THÔNG TƯ
LIÊN BỘ LÂM NGHIỆP - NỘI VỤ SỐ 2-TT-LB NGÀY 13-1-1986
VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ VẬT TƯ LÂM SẢN.
Rừng và đất rừng nước ta chiếm hơn 60% tổng diện tích tự nhiên, là tài nguyên quý của Quốc gia lại có nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống, là bộ phận quan trọng của môi trường sống, đồng thời cũng là một trong những thế mạnh của miền núi và trung du, có vai trò rất trọng yếu đối với an ninh, quốc phòng, kinh tế và văn hoá công cộng.
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật bảo vệ rừng và quản lý vật tư lâm sản. Ngành Lâm nghiệp đã có nhiều cố gắng thực hiện chủ trương, chính sách nói trên của Đảng và Nhà nước trong kinh doanh phát triển nghề rừng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, phục vụ đời sống dân sinh cả nước.
Nhưng đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo vệ rừng, quản lý vật tư lâm sản của Đảng, Nhà nước đặt ra, thì việc tổ chức thực hiện của ngành Lâm nghiệp và ngành Công an trong những năm qua còn nhiều khuyết điểm, nhược điểm, nổi bật là những năm gần đây nạn phá rừng, đốt gây cháy rừng, lấn rừng trái phép còn đang diễn ra nghiêm trọng làm cho diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng, tài nguyên rừng bị giảm sút, môi trường sinh thái bị tác động xấu về nhiều mặt, tình hình tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp như tình trạng trộm cắp, đầu cơ, tham ô, vận chuyển và kinh doanh trái phép gỗ và lâm sản còn nghiêm trọng. Mâu thuẫn cung cầu về gỗ và lâm sản ngày càng gay gắt, việc quản lý sử dụng còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo, lãng phí.
Để chấp hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (nay là Hội đồng Nhà nước), Nghị quyết số 03-TW của Bộ Chính trị ngày 25-10-1982 về chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng, bá quyền Bắc Kinh cấu kết với đế quốc Mỹ, Nghị quyết số 128-HĐBT ngày 2-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về những biện pháp cấp bách để bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và giữ gìn trật tự an toàn xã hội và các văn bản khác của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, quản lý vật tư lâm sản, hai Bộ Lâm nghiệp - Nội vụ thống nhất ban hành thông tư liên Bộ về công tác bảo vệ rừng, quản lý vật tư lâm sản.
I. YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC BẢO VỆ
1. Bảo vệ và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ an ninh chính trị làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của kẻ địch đối với tài nguyên rừng và vật tư lâm sản.
2. Kiên quyết chặn đứng tình trạng phá rừng trái phép, vận dụng mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng gây cháy rừng, kiên quyết đấu tranh và trừng trị nghiêm ngặt các hiện tượng tham ô, đầu cơ, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép lâm sản, cố ý làm sai chế độ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, vật tư lâm sản, bảo đảm việc cung ứng lâm sản kịp thời, đầy đủ theo yêu cầu kế hoạch Nhà nước và phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.
3. Nêu cao trách nhiệm bảo vệ rừng và quản lý thống nhất vật tư lâm sản trong ngành lâm nghiệp, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng trong việc thực hiện Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng và các văn bản của Nhà nước về thống nhất quản lý vật tư lâm sản, đặc sản rừng, đưa công tác bảo vệ rừng và khai thác, chế biến, cung ứng gỗ và lâm sản đi vào nền nếp.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC BẢO VỆ
Bảo vệ rừng và quản lý vật tư lâm sản là nghĩa vụ và trách nhiệm của Uỷ ban Nhân dân các cấp, các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, công nông lâm trường, các đơn vị vũ trang, hợp tác xã và nhân dân; chủ trương này phải được đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và phải huy động được tất cả bộ máy của Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng tại địa phương thực hiện nhiệm vụ nói trên thì mới đạt được kết quả.
Ngành Lâm nghiệp là ngành chủ quản có trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ rừng và thống nhất quản lý vật tư lâm sản. Ngành Công an có trách nhiệm phối hợp cùng ngành Lâm nghiệp tổ chức các biện pháp bảo vệ rừng, phòng ngừa, điều tra và đề xuất biện pháp xử lý các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Hai ngành Lâm nghiệp - Nội vụ cần tiến hành các mặt công tác cụ thể như sau:
A. Ngành Lâm nghiệp:
Chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện mọi mặt công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa trong ngành Lâm nghiệp, trong đó công tác bảo vệ tài nguyên rừng và vật tư lâm sản có vị trí đặc biệt quan trọng. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong các đơn vị ngành Lâm nghiệp, cụ thể là:
1. Tiến hành thường xuyên và sâu rộng công tác tuyên truyền, giáo dục, phát động phong trào quần chúng bảo vệ rừng, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, công nhân viên trong ngành Lâm nghiệp, xã viên hợp tác xã nghề rừng và nhân dân ở những nơi liền rừng, gần rừng... làm cho mọi người nhận rõ trách nhiệm và nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, thể lệ, Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng, tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ vật tư lâm sản.
