Sign In

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TRÌNH TUẦN TRA, KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TRÊN BIỂN CỦA LỰC LƯỢNG KIỂM NGƯ

_______________________________

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Kiểm ngư.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Kiểm ngư để thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với lực lượng Kiểm ngư và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát là trình tự tổ chức thực hiện kể từ khi xây dựng kế hoạch chuyến tuần tra đến khi kết thúc chuyến tuần tra.

2. Tuần tra là hoạt động lưu động trên biển theo kế hoạch hoặc đột xuất để thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ của Kiểm ngư.

3. Kiểm tra, kiểm soát là hoạt động soát xét, đối chiếu hồ sơ, giấy tờ, việc thực thi các quy định liên quan đến người, tàu cá, sản phẩm thủy sản theo pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát

1. Tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phải bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển.

2. Tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát công khai, minh bạch, đúng kế hoạch và phù hợp quy định của pháp luật.

3. Ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo đúng quy định của pháp luật .

Điều 5. Yêu cầu khi thực thi công vụ trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát

1. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Có thái độ tôn trọng, đúng mực khi thực thi công vụ.

3. Không làm ảnh hưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và tàu thuyền hoạt động hợp pháp trên biển.

4. Không lợi dụng vị trí công tác để trục lợi.

Chương II

QUY TRÌNH TUẦN TRA, KIỂM TRA, KIỂM SOÁT

Điều 6. Xây dựng, ban hành kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát

1. Căn cứ xây dựng kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát

Kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát được xây dựng dựa trên một trong những căn cứ sau:

a) Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Đề nghị của cơ quan có thẩm quyền;

c) Theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.

2. Thẩm quyền ban hành kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát

a) Cục trưởng Cục Kiểm ngư ban hành kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cục Kiểm ngư;

b) Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng ban hành kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Chi cục Kiểm ngư Vùng;

c) Người đứng đầu cơ quan Kiểm ngư hoặc người đứng đầu cơ quan quản lý thủy sản địa phương ban hành kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của địa phương.

3. Kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Thành lập đoàn tuần tra

1. Thẩm quyền thành lập đoàn tuần tra

a) Cục trưởng Cục Kiểm ngư quyết định thành lập đoàn tuần tra theo kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cục Kiểm ngư;

b) Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng quyết định thành lập đoàn tuần tra theo kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Chi cục Kiểm ngư Vùng;

c) Người đứng đầu cơ quan Kiểm ngư hoặc người đứng đầu cơ quan quản lý thủy sản địa phương quyết định thành lập đoàn tuần tra theo kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của địa phương.

2. Thành phần đoàn tuần tra

Đoàn tuần tra gồm: Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn và các thành viên. Trưởng đoàn tuần tra là người chỉ huy đoàn tuần tra, chấp hành sự chỉ đạo điều hành và chịu trách nhiệm trước người quyết định thành lập đoàn tuần tra và trước pháp luật. Quyết định thành lập đoàn tuần tra theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn tuần tra

a) Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện tuần tra theo kế hoạch đã được ban hành. Chấp hành sự chỉ huy, chỉ đạo, điều hành của cấp trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra;

c) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc phát sinh vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp trên để xử lý theo quy định;

d) Phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để thực thi pháp luật trên biển;

đ) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật các nước có liên quan trong lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn ngư dân và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

e) Tham gia công tác phòng, chống thiên tai, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công chỉ đạo của người quyết định thành lập đoàn tuần tra;

h) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho đoàn tuần tra;

i) Được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;

k) Truy đuổi, bắt, giữ theo quy định của pháp luật trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy.

4. Phương tiện tuần tra

Phương tiện tuần tra bao gồm: tàu, xuồng công vụ thủy sản hoặc phương tiện của lực lượng khác tham gia chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

Điều 8. Lệnh điều động tàu

Căn cứ quyết định thành lập đoàn tuần tra đã được ban hành:

1. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng ban hành lệnh điều động tàu đối với đoàn tuần tra do Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư Vùng thành lập.

2. Người đứng đầu cơ quan Kiểm ngư hoặc người đứng đầu cơ quan quản lý thủy sản địa phương ban hành lệnh điều động tàu đối với đoàn tuần tra do địa phương thành lập.

