• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/08/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2016
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Số: 03/2014/QĐ-KTNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 40

Kiểm soát chất lượng kiểm toán

____________________

 

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/9/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 917/2005/NQ-UBTVQH 11 ngày 15/9/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Quy định quy trình xây dựng và ban hành Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

                                               QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 40 - Kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký và thay thế chuẩn mực số 08 ban hành kèm theo Quyết định số 06/2010/QĐ-KTNN ngày 09/11/2010 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc ban hành Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC SỐ 40

KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 03 /2014/QĐ-KTNN  ngày tháng     năm 2014 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Khái niệm và cơ sở của chuẩn mực

1.            Chuẩn mực này quy định các nguyên tắc và hướng dẫn về việc xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng đối với hoạt động kiểm toán do Kiểm toán nhà nước thực hiện.

2.            Chuẩn mực này được xây dựng trên cơ sở Luật Kiểm toán nhà nước, Chuẩn mực quốc tế của các cơ quan Kiểm toán Tối cao về kiểm soát chất lượng (ISSAI 40) do Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán Tối cao (INTOSAI) ban hành, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Mục đích của chuẩn mực

3.            Chuẩn mực này được xây dựng nhằm đảm bảo duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán để quản lý rủi ro, đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán và không ngừng nâng cao uy tín, độ tin cậy của Kiểm toán nhà nước.

4.            Chuẩn mực này giúp Kiểm toán nhà nước đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng:

(i)           Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước, các đối tượng khác tham gia vào hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước tuân thủ Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước, các chuẩn mực nghề nghiệp và quy định pháp luật có liên quan;

(ii)        Các báo cáo kiểm toán do Kiểm toán nhà nước phát hành phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

5.            Chuẩn mực này cung cấp một khung hướng dẫn để căn cứ vào đó xây dựng các quy định, hướng dẫn về kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Phạm vi áp dụng chuẩn mực

6.            Chuẩn mực này áp dụng đối với: việc kiểm soát chất lượng trong hoạt động kiểm toán và các công việc có liên quan đến hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; tất cả các cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; các Kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng khác tham gia vào hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Nguyên tắc sử dụng thuật ngữ trong chuẩn mực

7.            Thuật ngữ sử dụng trong Chuẩn mực này được định nghĩa giống như trong các chuẩn mực kiểm toán do Kiểm toán nhà nước ban hành.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

8.            Hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán bao gồm sáu yếu tố sau:

(i)           Trách nhiệm của Người đứng đầu về chất lượng hoạt động kiểm toán;

(ii)        Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp;

(iii)      Điều kiện đảm bảo tiến hành cuộc kiểm toán;

(iv)      Nguồn nhân lực;

(v)        Thực hiện hoạt động kiểm toán;

(vi)      Giám sát.

Trách nhiệm của Người đứng đầu về chất lượng hoạt động kiểm toán

Nguyên tắc

9.            Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán trên cơ sở đảm bảo, duy trì và nâng cao chất lượng trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và để thúc đẩy văn hóa nội bộ nhận thức rằng chất lượng là rất quan trọng khi thực hiện tất cả các công việc. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm thành lập và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Hướng dẫn cụ thể

10.       Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo về toàn bộ hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

11.       Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chuẩn mực, quy chế và các quy định khác về kiểm soát chất lượng kiểm toán.

12.       Đơn vị và cá nhân được Tổng Kiểm toán nhà nước giao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán phải đảm bảo có đủ kinh nghiệm, năng lực phù hợp và có quyền hạn cần thiết để thực hiện trách nhiệm đó.

13.       Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của các cuộc kiểm toán do đơn vị chủ trì và các nhiệm vụ khác có liên quan trong phạm vi các nhiệm vụ được giao.

14.       Trưởng Đoàn kiểm toán chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Đoàn kiểm toán và chịu trách nhiệm về chất lượng của cuộc kiểm toán.

15.       Tổ trưởng Tổ kiểm toán tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổ kiểm toán trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao.

