Sign In

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ THUỶ SẢN - TỔNG CỤC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT

SỐ 5/TT-LB NGÀY 18-12-1991

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÓ MẶT NƯỚC

ĐỂ NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN

Căn cứ Luật đất đai công bố ngày 8-1-1988, Nghị định số 30/HĐBT ngày 23-3-1989 và chỉ thị số 60-HĐBT ngày 14-4-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Luật Đất đai;

Liên Bộ Thuỷ sản - Tổng cục Quản lý ruộng đất hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các loại đất có mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản như sau:

 

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Đất có mặt nước (gọi tắt là mặt nước) nói trong thông tư này giới hạn trong phạm vi mặt nước nội địa và vùng ven biển, gồm mặt nước đang được sử dụng và mặt nước có khả năng nhưng chưa được sử dụng để chuyên nuôi trồng thuỷ sản, hoặc kết hợp nuôi trồng thuỷ sản.

2. Uỷ ban Nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong địa phương theo quy hoạch và pháp luật.

Căn cứ vào quy hoạch phân bổ sử dụng đất trên phạm vị lãnh thổ của Nhà nước, Ngành Thuỷ sản có trách nhiệm quy hoạch mặt nước nuôi trồng thuỷ sản cụ thể ở mỗi địa phương.

3. Ngành quản lý ruộng đất phối hợp với ngành thuỷ sản giúp Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Nhân dân các cấp tổ chức việc giao mặt nước cho các tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thuỷ sản.

Việc giao mặt nước phải dựa vào các căn cứ sau:

a) Quy hoạch sử dụng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Quỹ mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương.

c) Yêu cầu, khả năng lao động, tiền vốn, trình độ quản lý của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng mặt nứơc để nuôi trồng thuỷ sản.

d) Các quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói tại điều 11 Luật Đất đai, các quy định về giao đất nói tại các Điều 12, 13, 29 Luật Đất đai và các khoản 1, 2 Điều 8 Nghị định số 30-HĐBT, ngày 23-3-1989.

4. Người được giao quyền sử dụng mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản phải đăng ký đất đai và được chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp mặt nước đã được giao theo quy định tại Điều 18 Luật đất đai, các Điều 12, 13 Nghị định số 30-HĐBT, quyết định số 201-QĐ/ĐKTK và Thông tư số 302-TT/ĐKTK của Tổng cục Quản lý ruộng đất.

5. Người được giao mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản được hưởng các quyền lợi quy định tại Điều 49 Luật Đất đai, đồng thời phải thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ quy định tại các điều 24, 45, 48 Luật đất đai và khoản 4 phần II Thông tư này.

Mọi hành vi vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng mặt nước đều bị xử lý theo quy định của Pháp luật hiện hành.

6. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, các tổ chức liên doanh của Việt Nam với nước ngoài được phép sử dụng mặt nước ở Việt Nam để nuôi trồng thuỷ sản sẽ có văn bản quy định riêng.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Mặt nước sử dụng nuôi trồng thuỷ sản xác định tại Mục 1 Phần I của Thông tư này gồm các loại cụ thể sau:

a) Mặt nước được quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để chuyên nuôi trồng thuỷ sản (gồm cả diện tích đang và sẽ đưa vào nuôi trồng thuỷ sản).

- Ao, hồ nhỏ (kể cả mương rạch trong vườn) nằm xen kẽ trong đất khu dân cư và đất chuyên dùng khác.

- Đầm, hồ tự nhiên, sông cụt, ao, đìa... phân bổ xen kẽ trong khu vực chuyên trồng cây nông nghiệp hoặc lâm nghiệp.

- Ruộng trũng đã được cải tạo để chuyên nuôi trồng thuỷ sản.

- Ao, đìa, dầm... có sẵn hoặc được xây dựng để nuôi trồng thuỷ sản thuộc vùng nước lợ, nước mặn ven biển, bãi triều cửa sông...

b) Mặt nước được quy hoạch để sử dụng vào mục đích khác nhưng có thể kết hợp sử dụng vào nuôi trồng thuỷ sản:

- Hồ chứa nước thuỷ lợi, sông, đầm, hồ tự nhiên nằm trong hệ thống thuỷ lợi của từng vùng, từng địa phương.

- Hồ chứa nước thuỷ điện.

- Ao, hồ, đầm nằm trong các khu di tích lịch sử, văn hoá, thắng cảnh.

- Đầm, hồ thuộc hệ thống tiêu nước thải của thành phố, khu công nghiệp.

- Ruộng trồng lúa, trồng cói, kênh rạch, thùng vũng xen kẽ trong vùng đất trồng dừa, khu vực đất làm muối, rừng ngập nước v.v... có thể kết hợp nuôi trồng thuỷ sản theo các hình thức nuôi trồng xen hoặc gối vụ.

