THÔNG TƯ
Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ
__________________
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;
Căn cứ Luật Quản lý Thuế ngày 29/11/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế ngày 20/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Đối với các dự án đầu tư khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính (đối với đường quốc lộ) hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với đường địa phương).
Điều 2. Điều kiện thực hiện thu phí
Loại đường bộ được tổ chức thực hiện thu phí phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp công trình đường bộ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trạm thu phí phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định, cụ thể:
a) Đối với đường quốc lộ, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu phí của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
b) Đối với đường địa phương, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Văn bản ban hành quy hoạch mạng lưới trạm thu phí đường địa phương và quyết định thành lập trạm thu phí của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đồng thời gửi cho Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.
Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương).
3. Hoàn thành các công trình phụ trợ phục vụ việc thu phí, như: xây dựng trạm thu phí (như địa điểm bán vé, kiểm soát vé), hệ thống chiếu sáng, đầy đủ các loại vé thu phí, bộ máy tổ chức thu và kiểm soát vé.
4. Đã được Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu phí đường đối với quốc lộ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ra nghị quyết quy định mức thu đối với đường địa phương phù hợp với loại đường dự kiến thu phí.
Điều 3. Đối tượng chịu phí
Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ bao gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Điều 4. Người nộp phí
Người (Việt Nam và nước ngoài) trực tiếp điều khiển phương tiện thuộc đối tượng chịu phí quy định tại Điều 3 Thông tư này phải trả phí sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí theo quy định.
Điều 5. Các trường hợp được miễn phí
1. Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu.
2. Xe cứu hỏa.
3. Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa.
4. Xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão.
5. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân.
Ngoài ra, đối với xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng còn bao gồm các phương tiện cơ giới đường bộ mang biển số: nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm (dưới đây gọi chung là biển số màu đỏ) có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (không phải là xe vận tải thùng rỗng) như: công trình xa, cẩu nâng, téc, tổ máy phát điện. Riêng xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, mang biển số màu đỏ (không phân biệt có chở quân hay không chở quân).
Xe chuyên dùng phục vụ an ninh (dưới đây gọi chung là xe ô tô) của các lực lượng công an (Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố, Công an quận, huyện) bao gồm:
a) Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: Trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ: “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”.
b) Xe ô tô cảnh sát 113 có có in dòng chữ: “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe.
c) Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe.
d) Xe ô tô của lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ sử dụng một trong các tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp.
đ) Xe ô tô vận tải có mui che và được lắp ghế ngồi trong thùng xe chở lực lượng công an làm nhiệm vụ.
e) Xe đặc chủng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn.
6. Đoàn xe đưa tang.
7. Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường.
8. Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé “Phí đường bộ toàn quốc” được quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính không phải nộp phí khi qua trạm thu phí.
9. Miễn phí sử dụng cầu, đường bộ quốc lộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.
10. Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
Chương II
KHUNG MỨC THU VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU PHÍ
Điều 6. Khung mức thu phí
1. Khung mức thu phí được thực hiện theo Biểu khung mức thu phí tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Mức thu phí tại Biểu khung mức thu phí đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Định kỳ 03 năm kể từ năm 2016 trở đi, căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh mức thu phí quy định tại Thông tư này bảo đảm nguyên tắc của pháp luật về phí, lệ phí.
2. Mức thu phí cụ thể đối với từng dự án do Bộ Tài chính (đối với đường quốc lộ) hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với đường địa phương) quy định phù hợp với cấp đường và độ dài đoạn đường thu phí theo dự án đầu tư được duyệt và đề nghị của nhà đầu tư.
Điều 7. Thủ tục ban hành văn bản quy định thu phí
Thủ tục ban hành văn bản quy định mức thu phí áp dụng đối với các loại đường bộ quy định tại Điều 6 Thông tư này thực hiện như sau:
1. Chậm nhất trước 90 ngày kể từ ngày dự kiến tổ chức thu phí, nhà đầu tư phải gửi Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đường địa phương) công văn đề nghị quy định mức thu, kèm theo hồ sơ:
a) Dự án đầu tư đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trong đó ghi rõ cấp đường và độ dài đoạn đường thu phí, mức thu được duyệt theo dự án), thời hạn hoàn thành việc xây dựng và đưa công trình vào sử dụng.
b) Đề án thu phí, bao gồm: trạm thu phí (tự động, bán tự động, thủ công, các điều kiện về điện chiếu sáng), dự kiến mức thu (nếu khác với mức thu đã ghi trong dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì phải nêu rõ lý do), dự kiến khả năng nguồn thu, hiệu quả thu phí và thời hạn hoàn vốn.
2. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét ban hành văn bản quy định thu phí, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức thu phí. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức thu phí địa phương quản lý thì phải gửi nghị quyết đó cho Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải để theo dõi thực hiện.
Điều 8. Quản lý, sử dụng phí và hạch toán
Số tiền phí thu được là doanh thu hoạt động kinh doanh của đơn vị. Đơn vị thu phí có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện quản lý, sử dụng và hạch toán kết quả kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Chứng từ thu phí
1. Chứng từ thu phí đường bộ được gọi chung là vé. Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng vé thực hiện theo hướng dẫn về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ của Bộ Tài chính.
