Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Về hướng dẫn việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài,

người nước ngoài thường trú tại Việt Nam đầu tư theo

Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999

của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích

đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10

Căn cứ Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10 (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 51);

Căn cứ Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của người nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Quyết định số 36);

Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tư pháp - Ngoại giao - Công an hướng dẫn việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam đầu tư theo Nghị định số 51 như sau:

I. BẢO ĐẢM, HỖ TRỢ VÀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

1. Đối tượng áp dụng

1.1. Người Việt Narn định cư ở nước ngoài, bao gồm:

a) Người có quốc tịch Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài;

b) Người có gốc Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài;

c) Người có cha đẻ, mẹ đẻ, hoặc ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hiện nay có hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam.

1.2. Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, bao gồm:

a) Công dân nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp thẻ thường trú;

b) Người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp Thẻ thường trú.

1.3. Đối tượng nêu tại điểm 1.1 và 1.2 có dự án đầu tư theo Nghị định số 51, dưới đây gọi tắt là nhà đầu tư.

1.4. Thông tư này không áp dụng đối với nhà đầu tư là người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam.

2. Thành lập doanh nghiệp và mua cổ phần, góp vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam.

2.1. Để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Nghị định số 51, nhà đầu tư có thể nhân danh cá nhân trực tiếp đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp hoặc cùng với công dân Việt Nam đầu tư thông qua hình thức mua cổ phần, góp vốn thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.

2.2. Nhà đầu tư được mua cổ phần, được góp vốn trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc Danh mục do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo quy định như sau:

a) Được mua cổ phần phát hành lần đầu của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa; mua cổ phần phát hành thêm của doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa hoặc mua lại cổ phần của các cổ đông trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.

b) Được góp vốn vào doanh nghiệp, mua lại phần vốn góp của các thành viên để trở thành thành viên của doanh nghiệp.

c) Tổng giá trị cổ phần, vốn góp của các nhà đầu tư theo các hình thức trên không được quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa hoặc đã cổ phần hóa.

d) Thẩm quyền quyết định bán cổ phần, nhận vốn góp, hình thức giá trị góp vốn hoặc mua cổ phần của nhà đầu tư được thực hiện theo Điều 6 và Điều 7 của Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 36.

2.3. Nhà đầu tư được mua cổ phần hoặc góp vốn không hạn chế tỷ lệ và có quyền tham gia quản lý, điều hành trong các doanh nghiệp Việt Nam không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nhà nước. Việc nhà đầu tư mua cổ phần hoặc góp vốn bằng ngoại tệ, máy móc thiết bị, nguyên liệu, hàng hóa, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, chứng khoán có giá hoặc các tài sản khác được thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa nhà dầu tư và doanh nghiệp có liên quan.

2.4. Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc mua cổ phần, góp vốn:

a) Doanh nghiệp bán cổ phần, nhận vốn góp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp có thẩm quyền quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp chậm nhất 15 ngày sau khi thực hiện việc nhận vốn góp hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư.

b) Nhà đầu tư mua cổ phần, góp vốn trong các doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật hiện hành của Việt Nam được thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Quyết định số 36.

3. Chuyển tên chủ đầu tư, thay đổi thành viên góp vốn

Nhà đầu tư trước đây đã chuyển giao vốn, tài sản của mình cho công dân Việt Nam hoặc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh Việt Nam và mượn danh nghĩa của cá nhân hoặc tổ chức đó để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nếu có nhu cầu và đủ điều kiện thì được làm thủ tục chuyển tên chủ đầu tư hoặc thay đổi thành viên góp vốn theo hướng dẫn tại Phần V Thông tư này.

4. Ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư

4.1. Nhà đầu tư được đầu tư, kinh doanh ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ những ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Doanh nghiệp, Khoản 2, 3 Điều 2 của Nghị định số 14/2001/NĐ-CP ngày 25/4/2001 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ và Khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 125/2004/NĐ-CP ngày 19/5/2004 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngay 03/02/2000 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Doanh nghiệp.

4.2. Nhà đầu tư được khuyến khích đầu tư, kinh doanh vào ngành, nghề lĩnh vực quy định tại Danh mục A ban hành kèm theo Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục A, B và C ban hành tại phụ lục kèm theo Nghị định số 51 (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 35) và Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (dưới đây gọi tắt là Nghị định 164).

