tỷ lệ giá mua vào của Ngân hàng Ngoại thương Việt nam thông báo ở thời điểm nộp để xác định mức nộp Ngân sách Nhà nước thông báo ở thời điểm nộp để xác định mức nộp Ngân sách Nhà nước bằng tiền Việt nam. Toàn bộ số thu nộp Ngân sách của Cục Đăng kiểm thuộc Ngân sách Trung ương.
6/ Chế độ kế toán và báo cáo kế toán.
Cục Đăng kiểm được áp dụng chế độ kế toán đối với đơn vị sự nghiệp quy định tại Quyết
định số 257-TC/CĐKT ngày 1/6/1990 của Bộ Tài chính hàng quý, hàng năm, Cục Đăng kiểm có trách nhiệm lập quyết toán và gửi báo cáo quyết toán về Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính. Báo cáo quyết toán phải phản ánh đầy đủ số thu, số chi (kể cả số thu, chi ngoại tệ và số nộp Ngân sách Nhà nước).
Hàng năm, căn cứ vào báo cáo quyết toán của Cục Đăng kiểm. Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm kiểm tra và xét duyệt quyết toán cho Cục có sự tham gia của cơ quan Tài chính theo chế độ hiện hành.
7/ Khen thưởng và xử phạt tài chính.
Cục Đăng kiểm được trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 12% trên tổng số thu thực tế, mỗi quỹ tối đa không quá 6 tháng lương thực hiện. Căn cứ vào mức trích quỹ trên, hàng tháng Cục Đăng kiểm được tạm trích 70% để lập quỹ, cuối năm sau khi quyết toán năm được duyệt sẽ xác định chính thức số tiền được trích vào 2 quỹ và sẽ được trừ vào số phải nộp Ngân sách.
Nếu Cục Đăng kiểm vi phạm chính sách chế độ quản lý tài chính, thu nộp Ngân sách Nhà nước sẽ bị phạt trừ vào 2quỹ theo chế độ hiện hành.
III/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1994. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.