THÔNG TƯ
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP SỐ 16/NN-TT NGÀY 20 THÁNG 12 NĂM 1980 QUY ĐỊNH CỤ THỂ VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ
KIỂM DỊCH THỰC VẬT
Để thực hiện Điều lệ kiểm dịch thực vật ( dưới đây gọi là điều lệ) ban hành kèm theo Nghị định số 214-CP ngày 14-7-1980 của Hội đồng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành như sau.
I. VỀ NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Thi hành khoản1, Điều 2 của điều lệ, nay công bố bản danh sách sâu bệnh đối tượng kiểm dịch thực vật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (phụ lục số 1 kèm theo thông tư này) bao gồm những loại sâu bệnh nguy hiểm chưa có ở nước ta hoặc mới có trên diện hẹp, có khả năng lây lan giữa các vùng trong nước và từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta.
Bản danh sách này sẽ được sửa đổi, bổ sung tuỳ theo diễn biến của tình hình sâu bệnh.
2. Những vật phẩm, phương tiện công cụ thuộc diện kiểm dịch thực vật( ghi ở điều 3 của điều lệ) gồm những thứ dưới đây:
a. Cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây thực phẩm, cây thức ăn gia súc, cây cảnh, cây rừng, cây làm thuốc,.vv.... và các bộ phận của các loại cây đó như nụ, hoa, hạt, quả, cành, lá, rễ, củ, mắt ghép,.v.v... ở dạng chưa chế biến, không kể tươi hay khô, có khả năng mang theo sâu bệnh đều thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Gạo, lạc nhân, cám, tấm, bột, bánh kẹo làm bằng bột (bánh khảo, bánh quyv.v...), bông xơ, sợi bông, sợi đay sợi gai, dược liệu, các đồ dùng bằng gỗ, bằng song, mây, tre, cói và các thứ tương tự, tuy là vật phẩm đã qua chế biến nhưng vẫn còn khả năng mang theo sâu bệnh nên vẫn thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Mứt kẹo, đồ hộp, vải vóc, quần áo, dược liệu làm thành viên hoặc ngâm trong rượu và những thứ tương tự là vật phẩm qua chế biến không còn khả năng mang theo sâu bệnh nên không thuộc diện kiểm dịch thực vật.
b. Tiêu bản sâu, mầm mống bệnh, cỏ dại, đất lấy làm mẫu để nghiên cứu, đất dùng làm bầu ươm cây con, dâm cành đất bám vào các phương tiện, dụng cụ khác,v.v..
c. Phương tiện,công cụ dùng để sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển những vật phẩm nêu trên như ruộng vườn, nương rẫy, rừng, nhà máy, máy móc, dụng cụ, tàu xe, máy bay, kho tàng, bến bãi, bao bì và đồ chèn lót hàng hoá,v.v..
d. Gia súc, gia cầm, chim rừng, thú rừng, hoặc lông,da của các động vật đó và vật phẩm chế biến từ sản phẩm động vật có khả năng mang theo cỏ dại hoặc côn trùng hại thực vật và sản phẩm thực vật đều thuộc diện kiểm dịch thực vật.
3. Nội dung kiểm dịch thực vật (ghi tại Điều 4 của điều lệ) gồm các biện pháp dưới đây:
a. Phát hiện: Điều tra sâu bệnh trên các phương tiện, công cụ; kiểm tra lấy mẫu phân tích giám định các vật phẩm.
b. Phòng ngừa: Không nhập khẩu những vật phẩm được sản xuất ở những vùng đang có dịch; không đưa vật phẩm nghi có sâu, bệnh, cỏ dại đối tượng kiểm dịch thực vật( dưới đây gọi tắt là nhiễm dịch) đến nơi chưa có dịch hoặc chỉ chế biến, vận chuyên, bảo quản và sử dụng những thứ đó với những điều kiện nhất định. Cách ly, trả về nơi xuất xứ những vật phẩm bị nhiễm dịch,v.v....
c. Trừ diệt: Bằng các phương pháp lý, hoá học, sinh vật học hoặc cơ học kể cả biện pháp tiêu huỷ vật phẩm nhiễm dịch,v.v...