Trường hợp thu phí không dừng thanh toán qua ngân hàng (hoặc tổ chức khác), đơn vị thu phí thực hiện ủy nhiệm cho ngân hàng (hoặc tổ chức) xuất hóa đơn cho chủ phương tiện theo quy định pháp luật về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ.
2. Các loại vé: Vé thu phí tại từng trạm thu phí gồm các loại: Vé lượt, vé tháng và vé quý.
a) Vé thu phí trạm có đặc điểm chung như sau:
- Vé thu phí trạm dùng để thu phí đối với phương tiện tham gia giao thông qua một trạm thu phí nơi phát hành vé. Vé phát hành cho trạm thu phí nào thì chỉ có giá trị sử dụng tại trạm thu phí đó (không có giá trị tại trạm thu phí khác).
- Vé tháng, vé quý có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên vé, quá thời hạn ghi trên vé thì vé không còn giá trị sử dụng. Vé đã bán ra thì không được hoàn trả lại tiền hoặc đối trừ phí phải nộp của xe khác; trừ trường hợp trạm thu phí bị dừng thu theo quyết định của nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Vé lượt bán theo loại phương tiện tương ứng với mệnh giá in trên vé, không ghi biển số phương tiện; Vé tháng, vé quý bán theo loại phương tiện tương ứng với mệnh giá ghi trên vé, nhưng phải ghi rõ: thời hạn sử dụng và biển số phương tiện.
- Các loại vé lượt, vé tháng, vé quý thu phí tại từng trạm thu phí bán rộng rãi cho mọi đối tượng có nhu cầu.
b) Đặc điểm cụ thể của từng loại vé thu phí:
- Vé lượt: Dùng để thu phí đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí nơi phát hành một lượt. Vé lượt được in mệnh giá theo mức thu lượt quy định tương ứng với từng loại phương tiện.
- Vé tháng: Dùng để thu phí đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí nơi phát hành trong một tháng, kể từ ngày 01 đến ngày kết thúc tháng theo thời hạn ghi trên vé.
Vé tháng được in sẵn mệnh giá tháng tương ứng với từng loại phương tiện. Mệnh giá vé tháng bằng 30 (ba mươi) lần mệnh giá vé lượt.
- Vé quý: Phát hành theo thời hạn quý (I, II, III, IV) trong năm dương lịch, dùng để thu phí đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí nơi phát hành trong một quý kể từ ngày 01 của tháng đầu quý đến ngày kết thúc quý theo thời hạn ghi trên vé.
Vé quý được in sẵn mệnh giá quý tương ứng với từng loại phương tiện. Mệnh giá vé quý bằng 3 (ba) lần mệnh giá vé tháng và chiết khấu 10% (để khuyến khích, thu hút việc mua vé quý).
c) Vé tháng, vé quý bán theo thủ tục quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân mua vé phải xuất trình cho người bán vé giấy chứng nhận đăng ký phương tiện tham gia giao thông (bản sao) để mua vé theo mức thu tương ứng với loại phương tiện và tải trọng thiết kế của phương tiện.
- Người bán vé phải ghi đầy đủ vào vé: biển số đăng ký, thời hạn sử dụng vé.
Tổ chức, cá nhân mua vé thu phí, căn cứ vào điều kiện thực tế của mình để lựa chọn phương thức thanh toán: bằng tiền mặt, séc, chuyển khoản hoặc ủy nhiệm chi trích tiền từ tài khoản chuyển sang tài khoản của đơn vị thu phí.
d) Vé thu phí vừa là chứng từ kiểm soát khi phương tiện đi qua trạm thu phí, vừa là chứng từ thanh toán.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Tổ chức, cá nhân thu phí (dưới đây gọi chung là đơn vị thu phí) có trách nhiệm:
a) Thực hiện thông báo công khai (kể cả niêm yết tại nơi bán vé) về đối tượng thuộc diện trả tiền phí, đối tượng được miễn phí, mức thu và thủ tục thu, nộp phí.
b) Tổ chức các điểm bán vé thuận tiện theo quy định: Tổ chức các điểm bán vé tại trạm thu phí thuận tiện cho người điều khiển phương tiện giao thông và tránh ùn tắc giao thông; bán kịp thời, đầy đủ các loại vé theo yêu cầu của người mua.
c) Thực hiện khai, nộp, quản lý, sử dụng phí thu được; công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ theo quy định.
2. Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng; thông báo cho các đơn vị thu phí (theo thẩm quyền quản lý) thực hiện thu phí theo đúng quy định tại Thông tư này; kiểm tra, giám sát việc thu, nộp phí của các đơn vị thu phí theo quy định.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.
2. Bãi bỏ Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ và Thông tư số 51/2011/TT-BTC ngày 22/4/2011 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004.
3. Đối với các trạm thu phí đang thực hiện thu phí theo văn bản quy định cho từng trạm thực hiện như sau:
a) Về mức thu phí, quản lý, sử dụng phí thu được: Tiếp tục thực hiện theo quy định thu phí cho từng trạm cho đến khi có văn bản thay thế.
b) Các quy định về đối tượng chịu phí, chứng từ thu phí đã dẫn chiếu, theo quy định tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
4. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.