4.3. Nhà đầu tư được khuyến khích đầu tư, kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại Danh mục B và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Danh mục C ban hành kèm theo Nghị định số 35 và Nghị định số 164.

5. Hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh

5.1. Nhà đầu tư có dự án đầu tư theo Nghị định số 51, nếu có nhu cầu thuê đất làm mặt bằng thực hiện dự án đầu tư thì được tạo điều kiện cho thuê đất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất căn cứ vào mục đích sử dụng đất được lập trong dự án khả thi, căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương để giải quyết đối với từng dự án.

5.2. Thời gian miễn nộp tiền thuê đất cho dự án đầu tư thuộc ngành, nghề, lĩnh vực quy định tại Danh mục A hoặc dự án đầu tư tại địa bàn quy định tại Danh mục B hoặc Danh mục C của Nghị định số 35 được thực hiện như đối với doanh nghiệp trong nước cùng loại quy định tại Điều 18 Nghị định số 51.

6. Quyền đối với đất thuê, nhà ở gắn với quyền sử dụng đất

6.1. Nhà đầu tư được Nhà nước cho thuê hoặc được giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành của Luật Đất đai sửa đổi (2003) được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ.

6.2. Nhà đầu tư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam được mua nhà để ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 5 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.

7. Vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển

Nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc Danh mục A hoặc thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn thuộc Danh mục B hoặc Danh mục C ban hành kèm theo Nghị định số 35 được Quỹ hỗ trợ phát triển xem xét hỗ trợ đầu tư thông qua các hình thức cho vay đầu tư, bảo Lãnh tín dụng đầu tư hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định tại Nghị định số l06/2004/NĐ-CP ngày 1 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

8. Miễn, giảm thuế

8.1. Nhà đầu tư có dự án đầu tư đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 33 của Nghị định số 164, dự án thuộc Danh mục A hoặc thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn thuộc Danh mục B hoặc Danh mục C ban hành kèm theo Nghị định số 164 được áp dụng các mức ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thời hạn miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các Điều 35, Điều 36, Điều 37 và Điều 38 của Nghị định số 164;

8.2. Nhà đầu tư kinh doanh hàng xuất khẩu quy định tại Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 164 ngoài việc được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 36, Điều 37, Điều 38 của Nghị định số 164 còn được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 39 của Nghị định số 164;

8.3. Nhà đầu tư có dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 51 được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc tạo tài sản cố định như đối với dự án của nhà đầu tư trong nước cùng loại quy định tại Điều 26 của Nghị định số 51.

8.4. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư góp vốn dưới các hình thức: bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật.

9. Thực hiện nguyên tắc một giá

9.1. Dự án của nhà đầu tư nói tại Thông tư này đầu tư theo quy định của Nghị định số 51 được hưởng cùng mức giá đầu vào như các dự án đầu tư trong nước cùng loại đối với đất đai, hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư và dịch vụ do Nhà nước định giá, chịu cùng một mức thuế.

9.2. Nhà đầu tư có dự án đầu tư theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 51 được áp dụng giá dịch vụ về nhà ở, khách sạn, điện, nước, dịch vụ y tế, cước phí đi lại trong nước bằng đường thủy, đường bộ, đường hàng không, cước phí bưu chính viễn thông, phí giáo dục và đào tạo như áp đụng đối với công dân Việt Nam ở trong nước.

9.3. Các cơ quan chức năng của Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động theo pháp luật Việt Nam thống nhất thực hiện quy định này.

II. THỦ TỤC XÁC NHẬN CÓ GỐC VIỆT NAM

10. Đối với người mang hộ chiếu Việt Nam

Người mang hộ chiếu Việt Nam hợp lệ đang cư trú, làm ăn sinh sống ở nước ngoài đương nhiên thuộc đối tượng quy định tại Điểm 1.1.a Thông tư này và không cần có giấy xác nhận nêu tại Điểm 1.1 của Thông tư này.

11. Đối với người mang hộ chiếu nước ngoài

11.1. Người mang hộ chiếu nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Điểm 1.1. Thông tư này, nếu có một trong các giấy tờ sau đây:

- Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam;

- Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam;

- Giấy xác nhận đăng ký công dân;

- Giấy xác nhận có gốc Việt Nam.

11.2. Việc cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại các Điều 17, 18 và 19 Nghị định số l04/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 104).