4. Tuỳ trường hợp, người có vật phẩm, phương tiện, công cụ (dưới đây gọi tắt là chủ vật phẩm) thuộc diện kiểm dịch thực vật phải thực hiện một hoặc nhiều biện pháp kiểm dịch thực vật ghi ở điểm 4 trên đây đối với vật phẩm, phương tiện, công cụ của mình.
Chủ vật phẩm phải thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với bao bì, đồ chèn lót và phương tiện chuyên chở vật phẩm của mình.
Những trường hợp dưới đây thì cơ quanh kiểm dịch thực vật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý, phí tổn cho việc thực hiện các biện pháp đó do chủ vật phẩm chịu:
a.Vật phẩm, phương tiện, công cụ không có chủ hoặc chủ không thể có mặt và không uỷ nhiệm cho ai được, như bưu phẩm, bưu kiện mà người nhận ở xa cơ sở bưu điện ngoại dịch; vật phẩm, phương tiện, công cụ trôi dạt vào bờ biển; vật phẩm vứt bỏ từ máy bay xuống,v.v....
b/ Những lô vật phẩm, phương tiện, công cụ nhiễm dịch nghiêm trọng cần phải xử lý ngay để ngăn ngừa sự lây lan của chúng mà vì lý do nào đó chủ vật phẩm (hoặc chủ phương tiện, công cụ) không tiến hành xử lý kịp thời.
II.VỀ TỔ CHỨC CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT
A. KIỂM DỊCH THỰC VẬT TẠI CỬA KHẨU
1. Yêu cầu về mặt kỹ thuật kiểm dịch thực vật đối với địa điểm kiểm dịch (ghi tại Điều 6 của điều lệ) là địa điểm đó có điều kiện để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và tiêu diệt sâu bệnh, đối tượng kiểm dịch thực vật từ bên ngoài xâm nhiễm vào lô vật phẩm hoặc từ lô vật phẩm lây lan ra ngoài.
Cụ thể là:
a. Địa điểm kiểm dịch nhập khẩu tốt nhất là tại cửa khẩu biên giới đầu tiên,sân bay hoặc cơ sở bưu điện đầu tiên. Trường hợp không thể kiểm dịch ở các nơi đó mới kiểm dịch ở nơi khác, nhưng càng tránh đưa sâu vào nội địa càng tốt.
b. Địa điểm kiểm dịch xuất khẩu tốt nhất là cửa khẩu biên giới cuối cùng. Nếu không kiểm dịch được ở các nơi đó mới kiểm dịch tại nơi khác mà từ đó lô vật phẩm xuất khẩu được chuyên chở thẳng ra nước ngoài (không thay đổi số lượng, khối lượng, bao bì, đồ đóng gói, đồ chèn lót, và không bốc dỡ dọc đường).
2. Thủ tục kiểm dịch hàng nhập khẩu gồm có:
a. Căn cứ vào giấy đăng ký nhập khẩu hàng thực vật, Bộ Nông nghiệp cấp cho chủ hàng ngoại thương phiếu đã đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Phiếu này dùng cho một hoặc nhiều lô vật phẩm của một hoặc nhiều lần nhập khẩu trong từng năm, trong phiếu ghi rõ các biện pháp kiểm dịch thực vật phải được áp dụng trong việc nhập khẩu các lô vật phẩm đó.
Đối với chủ hàng không phải là ngoại thương thì cục bảo vệ thực vật xét miễn thủ tục đăng ký nhập khẩu cho từng trường hợp cụ thể:
b. Căn cứ vào giấy khai báo kiểm dịch thực vật, cơ quan kiểm dịch thực vật phải hoàn thành việc kiểm dịch chính xác và nhanh chóng. Chỉ trong những trường hợp dưới đây hoặc tương tự như dưới đây mới được kéo dài quá thời hạn quy định tại điều 9 của điều lệ:
- Bản thân lô vật phẩm, phương tiện công cụ không đủ điều kiện để nhanh chóng khám xét, lấy mẫu theo thao tác kỹ thuật đã quy định.