16.       Kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng khác tham gia vào hoạt động kiểm toán đều phải có trách nhiệm đối với chất lượng của công việc được phân công thực hiện và phải tuân thủ các chính sách, thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán nhà nước khuyến khích trao đổi các quan điểm hoặc những vấn đề về kiểm soát chất lượng kiểm toán, phản ánh các ý kiến về hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Đẩy mạnh văn hóa nội bộ về chất lượng

17.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục để đẩy mạnh văn hóa ghi nhận, khuyến khích và khen thưởng cho các công việc đạt chất lượng cao. Để đạt được văn hóa đó, Người đứng đầu phải nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng trong mọi hoạt động kiểm toán, kể cả các công việc thuê ngoài bằng các hành động và thông điệp rõ ràng, nhất quán và thường xuyên. Các hành động và thông điệp đó phải luôn nhấn mạnh vào các chính sách, thủ tục kiểm soát chất lượng và yêu cầu phải:

(i)           Thực hiện công việc theo các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan;

(ii)        Phát hành báo cáo kiểm toán phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Các hành động và thông điệp này cần được thể hiện trong chiến lược hành động, các văn bản chỉ đạo, điều hành và phổ biến tại các khóa đào tạo, hội thảo, cuộc họp, tọa đàm, báo, tạp chí của Kiểm toán nhà nước. Các hành động và thông điệp này có thể được kết hợp trong các thủ tục đánh giá cán bộ, nhân viên để có thể hỗ trợ và củng cố quan điểm về tầm quan trọng của chất lượng và cách thức để đạt được chất lượng.

18.       Để đẩy mạnh văn hóa nội bộ về chất lượng, điều đặc biệt quan trọng với Người đứng đầu là phải nhận thức rằng yêu cầu hàng đầu trong chiến lược phát triển và hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là phải đảm bảo chất lượng của tất cả các công việc cho dù thực hiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Người đứng đầu phải thể hiện là tấm gương điển hình về văn hóa nội bộ về chất lượng. Những công việc cần thực hiện để đẩy mạnh văn hóa nội bộ về chất lượng bao gồm:

(i)           Xây dựng các chính sách và thủ tục về đánh giá hiệu quả thực hiện công việc, chế độ đãi ngộ và cơ hội thăng tiến đối với Kiểm toán viên nhà nước để chứng minh chất lượng là ưu tiên hàng đầu của Kiểm toán nhà nước;

(ii)        Phân công trách nhiệm quản lý sao cho lợi ích vật chất không chi phối đến chất lượng công việc thực hiện;

(iii)      Cung cấp đầy đủ các nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng và thực thi các chính sách, thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán để duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán.

19.       Các chính sách và thủ tục về kiểm soát chất lượng kiểm toán phải được công bố, phổ biến một cách đầy đủ, rõ ràng đến Kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng khác tham gia vào hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp

Nguyên tắc

20.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục để đảm bảo Kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng khác tham gia vào hoạt động kiểm toán đều tuân thủ các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp.

Hướng dẫn cụ thể

21.       Các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp phải được tuân thủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

22.        Tất cả các Kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng khác tham gia vào hoạt động kiểm toán phải có đạo đức phù hợp với các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp.

23.       Các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp bao gồm các quy định tại CMKTNN 30 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy định pháp luật về đạo đức của cán bộ, công chức và các quy định khác của Kiểm toán nhà nước có liên quan.

24.       Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo các cấp (đơn vị trực thuộc, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán) phải là những tấm gương điển hình về đạo đức nghề nghiệp.

25.       Kiểm toán nhà nước phải đảm bảo có các chính sách và thủ tục để thực thi các nguyên tắc của CMKTNN 30 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, như:

(i)           Liêm chính, độc lập và khách quan;

(ii)        Trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn;

(iii)      Thận trọng nghề nghiệp và bảo mật;

(iv)      Tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp cho Kiểm toán viên nhà nước.

26.       Các bên có liên quan khi thực hiện hợp đồng công việc với Kiểm toán nhà nước phải tuân thủ quy định về bảo mật nghề nghiệp của Kiểm toán nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

27.       Người được tuyển dụng phải cam kết tuân thủ các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp khi được tuyển dụng vào Kiểm toán nhà nước.

28.       Kiểm toán nhà nước quy định các chính sách và thủ tục để thông báo một cách kịp thời về hành vi vi phạm yêu cầu đạo đức nghề nghiệp cho người có thẩm quyền nhằm giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện các biện pháp phù hợp giải quyết vấn đề đó.

Tính độc lập

29.       Kiểm toán nhà nước phải có các chính sách và thủ tục phù hợp để đảm bảo duy trì tính độc lập của Tổng Kiểm toán nhà nước, Lãnh đạo các cấp, Kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng khác tham gia vào hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

30.       Các chính sách và thủ tục đó nhằm:

(i)           Phổ biến các yêu cầu về tính độc lập cho Kiểm toán viên nhà nước và các đối tượng khác có liên quan;

(ii)        Xác định và đánh giá các trường hợp, các mối quan hệ có thể đe doạ đến tính độc lập và có biện pháp thích hợp để loại trừ hoặc hạn chế sự đe dọa đó xuống mức có thể chấp nhận được.

