• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/11/1950
BỘ LAO ĐỘNG
Số: 15-LĐ-TT-P3
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 1950

THÔNG TƯ SỐ 15-LĐ-TT-P3 NGÀY 6 THÁNG 11 NĂM 1950 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG GIẢI THÍCH CÁC CHI TIẾT VIỆC XẾP NGẠCH, BẬC CHO CÔNG NHÂN

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi các ông Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu

Đồng gửi các Ông Giám đốc khu Lao động

Nghị định số 59-LĐ-NĐ ngày 12 tháng 10 năm 1950 của Bộ Lao động đã ấn định nhiệm vụ và quyền hạn của các hội đồng chuyển ngạch.

Muốn cho việc xếp ngạch, bậc được thống nhất và công bằng, Bộ xét cần chỉ dẫn cách làm việc cho các hội đồng chuyển ngạch, bậc như sau:

Điều 1.- Nghị định số 59-LĐ-NĐ nói trên thiết lập tại mỗi cơ quan hay xí nghiệp một hội đồng chuyển ngạch, thành phần gồm có:

- Quản đốc xí nghiệp hay viên chức điều khiển cơ quan

Chủ tịch

   

- Ba đại biểu công nhân cử ra (có thể là đại biểu Uỷ ban xí nghiệp hay đại biểu Công đoàn)

- Một đại biểu cơ quan lao động

Hội viên

Hội đồng này sẽ do quản đốc xí nghiệp hay viên chức điều khiển cơ quan triệu tập. Giấy triệu tập phải gửi cho cơ quan Lao động chậm nhất 15 ngày trước mỗi kỳ họp. Cơ quan Lao động hay là Ty lao động trong tỉnh nơi xí nghiệp hay cơ quan đóng trụ sở. Để cho tiện công việc, các cơ quan cấp Khu có thể gửi giấy báo cho Khu lao động, và cơ quan cấp trung ương cho Bộ lao động hay Khu thanh tra lao động.

Trong hoàn cảnh đặc biệt, nếu đại biểu cơ quan lao động không thể đến dự được, thì hội đồng chuyển ngạch cũng cứ chính thức hội họp và làm việc.

Viên chức điều khiển cơ quan hay xí nghiệp phải lập hồ sơ lý lịch của từng công nhân để đưa ra hội đồng xét, theo mẫu phiếu lý lịch kèm theo thông tư này. Phiếu lý lịch sẽ làm thành ba bản, một bản giữ trong hồ sơ của công nhân tại cơ quan hay xí nghiệp, một bản gửi cho cơ quan quản trị và một bản gửi về Bộ lao động.

Hội đồng chuyển ngạch sẽ xem hồ sơ lý lịch ấy để quyết định việc tạm xếp ngạch bậc cho công nhân căn cứ vào những tiêu chuẩn sau đây:

1/Năng lực chuyên môn của công nhân đối với công việc hiện thời (xem phần B, mục 1 của Phiếu lý lịch);

2/ Thành tích đặc biệt về sản xuất hay về kháng chiến (xem phần B, mục 2);

3/ Thâm niên tính từ ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945 cho đến ngày 1/5/1950 (xem phần 5, mục 3).

Theo tiêu chuẩn thứ nhất, hội đồng chuyển ngạch sẽ chiếu bảng tiêu chuẩn nghề nghiệp kèm theo Sắc lệnh số 77-SL ngày 22 tháng 5 năm 1950 mà đề nghị xếp ngạch, bậc.

Theo tiêu chuẩn thứ hai, hội đồng xếp ngạch sẽ xét thành tích đặc biệt của công nhân về sản xuất, sáng chế, phát minh, hoặc thành tích đặc biệt trong công việc kháng chiến và bảo vệ xí nghiệp, mà đề nghị xếp cao thêm lên một hay nhiều bậc, theo tinh thần điều 18, Sắc lệnh số 77-SL.

Về phương diện thâm niên, nếu kể đến ngày 1 tháng 5 năm 1950 công nhân đã giúp việc Chính phủ được từ 2 năm trở lên, thì hội đồng có thể đề nghị xếp thêm lên một bậc nữa.

Những đề nghị xếp ngạch bậc của hội đồng chuyển ngạch sẽ tạm thời thi hành cho đến lúc có nghị định hay quyết định xếp ngạch, bậc chính thức, mục đích để tránh cho anh em công nhân khỏi phải chờ đợi lâu.

Để tránh mọi sự chênh lệch bất công trong việc xếp ngạch bậc cho công nhân thuộc các cơ quan, các ngành, Bộ quản trị công nhân hay Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu được uỷ quyền quản trị, sau khi đã nhận được những đề nghị xếp bậc của các hội đồng xếp ngạch cấp dưới, sẽ cử ra 1 hội đồng xếp ngạch bậc chính thức mà thành phần và nhiệm vụ đã định trong điều 7 của Nghị định số 59-LĐ-NĐ.

Sau khi đã có nghị định xếp ngạch bậc chính thức, tình trạng công nhân phải được điều chỉnh ngay. Những công nhân nào được chính thức xếp bậc cao hơn sẽ được truy lĩnh lương, phụ cấp gia đình và phụ cấp khí hậu xấu, kể từ ngày 1/5/1950 theo bậc lương mới của mình. Chỉ khi nào được xếp ngạch bậc chính thức, thì công nhân mới được truy lĩnh lương và phụ cấp, công nhân vào làm việc trước ngày 1 tháng 5 năm 1950 được truy lĩnh kể từ ngày này. Công nhân vào làm việc sau ngày 1 tháng 5 năm 1950, được truy lĩnh kể từ ngày ký nghị định.

Về việc quản trị, thì công nhân thuộc Bộ nào do Bộ ấy quản trị. Bộ sở quan có thể uỷ cho Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu quyền quản trị những công nhân làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc phạm vi liên khu.

Bộ yêu cầu các Uỷ ban xúc tiến gấp việc thành lập các hội đồng chuyển ngạch tại các cơ quan và xí nghiệp để việc thi hành chế độ lương bổng mới cho công nhân được nhanh chóng và kịp thời.

Ngày 6 tháng 11 năm 1950

NGUYỄN VĂN TẠO

 

 

BỘ...........................................

TÊN CƠ QUAN......................

HAY XÍ NGHIỆP

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

======================

PHIẾU LÝ LỊCH

(Thi hành điều 13 Sắc lệnh số 77-SL ngày 22/5/1950)

PHẦN A

- Họ và tên công nhân:

- Ngày sinh và nơi sinh:

- Nghề nghiệp:

- Tình trạng gia đình:

PHẦN B

1. Chuyên môn:

- Đã học qua những trường chuyên môn hay lớp huấn luyện chuyên môn nào?

- Trước đã làm gì?

- Hiện làm việc gì?

- Năng lực về nghề nghiệp, theo bảng tiêu chuẩn đính ở Sắc lệnh số 77-SL ngày 22 tháng 5 năm 1950

2. Thành tích:

a/ Thành tích đặc biệt về sản xuất, sáng chế, phát minh

b/ Thành tích đặc biệt về cách mạng và kháng chiến:

3. Thâm niên:

- Thâm niên tính từ ngày tuyên bố độc lập 2 tháng 9 năm 1945

- Từ ngày...........................................đến ngày 1 tháng 5 năm 1950

PHẦN C.

Lời phê bình của cấp điều khiển trực tiếp (về năng lực, về tinh thần phục vụ, về tư cách)

Ngày tháng năm

Cấp điều khiển ký

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Tạo

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.