- Việc đi lại khám xét, lấy mẫu gặp khó khăn khách quan không thể khắc phục được.
- Có nhiều giấy khai báo cùng một lúc, không thể kiểm dịch kịp, hoặc chủ vật phẩm không yêu cầu kiểm dịch ngay sau khi khai báo.
c. Chủ vật phẩm, phương tiện, công cụ được cơ quan kiểm dịch thực vật nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho những lô vật phẩm, phương tiên, công cụ không bị nhiễm sâu bệnh ghi tại khoản 1, điều 2 của điều lệ hoặc bị nhiễm các loại sâu bệnh đó nhưng đã được xử lý thích đáng.
3. Thủ tục kiểm dịch bưu phẩm, bưu kiện hoặc vật phẩm nhập khẩu khác, với khối lượng dưới 5 ki lô gam cũng tiến hành như nêu tại điểm 2 trên đây, nhưng được miễn giấy đã đăng ký diểm dịch thực vật nhập khẩu và miễn khám xét nếu cơ quan kiểm dịch thực vật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét thấy lô vật phẩm đó không còn khả năng mang theo sâu bệnh ghi tại khoản 1, Điều 2 của điều lệ.
4. Những người có hành lý xách tay, lương thực, thực phẩm mang theo ăn dọc đường, vòng hoa để phúng viếng, bó hoa để trao tặng đưa từ nước ngoài vào Việt Nam được miễn các thủ tục nêu trên, nhưng phải khai báo hoặc đưa ra để kiểm tra tại chỗ khi cán bộ kiểm dịch thực vật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam yêu cầu và thực hiện các biện pháp xử lý đối với vật phẩm của mình, nếu nhiễm dịch.
5. Trong khi chuyên chở quá cảnh trên lãnh thổ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chủ vật phẩm thuộc diện kiểm dịch thực vật phải thực hiện các biện pháp ghi tại Điều 10 của điều lệ, ngoài ra còn phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước có hàng chở đi kèm theo lô hàng để xuất trình khi cán bộ kiểm dịch thực vật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam yêu cầu. Trường hợp không có giấy nêu trên hoặc bốc dỡ dọc đường thì phải khai báo đểu được cơ quan kiểm dịch thực vật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận cho chuyên chở tiếp.
6. Khi các phương tiện chuyên chở từ nước ngoài tới hoặc của Việt Nam từ nước ngoài về lãnh thổ, nội thuỷ và lãnh hải của Việt Nam, thì mọi người trên phương tiện dón không được để sâu, bệnh ghi ở khoản 1, Điều 2 của điều lệ bằng bất cứ cách nào lây lan từ các phương tiện đó ra chung quanh, không được để rơi, vứt bỏ hoặc để trôi dạt những vật phẩm thuộc diện kiểm dịch thực vật vào đất liền Việt Nam. Nếu vì bất trắc mà để việc đó xảy ra thì phải báo ngay cho bất kỳ nhà chức trách Việt Nam nào đầu tiên có thể báo được. Người được báo hoặc phát hiện đầu tiên những thứ nêu trên có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan kiểm dịch thực vật hoặc bảo vệ thực vật gần nhất để có biện pháp giải quyết.
Chỉ sau khi được cơ quan kiểm dịch thực vật nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp giấy chứng nhận đã kiểm tra và cho phép thì các phương tiện chuyên chở đường thuỷ thuộc diện kiểm dịch thực vật mới được cập cảng hoặc bốc dỡ hàng hoá trong vùng nội thuỷ và vùng cảng Việt Nam. Đối với phương tiện chuyên chở đường không và đường bộ thì tuỳ theo từng tuyến đường, từng loại phương tiện mà cơ quan kiểm dịch thực vật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định việc kiểm dịch các phương tiện đó trước khi bốc dỡ hàng hoá.