2. Trên diện tích rừng, đất rừng được giao, Giám đốc các Sở Lâm nghiệp, các Liên hiệp lâm nông công nghiệp, lâm trường, xí nghiệp, các khu rừng cấm, vườn Quốc gia; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ nhiệm các hợp tác xã phải chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế trước Nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ rừng và quản lý vật tư lâm sản. Mọi việc mở mang để sản xuất kinh doanh bao gồm khai thác, tu bổ, trồng rừng... nhất thiết phải có thiết kế kinh doanh và phải thực hiện nghiêm chỉnh quy trình, quy phạm kỹ thuật của Nhà nước và Bộ Lâm nghiệp đã ban hành.
3. Gỗ và các loại lâm sản, đặc sản rừng đã khai thác phải được bảo vệ, vận chuyển kịp thời ra các kho. Hạn chế và tiến tới chấm dứt tệ chặt cây, phá rừng bừa bãi, để gỗ, lâm sản trong rừng gây nên cháy, ải mục mất phẩm chất, lãng phí. Các Liên hiệp lâm nông công nghiệp, lâm trường, hợp tác xã... được giao nhiệm vụ khai thác phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ tiêu giao nộp gỗ, lâm sản cho cơ quan cung ứng lâm sản theo chỉ thị số 15-CNR ngày 25-4-1981 và Quyết định số 456-CNR ngày 15-5-1985 của Bộ Lâm nghiệp. Các đơn vị sản xuất, cung ứng vật tư lâm sản phải thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định số 17-CP ngày 3-2-1972 của Hội đồng Chính phủ về việc quản lý thống nhất khai thác, thu mua, phân phối gỗ và các cơ sở cưa xẻ gỗ.
4. Các Liên hiệp chế biến cung ứng lâm sản, các Công ty lâm sản địa phương, Tổng công ty xuất nhập khẩu lâm sản trên địa bàn được giao phải tổ chức quản lý, bảo vệ, cung ứng kịp thời lâm sản cho yêu cầu sản xuất theo kế hoạch đã định, không được để gỗ tồn đọng gây mối mọt, mục ải, mất mát tại các kho; có kế hoạch bảo vệ chặt chẽ gỗ, lâm sản vận chuyển trên đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, nhất là trong mùa mưa, bão, lũ. Quản lý và sử dụng phương tiện vận chuyển chuyên dùng và các cơ sở cưa xẻ gỗ theo đúng Quyết định số 68-HĐBT ngày 20-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý thống nhất ô-tô chuyên dùng vận chuyển gỗ và các cơ sở cưa xẻ gỗ dân dụng vào ngành Lâm nghiệp. Thông tư số 9-TTLB ngày 29-1-1985 của liên Bộ Lâm nghiệp - Nội vụ hướng dẫn thực hiện quyết định trên của Hội đồng Bộ trưởng, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định hiện hành của Bộ Lâm nghiệp về thủ tục vận chuyển lâm sản. Nghiêm cấm việc bán gỗ, lâm sản ngoài kế hoạch không có lệnh của Hội đồng Bộ trưởng và Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Kiểm tra chặt chẽ các ngành, các địa phương, các đơn vị chế biến trong việc chấp hành chế độ, chính sách về quản lý sử dụng gỗ, lâm sản, phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quyết toán vật tư theo Quyết định số 195-HĐBT ngày 14-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng và Chỉ thị số 15-CNR ngày 6-6-1984 của Bộ Lâm nghiệp.
5. Tất cả các liên hiệp, các xí nghiệp, các công ty sản xuất kinh doanh, chế biến cung ứng lâm sản phải chú ý cải tiến về cơ chế quản lý, cải tiến chế độ xuất nhập, cung ứng vật tư lâm sản đối với từng mặt hàng cụ thể, từng khâu trong dây chuyền sản xuất, gắn với nhiệm vụ và trách nhiệm, chế độ thưởng phạt về lương, tiền... nhằm thực hiện tốt Nghị định số 217-CP ngày 8-6-1979 của Hội đồng Chính phủ về 4 chế độ (chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân), mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, củng cố bổ sung các nội quy, chế độ bảo vệ ở khu vực kho tàng, bãi bến, cơ quan, xí nghiệp. Tiến tới chấm dứt mọi việc thanh lý rừng trồng không thành rừng, gỗ và lâm sản bị cháy, bị mục ải, mất mát,... trừ trường hợp do thiên tai, địch hoạ đột xuất.
6. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các đơn vị, địa phương trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, của ngành về công tác bảo vệ rừng và quản lý vật tư lâm sản. Nghiên cứu dự thảo trình Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm vật tư lâm sản; sửa đổi bổ sung kịp thời các văn bản của ngành về các biện pháp công tác bảo vệ rừng, khai thác, chế biến, cung ứng lâm sản cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, cơ chế quản lý mới.
7. Tiến hành công tác điều tra cơ bản, phân loại cán bộ làm trong sạch nội bộ, phát hiện kịp thời những người không đủ phẩm chất chính trị, sa đoạ biến chất ra khỏi các bộ phận thiết yếu, quan trọng như quản lý sản xuất, kế hoạch, vật tư, cung ứng, tài vụ, kiểm lâm nhân dân, vận chuyển, thủ kho, bảo vệ, v.v... Bảo đảm bộ máy tổ chức trong sạch vững mạnh đủ sức làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho mỗi đơn vị cơ sở. Chú ý củng cố lực lượng bảo vệ, kiểm lâm nhân dân, thanh tra vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức, được trang bị các thứ cần thiết, và tạo điều kiện cho lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ.
8. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, kiểm sát, toà án để kịp thời điều tra, xử lý nghiêm minh những vụ phá hoại, gây cháy rừng, phá rừng trái phép, gây thiệt hại tài nguyên rừng nghiêm trọng; những vụ tham ô, trộm cắp, đầu cơ buôn bán tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản; những cá nhân, đơn vị làm trái chế độ, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo vệ rừng, quản lý vật tư lâm sản hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng và vật tư lâm sản.
9. Tham mưu cho cấp uỷ, Uỷ ban Nhân dân các cấp tổ chức các biện pháp bảo vệ rừng, quản lý vật tư lâm sản, tạo được mối quan hệ phối hợp bảo vệ rừng giữa các đơn vị ngành Lâm nghiệp với các đơn vị khác và nhân dân địa phương. Có chế độ khen thưởng thoả đáng về tinh thần, vật chất cho những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ rừng và quản lý vật tư lâm sản, nghiêm khắc xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng và các chế độ, chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp.
10. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội tổ chức triển khai đến tận cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 124-CT ngày 3-9-1981 của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam về việc bảo vệ rừng, nghiêm cấm chặt phá rừng.
B. Ngành Công an.
Chịu trách nhiệm tiến hành mọi biện pháp để phòng ngừa và đấu tranh chống bọn phản cách mạng, bọn tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự và cùng với các đơn vị của ngành Lâm nghiệp phối hợp bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự an toàn xã hội các cơ sở sản xuất, kinh tế, dịch vụ của ngành lâm nghiệp và nhân dân nơi liền rừng, gần rừng. Cụ thể là:
1. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành Lâm nghiệp tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với mọi hành vi phá hoại tài nguyên rừng, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. Tuyên truyền giáo dục tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản cho cán bộ chiến sỹ công an nhân dân, cán bộ nhân dân nơi có rừng, liền rừng. Tiến hành điều tra xử lý nghiêm minh mọi âm mưu, hành động chống đối, phản tuyên truyền và phá hoại kinh tế trong việc cải tạo và phát triển nghề rừng.
2. Giúp ngành Lâm nghiệp phát hiện những người không đủ tư cách, phẩm chất chính trị, sa đoạ, biến chất, quan hệ sinh hoạt bất minh, bọn gian thương móc ngoặc với các phần tử xấu trong nội bộ đầu cơ, ăn cắp gỗ v.v... kiến nghị điều chuyển ra khỏi những bộ phận thiết yếu quan trọng có liên quan đến tài sản. Có kế hoạch giúp ngành Lâm nghiệp xây dựng lực lượng kiểm lâm nhân dân, lực lượng bảo vệ chuyên trách, và các thiết bị phòng chữa cháy rừng; giúp huấn luyện nghiệp vụ (điều tra, phòng ngừa, ngăn chặn).
3. Trên từng địa phương, địa bàn công tác, các đơn vị công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp với lực lượng kiểm lâm nhân dân, lực lượng bảo vệ rừng quản lý, giáo dục các đối tượng chuyên lén lút phát, đốt trái phép rừng làm nương, chặt trái phép cây rừng, săn bắt trái phép chim thú, buôn bán trái phép lâm sản; tham gia cùng lực lượng kiểm lâm nhân dân, quân đội nhân dân mở những đợt truy quét bọn phá rừng, xoá các tụ điểm buôn bán lâm sản.
