Sign In

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc giải quyết thức ăn gia súc cho các
cơ sở chăn nuôi quốc doanh

 

Để bảo đảm vững chắc nguồn thức ăn gia súc cho các cơ sở chăn nuôi quốc doanh;

Căn cứ vào nghị quyết số 257 - CP ngày 10 tháng 7 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ về phát triển chăn nuôi lợn;

Theo đề nghị của các đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực và thực phẩn và Bộ Nội thương.

Thủ tướng Chính phủ quy định sự phân công và chế độ quản lý thức ăn gia súc như sau:

 

1. Các cơ sở chăn nuôi quốc doanh thuộc cấp nào quản lý, cấp đó có trách nhiệm giải quyết việc cung ứng thức ăn chăn nuôi.

a) Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm thống nhất quản lý và phân phối thức ăn gia súc cho các cơ sở chăn nuôi quốc doanh của các ngành ở trung ương và các vành đai thực phẩm trọng điểm, bao gồm:

- Các cơ sở chăn nuôi gia sức giống gốc;

- Các cơ sở nuôi súc vật để nghiên cứu, thí nghiệm, làm thuốc, phục vụ chiến đấu, v.v...;

- Các trại nuôi gia súc thương phẩm của các ngành ở trung ương;

- Các cơ sở chăn nuôi quốc doanh trong các vành đai thực phẩm thuộc các thành phố và khu công nghiệp trọng điểm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Việt Trì, v.v...

b) Các tỉnh, huyện có trách nhiệm giải quyết thức ăn cho các cơ sở chăn nuôi quốc doanh gia súc giống và gia súc thương phẩm do tỉnh, huyện quản lý.

c) Các nông trường quốc doanh được Nhà nước giao nhiệm vụ chăn nuôi gia súc phải có kế hoạch tự sản xuất thức ăn và giao nộp sản phẩm chăn nuôi cho Nhà nước theo chỉ tiêu kế hoạch.

2. Các nguồn thức ăn gia súc dùng cho các cơ sở chăn nuôi quốc doanh được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Về lương thực: Bộ Nông nghiệp và các địa phương phải có kế hoạch khẩn trương tổ chức các nông trường chuyên sản xuất thức ăn cho gia súc (chủ yếu là hoa màu và các cây giàu đạm) để chế biến và cung ứng cho các cơ sở chăn nuôi quốc doanh.

Những địa phương chưa có nông trường quốc doanh chuyên sản xuất thức ăn gia súc hoặc nông trường chưa cung cấp đủ thức ăn gia súc thì được thông qua việc cung ứng gia súc giống, thức ăn bổ sung ... cho các hợp tác xã mà đổi lấy thức ăn sản xuất trên đất dành cho chăn nuôi của hợp tác xã để giải quyết thức ăn cho cơ sở chăn nuôi quốc doanh hoặc dành đất cho cơ sở chăn nuôi quốc doanh tự sản xuất lấy thức ăn gia súc.

Đối với nhu cầu thức ăn của các cơ sở chăn nuôi quốc doanh của trung ương và thuộc các vành đai thực phẩm trọng điểm, trong vài ba năm tới, các nông trường chuyên sản xuất thức ăn của Bộ Nông nghiệp chưa cung cấp đủ thì Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước dành hẳng một số lương thực trong cân đối của Nhà nước để bổ sung số thức ăn gia súc còn thiếu cho các cơ sở nói trên và ghi vào chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.

Ngoài số thức ăn được cấp theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp phối hợp với Bộ Lương thực và thực phẩm để tự tổ chức thu mua thêm hoa màu ở một số vùng để làm thức ăn gia súc.

b. Về phụ phẩm công, nông nghiệp: Tất cả các ngành có phụ phẩm công, nông nghiệp có thể dùng làm thức ăn gia súc đều phải giao nộp cho ngành nông nghiệp theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước để chế biến thành thức ăn hỗn hợp, phân phối cho các cơ sở chăn nuôi như nghị quyết số 257-CP ngày 10 tháng 7 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ về phát triển chăn nuôi lợn quy định.

Ngành lương thực và thực phẩm có trách nhiệm giao toàn bộ cám của các nhà máy xay, các cơ sở xay xát nhỏ quốc doanh và toàn bộ phụ phẩm của các nhà máy chế biến thực phẩm khác có thể dùng làm thức ăn gia súc cho ngành nông nghiệp quản lý và phân phối. Các nhà máy đã được trang bị bộ phận chế biến phụ phẩm thành thức ăn gia súc đều phải chế biến thức ăn theo công thức của ngành nông nghiệp và giao toàn bộ thức ăn gia súc chế biến được cho ngành nông nghiệp để phân phối cho các cơ sở chăn nuôi. Các nhà máy xay xát, chế biến thực phẩm không được giữ lại cám, phụ phẩm có thể dùng làm thức ăn gia súc và thức ăn đã chế biến để phân phối nội bộ hoặc sử dụng vào bất cứ việc gì.

Các ngành lương thực, công nghiệp thực phẩm, nội thương, ngoại thương phải giao cho ngành nông nghiệp các loại lương thực và thực phẩm kém phẩm chất không dùng cho người được để ngành nông nghiệp chế biến thành thức ăn gia súc.