B. KIỂM DỊCH THỰC VẬT TẠI CÁC VÙNG TRONG NƯỚC
1. Vùng có dịch thực vật ( ghi tại Điều 14 của đièu lệ) chỉ bao gồm những diện tích mà một hoặc nhiều loại sâu, bệnh ghi ở khoản1, Điều 2 của điều lệ tồn tại và có thể trực tiếp lây lan bằng con đường tự nhiên.
2. Lệnh công bố có dịch hoặc hết dịch được Uỷ ban nhân dân huyện công bố, nếu vùng dịch thực vật ở trong phạm vi một huyện; Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố, nếu vùng dịch đó ở trong phạm vi hai huyện trở lên, hoặc Bộ Nông nghiệp công bố, nếu vùng đó ở trong phạm vi hai tỉnh trở lên. Lệnh này được công bố trên cơ sở kết quả điều tra hoặc xác minh và đề nghị của cơ quan kiểm dịch thực vật, trong lệnh ghi rõ tên những diện tích đất đai, nhà máy, kho tàng bến bãi thuộc phạm vi vùng có dịch thực vật và các biện pháp cũng như thời hạn thực hiện các biện pháp đó.
Lệnh công bố vùng có dịch thực vật được truyền đạt đến những tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm thi hành và niêm yết tại các đầu mối giao thông ra vào vùng đó.
3. Việc theo dõi tình hình sâu bệnh ghi tại Điều 13 của Điều lệ ở những nơi tiếp giáp với cửa khẩu biên giới hoặc thường xuyên có vật phẩm thuộc diện kiểm dịch thực vật đưa từ nước ngoài vào cũng như từ vùng có dịch thực vật đến, ở những cơ sở nhân giống cây và những nơi khác, có nhiều khả năng là nguồn lây lan sâu bệnh đối tượng kiểm dịch thực vật, phải được thực hiện theo đúng quy trình cơ quan kiểm dịch thực vật quy định.
4. Vùng có dịch thực vật do cấp nào công bố thì cấp đó tổ chức các trạm kiểm dịch thực vật tạm thời tại những nơi cần thiết( ghi tại chi tiết c, khoản 2, Điều 14 của Điều lệ).
5. Những trường hợp đình chỉ vận chuyển vật phẩm nhiễm dịch có gây trở ngại lớn cho hoạt động giao thông vận tải, bốc dỡ, lưu thông phân phối mà cơ quan kiểm dịch thực vật phải báo cáo ngay lên các cấp có thẩm quyền quýêt định (ghi tại Điều 15 của Điều lệ), gồm có:
a. Đình chỉ vận chuyển những lô vật phẩm đã được cấp có thẩm quyền xếp vào diện ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch vận chuyển.
b. Việc đình chỉ vận chuyển gây nên đình trệ toàn bộ hoạt động của cơ sở giao thông vận tải, bốc dỡ, lưu thông phân phối.
6. Ngoài những điều nêu trên, công tác kiểm dịch thực vật tại các vùng trong nước được thực hiện theo quy định tại các điều khoản của điều lệ bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 334-CP ngày 22-9-1979 của Hội đồng Chính phủ.
C. PHÍ KIỂM DỊCH THỰC VẬT
(Ghi tại mục III, chương II của Điều lệ).
Với sự thoả thuận của Bộ Tài chính, nay Bộ Nông nghiệp quy định chi tiết về phí kiểm dịch thực vật (dưới đây gọi tắt là phí kiểm dịch) như sau:
1. Phí kiểm dịch gồm cá khoản chi phí sau đây:
a. Điều tra và lấy mẫu vật phẩm tính theo số lượng mẫu điểm ghi trong thao tác điều tra lấy mẫu kiểm dịch thực vật do cục bảo vệ thực vật quy định. Cứ từ 1 đến 10 mẫu điểm đều được tính một đơn vị phí kiểm dịch, từ mẫu thứ 11 trở lên thì cứ thêm mỗi mẫu tính thêm 0,1 đơn vị phí kiểm dịch.