31.       Các chính sách và thủ tục đó phải đạt được yêu cầu:

(i)           Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải có được các thông tin cần thiết liên quan đến cuộc kiểm toán để đánh giá tác động tổng thể đối với các yêu cầu về tính độc lập;

(ii)        Kiểm toán viên nhà nước phải thông báo ngay cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán về các trường hợp và mối đe doạ đến tính độc lập để có biện pháp phù hợp;

(iii)      Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải thu thập và trao đổi thông tin với Kiểm toán viên nhà nước có liên quan để có thể:

·     Xác định xem các yêu cầu về tính độc lập có được đáp ứng hay không;

·     Duy trì và cập nhật hồ sơ liên quan đến tính độc lập;

·     Có biện pháp thích hợp đối với những nguy cơ đã xác định đe dọa đến tính độc lập mà ảnh hưởng của các nguy cơ đó cao hơn mức có thể chấp nhận được.

32.       Để giảm thiểu tối đa các rủi ro, nguy cơ thân quen với đơn vị được kiểm toán nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan trong hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước quy định các chính sách về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ chủ chốt và các Kiểm toán viên nhà nước.

Điều kiện đảm bảo tiến hành cuộc kiểm toán

Nguyên tắc

33.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục nhằm đảm bảo cuộc kiểm toán chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện sau:

(i)           Có đủ năng lực chuyên môn và khả năng (thời gian và các nguồn lực) để thực hiện cuộc kiểm toán;

(ii)        Tuân thủ các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp;

(iii)      Đã xem xét tính chính trực của đơn vị được kiểm toán và có biện pháp xử lý các rủi ro có thể ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán.

Hướng dẫn cụ thể

Năng lực chuyên môn và khả năng (thời gian và các nguồn lực)

34.       Để xem xét năng lực chuyên môn, khả năng (thời gian và các nguồn lực) để thực hiện một cuộc kiểm toán, cần xem xét các yếu tố sau:

(i)           Sự hiểu biết về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động hoặc các vấn đề có liên quan đối với đơn vị được kiểm toán của Kiểm toán viên nhà nước;

(ii)        Sự am hiểu về các quy định pháp lý, các yêu cầu báo cáo có liên quan đối với đơn vị được kiểm toán hoặc có khả năng đạt được các kiến thức và kỹ năng cần thiết đó một cách hiệu quả của Kiểm toán viên nhà nước;

(iii)      Có đủ nhân sự có năng lực chuyên môn và khả năng cần thiết;

(iv)      Có sẵn chuyên gia (nếu cần thiết);

(v)        Có nhân sự đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu về năng lực để thực hiện việc soát xét kiểm soát chất lượng kiểm toán;

(vi)      Khả năng hoàn thành cuộc kiểm toán trong thời hạn theo quy định.

35.       Với nguồn lực có hạn, Kiểm toán nhà nước phải xây dựng một hệ thống sắp xếp ưu tiên công việc nhằm đảm bảo thực hiện được chức năng, nhiệm vụ và duy trì chất lượng kiểm toán. Trong trường hợp không đủ các nguồn lực có thể phát sinh rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, các đơn vị có liên quan phải báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước.

36.       Kiểm toán nhà nước xây dựng chính sách và thủ tục lập kế hoạch kiểm toán hàng năm căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và khả năng (thời gian và các nguồn lực). Các chính sách và thủ tục đó cũng phải quy định rõ về việc thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán. Cuộc kiểm toán chỉ được thực hiện khi các rủi ro có liên quan đã được đánh giá, quản lý và đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán.

Tính chính trực của đơn vị được kiểm toán

37.       Về tính chính trực của đơn vị được kiểm toán, cần xem xét các vấn đề sau:

(i)           Danh tính của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán;

(ii)        Đặc điểm hoạt động của đơn vị được kiểm toán;

(iii)      Thông tin liên quan đến quan điểm của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán về những vấn đề như việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán và môi trường kiểm soát nội bộ;

(iv)      Xem xét thái độ, phản ứng của đơn vị được kiểm toán đối với việc kiểm toán;

(v)        Các dấu hiệu về sự hạn chế cung cấp thông tin của đơn vị được kiểm toán;

(vi)      Các dấu hiệu đơn vị được kiểm toán có thể tham gia vào các hoạt động không hợp pháp.

38.       Có thể thu thập thông tin về tính chính trực của đơn vị được kiểm toán bằng cách:

(i)           Trao đổi với cơ quan chủ quản, cơ quan thanh tra, kiểm tra và các bên thứ ba như: ngân hàng, luật sư và các đơn vị thuộc cùng lĩnh vực với đơn vị được kiểm toán;

(ii)        Tìm kiếm các cơ sở dữ liệu có liên quan.

