THÔNG TƯ
CỦA BỘ XÂY DỰNG
Hướng dẫn thực hiện nghịi định số 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ đối với mặt hàng của Chính phủ đối với mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện ở đô thị
Vật liệu xây dựng là nguyên vật liệu chủ yếu tạo thành công trình xây dựng. Trong quá trình lưu thông trên thị trường, vật liệu xây dựng phần lớn là loại hàng hoá có khối lượng lớn, cồng kềnh khi vận chuyển, trong quá trình tồn trữ, mua bán; một số loại dễ gây bụi bẩn, dễ cháy, ảnh hưởng đến môi trường và trật tự quản lý xã hội đặc biệt là ở các đô thị.
Nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến môi trường vệ sinh cảnh quan đường phố và trật tự quản lý đô thị đồng thời nhằm bảo đảm chất lượng vật liệu xây dựng cho người tiêu dùng.
Căn cứ vào Nghị định số 02-CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ quy định về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Thương mại và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện đối với mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện ở đô thị như sau:
I. QUY ĐINH CHUNG
1. Mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động kinh doanh thương mại đối với mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện không phân biệt thành phần kinh tế là của Việt Nam hay nước ngoài phải có địa điểm kinh doanh phù hợp với các điều kiện quy định tại Thông tư này.
2. Địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng bao gồm các cửa hàng, trạm, kho tàng, bến bãi, có tồn trữ, trưng bày vật liệu xây dựng nhằm trực tiếp bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn gọi chung là đô thị.
3. Danh mục chi tiết mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện:
Xi măng;
Vôi xây dựng;
Cát, đá, sỏi;
Gạch, ngói, tấm lợp amiăng xi măng, tấm lợp kim loại, bê tông đúc sẵn;
Các loại ống thép, ống nhựa;
Sắt thép xây dựng;
Gỗ, tre, nứa lá, tấm lợp nhựa, cót ép, giấy dầu;
Phụ gia các loại.
II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC MẶT HÀNG
VẬT LIỆU XÂY DỰNG KINH DOANH
CÓ ĐIỀU KIỆN
Theo Điều 9.2a Nghị định số 02-CP ngày 5-1-1995, tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng phải có điều kiện địa điểm phù hợp. Cụ thể:
1. Các điều kiện chung
Phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng nhà, đất nơi đặt địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng.
Địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng phải:
Phù hợp với các yêu cầu về quy hoạch đô thị;
Bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị;
Bảo đảm trật tự an toàn giao thông: không xâm lấn vỉa hè, lề đường lòng đường;
Phải có biển bảng ghi rõ, tên cửa hàng và tên doanh nghiệp hoặc họ tên chủ cá nhân kinh doanh.
2. Các điều kiện cụ thể
a. Đối với xi măng:
Xi măng là loại vật liệu dễ gây bụi, địa điểm kinh doanh xi măng không được đặt ở đường phố trung tâm đô thị; nếu bán lẻ dưới 50kg - 1 bao thì phải có dụng cụ, bao bì đóng gói cân đong cho khách hàng.
Thời tiết mưa hoặc nơi ẩm ướt dễ ảnh hưởng làm giảm chất lượng xi măng. Việc tồn trữ xi măng phải có kho kín, khô ráo. Những nơi tồn trữ và xuất xi măng rời phải bố trí ở các khu vực ven đô.
Địa điểm kinh doanh xi măng phải có bảng giá và trọng lượng bao xi măng niêm yết công khai tại nơi bán hàng.
b. Đối với vôi xây dựng
Vôi xây dựng là loại vật liệu: ở dạng cục dễ gây bụi, khi gặp nước phản ứng sinh nhiệt cao, có thể gây bỏng chết người, ở dạng lỏng, dễ ăn da, gây bẩn đường xá và các công trình xung quanh.
Địa điểm kinh doanh vôi chỉ được đặt ở các khu vực ven đô thị. Việc tồn trữ vôi cục phải có kho kín hoặc bao bì chống ẩm, đặt nơi cao ráo có thể ngăn ngừa ngập lụt nước bất thường. Việc tôi vôi và dự trữ vôi tôi phải bằng thùng, bể bê tông có nắp đậy hoặc hố đào có nắp đậy và có hàng rào che chắn đặt ở nơi khuất ít người qua lại, có biển cấm báo hiệu hố vôi.