Các Bộ Nông nghiệp, Lương thực và thực phẩm, Nội thương, Ngoại thương, cần có kế hoạch cụ thể thực hiện chủ trương giao cám và các phụ phẩm nói trên cho ngành nông nghiệp quản lý bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 1980.

Cần thực hiện việc phân cấp quản lý cám và các phụ phẩm khác dùng làm thức ăn gia súc theo các quy định sau đây:

Cám và phụ phẩm làm thức ăn gia súc ở địa phương nào do địa phương đó quản lý.

Hàng năm Bộ Nông nghiệp có kế hoạch điều một số cám ở các nhà máy xay lớn để giải quyết nhu cầu thức ăn gia súc cho cơ sở chăn nuôi của trung ương; phần cám còn lại, địa phương được sử dụng để phát triển chăn nuôi ở địa phương.

Riêng đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp cần có kế hoạch giao cho thành phố quản lý toàn bộ số cám và thức ăn gia súc đã chế biến của các nhà máy xay (trừ phần cám dành cho các cơ sở chăn nuôi gia súc giống của Bộ Nông nghiệp) và các phụ phẩm của các xí nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố để phục vụ chăn nuôi của thành phố, kể cả chăn nuôi để xuất khẩu.

Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm phân phối cám hoặc thức ăn đã chế biến cho các ngành ở trung ương. Trong trường hợp số cám có ít, Bộ Nông nghiệp phải ưu tiên dành cám để nuôi đàn gia súc giống và phân phối cho các ngành khác theo tỷ lệ số cám thực tế có. Các địa phương và các ngành được phần phối cám phải được sử dụng vào chăn nuôi, không được xuất khẩu, bán lại hoặc trao đổi.

Các ngành có nhu cầu chăn nuôi súc vật để nghiên cứu, thí nghiệm, làm thuốc, phục vụ chiến đấu, v.v... phải chủ động có kế hoạch từng bước từ giải quyết thức ăn cho các cơ sở chăn nuôi của mình bằng các biện pháp thích hợp.

Ngành nội thương cần tăng cường việc dự trữ thịt lợn ở các kho lạnh và ký hợp đồng nuôi lợn dự trữ trong các trại lợn của các hợp tác xã và các cơ sở chăn nuôi quốc doanh để giảm số lợn trong các trại lợn dự trữ của ngành nội thương đến mức thấp nhất nhằm tiết kiệm thức ăn gia súc.

Bộ Nông nghiệp bàn cụ thể với các ngành và các địa phương về kế hoạch quản lý, phân phối và thể thức giao nhận cám hoặc thức ăn đã chế biến.

c) Về thức ăn bổ sung, hàng năm, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng với Bộ Nông nghiệp có kế hoạch cân đối thức ăn giàu đạm cho chăn nuôi, có chỉ tiêu giao cho các ngành hải sản, lương thực và thực phẩm, nội thương, ngoại thương... cung ứng bột cá, khô dầu... cho ngành nông nghiệp.

Ngành hải sản tận thu cá vụn và các phụ phẩm công nghiệp chế biến hải sản để chế biến thành bột cá cho chăn nuôi. những nơi ngành hải sản không có điều kiện thu mua hết cá vụn thì ngành nông nghiệp cần phối hợp với ngành hải sản tự tổ chức thu mua hết số cá vụn này để chế biến thành thức ăn gia súc.

Đối với các loại thức ăn bổ sung hiếm, quý như sinh tố, nguyên tố vi lượng, kháng sinh thô, v.v... Bộ Nông nghiệp phối hợp với các ngành để tổ chức sản xuất. Những thứ trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ thì Bộ Nông nghiệp bàn với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ghi kế hoạch nhập khẩu.

Hàng năm tuỳ theo khả năng, Bộ Nông nghiệp có kế hoạch cung ứng cho các địa phương một số thức ăn bổ sung như khô dầu, bột cá, sinh tố, v.v... để chế biến thức ăn hỗn hợp.

3. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các nguồn thức ăn gia súc, chống mọi hiện tượng tham ô, móc ngoặc. Bộ Nông nghiệp phải quy định các định mức về số lượng thức ăn cần thiết cho một đơn vị sản phẩm chăn nuôi để áp dụng thống nhất trong các cơ sở chăn nuôi quốc doanh và trong việc ký hợp đồng gia công chăn nuôi trong nhân dân và các hợp tác xã. Các cơ sở chăn nuôi quốc doanh thuộc các cấp và các đơn vị được gia công chăn nuôi phải căn cứ vào các định mức đó mà giao nộp cho Nhà nước đủ số sản phẩm chăn nuôi tương ứng với số thức ăn gia súc được cung ứng.

Bộ Nông nghiệp phải chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến thức ăn gia súc trong ngành cũng như trong các ngành khác và các địa phương nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao phẩm chất và đưa lại hiệu quả kinh tế.

Các đồng chí bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp, Lương thực và thực phẩm, Hải sản, Nội thương, Ngoại thương, chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện nghiêm chỉnh quyết định này.

 

Thủ tướng Chính phủ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Tố Hữu