Nếu điều tra mà không lấy mẫu vật phẩm thì dưới 500m2 được tính 1 đơn vị phí kiểm dịch, trên 500m2 thì cứ thêm 100m2 được tính thêm 0,1 đơn vị phí kiểm dịch.
b. Phân tích giám định: cứ mỗi yêu cầu phân tích giám định côn trùng hoặc nấm bệnh, vi trùng, siêu vi trùng, cỏ dại,v.v... được tính từ 8 đến 12 đơn vị phí kiểm dịch và mỗi yêu cầu phân tích giám định tổng quát( để kết luận chung về tình trạng kiểm dịch thực vật) được tính từ 10 đến 15 đơn vị phí kiểm dịch, tuỳ theo từng lô vật phẩm và yêu cầu phân tích đơn giản hay phức tạp.
c. Lập hồ sơ ( cả công và vật liệu) cho một khâu cũng như toàn bộ các khâu của mỗi lần làm thủ tục kiểm dịch thực vật đều được tính từ 0,5 đến 1 đơn vị phí kiểm dịch.
d. Chuyển gửi mẫu vật phẩm và đi lại để làm thủ tục kiểm dịch thực vật tính theo giá cước chung và theo thực tế chi phí của cơ quan kiểm dịch thực vật.
2. Mỗi đơn vị phí kiểm dịch được tính giá trị bằng 2 đồng, nếu việc kiểm dịch được tiến hành trong giờ hành chính; bằng 2,50 đồng, nếu việc kiểm dịch phải làm ngoài giờ hành chính, và bằng 3 đồng, nếu việc kiểm dịch phải làm vào ngày lễ, ngày nghỉ, ca ba do yêu cầu khách quan.
Cơ quan kiểm dịch thực vật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quyết định thu phí kiểm dịch của người nước ngoài bằng tiền rúp, đô la (Mỹ), bản (Anh), mác (Tây Đức) với giá mỗi đơn vị phí kiểm dịch là 20 đồng, 25 đồng; 30 đồng ( tuỳ theo việc kiểm dịch tiến hành trong hai ngoài giờ hành chính) tính theo giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý.
3. Phí kiểm dịch đối với vật phẩm nhập khẩu do người nhận nộp, đối với vật phẩm xuất khẩu do người gửi nộp, đối với phương tiện, công cụ (nếu kiểm dịch riêng phương tiện, công cụ không chứa đựng vật phẩm) thì do chủ phương tiện, công cụ nộp.
Phí kiểm dịch phải được nộp ngay tại chỗ, nếu người nộp là chủ bưu phẩm, bưu kiên, hành lý gửi theo người trên phương tiện chuyên chở; hoặc nộp sau, nếu người nộp là chủ các vật phẩm không thuộc diện kể trên.
Thời hạn cụ thể thu nạp phí kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định cho từng trường hợp và không được thu nạp chậm quá 15 ngày kể từ khi kiểm dịch xong. Việc thu nạp phí kiểm dịch chậm trễ được xem xét như hành vi vi phạm điều lệ.
4. Đối với lương thực, thực phẩm mang theo ăn dọc đường, vòng hoa để phúng viêng, bó hao để tra tặng thì được miễn phí kiểm dịch.
Đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm gửi theo phương tiện chuyên chở với khối lượng dưới 5 kilôgam để tặng, biếu để nghiên cứu và các lô vật phẩm thuộc diện viện trợ nhân đạo thì được giảm phí kiểm dịch so với mức thu nạp nêu ở điểm I trên đây.
III. VỀ THƯỞNG, PHẠT
(Ghi tại chương IV của Điều lệ)
Với sự thoả thuận của Bộ Tài chính, nay quy định như sau:
1. Việc thưởng tiền, ghi tại Điều 20 của điều lệ, chỉ thi hành đối với những người có công (nếu là cơ quan hoặc cán bộ kiểm dịch thực vật thì phải có công xuất sắc) trong việc ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ các vụ vi phạm chế độ kiểm dịch thực vật. Số tiền thưởng nhiều nhất là 50% số tiền phạt của vụ vi phạm, và không quá 3000000 đồng. Người được thưởng lĩnh thưởng bằng tiền trong nước.
