• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/03/1959
BỘ TƯ PHÁP-BỘ NỘI VỤ-BỘ CÔNG AN
Số: 12/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 3 tháng 3 năm 1959

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ TƯ PHÁP - NỘI VỤ - CÔNG AN SỐ 12/TT-LB
NGÀY 3 THÁNG 3 NĂM 1959 VỀ VẤN ĐỀ TƯỚC QUYỀN CÔNG DÂN

 

Kính gửi: Uỷ ban hành chính các Khu tự trị, Hồng Quảng, khu vực Vĩnh Linh, các thành phố và các tỉnh.

Sau khi Liên Bội Nội vụ - Tư pháp - Công an ra Thông tư số 80/TT/LB ngày 6-12-1958, các tỉnh có nêu một số trường hợp cụ thể cần giải quyết. Sau khi nghiên cứu, Liên bộ có ý kiến sau đây:

1. Để giải quyết những trường hợp cụ thể ở các địa phương trước hết cần phải nhận rõ ý nghĩa chính trị của biện pháp tước quyền công dân.

Dưới chế độ dân chủ nhân dân, sinh mệnh chính trị của con người rất quý. Quyền công dân là quyền thiêng liêng của mọi người, để tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh.Đó là quyền tự do dân chủ của người công dân. Tuy nhiên đối với kẻ thù của nhân dân thì phải tăng cường chuyên chính không để chúng lợi dụng quyền dân chủ của nhân dân để phá hoại chính quyền bằng cách này hay cách khác, vì vậy tước quyền công dân cũng là một biện pháp ngăn chặn hành động phá hoại của kẻ thù của nhân dân.

Cho nên biện pháp tước quyền công dân không thể tách rời đường lối của Đảng và Chính phủ hiện nay là: mở rộng dân chủ, tăng cường chuyên chính.

Đối với bọn gián điệp, bọn phản động, bọn thổ phỉ biệt kích, bọn địa chủ cường hào gian ác, bọn lưu manh côn đồ và những phần tử phá hoại khác đã bị pháp luật xử phạt (tù, quản chế, tập trung cải tạo) và bọn địa chủ chưa thực sự cải tạo thì phải cương quyết và triệt để áp dụng biện pháp tước quyền công dân theo pháp luật, không cho chúng tham gia bầu cử, ứng cử.

Đối những người thuộc thành phần nhân dân lao động phạm những tội hình sự bị tước quyền công dân nên mở rộng diện khôi phục công quyền, nếu họ đủ điều kiện.

2. Căn cứ vào tinh thần sử dụng biện pháp tước quyền công dân nói trên, về cách xử lý đối với một số trường hợp cụ thể mà các tỉnh nêu lên, Liên bộ có ý kiến như sau:

a- Đối với những người thuộc thành phần nhân dân lao động vì bị cưỡng ép, mua chuộc, lầm đường phạm tội chính trị bị phạt hai ba năm tù, sau khi được tha đã tích cực lao động cải tạo, có thái độ chính trị tốt thì cũng có thể được bầu cử, ứng cử.

b- Những tên đã bị xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, theo luật, sắc lệnh, nghị định, thông tư về giảm tô và cải cách ruộng đất thì bị tước quyền công dân theo Nghị định 264/TTg ngày 11-5--1953 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với những người bị Tòa án nhân dân đặc biệt xét xử và trong sửa sai đã được cải án phóng thích, thì cũng áp dụng Nghị định 264/TTg nói trên. Nếu án phóng thích không ghi rõ hình phạt là bao nhiêu năm thì căn cứ vào thời gian thực tế đã ở tu. Nếu là địa chủ được cải án phóng thích thì căn cứ vào Thông tư 80/TT/LB ngày 6-12-1958 mà giải quyết.