39.       Trường hợp nghi ngờ về tính chính trực của đơn vị được kiểm toán, thì cần phải xem xét và đánh giá rủi ro có thể phát sinh từ năng lực của cán bộ, nhân viên, các nguồn lực và bất kỳ vấn đề đạo đức nào của đơn vị được kiểm toán.

Cập nhật thông tin và quản lý rủi ro

40.       Việc duy trì, cập nhật hệ thống thông tin về đơn vị được kiểm toán và đánh giá rủi ro để lựa chọn đơn vị được kiểm toán phải được thực hiện.

41.       Các thủ tục quản lý rủi ro khi thực hiện nhiệm vụ phải được ban hành và thực hiện. Biện pháp giảm thiểu rủi ro có thể gồm:

(i)           Thận trọng xác định phạm vi công việc sẽ thực hiện;

(ii)        Phân công công việc cho những người có kinh nghiệm hơn trong những trường hợp khác thường;

(iii)      Tăng cường kiểm tra, kiểm soát công việc trước khi phát hành báo cáo kiểm toán.

42.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục xem xét và đánh giá rủi ro đối với chất lượng phát sinh từ việc thực hiện kiểm toán đối với tất cả các cuộc kiểm toán.

43.       Kiểm toán nhà nước phải công bố lý do không thực hiện cuộc kiểm toán đã được phê duyệt.

Nguồn nhân lực

Nguyên tắc

44.       Kiểm toán nhà nước xây dựng và ban hành các chính sách và thủ tục đảm bảo nguồn nhân lực đầy đủ, có năng lực, khả năng và cam kết tuân thủ các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp để:

(i)           Thực hiện công việc kiểm toán phù hợp với chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan;

(ii)        Phát hành báo cáo kiểm toán phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Hướng dẫn cụ thể

45.       Để đảm bảo có các kỹ năng và chuyên môn cần thiết thực hiện các công việc, Kiểm toán nhà nước sử dụng nhiều nguồn nhân lực khác nhau, có thể sử dụng chuyên gia bên ngoài. Kiểm toán nhà nước quy định các chính sách và thủ tục để các cá nhân và tổ chức bên ngoài được sử dụng thực hiện công việc kiểm toán phải có đủ năng lực phù hợp để thực hiện công việc đó.

46.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục để đảm bảo các công việc thực hiện được phân giao trách nhiệm rõ ràng và đầy đủ cho từng đơn vị, từng cá nhân tham gia hoạt động kiểm toán.

47.       Để đảm bảo chất lượng và tuân thủ các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp, Kiểm toán nhà nước ban hành các chính sách và thủ tục về nguồn nhân lực gồm:

(i)           Tuyển dụng;

(ii)        Đánh giá hiệu quả công việc;

(iii)      Khả năng thực hiện nhiệm vụ (bao gồm cả thời gian thực hiện công việc được giao theo tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu);

(iv)      Năng lực chuyên môn;

(v)        Phát triển chuyên môn và nghề nghiệp;

(vi)      Cơ hội thăng tiến;

(vii)   Chế độ đãi ngộ;

(viii) Dự tính nhu cầu nhân sự.

48.       Năng lực chuyên môn có thể được nâng cao bằng nhiều phương pháp, trong đó bao gồm:

(i)           Đào tạo chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và tính độc lập cho tất cả các Kiểm toán viên nhà nước;

(ii)        Cập nhật kiến thức thường xuyên;

(iii)      Hội thảo, tập huấn và trao đổi kinh nghiệm làm việc;

(iv)      Các nhân viên có kinh nghiệm hơn hướng dẫn.

49.        Việc duy trì năng lực chuyên môn cho Kiểm toán viên nhà nước phụ thuộc đáng kể vào mức độ cập nhật kiến thức thường xuyên để giúp duy trì kiến thức và khả năng của họ. Các chính sách và thủ tục về nâng cao năng lực chuyên môn phải đề cao sự cần thiết của việc đào tạo thường xuyên cho tất cả các Kiểm toán viên nhà nước; bố trí nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để giúp họ duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng yêu cầu.

50.       Kiểm toán nhà nước đẩy mạnh việc học tập và đào tạo đối với đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước nhằm khuyến khích sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp của họ và đảm bảo được đào tạo phù hợp với sự phát triển nghề nghiệp.

51.       Kiểm toán nhà nước quy định các chính sách và thủ tục đảm bảo Kiểm toán viên nhà nước và các cá nhân, tổ chức bên ngoài tham gia hoạt động kiểm toán phải có hiểu biết đầy đủ về môi trường hoạt động của Kiểm toán nhà nước và hiểu rõ về công việc được yêu cầu thực hiện.