Ngoài hình thức thưởng tiền, mọi thành tích trong việc thực hiện Điều lệ đều được xét khen thưởng theo chế độ khen thưởng chung của Nhà Nước.
2. Cơ quan cấp có thẩm quyền quyết định phạt tiền (ghi tại Điều 22 của Điều lệ) được quyền trích số tiền phạt thu được để thưởng và nộp phần còn lại vào kho bạc Nhà nước.
3. Căn cứ biên bản vi phạm và tình hình thực tế của vụ vi phạm mà cấp có thẩm quyền quyết định hình thức và mức độ xử lý. Biên bản phạt được truyền đạt đến người bị xử lý.
4. Việc thu nạp tiền phạt đối với người vi phạm là người nước ngoài cũng thực hiện theo thể thức thu nạp phí kiểm dịch nêu tại mục C, phần II của Thông tư này. Việc quản lý tiền thưởng, phạt phải được thực hiện đúng chế độ hiện hành của Nhà nước.
5. Việc bồi thường vật chất trong trường hợp vi phạm Điều lệ thì thi hành theo chế độ trách nhiệm vật chất (ban hành kèm theo Nghị định số 49-CP ngày 9-4-1968 của Hội đồng Chính phủ) và các quy định chung của Nhà nước.
6. Việc khiếu nại và giải quyết các vụ khiếu nại về thưởng phạt trong việc thi hành điều lệ đều được thực hiện theo quy định chung và khiếu tố của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
IV.TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Mạng lưới kiểm dịch thực vật gồm có:
a. Cục bảo vệ thực vật phụ trách công tác kiểm dịch thực vật trên phạm vi cả nước và các trạm kiểm dịch thực vật trực thuộc, đóng tại các cửa khẩu và đầu mối giao thông chính, trực tiếp tiến hành công tác kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu tại các nơi đó và công tác kiểm dịch thực vật nội địa vùng chung quanh nơi trạm đóng.
b. Các tổ chức hoặc cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách công tác kiểm dịch thực vật ở các tỉnh, huyện do chính quyền địa phương quyết định thành lập và các tổ chức uỷ nhiệm kiểm dịch thực vật tại cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, giao nhận, kiểm soát biên phòng, v.v... , do cơ quan chủ quản quyết định thành lập với sự thoả thuận cua cơ quan kiểm dịch thực vật, để phụ trách công tác kiểm dịch thực vật ở địa phương hoặc cơ sở của mình.
2. Việc quản lý về mặt chuyên môn, nghiệp vụ kiểm dịch thực vật đối với mạng lưới kiểm dịch thực vật từ trung ương đến cơ sở (ghi tại Điều 26 của Điều lệ), thực hiện như sau:
a. Thao tác, thủ tục, sổ sách, giấy tờ và chế độ báo cáo xin ý kiến về nghiệp vụ kiểm dịch thực vật được áp dụng thống nhất theo quy định của Cục bảo vệ thực vật trên cơ sở điều lệ và thông tư này.
b. Những cán bộ kiểm dịch thực vật địa phương do cơ quan cấp có thẩm quyền chỉ định hoặc bổ nhiệm, phải có trình độ nhất định về mặt chuyên môn, nghiệp vụ kiểm dịch thực vạt theo quy định của Cục bảo vệ thực vật và phải được cơ quan kiểm dịch thực vật cấp trên xác nhận trình độ đó.
Kiểm dịch thực vật viên (dưới đây gọi tắt là kiểm dịch viên) kể cả ở Trung ương và địa phương phải được cục bảo vệ thực vật xác nhận trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cấp thẻ kiểm dịch thực vật.
c. Đối với các biện pháp kiểm dịch thực vật mà sự thực hiện các biện pháp đó tuy không tiêu tốn vượt các mức phân cấp quyền hạn (nêu ở điểm 3 dưới đây) nhưng có ảnh hưởng quan trọng về nhiều mặt (kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng,v.v...) thì cấp dưới phải được cấp trên đồng ý trước khi công bố quyết định. Trường hợp không thể xin ý kiến cấp trên ngay được thì phải tranh thủ ý kiến của chính quyền địa phương trước khi công bố và khi có khả năng đầu tiên thì báo cáo ngay lên cấp trên.