Tuy nhiên, đối với những người không phải là địa chủ, đã tỏ ra tích cực lao động sản xuất, có thái độ chính trị tốt, quần chúng không thắc mắc, thì có thể dùng biện pháp khôi phục công quyền theo thủ tục đơn giản nói sau đây để họ bầu cử, ứng cử.

Những người có ít tội đáng lẽ chỉ cải thành án phóng thích mà ta đã dùng biện pháp trả tự do, thì không đặt vấn đề tước quyền công dân.

c- Đối với người tha lầm về mà vẫn có hành động chống phá gây rối trật tự trị an ở địa phương, nếu xét đáng bắt, đáng quản chế thì kiên quyết bắt hoặc quản chế lại. Sau khi có lệnh bắt hoặc quản chế thì cho bầu cử, ứng cử nhưng cũng cần khéo léo giải thích cho nhân dân biết trước đây họ là kẻ có tội với nhân dân nhưng đã chịu sửa chữa nên để họ được bầu cử, ứng cử.

d- Đối với nhứng phần tử lưu manh hết hạn tù, về vẫn không chịu cải tạo, không có nghề nghiệp làm ăn lương thiện, không có gia đình bảo đảm vẫn tiến hành trộm cắp để sinh sống, nếu xét đúng tiêu chuẩn tập trung cải tạo đã quy định trong Thông tư số 109/TTg ngày13-2-1958 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc đúng tiêu chuẩn quản chế theo Sắc lệnh 175 ngày 18-8-1953 thì đề nghị tập trung hoặc quản chế. Sau khi có lệnh tập trung hoặc quản chế thì họ không được bầu cử, ứng cử.

e- Những người hiện đang bị quản chế, nay xét không cần thiết nữa vì họ đã tích cực lao động sản xuất, có thái độ chính trị tốt, quần chúng đồng tình, thì có thể giải quản cho họ, để họ bầu cử, ứng cử. Đối với những người đã hết hạn quản chế thì cũng căn cứ vào những điều kiện trên mà giải quyết gia hạn quản chế hoặc giải quản.

g- Đối với những người bị Toà án nhân dân xử phạt tù mà Thông tư số 80/TT/LB ngày 6-12-1958 đã quy định những trường hợp mất quyền công dân, nếu được ân xá, ân giảm về thì tính thời gian bị tước quyền công dân ngang với thời gian thực sự ở tù.

h- Đối với gia đình có nhiều người bị quy là địa chủ, nếu chính quyền xét có thể cho phép người nào được ứng cử, bầu cử thì riêng người đó có quyền ứng cử, bầu cử.

3. Vì thời gian cấp bách, nên cần có một thủ tục mau lẹ về khôi phục công quyền. Sau khi Uỷ ban hành chính tỉnh duyệt danh sách những ngời được khôi phục công quyền do đề nghị của Uỷ ban hành chính cấp dưới, Toà án tỉnh sẽ quyết định, quyết nghị của toà án sẽ gửi cho đương sự và chính quyền huyện, xã nơi đương sự ở.

4. Việc khôi phục hoặc tước quyền phải hết sức thận trọng và cần có lãnh đạo chặt chẽ.

Đối với việc phục quyền, thì phải căn cứ vào lao động sản xuất, vào thái độ chính trị của đương sự, vào sự đồng tình của quần chúng. Nếu có người nào đang được phục quyền,Uỷ ban hành chính địa phương hướng dẫn người đó làm đơn xin với chính quyền, cần tránh hiện tượng việc xin khôi phục công quyền trở thành ồ ạt.

Đối với việc bắt lại hoặc quản chế, lại càng phải thận trọng. Địa phương phải theo đúng tinh thần Thông tư 100/TTg ngày 13-2-1958 về lưu manh và Sắc lệnh 175 ngày 18-8-1953 về quản chế

Lê Quốc Thân

(Đã ký)

Phan Kế Toại

(Đã ký)

Vũ Đình Hòe

(Đã ký)

.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Vũ Đình Hoè

Phan Kế Toại

Lê Quốc Thân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.