THÔNG TƯ
SỐ 35-NV/TC NGÀY 19 THÁNG 8 NĂM 1949 CỦA BỘ NỘI VỤ VÀ BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH THỂ LỆ TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN CHO CÁC CÔNG SỞ
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi các vị Bộ trưởng
Các ông Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu 1,3,4,10
Ông Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính thành phố Hà Nội
Vấn đề nhân viên là một vấn đề quan trọng vì ảnh hưởng đến:
1. Công việc
2. Công quỹ
Có chương trình kế hoạch, nhưng nếu không có nhân viên thi hành thì không làm được việc.
Có người nhưng nếu dùng người không đúng việc thì công việc cũng không chạy mà lại tốn công quỹ.
Vậy liên bộ chúng tôi trân trọng yêu cầu quý (Bộ, Ban) đặc biệt chú ý đến những điểm sau đây:
1. Hợp lý hoá tổ chức: tổ chức nên đơn giản và thích hợp với công việc, không bộ phận nào thừa, không bộ phận nào thiếu;
2. Hợp lý hoá cách dùng nhân viên: dùng người đúng việc không chỗ nào thừa, không chỗ nào thiếu.
3. Kiểm tra hoạt động của các cơ quan thuộc quyền và ấn định cho mỗi cơ quan – lúc lập ngân sách một số nhân viên tối thiểu cần thiết, theo hai nguyên tắc:
a/ Có việc mới có người
b/ tiết kiệm công quỹ.
Nếu xét không có gì trở ngại về phương diện tài chính, Bộ tài chính sẽ ghi số nhân viên đó và kinh phí cần thiết vào ngân sách.
Số nhân viên này sẽ xét lại mỗi năm một lần, trừ trường hợp đặc biệt: lập cơ quan mới, khuyếch trương cơ quan cũ.
Cơ quan sẽ căn cứ vào:
- con số đó
- số dự chi trong ngân sách
mà tuyển dụng nhân viên.
Song số nhân viên đã ghi trong ngân sách 1949 còn thiếu sót, chưa được sát thực, vậy trân trọng yêu cầu quý (Bộ, Ban) ấn định gấp đôi số nhân viên tối thiểu cần thiết và lập một bảng kê theo mẫu số 1 kèm đây, làm 3 bản (2 bản gửi đến Bộ Tài chính và 1 bản gửi Bộ Nội vụ) số nhân viên ghi trong bảng này sau khi Bộ Tài chính thoả thuận, sẽ dùng làm căn cứ cho việc tuyển dụng.
Để việc tuyển dụng nhân viên dược thống nhất và dễ theo dõi, các cơ quan sẽ theo thể thức dưới đây:
Văn kiện tuyển dụng: trước đây, việc tuyển dụng nhân viên trong các cơ quan không được nhất trí, có khi làm quyết định, nghị quyết, phiếu tuyển dụng, có khi lại làm nghị định để tuyển nhân viên tạm thời.
Từ nay các cơ quan sẽ nhất luật áp dụng phiếu tuyển dụng theo mẫu số 2 đính kèm theo, mỗi khi cần tuyển các nhân viên, các nhân viên tạm thời sau:
- Công chức tạm thời các hạng;
- liên lạc viên, giao thông viên;
- công nhân.
Trong phiếu tuyển dụng có ghi những điều cần thiết về mỗi nhân viên, để các cấp trên tiện kiểm soát , các cơ quan có thể biên ngay vào một góc phiếu tuyển dụng những tài liệu về số nhân viên và số kinh phí các cơ quan, theo thông tư liên bộ số 3241-OC/PC ngày 5 tháng 12 năm 1948, phải trình mỗi khi tuyển thêm nhân viên. Như vậy sẽ bớt được một bảng riêng về tình hình nhân viên và ngân sách.