3. Nay quy định chi tiết và phân cấp những nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ kiểm dịch thực vật (ghi ở Chương III, IV của Điều lệ) như sau:
a. Uỷ nhiệm viên và nhân viên kiểm dịch thực vật có một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể do tổ chức hay cán bộ kiểm dịch thực vật giao cho hoặc uỷ cho.
b. Kiểm dịch viên có nhiệm vụu và quyền hạn như nêu tại Điều 18, 19 và khoản I, Điều 22 của Điều lệ, trong đó có một số điểm được quy định chi tiết thêm như sau:
- Phải mặc đồng phục, đeo phù hiệu và mang thẻ kiểm dịch thực vật theo mẫu và chế độ quy định. Chỉ những cán bộ có đủ các thứ theo quy định nêu trên mới có đủ tư cách để thi hành chức trách của mình.
- Khi ra vào những nơi có vật phẩm, phương tiện, công cụ thuộc diện kiểm dịch thực vật để làm nhiệm vụ (như nêu ở khoản 1, Điều 19 của Điều lệ) thì ngoài đồng phục và thẻ kiểm dịch thực vật còn phải có lệnh hoặc giấy giới thiệu của cơ quan mình. Việc kiểm soát giấy tờ, kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp và thủ tục kiểm dịch thực vật, điều tra, lấy mẫu vật phẩm đều phải theo đúng quy trình, thao tác, chế độ do Cục bảo vệ thực vật quy định.
- Việc ra lệnh cho người điều khiển các phương tiện vận tải đường thủy, đường boọ dừng lại để kiểm soát (nêu ở khoản 3, Điều 19 của Điều lệ) chỉ được thực hiện trên tuyến đường nhất định, đối với loại phương tiện nhất định và trong một thời hạn nhất định, theo quyết định của Uỷ ban nhân dân các cấp và phối hợp với cơ sở công an địa phương.
Chỉ được ra lệnh đình chỉ chuyên chở những lô vật phẩm nhiễm dịch tại bến xe, nhà ga, bến cảng và dọc đường (nêu ở Điều 15 của Điều lệ) không quá 24 giờ.
Việc ra lệnh dừng lại hoặc đình chỉ chuyên chở nêu trên không được trái với luật lệ giao thông và các thể lệ khác đã được Nhà nước ban hành.
- Chỉ được quyết định các biện pháp kiểm dịch thực vật mà sự tiêu tốn trực tiếp cho việc thực hiện các biện pháp đó không quá 3000 đồng.
c. Cán bộ trực tiếp phụ trách chung công tác kiểm dịch thực vật từ cấp huyện trở lên, ngoài những quyền hạn và nhiệm vụ nêu trên, còn có quyền:
- Quyết định phạt tiền tới 100 đồng hoặc 200 đồng (nếu là cấp tỉnh hoặc tương đương).
- Quyết định chuyển dùng vào việc khác hoặc tiêu huỷ số vật phẩm nhiễm dịch có giá trị 1000 đồng hoặc 2000 đồng (nếu là cấp tỉnh hoặc tương đương).
- Quyết định các biện pháp kiểm dịch thực vật mà sự tiêu tốn cho việc trực tiếp thực hiện các biện pháp đó tới 5000 đồng hoặc tới 10000 đồng (nếu là cấp tỉnh hoặc cấp tương đương), hoặc tới 20000 đồng (nếu là trưởng và phó trưởng trạm kiểm dịch thực vật trực thuộc Cục bảo vệ thực vật hoặc cấp tương đương), nếu quá 20000 đồng thì phải được Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật quyết định hoặc trình cấp trên quyết định.
d. Cục trưởng cục bảo vệ thực vật tổ chức, chỉ đạo và quản lý vè chuyên môn, nghiệp vụ công tác kiểm dịch thực vật từ trung ương đến cơ sở, xác nhận và cấp thẻ kiểm dịch thực vật, cấp giấy đã đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quy định chi tiết những điểm chưa được quy định chi tiết tại Điều lệ và Thông tư này nhằm thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật trên phạm vi cả nước.