11.3. Việc cấp Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại các Điều 25 và Điều 26 Nghị định số 104.

11.4. Việc cấp Giấy xác nhận đăng ký công dân được thực hiện theo Quyết định số 713/NG-QĐ ngày 17 tháng 5 năm 1997 của Bộ Ngoại giao quy định tạm thời về thủ tục đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài.

11.5. Giấy xác nhận có gốc Việt Nam (Mẫu giấy được ban hành kèm theo Thông tư này) do một trong các cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:

a) Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài;

b) Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao.

c) Uỷ ban nhân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi cha đẻ, mẹ đẻ, hoặc ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người xin xác nhận đã sinh ra ở đó; hoặc tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi người xin xác nhận đã từng sinh sống.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thể uỷ quyền cho Sở chuyên ngành xem xét quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy xác nhận có gốc Việt Nam.

11.6. Người đề nghị cấp Giấy xác nhận có gốc Việt Nam tại các cơ quan quy định tại Điểm 11.5. Thông tư này cần có đơn đề nghị (Mẫu Đơn ban hành kèm theo Thông tư này và hộ chiếu nước ngoài hợp lệ hoặc giấy tờ hợp lệ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài. Kèm theo đơn phải có một trong các giấy tờ sau đây (kể cả giấy do chính quyền cũ cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975):

a) Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại; trong trường hợp những người này đã mất quốc tịch Việt Nam thì phải có Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam.

b) Giấy tờ chứng minh người làm đơn là con đẻ, cháu nội hoặc cháu ngoại của những người thuộc đối tượng nói tại Điểm 11.6.a Thông tư này

11.7. Giấy xác nhận có gốc Việt Nam do cơ quan đại diện của Việt Nam đã cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng dẫn tại Thông tư liên bộ số 11/BKH-NG ngày 31 tháng 12 năm 1996 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao; Giấy xác nhận có quan hệ huyết thống Việt Nam đã được cấp theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BKH-BTP-BNG-BCA ngày 15 tháng 8 năm 2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Ngoại giao và Bộ Công an vẫn có giá trị sử dụng để làm thủ tục đăng ký kinh doanh.

12. Đối với người không còn giữ giấy tờ liên quan đến gốc Việt Nam

12.1. Giấy xác nhận có gốc Việt Nam được cấp cho người không còn giữ giấy tờ liên quan đến gốc Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với trường hợp xin Giấy xác nhận có gốc Việt Nam tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần phải có:

- Bản lý lịch tự thuật của người đề nghị cấp giấy xác nhận từ thời gian trước cho đến thời điểm xin xác nhận có gốc Việt Nam.

- Giấy của tập thể cộng đồng người Việt Nam ở địa phương nơi người đó sinh sống xác nhận có quan hệ huyết thống với người đang có hoặc đã có quốc tịch Việt Nam (có thể là Hội người Việt Nam có quan hệ với các tổ chức, cơ quan hợp pháp trong nước hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước đó).

b) Đối với trường hợp xin Giấy xác nhận có gốc Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước được quy định tại Điểm 11.5.b hoặc 11.5.c Thông tư này, cần phải có:

- Bản lý lịch tự thuật của người đề nghị cấp giấy xác nhận từ thời gian trước cho đến thời điểm xin xác nhận có gốc Việt Nam.

- Văn bản của ít nhất hai công dân Việt Nam thường trú ở trong nước có năng lực hành vi dân sự đầy đủ xác nhận có quan hệ huyết thống với người có quốc tịch Việt Nam hoặc với người đã từng có quốc tịch Việt Nam. Giấy xác nhận ghi rõ họ tên, địa chỉ của người được xác nhận và những người làm giấy xác nhận; việc ký giấy xác nhận được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và được cơ quan đó xác nhận chữ ký của người làm chứng.

13. Thời hạn xét, cấp Giấy xác nhận có gốc Việt Nam

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, cấp Giấy xác nhận có gốc Việt Nam; trường hợp từ chối phải trả lời đương sự bằng văn bản và nêu rõ lý do.

III. VIỆC NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

14. Nhập cảnh, xuất cảnh của nhà đầu tư

14.1. Nhà đầu tư có Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu được nhập xuất cảnh Việt Nam không cần thị thực.