Các cơ quan cần thu thập các giấy tờ để vào hồ sơ lý lịch cho mỗi nhân viên, nhất là:
- Trích lục giấy khai sinh, giấy giá thú, giấy khai sinh của các con, hoặc giấy khai danh dự tạm thay trong trường hợp mất giấy tờ vì chiến sự.
- Bản sao các văn bằng hoặc trích lục học bạ được Ủy ban kháng chiến hành chính từ cấp tỉnh trở lên hoặc Trưởng ty tỉnh thị thực, giấy chứng chỉ văn bằng do Bộ Quốc gia giáo dục cấp, hoặc những giấy chứng nhận về năng lực chuyên nghiệp, trong trường hợp mất giấy tờ vì chiến sự, có thể tạm thay bằng một giấy khai danh dự.
- Giấy khai lý lịch nói trong Thông tư số 81,82-NV/CT ngày 14 và 21 tháng 5 năm 1947 của Bộ Nội vụ.
Khi một nhân viên đã nộp bản sao văn bằng hoặc giấy khai danh dự, thì ghi rõ trong phiếu tuyển: có bằng tiểu học cơ bản, trung học phổ thông thi tại…khoá…v..v để phân biệt những người có văn bằng thực sự với những người khai là đã học đến trình độ nào.
Đối với những người tuyển để giữ một chức vụ từ trưởng ty tỉnh trở lên, các cơ quan, ngoài phiếu tuyển dụng, phải làm một dự án nghị định để Bộ sở quản duyệt, để chính thức bổ nhiệm đương sự vào chức vụ đó.
Thủ tục tuyển dụng: trong giới hạn số người và số tiền dự chi đã ghi vào ngân sách hoặc vào bảng mẫu số 1 được Bộ Tài chính thoả thuận như nói trên thủ tục tuyển dụng sẽ tuỳ hạng nhân viên mà làm như sau:
Công nhân, liên lạc viên, giao thông viên
Các cơ quan từ tỉnh trở lên sẽ làm phiếu tuyển dụng thẳng, song các cơ quan chuyên môn địa phương phải lấy thoả thuận trước của Ủy ban kháng chiến hành chính cấp tương đương.
2. Công chức tạm thời
a/ Hai hạng cán sự và tá sự, thì các cơ quan từ cấp liên khu trở lên sẽ làm phiếu tuyển thẳng, song các cơ quan chuyên môn địa phương phải lấy thoả thuận trước của Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu.
b/ Từ hạng tham sự hoặc trưởng ty trở lên thì phiếu tuyển dụng phải có sự duyệt y của Bộ sở quan.
Các bộ (đối với các cơ quan chuyên môn) các Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu và thành phố Hà Nội (đối với các cơ quan hành chính) sẽ trực tiếp kiểm soát việc tuyển dụng nhân viên của các cơ quan thuộc quyền, và ba tháng một kỳ gửi Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ một bảng kê số nhân viên đã tuyển (mẫu số 3) kèm theo một bản sao những phiếu tuyển dụng (mẫu số 2).
Nếu có những điểm bất hợp lý, Bộ tài chính và Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Bộ, các Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu biết để điều chỉnh.
Trong khi chờ đợi việc tái trù ngân sách và những bảng nhân viên cần thiết theo mẫu số 1, để công việc khỏi bị ngừng trệ, các cơ quan có thể tuyển dụng nhân viên để thay thế những người mới nghỉ việc hay bị thải hồi và trả lương ngay. Dĩ nhiên một bản sao phiếu tuyển dụng sẽ gửi Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ sau.
Thủ tục trên chỉ áp dụng cho việc tuyển dụng nhân viên tạm thời và trong giới hạn số đã định thôi, còn những trường hợp sau này thì bất cứ thuộc về hạng nào và cơ quan nào tuyển cũng đều phải do Bộ sở quan quyết định sau khi thoat hiệp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ:
1/ Tuyển quá số nhân viên ấn định,
2/ Điều kiện lương bổng đặc biệt,
3/ Bổ vào chính ngạch.
Ngày 19 tháng 3 năm 1949