Trên đây là một số điểm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành điều lệ kiểm dịch thực vật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Điều lệ và Thông tư này đều bãi bỏ.
DANH MỤC
ĐỐI TƯỢNG KIỂM DỊCH THỰC VẬT CỦA
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Cấm nhập vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam những hạt giống, cây giống, cây cảnh, cây nông nghiệp, cây rừng và các cây nông, lâm sản bị nhiễm sâu bệnh ghi trong nhóm này, hoặc được sản xuất trong những vùng có các loại sâu bệnh đó.
NHÓM I
A. SÂU
1. Ruồi Địa Trung Hải Ceratitis Capitata Wied.
2. Bướm trắng Mỹ Hyphantria cunea Drury.
3. Sâu cánh cứng khoai tây Leptinotarsa decemlineata Say.
4. Mọt lạc Pachymerus pallidus Olivier.
5. Bọ dừa viền trắng Pantomorus leucoloma Dojean.
B. BỆNH
6. Tuyến trùng lúa Ditylenchus angustus (Butler) Filipjev
7. Tuyến trùng khoai tây Hétérodera rostochiencis Wollonerber
8. Bệnh đen khoai lang Cesratótomella fimbriata Elliot et Halsted.
9. Bệnh ung thư khoai tây Synchytrium endobioticum (Sehilb) Perc.
10. Bệnh rũ ngô Bactétium stewarti EF Smith.
11. Bệnh khô cành cam, quýt Deuterophoma Tracheiphila Pétri.
NHÓM II
Những hạt giống, cây giống của các cây cảnh, cây nông nghiệp, cây rừng và các nông, lâm sản bị nhiễm sâu bệnh ghi trong nhóm này, thì trước khi chuyên chở vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đều phải xông thuốc khử trùng và áp dụng mọi biện pháp kiểm dịch thực vật nhằm ngăn chặn sự lây lan của chúng.
A. SÂU
12. Bọ đầu dài bông Anthonomus grandis Beh.
13. Rệp sáp râu Pseudolacaspis pentagoma Targ.
14. Ruồi lớn cam, quýt Tétradacus citri Ch.
15. Rệp sáp dài Leucaspis japonica Chu.
16. Rệp sáp Cômtôcky Pseudococcus comstocki Kuw.
17. Mọt thóc tạp Tribolium confusum Duval.
18. Bọ dừa Nhật Bản Popillia japonica Newn.
19. Sâu đục quả đào Carposina sasakii Mats.
20. Sâu đục quả lê Lapeyresia molesta Busch.
21. Mọt cứng đốt Trogoderma granaria Everts
22. Bướm củ khoai tây Gnorimoschema operculella Zell.
23. Mọt đậu nành Acanthoscelides obtertus Say.
24. Rệp sáp lê Aspidiotusperniciosus Comst.
25. Mọt to vòi Caulophilus latinasus Say.
26. Rệp sáp hồng dẹt Ceroplastes ruscit L.
27. Sâu hồng bông Pestinophora Gossypiella Raumd.
28. Mọt cà-phê Stephanoderes hampei Ferr.
29. Mọt thóc Calandra Granaria L.
B. BỆNH
30. Bệnh thối rũ bông Phymatotrichum omnivorum (shoer) Duggar.
31. Bệnh ghẻ khoai tây Spongospora subteranea (Wallr) Legerh.
32. Bệnh ung thư cà chua Corynebactérium michiganense (M. F. Smith)
Jensen.
33. Bệnh phấn đen lúa mì Tilletia indica Mitra.
34. Bệnh héo vàng bông Verticilium alboatrum Reinke et Berth.
35. Bệnh khô rũ bông Fusarium vasinfectum Atk.
36. Bệnh cây hương lúa Ephelis oryzae Syd.
37. Bệnh phấn đen ngô Ustilago maydis (DC) Corda.
38. Bệnh vàng cam, quyết Quick decline.