52.       Chất lượng công việc và việc tuân thủ các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp là tiêu chí chính để đánh giá hiệu quả hoạt động của Kiểm toán viên nhà nước, các cá nhân và tổ chức bên ngoài tham gia hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

53.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách, thủ tục quy định rõ ràng trách nhiệm của người phụ trách cuộc kiểm toán. Các chính sách và thủ tục này bao gồm việc giám sát khối lượng, chất lượng, tiến độ công việc để có thể đảm bảo người phụ trách cuộc kiểm toán hoàn thành trách nhiệm của mình.

54.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục bố trí nhân sự phù hợp có trình độ chuyên môn và năng lực cần thiết để:

(i)           Thực hiện hoạt động kiểm toán theo các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan;

(ii)        Phát hành báo cáo kiểm toán phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

55.       Khi phân công nhân sự thực hiện cuộc kiểm toán, quản lý và kiểm soát chất lượng kiểm toán, cần xem xét các vấn đề liên quan đến nhân sự Đoàn kiểm toán bao gồm:

(i)           Hiểu biết và kinh nghiệm thực tế về các cuộc kiểm toán có tính chất và mức độ phức tạp tương tự thông qua việc hướng dẫn, đào tạo và tham gia phù hợp;

(ii)        Hiểu biết về các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan;

(iii)      Kiến thức chuyên môn, bao gồm cả kiến thức về công nghệ thông tin;

(iv)      Kiến thức về các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của đơn vị được kiểm toán;

(v)        Khả năng áp dụng các xét đoán chuyên môn;

(vi)      Hiểu biết về các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của Kiểm toán nhà nước;

(vii)   Đáp ứng các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp.

56.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục đánh giá hiệu quả công việc, chế độ đãi ngộ và cơ hội thăng tiến của Kiểm toán viên nhà nước thể hiện việc ghi nhận khen thưởng xứng đáng với những thành tích và kết quả đạt được trong việc duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn và cam kết tuân thủ các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp. Kiểm toán nhà nước thực hiện các bước sau để duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn và cam kết tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp bao gồm:

(i)           Thông báo cho tất cả Kiểm toán viên nhà nước về yêu cầu của Kiểm toán nhà nước liên quan đến hiệu quả công việc và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp;

(ii)        Hướng dẫn cho Kiểm toán viên nhà nước về đánh giá hiệu quả công việc, sự tiến bộ và phát triển nghề nghiệp;

(iii)      Giúp các Kiểm toán viên nhà nước hiểu rằng việc được đề bạt bổ nhiệm phụ thuộc vào hiệu quả công việc và sự tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và hiểu rằng họ có thể bị kỷ luật nếu không tuân thủ các chính sách và thủ tục của Kiểm toán nhà nước.

Thực hiện hoạt động kiểm toán

Nguyên tắc

57.       Kiểm toán nhà nước xây dựng và ban hành các chính sách, thủ tục để đảm bảo các cuộc kiểm toán được thực hiện theo các chuẩn mực nghề nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan và phát hành các báo cáo kiểm toán phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Các chính sách và các thủ tục đó phải bao gồm:

(i)           Các vấn đề liên quan đến việc tăng cường tính nhất quán về chất lượng thực hiện các hoạt động kiểm toán;

(ii)        Trách nhiệm giám sát;

(iii)      Trách nhiệm soát xét.

Hướng dẫn cụ thể

Tăng cường tính nhất quán về chất lượng thực hiện các hoạt động kiểm toán

58.       Kiểm toán nhà nước quy định các chính sách và thủ tục đề cao tính nhất quán về chất lượng thực hiện các hoạt động kiểm toán, bao gồm:

(i)           Các chính sách, thủ tục và công cụ, phương pháp kiểm toán phù hợp để thực hiện các cuộc kiểm toán, kể cả công việc được thuê ngoài.

(ii)        Chính sách và thủ tục để khuyến khích chất lượng cao và hạn chế hoặc ngăn chặn chất lượng thấp, bao gồm việc tạo lập một môi trường thúc đẩy, khuyến khích sử dụng đúng đắn các xét đoán chuyên môn và thúc đẩy nâng cao chất lượng. Toàn bộ công việc đã thực hiện phải là đối tượng kiểm tra như là một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, thúc đẩy việc học tập kinh nghiệm và phát triển nghề nghiệp.

(iii)      Khi có những vấn đề khó khăn hoặc bất đồng phát sinh, Kiểm toán nhà nước đảm bảo có đủ các nguồn lực phù hợp, như các chuyên gia kỹ thuật, để giải quyết các vấn đề phát sinh đó.