14.2. Nhà đầu tư mang hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu được xét cấp thị thực Việt Nam có giá trị nhiều lần hoặc được xét cấp thẻ tạm trú phù hợp với thời gian chuẩn bị và hoạt dộng theo giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

15. Cư trú, cấp, đổi, thay đổi nội dung, thu hồi Thẻ thường trú

15.1. Việc cư trú của nhà đầu tư là đối tượng nêu tại Điểm 1.1.a, 1.1.b và 1.2. Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Điều 11, 12 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ban hành ngày 28 tháng 4 năm 2000.

15.2. Việc cấp, đổi, thay đổi nội dung hoặc thu hồi Thẻ thường trú của nhà đầu tư được thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an theo quy định tại các Điều 13 và 14 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 2000.

IV. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH VÀ CẤP CHỨNG NHẬN ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

16. Hồ sơ đăng ký kinh doanh

16.1. Ngoài hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật áp dụng đối với nhà đầu tư là công dân Việt Nam và giấy tờ, chứng chỉ liên quan đến trình độ chuyên môn của người điều hành đối với một số ngành, nghề mà Pháp luật Việt Nam quy định phải có, nhà đầu tư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp một trong các giấy tờ sau đây:

- Bản sao Hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam;

- Giấy có giá trị thay thế Hộ chiếu của Việt Nam;

- Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam;

- Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam;

- Giấy xác nhận đăng ký công dân;

- Giấy xác nhận gốc Việt Nam;

- Giấy xác nhận có gốc Việt Nam được cấp theo hướng dẫn của Thông lư liên bộ số 11/BKH-BNG ngày 31 tháng 12 năm 1996 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao;

- Giấy xác nhận có quan hệ huyết thống Việt Nam được cấp theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BKH-BTP-BNG-BCA.

16.2. Ngoài hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật áp dụng đối với nhà đầu tư là công dân Việt Nam và giấy tờ, chứng chỉ liên quan đến trình độ chuyên môn của người điều hành đối với một số ngành, nghề mà pháp luật Việt Nam quy định phải có nhà đầu tư là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam phải xuất trình Thẻ thường trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

16.3. Giấy tờ, chứng chỉ, chứng nhận, chứng thực, bằng cấp liên quan đến trình độ chuyên môn của nhà đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được cơ quan công chứng Việt Nam công chứng.

17. Trình tự, thời hạn xem xét việc đăng ký kinh doanh

17.1. Nhà đầu tư đăng ký kinh doanh trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người khác đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở giao dịch để nộp hồ sơ. Khi nộp hồ sơ, nhà đầu tư (hoặc người được uỷ quyền) phải xuất trình Hộ chiếu hoặc Thẻ thường trú của mình, bản gốc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu Việt Nam và bản gốc các giấy tờ cần thiết để kiểm ra, đối chiếu. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra Hộ chiếu và tính hợp lệ của hồ sơ, đồng thời viết phiếu hẹn trả lời cho nhà đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

17.2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xem xét thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho nhà đầu tư.

18. Thủ tục đề nghị được hưởng ưu đãi đầu tư và nghĩa vụ báo cáo thực hiện ưu đãi đầu tư.

18.1. Để được hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 51, nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc ngành, nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Danh mục A hoặc thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn quy định ở Danh mục B hoặc Danh mục C ban hành kèm theo Nghị định số 35 phải thực hiện các thủ tục cần thiết quy định tại Thông tư số 02/1999/TT-BKH ngày 24 tháng 9 năm 1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 51.

18.2. Định kỳ 6 tháng một lần (vào cuối tháng 6 và tháng 12 hàng năm) doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư có trách nhiệm báo cáo tình hình việc thực hiện các biện pháp ưu đãi đã và đang được hưởng tại doanh nghiệp về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

18.3. Trong trường hợp doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư vi phạm pháp luật Việt Nam, không thực hiện đầy đủ các đầu kiện để hưởng ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam đi định cư ở nước khác, hoặc vi phạm vào các quy định được nêu tại khoản 3 Điều 121 Luật doanh nghiệp, Điểm 18.2 Thông tư này, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Uỷ ban nhân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh một phần hoặc rút bỏ toàn bộ ưu đãi đã được chấp thuận, hoặc thu hồi Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

V. THỦ TỤC CHUYỂN TÊN CHỦ ĐẦU TƯ, THAY ĐỔI THÀNH VIÊN GÓP VỐN, CHUYỂN VỐN ĐẦU TƯ TRƯỚC ĐÂY TRONG DOANH NGHIỆP THÀNH VỐN GÓP CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

19. Điều kiện để chuyển tên chủ đầu tư, thay đổi thành viên của doanh nghiệp đang hoạt động.

