THÔNG TƯ
Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đẩy mạnh
các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại
các doanh nghiệp đến năm 2020
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020 theo Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Đề án).
2. Thông tư này không điều chỉnh đối với nguồn vốn đầu tư phát triển.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án theo nhiệm vụ được giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước; hỗ trợ công đoàn các cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn.
2. Nguồn tài chính công đoàn bảo đảm kinh phí hoạt động của Đề án cho cơ quan công đoàn các cấp.
3. Nguồn kinh phí đóng góp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Điều 4. Nội dung và mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ
1. Chi thực hiện nghiên cứu, khảo sát về tình hình, nhu cầu học tập của công nhân lao động tại một số tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để có các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả: Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.
2. Chi công tác tuyên truyền, gồm:
a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;
b) Sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, phát hành ấn phẩm, sản phẩm truyền thông và tài liệu phục vụ cho hoạt động tuyên truyền: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định lựa chọn nội dung, hình thức ấn phẩm, sản phẩm truyền thông trên cơ sở dự toán được giao và thực hiện theo hình thức đặt hàng, giao kế hoạch theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
c) Tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông, diễn đàn về công tác gia đình, chăm sóc nuôi dạy con, bảo vệ sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội cho nữ công nhân: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Thông tư số 97/2010/TT-BTC).
3. Chi hỗ trợ tổ chức các lớp học xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho công nhân lao động là người dân tộc thiểu số, công nhân lao động nghèo tại doanh nghiệp; tổ chức lớp bổ túc văn hóa, bồi dưỡng nhận thức về chính trị, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, tin học cho công nhân lao động:
a) Chi hỗ trợ học phẩm, tài liệu học tập: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định về hỗ trợ học phẩm cho học sinh trung học cơ sở tại khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
b) Chi trả thù lao đối với giáo viên:
- Đối với giáo viên thuộc biên chế ngành giáo dục, mức chi thù lao tính theo số giờ thực dạy vượt định mức giờ chuẩn và được thanh toán trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
- Đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động của ngành giáo dục nếu có đủ tiêu chuẩn và năng lực giảng dạy, tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục thì thực hiện ký hợp đồng với đơn vị được giao tổ chức mở lớp, mức chi thù lao theo hợp đồng tương đương với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, lớp học đã được xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.
4. Chi hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chương trình đối thoại với người sử dụng lao động: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.
5. Chi hỗ trợ tổ chức thi tay nghề, thợ giỏi hàng năm cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 14 tháng 3 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định nội dung và mức chi hoạt động thi tay nghề các cấp.
6. Chi thi đua, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
7. Chi tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án và đánh giá mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa”: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.
Điều 5. Nội dung và mức chi từ nguồn tài chính công đoàn
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công đoàn các cấp, người sử dụng lao động, công nhân lao động nhằm xóa mù chữ, bổ túc văn hóa, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chính trị, học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.
2. Biên soạn tài liệu, chương trình, giáo trình.
3. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động, công nhân lao động tham gia các hoạt động học tập suốt đời cho cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền.
4. Tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động.
5. Các nội dung chi quy định tại Điều này thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính của Nhà nước đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều 6. Nội dung và mức chi từ nguồn đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp
1. Chi xây dựng tủ sách học tập tại các doanh nghiệp phục vụ công nhân lao động.
2. Chi xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” tại các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chất xuất, khu kinh tế.
3. Chi cho công tác đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác thuộc doanh nghiệp.
4. Trường hợp, doanh nghiệp thành lập Quỹ Khuyến khích học tập nâng cao tay nghề công nhân lao động:
Nội dung chi thực hiện theo Điều lệ hoạt động của Quỹ Khuyến khích học tập nâng cao tay nghề công nhân lao động, trong đó có chi hỗ trợ trao tặng học bổng, khen thưởng cho công nhân lao động tích cực có thành tích cao trong học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp.
5. Các nội dung chi quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này thực hiện theo thỏa thuận của nhà tài trợ hoặc văn bản ký kết giữa đơn vị với nhà tài trợ. Trường hợp nhà tài trợ và đơn vị chưa có thỏa thuận thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan để thực hiện.
Điều 7. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán
Việc lập, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn bổ sung như sau:
1. Hàng năm, cùng thời gian quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung của Đề án lập dự toán kinh phí và tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân sách của cơ quan, đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về lập và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn.
2. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Đề án phải được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ của Nhà nước và quy định tại Thông tư này.
3. Cơ quan, đơn vị được giao dự toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nội dung của Đề án phải mở sổ kế toán để ghi chép, hạch toán và tổng hợp trong quyết toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê, báo cáo quyết toán. Các khoản chi ngân sách nhà nước thực hiện Đề án được hạch toán, quyết toán vào loại, khoản, mục và tiểu mục tương ứng theo quy định Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản khác thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.