(iv)      Mọi hoạt động kiểm toán đều phải tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp và nếu có điểm nào chưa tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, thì phải đảm bảo rằng các lý do không tuân thủ phải được ghi lại bằng văn bản và phê duyệt phù hợp.

(v)        Tất cả các ý kiến khác nhau trong nội bộ Kiểm toán nhà nước đều phải được ghi lại bằng văn bản và được giải quyết trước khi phát hành báo cáo kiểm toán.

59.       Các chính sách và thủ tục này được phổ biến thông qua các tài liệu hướng dẫn bằng văn bản trên giấy hoặc điện tử, các công cụ phần mềm và các tài liệu hướng dẫn theo từng vấn đề cụ thể. Các vấn đề được hướng dẫn có thể bao gồm:

(i)           Tất cả các thành viên của Đoàn kiểm toán được hướng dẫn để họ có thể nắm được mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm toán;

(ii)        Các quy trình để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp có liên quan;

(iii)      Các quy trình giám sát việc thực hiện kiểm toán, đào tạo và hướng dẫn Kiểm toán viên nhà nước;

(iv)      Các phương pháp soát xét đối với công việc đã thực hiện, các xét đoán quan trọng và báo cáo kiểm toán;

(v)        Lưu hồ sơ về cuộc kiểm toán đã thực hiện và hồ sơ kiểm soát cuộc kiểm toán;

(vi)      Công tác cập nhật, phổ biến tất cả các chính sách và thủ tục liên quan đến cuộc kiểm toán.

60.       Việc đào tạo và làm việc theo nhóm một cách phù hợp sẽ giúp các thành viên ít kinh nghiệm hơn trong nhóm thực hiện cuộc kiểm toán hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ công việc được giao.

Trách nhiệm giám sát

61.       Giám sát việc thực hiện cuộc kiểm toán bao gồm:

(i)           Theo dõi tiến độ công việc;

(ii)        Xem xét về năng lực chuyên môn và khả năng của từng thành viên trong Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán để xem họ có đủ thời gian thực hiện công việc, hiểu các quy định, hướng dẫn và các công việc có được tiến hành theo đúng kế hoạch kiểm toán hay không;

(iii)      Giải quyết những vấn đề quan trọng phát sinh trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán, xem xét tầm quan trọng của các vấn đề đó và điều chỉnh kế hoạch kiểm toán cho phù hợp;

(iv)      Xác định các vấn đề cần tham khảo ý kiến tư vấn hoặc cần được xem xét bởi thành viên nhiều kinh nghiệm hơn trong Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán.

Trách nhiệm soát xét

62.       Các chính sách và thủ tục về trách nhiệm soát xét phải được xác định dựa trên nguyên tắc các thành viên trong Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán có nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực kiểm toán thực hiện soát xét công việc của các thành viên ít kinh nghiệm hơn. Các vấn đề cần được soát xét bao gồm:

(i)           Công việc được thực hiện theo các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan;

(ii)        Những vấn đề quan trọng được nêu ra để xem xét thêm;

(iii)      Việc tham khảo ý kiến tư vấn một cách phù hợp đã được tiến hành và kết quả tư vấn đã được lưu trong tài liệu, hồ sơ;

(iv)      Việc điều chỉnh kế hoạch kiểm toán chi tiết (nội dung, lịch trình và phạm vi công việc thực hiện, nếu có);

(v)        Công việc đã thực hiện hỗ trợ cho các kết luận đưa ra và được lưu trong tài liệu, hồ sơ một cách phù hợp;

(vi)      Việc thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở cho việc phát hành báo cáo kiểm toán;

(vii)   Mức độ đạt được mục tiêu của cuộc kiểm toán.

Tham khảo ý kiến tư vấn

63.       Việc tham khảo ý kiến tư vấn bao gồm thảo luận với các cá nhân có chuyên môn phù hợp bên trong hoặc bên ngoài Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục để có sự đảm bảo hợp lý rằng:

(i)      Việc tham khảo ý kiến tư vấn thích hợp phải được thực hiện đối với các vấn đề phức tạp hoặc dễ gây tranh cãi;

(ii)        Nội dung, phạm vi, kết luận từ việc tham khảo ý kiến tư vấn phải được lưu hồ sơ kiểm toán;

(iii)      Các kết luận từ việc tham khảo ý kiến tư vấn phải được thực hiện khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Soát xét việc kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán

64.       Các chính sách và thủ tục soát xét việc kiểm soát chất lượng kiểm toán quy định:

(i)           Phạm vi, nội dung, phương pháp, trình tự, trách nhiệm và quyền hạn của các cấp trong thực hiện soát xét việc kiểm soát chất lượng kiểm toán;