2. Việc giao mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản thực hiện như sau:

a) Mặt nước đã được quy hoạch để chuyên nuôi trồng thuỷ sản.

a1. Cấp có thẩm quyền giao mặt nước này được thực hiện như đối với đất nông nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 3 và các điểm a, b khoản 4, Điều 13, Luật đất đai.

a2. Thời hạn giao:

- Tổ chức, cá nhân đang sử dụng hợp pháp mặt nước nuôi trồng thuỷ sản được tiếp tục sử dụng theo thời hạn đã được cơ quan có thẩm quyền quy định khi giao mặt nước.

- Đối với mặt nước thuộc diện nhận khoán, nhận thầu của xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông lâm ngư nghiệp, nông trường, lâm trường, trạm trại, xí nghiệp... thời hạn sử dụng căn cứ vào hợp đồng khoán, thầu.

- Những nơi thời hạn sử dụng mặt nước giao chưa hợp lý cần xem xét điều chỉnh theo hướng sau:

+ Mặt nước giao tạm thời: Nhiều nhất không quá 5 năm, áp dụng đối với nơi chưa có quy hoạch, hoặc nơi đã có quy hoạch sử dụng đất vào các mục đích khác nhưng có thể tận dụng để nuôi trồng thuỷ sản.

+ Mặt nước giao có thời hạn: Nhiều nhất không quá 15 năm, áp dụng đối với nơi đã có quy hoạch. Nơi dân cư đông, quỹ đất ít, điều kiện sản xuất thuận lợi thì giao với thời hạn ngắn hơn. Nơi quỹ đất nhiều, điều kiện sản xuất không thuận lợi, phải đầu tư tốn kém về xây dựng cơ bản thì giao thời hạn dài hơn. Hết thời hạn sử dụng theo quy định, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản thì được ưu tiên xem xét giải quyết.

+ Mặt nước giao ổn định lâu dài: áp dụng ở những nơi đã quy hoạch, với các đối tượng sau:

Các trạm trại chuyên sản xuất giống hoặc nghiên cứu thực nghiệm về nuôi trồng thuỷ sản.

Các tổ chức, cá nhân có công khai khoang những vùng đất mới nằm trong vùng đã được quy hoạch để chuyên nuôi trồng thuỷ sản.

Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, nông trường, lâm trường, xí nghiệp v.v... cần có mặt nước để phục vụ yêu cầu của sản xuất nông, lâm nghiệp của mình.

a3. Diện tích giao:

- Ao nhỏ, mương rạch trong vườn nằm gọn trong khu thổ cư của một gia đình thì giao cho gia đình đó sử dụng toàn bộ diện tích. Diện tích này được tính vào tiêu chuẩn đất giao làm kinh tế gia đình, hoặc đất nhận khoán của hộ xã viên, tập đoàn viên, hoặc tính vào diện tích đất sản xuất cho hộ nông dân cá thể và các tư nhân khác.

- Ao lớn, đầm, hồ ruộng không thể giao gọn cho một gia đình thì giao cho nhóm hộ gia đình, tổ nhận khoán hoặc chủ thầu sử dụng nuôi trồng thuỷ sản.

ở những nơi còn mặt nước chưa sử dụng thì Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất có mặt nước của địa phương, để giao cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản, căn cứ theo khả năng sử dụng, không hạn chế về diện tích, không tính vào mức đất giao làm kinh tế gia đình, hoặc mức đất giao cho hộ nông dân cá thể quy định tại các Điều 27, 28 Luật đất đai.

b) Đối với mặt nước được quy hoạch sử dụng vào mục đích khác nhưng có thể kết hợp nuôi trồng thuỷ sản:

- Ao, hồ nằm trong các khu di tích lịch sử, văn hoá, thắng cảnh... đã được giao cho đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó có kế hoạch nuôi trồng thuỷ sản, nhưng không được gây trở ngại cho mục đích sử dụng chính.

- Ao, hồ nằm trong hệ thống điều tiết nước thải của thành phố, khu công nghiệp; hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện, sông, đầm hồ tự nhiên thuộc hệ thống thuỷ lợi nằm gọn trong địa phận của địa phương nào thì Uỷ ban nhân dân thành phố hoặc tỉnh nơi đó có trách nhiệm tổ chức việc phối hợp giữa đơn vị chủ quản công trình với ngành thuỷ sản địa phương bằng các hình thức thích hợp để nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả nhất, đồng thời đảm bảo các quy chế quản lý điều tiết nước của thành phố, khu công nghiệp, những quy định có liên quan của ngành thuỷ lợi, thuỷ điện.

- Đối với hồ chứa nước lớn nằm trên địa bàn nhiều tỉnh thì việc tổ chức nuôi trồng thuỷ sản, khai thác, bảo vệ nguồn thuỷ sản ở đó thực hiện theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng.