4. Phối hợp chặt chẽ với ngành Lâm nghiệp từ Trung ương đến các đơn vị cơ sở phát hiện và đấu tranh với những cá nhân, đơn vị vi phạm chế độ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lâm nghiệp. Kiên quyết đưa ra xử lý trước pháp luật những vụ phá rừng trái phép, gây cháy rừng, tham ô, đầu cơ, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép lâm sản gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Đối với những vụ vi phạm nếu thấy có những dấu hiệu phạm tội, thì cơ quan công an phối hợp ngay với cơ quan kiểm lâm nhân nhân tiến hành điều tra, lập hồ sơ chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân truy tố trước pháp luật.
5. Thường xuyên theo dõi phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý vật tư lâm sản để thông báo cho ngành Lâm nghiệp và kiến nghị các biện pháp khắc phục.
6. Hỗ trợ lực lượng kiểm lâm nhân dân khi có yêu cầu để kiểm soát việc vận chuyển gỗ và lâm sản, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các vi phạm về vận chuyển trái phép gỗ và lâm sản.
7. Kịp thời nắm tình hình phát hiện mọi sự va chạm giữa các đơn vị lâm nghiệp với nhân dân địa phương và với các cơ quan khác để đề xuất với cấp uỷ, chính quyền các biện pháp giải quyết.
C. Đối với Uỷ ban Nhân dân các cấp:
Công tác quản lý bảo vệ rừng, sản xuất kinh doanh khai thác, chế biến lâm sản có liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương và thường có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Vì vậy, công tác bảo vệ rừng, quản lý thống nhất vật tư lâm sản phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương các cấp mới huy động được sức mạnh tổng hợp cùng tham gia, trong đó lực lượng kiểm lâm nhân dân và lực lượng công an nhân dân làm nòng cốt. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm nhân dân và lực lượng công an nhân dân phải xác định là lực lượng tham mưu và xung kích của cấp uỷ và chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp sau đây:
1. Phát động phong trào quần chúng bảo vệ rừng, quản lý vật tư lâm sản và các vật tư tài sản khác của ngành Lâm nghiệp cho cán bộ, công nhân viên các đơn vị, cơ quan và nhân dân địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trách nhiệm cho mọi người, mọi cơ quan trong công tác bảo vệ và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng, các chế độ, thể lệ, pháp luật về lâm nghiệp.
2. Thực hiện quyền quản lý Nhà nước trên phạm vi lãnh thổ theo đúng Nghị quyết số 52-HĐBT ngày 23-2-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến quản lý các lâm trường quốc doanh và các văn bản pháp luật khác của Nhà nước, của Bộ Lâm nghiệp. Đặc biệt có biện pháp nghiêm cấm phá rừng trái phép làm nương rẫy và trồng cây công nghiệp. Khi cần tổ chức các nông trường trồng cây công nghiệp phải có quy hoạch xin phép được cấp có thẩm quyền xét duyệt; tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng chống sâu bệnh bảo đảm giữ cho được diện tích rừng hiện còn, chống mọi hành vi tiêu cực tác động vào rừng và vật tư lâm sản.
3. Có kế hoạch cụ thể chỉ đạo ngành Lâm nghiệp, Công an nhân dân và các ngành khác trong địa phương triển khai thực hiện thông tư này. Định kỳ nghe thủ trưởng hai ngành Lâm nghiệp và Công an nhân dân báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
4. Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị tổ chức thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong thông tư này.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này sau khi ban hành, hai Bộ Lâm nghiệp - Nội vụ có kế hoạch, biện pháp cụ thể hướng dẫn cho từng ngành để quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh, đồng thời hai Bộ thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình kết quả thực hiện Thông tư này. Cuối quý IV hàng năm, lãnh đạo hai Bộ họp để đánh giá kết quả thực hiện Thông tư này và đề ra biện pháp thực hiện cho năm tới.
2. Giám đốc các Sở Lâm nghiệp, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố, đặc khu có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cho lực lượng mình tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện triệt để Thông tư này và các thông tư liên Bộ Lâm nghiệp - Nội vụ số 4-TTLB, số 9-TTLB đã ban hành và chủ trì họp các ngành có liên quan triển khai thực hiện.
3. Hàng quý, 6 tháng Giám đốc Công an tỉnh, thành phố và đặc khu, Giám đốc Sở Lâm nghiệp họp kiểm điểm kết quả thực hiện ở địa phương mình, làm báo cáo lên cấp uỷ, chính quyền địa phương và hai Bộ.
4. Ba tháng, 6 tháng một lần các Cục cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế, phòng cháy chữa cháy (Bộ Nội vụ), Cục kiểm lâm nhân dân, Ban thanh tra,
phòng bảo vệ nội bộ (Bộ Lâm nghiệp) họp giao ban để kiểm điểm việc thực hiện Thông tư này, Cục Kiểm lâm nhân dân chuẩn bị nội dung.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.