19.1. Nhà đầu tư quy định tại Điểm 3 Thông tư này khi làm thủ tục chuyển tên chủ đầu tư, thay đổi thành viên góp vốn cần có các giấy tờ sau đây:

a) Văn bản đồng ý trao trả lại cho nhà đầu tư tài sản và vốn của doanh nghiệp mà người (hoặc những người) đứng danh nghĩa cho nhà đầu tư đang quản lý;

b) Văn bản của người (hoặc những người) đứng danh nghĩa cho nhà đầu tư tự nguyện chuyển vốn hoặc chuyển vốn và quyền quản lý doanh nghiệp cho nhà đầu tư.

c) Văn bản nhất trí của các sáng lập viên, thành viên góp vốn của doanh nghiệp về việc chấp nhận chuyển đổi chủ đầu tư, thay đổi thành viên góp vốn, chuyển vốn đầu tư.

d) Đơn của nhà đầu tư đề nghị được chuyển chủ đầu tư, thay đổi thành viên góp vốn, chuyển vốn đầu tư trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đó có cam kết thực hiện điều lệ doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

19.2. Chủ đầu tư mới, thành viên góp vốn mới có trách nhiệm tiến hành làm thủ tục hợp thức hóa quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc các quyền khác có liên quan đến tài sản nhận lại theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

20. Điều kiện để chuyển vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp trong nước trước đây dưới danh nghĩa công dân Việt Nam thành phần vốn góp của nhà đầu tư

Nhà đầu tư quy định tại Điểm 3 Thông tư này đã chuyển giao vốn, tài sản của mình cho công dân Việt Nam hoặc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh Việt Nam và mượn danh nghĩa của cá nhân hoặc tổ chức đó để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, khi làm thủ tục để đứng tên phần vốn góp của mình trong doanh nghiệp cần có văn bản của công dân Việt Nam hoặc của cơ sở sản xuất kinh doanh đồng ý trả lại cho nhà đầu tư phần tài sản, vốn mà công dân Việt Nam hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh đang quản lý và sử dụng.

21. Trình tự, thủ tục, thời hạn xem xét việc đổi tên nhà đầu tư

21.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết việc đổi tên chủ đầu tư, thay đổi thành viên góp vốn, Sở kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, xem xét hồ sơ và hướng dẫn nhà đầu tư bổ sung đầy đủ các giấy tờ cần thiết.

21.2. Để đổi tên chủ của doanh nghiệp đang hoạt động, thay đổi thành viên góp vốn, nhà đầu tư gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đã cấp Đăng ký kinh doanh trước đây của doanh nghiệp, hồ sơ gồm các giấy tờ như quy định tại Điểm 16. 1 và các giấy tờ quy định tại Điểm 19.1 Thông tư này.

21.3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, chủ đầu tư phải thông báo ít nhất là 5 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động về việc đổi tên chủ đầu tư. Trong thời gian này, các cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích trong doanh nghiệp phải đến doanh nghiệp để giải quyết quyền lợi hợp pháp của mình.

21.4. Sau 20 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có tranh chấp, khiếu nại đối với doanh nghiệp đề nghị chuyển tên chủ đầu tư, thay đổi thành viên góp vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chuyển đổi tên chủ đầu tư, thay đổi thành viên góp vốn trình Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

22. Các quy định khác liên quan đến việc đổi tên chủ đầu tư, thay nổi thành viên góp vốn

22.1. Việc đổi tên chủ đầu tư, thay đổi thành viên góp vốn chỉ được thực hiện đối với các doanh nghiệp không có tranh chấp, khiếu kiện.

22.2. Không xử phạt vi phạm hành chính về việc đầu tư không đứng tên trước đây của nhà đầu tư.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

23. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

23.1. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BKH-BTP-BNG-BCA ngày 15 tháng 8 năm 2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

23.2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời bằng văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an giải quyết các vấn đề phát sinh./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Tư pháp

Bộ trưởng

Bộ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Võ Hồng Phúc

Uông Chu Lưu

Bộ Công an

Bộ Ngoại giao

Bộ trưởng

Bộ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Hồng Anh

Nguyễn Dy Niên