- Tổ chức, cá nhân được giao đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp nằm trong vùng quy hoạch có khả năng kết hợp nuôi trồng thuỷ sản có quyền và có trách nhiệm tự tổ chức kết hợp nuôi trồng thuỷ sản để làm tăng hiệu quả sử dụng đất.

3. Việc thu hồi mặt nước nuôi trồng thuỷ sản thực hiện theo quy định tại các Điều 14, 15 Luật đất đai, khoản 6 Điều 23 Nghị định số 30-HĐBT và một số trường hợp cụ thể sau đây:

- Nuôi trồng thuỷ sản không có hiệu quả do điều kiện tự nhiên không phù hợp, phải chuyển sang lĩnh vực sản xuất khác.

- Do bản thân người được giao mặt nước sử dụng kém hiệu quả, không có khả năng khắc phục, cần thu hồi toàn bộ hoặc một phần để giao lại cho người khác sử dụng có hiệu quả hơn.

4. Quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản:

a) Quyền lợi:

- Được sử dụng mặt nước ổn định lâu dài, có thời hạn hoặc tạm thời như đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định khi giao đất có mặt nước.

- Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên mặt nước được giao, được chuyển quyền sử dụng mặt nước cho người khác trong thời hạn được giao sử dụng theo đúng trình tự thủ tục theo pháp luật quy định. Khi được chuyển quyền sử dụng mặt nước cho người khác thì được xét đền bù thiệt hại thực tế, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư đã làm tăng giá trị sử dụng và khả năng sinh lợi của mặt nước theo quy định của pháp luật.

- Được hưởng lợi ích do các công trình công cộng về bảo vệ, cải tạo đất và các công trình phúc lợi công cộng khác mang lại như hệ thống đê bao, hệ thống kênh mương thuỷ lợi, cống, đập, đường giao thông, hệ thống điện... trong vùng.

- Khi mặt nước đang sử dụng bị thu hồi vì nhu cầu của Nhà nước hoặc xã hội thì được đền bù thiệt hại thực tế và tuỳ theo quỹ mặt nước của địa phương có thể được xét để giao mặt nước chỗ khác. Những công trình xây dựng phục vụ cho sản xuất nuôi trồng trên đất có mặt nước được giao để nuôi trồng đã có quy hoạch, nay do nhu cầu mới phát sinh của Nhà nước hoặc xã hội mà có quy hoạch mới chồng lên gây thiệt hại thì được bồi hoàn hoặc xây dựng lại theo giá trị thực tế của các công trình.

- Được Nhà nước bảo vệ khi người khác xâm phạm quyền sử dụng mặt nước của mình.

b) Nghĩa vụ:

- Sử dụng đúng mục đích, ranh giới và các điều kiện khác đã được quy định khi giao mặt nước.

- Đưa mặt nước được giao vào nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch, kế hoạch, không được bỏ hoang hoá.

- Thực hiện các biện pháp để sử dụng hợp lý đất đai.

- Thực hiện các biện pháp thâm canh, tăng vụ, cải tạo và bồi bổ mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ngày càng có hiệu quả.

- Khi được giao mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản với mục đích kết hợp, phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ của các loại công trình chuyên dùng.

- Không được làm những việc có hại đến môi trường và lợi ích của người sử dụng đất lân cận.

- Thi hành nghiêm chỉnh quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thu hồi mặt nước.

- Đền bù thiệt hại thực tế, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư làm tăng giá trị sử dụng mặt nước cho người đang sử dụng mặt nước bị thu hồi để giao cho mình theo quy định của pháp luật.

- Nộp thuế sử dụng đất có mặt nước, nộp lệ phí địa chính theo quy định của pháp luật.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ngành thuỷ sản và ngành quản lý ruộng đất phối hợp để phổ biến kịp thời Thông tư này cho các cấp, các ngành liên quan và các đối tượng trực tiếp sử dụng mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản; chỉ đạo và đôn đốc các địa phương, đơn vị thuộc ngành dọc thực hiện. Đặc biệt lưu ý việc kiểm tra, thống kê số liệu diện tích từng loại đất có mặt nước đang sử dụng và sẽ sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng không đúng mục đích đối với mặt nước đã được quy hoạch để chuyên nuôi trồng thuỷ sản.

Yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, các cấp thuộc quyền mình tổ chức thực hiện tốt Thông tư này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì kịp thời báo cáo về Bộ Thuỷ sản và Tổng cục quản lý ruộng đất để nghiên cứu giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

 

Bộ Thuỷ sản

Tổng cục Quản lý ruộng đất

Đang cập nhật

Đang cập nhật

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Tấn Trịnh

Tôn Gia Huyên