Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về chính sách hỗ trợ, trách nhiệm đóng góp đối với người cai

nghiện ma túy; kinh phí hoạt động và chính sách hỗ trợ

cán bộ làm công tác cai nghiện cộng đồng và quản lý

sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai

__________________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 11

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng;

Căn cứ Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức và hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 117/2007/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 01/10/2007 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn về trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người bán dâm, người nghiện ma túy;

Sau khi xem xét Tờ trình số 103/TTr-UBND ngày 27/11/2007 của UBND tỉnh về Quy định chế độ trợ cấp, trách nhiệm đóng góp đối với người cai nghiện ma túy; kinh phí hoạt động và phụ cấp cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Báo cáo tham tra số 63/BC-VHXH ngày 07/12/2007 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu dự kỳ họp,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Thông qua Chính sách hỗ trợ; trách nhiệm đóng góp đối với người cai nghiện ma túy; kinh phí hoạt và chính sách hỗ trợ cho cán bộ làm công tác cai nghiện cộng đồng và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

- Người nghiện ma túy đang áp dụng hình thức cai nghiện tại các Trung tâm chữa bệnh -Giáo dục - Lao động xã hội; Trung tâm cai nghiện cộng đồng cụm xã vùng cao; Cơ sở cai nghiện tại các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cơ sở cai nghiện cấp xã) và người nghiện ma túy tự cai nghiện tại gia đình.

- Cán bộ cấp xã làm việc theo chế độ kiêm nhiệm tại các cơ sở cai nghiện cấp xã và các câu lạc bộ quản lý sau cai nghiện.

2. Chính sách hỗ trợ cho đối tượng cai nghiện ma túy tại các Trung tâm cộng đồng cụm xã vùng cao, cơ sở cai nghiện cấp xã và cai nghiện ma túy tại gia đình:

2.1. Cai nghiện ma túy tại Trung tâm cộng đồng cụm xã vùng cao:

- Tiền ăn: 210.000đ/người/tháng, thời gian được hỗ trợ tối đa là 6 tháng;

- Tiền thuốc: Bao gồm thuốc hỗ trợ cắt cơn, cấp cứu, thuốc điều trị các bệnh cơ hội khác và chi phí xét nghiệm ma túy: mức tối đa 200.000đ/người/lần chấp hành quyết định;

- Tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết: 80.000đ/người/lần chấp hành quyết định;

- Tiền chi phí hoạt động văn thể: 30.000đ/người/lần chấp hành quyết định;

- Tiền học văn hóa: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình xóa mù chữ và phố cập giáo dục tiểu học;

- Tiền học nghề: Trường hợp người nghiện vào Trung tâm cai nghiện cộng đồng cụm xã vùng cao cai nghiện lần đầu chưa có nghề, có nhu cầu học nghề phù hợp được xét hỗ trợ kinh phí học nghề theo mức tối đa không quá 200.000 đồng/người; Đối với những đối tượng là lao động nông thôn vào cai nghiện tại Trung tâm, trước khi tái hòa nhập cộng đồng được tham gia vào chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn;

- Tiền điện, nước sinh hoạt: 15.000đ/tháng, thời gian được hỗ trợ tối đa là 6 tháng;

-Tiền vệ sinh phụ nữ: 10.000đ/người/tháng.

- Tiền ăn đường: Sau khi chấp hành xong thời gian điều trị cai nghiện tại các Trung tâm cụm xã vùng cao trở về gia đình được hỗ trợ tiền ăn đường 20.000đồng/người/ngày, tối đa không quá 1 ngày.

2.2. Cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện cấp xã:

- Tiền ăn: 150.000đ/người/tháng, thời gian được hỗ trợ tối đa là 3 tháng;

- Tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn và chi phí xét nghiệm: 100.000đ/người/lần chấp hành quyết định. Đối tượng được hỗ trợ tiền ăn và tiền thuốc nêu trên là những người thuộc hộ nghèo theo quy định của Chính phủ.

- Tiền điện, nước sinh hoạt: 15.000 đ/người/tháng, tối đa không quá 3 tháng.