Người kinh doanh vôi xây dựng chỉ được bán và xuất hàng lên các phương tiện vận tải hoặc bao bì bảo đảm khi vận chuyển trên đường phố vương vãi, gây bẩn và vào các giờ trong ngày do chính quyền địa phương quy định được phép vận chuyển trên đường phố.
c. Đối với gạch, ngói tấm lợp amiăng, tấm lợp kim loại sắt thép, đá, cát, sỏi, các loại ống thép.
Đây là các loại vật liệu cồng kềnh, có khối lượng lớn dễ sinh bụi, khi mua bán vận chuyển trong đô thị dễ gây cản trở, ùn tắc giao thông và dễ gây ra mất vệ sinh đường phố.
Địa điểm kinh doanh các loại vật liệu này phải đặt ở những nơi tránh các đường phố trung tâm và phải có đủ bến bãi để tập kết thuận tiện cho phương tiện vận tải ra vào, nơi kê xếp phải ngăn nắp gọn gàng, tránh đổ vỡ gây tai nạn cho người qua lại.
Người kinh doanh các loại vật liệu này chỉ được bán và xuất hàng lên các phương tiện vận tải bảo đảm không gây bụi, không vương vãi, không quá kích thước (chiều cao, chiều dài, chiều rộng) của lô hàng chất xếp lên phương tiện và phải vào các giờ trong ngày do chính quyền địa phương quy định được phép vận chuyển trên đường phố.
d. Đối với gỗ, tre, nứa, lá, tấm lợp nhựa, ống nhựa, cót ép, giấy dầu:
Đây là loại vật liệu cồng kềnh, dễ cháy, có mùi hôi (tre, luồng, nứa ngâm). Vì vậy, người kinh doanh các loại vật liệu này phải chấp hành các điều kiện quy định ở điểm c nêu trên. Ngoài ra, nơi tồn trữ các loại vật liệu này phải không đặt gần nơi sinh lửa và phải có các biện pháp, nội quy phòng cháy chữa cháy hữu hiệu.
e. Đối với phụ gia các loại
Phụ gia là loại vật liệu được dùng trong xây dựng và công nghiệp vật liệu xây dựng. Nó cũng là dạng hoá chất ở dạng dung dịch lỏng, dạng bột khi trao đổi mua bán trên thị trường dễ gây bẩn, ô nhiễm môi trường nguồn nước. Việc tồn trữ và vận chuyển phụ gia phải có đóng gói đối với dạng bột, thùng, téc chứa có dụng cụ xuất rót an toàn đối với dạng lỏng và không được đặt ở nơi gần nguồn nước, giếng nước ăn, ao hồ.
III. THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP GIẤY
CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH
Tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng có điều kiện, bảo đảm các điều kiện quy định ở mục II trên đây, được xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (theo mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo).
1. Sở Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân có địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
2. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng (có thể là các bản sao có công chứng).
a. Đối với các doanh nghiệp đã được cấp Đăng ký kinh doanh trước ngày 1-7-1995 hồ sơ gồm có:
Đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
Bản kê khai về địa điểm kinh doanh (địa chỉ, diện tích, mặt hàng);
Giấy phép xây dựng hoặc giấy chứng nhận sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê, mượn, mua bán nhà đất hợp pháp, nơi đặt địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng (gọi chung là giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng nhà, đất).
b. Nếu doanh nghiệp xin mở Chi nhánh, hoặc Văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố khác, có nhu cầu địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, hồ sơ gồm có:
Giấy phép của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép mở Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện.
Bản kê khai về địa điểm kinh doanh (địa chỉ, diện tích, mặt hàng).
Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng nhà, đất nơi đặt địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng.
c. Đối với doanh nghiệp chưa được cấp Đăng ký kinh doanh từ ngày 1-7-1995, hồ sơ gồm có:
Quyết định hoặc Giấy phép lập doanh nghiệp;
Bản kê khai về địa điểm kinh doanh (địa chỉ, diện tích, mặt hàng);
Bản kê khai về địa điểm kinh doanh (địa chỉ, diện tích, mặt hàng);
Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng nhà, đất nơi đặt địa điểm kinh doanh.
d. Đối với các doanh nghiệp xin bổ sung Đăng ký kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng, hồ sơ gồm có:
Quyết định hoặc Giấy phép bổ sung ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng;
Bản kê khai về địa điểm kinh doanh (địa chỉ, diện tích, mặt hàng);
Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng nhà, đất nơi đặt địa điểm kinh doanh.
e. Đối với cá nhân theo Nghị định số 66-HĐBT, kinh doanh vật liệu xây dựng, hồ sơ gồm có:
Giấy phép kinh doanh (nếu đã được Uỷ ban Nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp).