(ii)        Báo cáo kiểm toán không được phát hành khi chưa hoàn thành soát xét việc kiểm soát chất lượng kiểm toán;

(iii)      Phạm vi soát xét việc kiểm soát chất lượng kiểm toán phụ thuộc vào tính phức tạp của cuộc kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và rủi ro báo cáo kiểm toán có thể không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Việc thực hiện soát xét kiểm soát chất lượng kiểm toán không làm giảm trách nhiệm của lãnh đạo Đoàn kiểm toán;

(iv)      Đánh giá về tính độc lập của các thành viên Đoàn kiểm toán liên quan đến cuộc kiểm toán;

(v)        Đoàn kiểm toán đã tham khảo ý kiến tư vấn cần thiết về các vấn đề còn khác biệt về quan điểm, các vấn đề phức tạp hoặc dễ gây tranh cãi, và các kết luận từ việc tham khảo ý kiến tư vấn;

(vi)      Tài liệu, hồ sơ kiểm toán được lựa chọn để soát xét phản ánh các công việc đã được thực hiện liên quan đến các xét đoán quan trọng và hỗ trợ cho các kết luận của Đoàn kiểm toán;

(vii)   Các tiêu chí về năng lực của người soát xét thông qua trình độ chuyên môn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ soát xét, bao gồm kinh nghiệm và thẩm quyền cần thiết.

(viii) Hồ sơ soát xét việc kiểm soát chất lượng kiểm toán phải được lưu lại.

Khác biệt về quan điểm

65.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục để xử lý và giải quyết các vấn đề còn khác biệt về quan điểm trong nội bộ Đoàn kiểm toán, hoặc giữa lãnh đạo Đoàn kiểm toán với người soát xét việc kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán. Các thủ tục để giải quyết sự khác biệt về quan điểm có thể bao gồm việc tham khảo ý kiến tư vấn của một kiểm toán viên, chuyên gia hoặc một tổ chức nghề nghiệp hoặc cơ quan quản lý Nhà nước. Các chính sách và thủ tục đó phải quy định:

(i)           Các kết luận của cấp có thẩm quyền phải được lưu lại trong hồ sơ kiểm toán và phải được thực hiện;

(ii)        Báo cáo kiểm toán không được phát hành khi những khác biệt về quan điểm chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết và kết luận.

Tài liệu, hồ sơ về cuộc kiểm toán

66.       Kiểm toán nhà nước xây dựng chính sách và thủ tục quy định hồ sơ các cuộc kiểm toán phải:

(i)           Được lập và lưu trữ kịp thời, trong một khoảng thời gian đủ dài để đáp ứng yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và yêu cầu của pháp luật;

(ii)        Đảm bảo duy trì tính bảo mật, sự an toàn, tính toàn vẹn, khả năng tiếp cận và khả năng khôi phục tài liệu, hồ sơ về cuộc kiểm toán;

(iii)      Ngăn chặn khả năng tài liệu, hồ sơ về cuộc kiểm toán bị thay đổi mà không được phép hoặc bị mất.

Giám sát

Nguyên tắc

67.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các quy định giám sát để đảm bảo sự hợp lý rằng các chính sách và thủ tục liên quan đến hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán là phù hợp, đầy đủ và vận hành hiệu lực. Các quy định giám sát phải:

(i)           Xem xét và đánh giá thường xuyên hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán, bao gồm kiểm tra chọn mẫu công việc đã hoàn thành trong toàn bộ các công việc đã thực hiện, ví dụ có thể kiểm tra định kỳ ít nhất một cuộc kiểm toán của một đơn vị trực thuộc;

(ii)        Quy định một đơn vị của Kiểm toán nhà nước có trình độ và kinh nghiệm phù hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát và có đủ quyền hạn thực hiện nhiệm vụ đó;

(iii)      Quy định các cán bộ, nhân viên thực hiện công việc giám sát phải độc lập, không tham gia thực hiện và kiểm soát chất lượng công việc đó.

Hướng dẫn cụ thể

Giám sát các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán

68.       Hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước bao gồm hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán ở tất cả các cấp và hoạt động giám sát độc lập các công việc kiểm soát chất lượng kiểm toán đó. Mục đích của việc giám sát các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán là để đánh giá:

(i)           Sự tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan;

(ii)        Hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán được thiết kế phù hợp và thực hiện hiệu lực;

(iii)      Các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán được áp dụng phù hợp để đảm bảo các báo cáo kiểm toán phát hành là phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

69.       Các thủ tục kiểm tra giám sát bao gồm cả việc kiểm tra đột xuất (không báo trước). Cách tổ chức kiểm tra giám sát có thể tiến hành định kỳ, căn cứ vào:

(i)           Quy mô, nội dung và mức độ phức tạp của cuộc kiểm toán;

(ii)         Kết quả kiểm tra giám sát trước đây;

(iii)      Các rủi ro liên quan đến cuộc kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.