2.3. Người nghiện ma túy tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại gia đình:

Người nghiện ma túy tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại gia đình, được UBND cấp xã chấp nhận được hỗ trợ tiền thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn và chi phí xét nghiệm với mức 200.000đ/người/lần chấp hành quyết định.

3. Kinh phí hoạt động và chính sách hỗ trợ cho cán bộ làm công tác cai nghiện tại cơ sở cai nghiện cộng đồng và quản lý sau cai:

3.1. Kinh phí hoạt động và chính sách hỗ trợ cho cán bộ xã làm việc tại các Trung tâm cai nghiện cộng đồng cụm xã vùng cao:

- Kinh phí hoạt động: 500.000đồng/trung tâm/tháng hoạt động;

- Hỗ trợ cho các cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ, y tế và các cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện khác của Trung tâm, với mức chi là 500.000 đồng/Trung tâm/tháng hoạt động;

- Tiền lập hồ sơ đối tượng vào cai nghiện: 15.000đ/người/đợt.

3.2. Kinh phí hoạt động và chính sách hỗ trợ cho cán bộ xã làm việc tại các cơ sở cai nghiện cấp xã:

- Kinh phí hoạt động: 100.000 đồng/cơ sở/tháng hoạt động;

- Hỗ trợ cho các cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ, y tế và các cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện khác của cơ sở, với mức chi là 300.000đồng/cơ sở/tháng hoạt động;

- Tiền lập hồ sơ đối tượng vào cai nghiện: 15.000đ/người/đợt.

3.3. Kinh phí hoạt động và chính sách hỗ trợ cho Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ quản lý sau cai nghiện:

- Kinh phí hoạt động: 100.000đồng/1 câu lạc bộ/tháng hoạt động;

- Hỗ trợ cho cán bộ Ban chủ nhiệm với mức chi là 500.000đồng/1 câu lạc bộ/tháng hoạt động;

- Xét nghiệm chất ma túy (mua test thử) cho hội viên định kỳ 3 tháng một lần, thời gian theo dõi từ 12-18 tháng.

3.4. Mức hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng:

Người nghiện sau khi chấp hành xong quyết định cai nghiện ma túy lần đầu về địa phương sau một năm không tái nghiện, không vi phạm pháp luật, chưa có việc làm, nếu hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo (được UBND xã xác nhận) thì được UBND cấp huyện xét hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng mức tối thiểu là: 500.000 đồng/người đế tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống.

4. Quy định về trách nhiệm đóng góp:

Những đối tượng cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm cụm xã, các cơ sở cai nghiện cụm xã vùng cao, cơ sở cai nghiện cấp xã; đối tượng bị bắt buộc vào cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tập trung sau khi hết thời gian cai nghiện được hưởng hỗ trợ tại các cơ sở cai nghiện, phải đóng góp chi phí cai nghiện cụ thể như sau:

4.1. Tiền ăn: 240.000đồng/người/tháng.

4.2. Tiền thuốc điều trị cai nghiện, xét nghiệm ma túy: 400.000đồng/người/lần;

4.3. Tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân: 100.000đồng/người/năm;

4.4. Tiền vệ sinh phụ nữ (nếu là phụ nữ): 10.000đồng/người/tháng;

4.5. Tiền chi phí hoạt động văn hóa, thể thao: 30.000đồng/người/đợt;

4.6. Tiền điện, nước sinh hoạt: 15.000đồng/người/tháng;

5. Nguồn kinh phí và phân cấp quản lý:

5.1. Việc quản lý, thu, chi, thanh quyết toán kinh phí cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách và các quy định hiện hành của Nhà nước.

5.2. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách này được chi trả từ nguồn kinh phí đảm bảo xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo; nguồn kinh phí đóng góp và các nguồn kinh phí khác theo quy định.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai giao

1. UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này; hàng năm báo cáo HĐND tỉnh tình hình và kết quả thực hiện chính sách.

2. Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Lào Cai Khóa XIII - Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 13/12/2007.

Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Sùng Chúng