Đơn xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng, gồm có các nội dung:
Họ và tên, nam, nữ, năm sinh;
Địa chỉ thường trú;
Mặt hàng kinh doanh vật liệu xây dựng cụ thể;
Địa điểm kinh doanh;
Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng nhà, đất nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Trình tự cấp Giấy chứng nhận
a. Tiếp nhận hồ sơ
Tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng có đầy đủ điều kiện quy định tại mục II trên đây, lập hồ sơ gửi đến Sở Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng.
Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra nội dung, nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu đương sự bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian đương sự hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời gian thụ lý hồ sơ.
Khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận phải vào sổ theo dõi, có phiếu nhận, hẹn ngày giải quyết, giao cho đương sự.
b. Xem xét hồ sơ
Tuỳ theo yêu cầu, đặc điểm của từng địa điểm và mặt hàng vật liệu xây dựng cụ thể, Sở Xây dựng có thể gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan như: địa chính, nhà đất, công nghệ môi trường, giao thông công chính và chính quyền cơ sở.
Trong 10 ngày kể từ khi nhận được văn bản xin ý kiến, các cơ quan được hỏi ý kiến phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, nếu không trả lời thì coi như đã đồng ý.
c. Thẩm tra hồ sơ và quyết định cấp Giấy chứng nhận
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, căn cứ vào hồ sơ, ý kiến tham gia của các cơ quan, quy hoạch đô thị và các quy định hiện hành khác có liên quan, Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại thực địa để quyết định từ chối hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng.
Việc thu và sử dụng lệ phí cho việc cấp Giấy chứng nhận thực hiện theo quy định hiện hành.
d. Để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước, Sở Xây dựng gửi bản sao Giấy chứng nhận về Bộ Xây dựng và Bộ Thương mại tập hợp mỗi tháng một lần cùng với báo cáo tình hình và kết quả cấp Giấy chứng nhận trong tháng.
4. Giải quyết khiếu nại về việc không cấp Giấy chứng nhận
Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm giải quyết việc khiếu nại về việc không cấp Giấy chứng nhận.
Nếu đương sự chưa đồng ý với ý kiến của Giám đốc Sở Xây dựng thì khiếu nại lên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết định cuối cùng.
5. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là một trong những căn cứ để
a. Cấp mới hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh
b. Tiếp tục công nhận giá trị của Đăng ký kinh doanh (đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp Đăng ký kinh doanh).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1-7-1995.
2. Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao cho Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở thương mại và cơ quan quy hoạch của địa phương tổ chức việc quy hoạch mạng lưới, địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện ở đô thị trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định và công bố.
3. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân đã được cấp Đăng ký kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng trước ngày 1-7-1995 đều phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng. Hết thời hạn này, tổ chức, cá nhân nào không có hoặc không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sẽ bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ đăng ký kinh doanh.
4. Mọi tổ chức, cá nhân trong quá trình kinh doanh vật liệu xây dựng, không thường xuyên bảo đảm các điều kiện quy định tại mục II của Thông tư này đều bị coi là hành vi kinh doanh trái phép; tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận nếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật pháp hiện hành.
5. Trên cơ sở Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận của các Sở Xây dựng địa phương, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các đợt kiểm tra hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận và việc thực hiện các điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng tại các đô thị.
Bộ Xây dựng yêu cầu Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc thực hiện tốt Thông tư này.
PHỤ LỤC
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ THUỘC LOẠI KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN
CƠ QUAN CẤP CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số:...... Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
..., ngày.... tháng.... năm 199...
GIẤY CHỨNG NHẬN
ĐỦ ĐIỀU KIỆN..... (1).....(2)
(THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP GIẤY PHÉP)
Chứng nhận.... (3).....
Địa điểm kinh doanh:............
Đủ điều kiện và được phép..... (1) ........ (2).....
(Thủ trưởng cơ quan)
(Ký tên, đóng dấu)
Giải thích:
(1) Ghi rõ hành vi kinh doanh như: mua, bán, đại lý, gia công, chế tạo, sửa chữa, hành nghề....
(2) Ghi rõ mặt hàng dịch vụ được phép kinh doanh.
Ví dụ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện Đại lý bán lẻ xăng dầu.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua, bán vàng.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện khám chữa bệnh Đông Y về...
Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khách sạn.
(3) Đối với các tổ chức kinh doanh ghi rõ tên đầy đủ của Công ty, Doanh nghiệp. Đối với cá nhân kinh doanh ghi rõ họ tên, nam nữ, tuổi, chỗ ở.