70.       Trường hợp cần thiết, Kiểm toán nhà nước có thể mời một cơ quan, hay một tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện một cuộc đánh giá độc lập đối với hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán của mình.

71.       Có thể sử dụng một số phương pháp giám sát chất lượng kiểm toán sau:

(i)           Kiểm tra một cách độc lập;

(ii)        Khảo sát điều tra các bên có liên quan;

(iii)      Kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán;

(iv)      Phản hồi của đơn vị được kiểm toán.

Đánh giá, trao đổi và khắc phục các khiếm khuyết phát hiện được

72.       Các khiếm khuyết phát hiện được thông qua quá trình giám sát được đánh giá và xác định xem:

(i)           Các khiếm khuyết đó phát sinh nhưng chưa đến mức cho thấy hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán là không đầy đủ, để cung cấp cho Kiểm toán nhà nước sự đảm bảo hợp lý rằng hệ thống đó tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan và các báo cáo kiểm toán do Kiểm toán nhà nước phát hành phù hợp với hoàn cảnh cụ thể; hoặc

(ii)        Các khiếm khuyết đó có tính hệ thống, lặp đi lặp lại hoặc là các khiếm khuyết nghiêm trọng khác cần được sửa chữa kịp thời.

73.       Đơn vị thực hiện giám sát phải trao đổi với lãnh đạo đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, lãnh đạo Đoàn kiểm toán về các khiếm khuyết phát hiện được thông qua quá trình giám sát và đề xuất các hành động khắc phục thích hợp. Kết quả giám sát hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán phải đảm bảo được báo cáo kịp thời cho Tổng Kiểm toán nhà nước để có những biện pháp thích hợp, khi cần thiết.

Xem xét ý kiến phản hồi và khiếu nại

74.       Các chính sách và thủ tục giải quyết các ý kiến phản hồi và khiếu nại về chất lượng kiểm toán phải được xây dựng để đảm bảo hợp lý về việc Kiểm toán nhà nước xử lý phù hợp đối với:

(i)           Các phản hồi và khiếu nại về những công việc thực hiện không tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan;

(ii)        Các ý kiến về hành vi không tuân thủ hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Các thủ tục giám sát yêu cầu phải xây dựng các kênh thông tin rõ ràng để các cán bộ, nhân viên Kiểm toán nhà nước có thể phản ánh các vấn đề họ quan tâm mà không lo sợ bị trù dập.

75.       Các chính sách và thủ tục được xây dựng giải quyết các ý kiến phản hồi và khiếu nại có thể bao gồm các quy định như người giám sát việc giải quyết phải:

(i)           Có đầy đủ kinh nghiệm phù hợp;

(ii)        Có thẩm quyền cần thiết;

(iii)      Không tham gia thực hiện cuộc kiểm toán.

Thành viên đơn vị chủ trì giám sát việc giải quyết có thể xin ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật, nếu cần thiết. Việc công bố báo cáo giám sát và trả lời các ý kiến phản hồi và khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.

Tài liệu, hồ sơ về kiểm soát chất lượng kiểm toán

76.       Kiểm toán nhà nước xây dựng các chính sách và thủ tục quy định về tài liệu, hồ sơ phù hợp để cung cấp bằng chứng về hoạt động của từng yếu tố trong hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán. Tài liệu, hồ sơ về kiểm soát chất lượng kiểm toán phải được lưu trữ theo các quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.

77.       Tài liệu, hồ sơ phù hợp liên quan đến việc giám sát bao gồm:

(i)           Các thủ tục giám sát, kể cả thủ tục lựa chọn các cuộc kiểm toán đã hoàn thành để kiểm tra;

(ii)        Tài liệu, hồ sơ đánh giá về:

·      Việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, và các quy định pháp luật có liên quan;

·      Hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán có được thiết kế phù hợp và được thực hiện hiệu quả;

·      Các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước có được áp dụng phù hợp để các báo cáo kiểm toán phát hành phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

(iii)       Xác định các khiếm khuyết phát hiện được, đánh giá ảnh hưởng của các khiếm khuyết đó và cơ sở xác định các biện pháp thực hiện tiếp theo.

 

 

 

Tổng Kiểm toán Nhà nước

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Vạn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.