3. Lệnh điều động tàu theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Bảo đảm an toàn, hiệu quả chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát

1. Trước khi xuất phát đi tuần tra, Trưởng đoàn tuần tra có trách nhiệm họp đoàn để rà soát, đánh giá công tác bảo đảm an toàn, hiệu quả chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

2. Nội dung rà soát, đánh giá:

a) Rà soát phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên đoàn tuần tra và dự kiến thành viên tổ kiểm tra;

b) Đánh giá điều kiện thời tiết và các dấu hiệu khác để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tuần tra;

c) Phân loại đối tượng, tàu cá hoạt động trên ngư trường, vùng biển được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát;

d) Kiểm tra công tác hậu cần, kỹ thuật phục vụ chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

3. Việc rà soát, đánh giá công tác bảo đảm an toàn hiệu quả chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát được lập thành văn bản và lưu hồ sơ chuyến tuần tra.

Điều 10. Tiến hành tuần tra

1. Đoàn tuần tra triển khai hành trình theo kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đã được ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này; tổ chức thực hiện quan sát nhận định đánh giá tình hình tuân thủ quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của người, phương tiện hoạt động trên biển.

2. Trường hợp phải thay đổi hành trình theo kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đã được ban hành, Trưởng đoàn tuần tra phải báo cáo người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này thông qua hệ thống thông tin liên lạc trên tàu để xem xét, quyết định.

3. Trường hợp bất khả kháng, Trưởng đoàn tuần tra phải tổ chức họp đoàn để xem xét, quyết định việc thay đổi hành trình.

4. Các trường hợp thay đổi hành trình chuyến tuần tra phải được lập thành biên bản, lưu hồ sơ chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

Điều 11. Các trường hợp dừng tàu cá để kiểm tra, kiểm soát

1. Trực tiếp hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

2. Khi nhận được thông tin, tin báo hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ các tổ chức, cá nhân.

3. Thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên hoặc đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

4. Các dấu hiệu vi phạm pháp luật khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

5. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 12. Hiệu lệnh dừng, tổ chức tiếp cận tàu cá

1. Căn cứ vào một trong các trường hợp dừng tàu cá quy định tại Điều 11 Thông tư này, Trưởng đoàn tuần tra chỉ đạo, ra hiệu lệnh dừng tàu cá. Hiệu lệnh dừng tàu cá được thể hiện bằng một trong các tín hiệu sau: còi hú, loa, đèn, cờ hiệu, máy thông tin và các hình thức khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

2. Căn cứ tình hình, điều kiện thực tế, Trưởng đoàn tuần tra quyết định số lượng tổ, thành viên tổ kiểm tra và sử dụng tàu, xuồng để tiếp cận, lên tàu cá.

Điều 13. Tổ kiểm tra

1. Tổ kiểm tra là một bộ phận thuộc đoàn tuần tra, được phân công và thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ huy của Trưởng đoàn tuần tra.

2. Tổ kiểm tra có tối thiểu 03 (ba) người bao gồm: Tổ trưởng, 01 (một) cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ kiểm ngư và các thành viên khác của đoàn tuần tra. Tổ trưởng là người chỉ huy tổ kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn tuần tra.

3. Nhiệm vụ của tổ kiểm tra

a) Chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo của Trưởng đoàn tuần tra và kế hoạch tuần tra đã được cấp có thẩm quyền ban hành;

b) Trực tiếp lên tàu cá để tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

c) Thu thập tình hình, thông tin, chứng cứ, tài liệu có liên quan và xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo quy định;

d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật các nước có liên quan trong lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn ngư dân và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

đ) Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng đoàn tuần tra.

Điều 14. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát trên tàu cá

1. Tổ trưởng tổ kiểm tra

a) Chào thuyền trưởng hoặc chủ tàu cá, xưng danh tổ kiểm tra của lực lượng Kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển;

b) Thông báo nội dung kiểm tra, kiểm soát cho thuyền trưởng hoặc chủ tàu cá;

c) Yêu cầu thuyền trưởng hoặc chủ tàu cá, thuyền viên và người làm việc trên tàu cá chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của tổ kiểm tra. Nội dung kiểm tra, kiểm soát theo quy định tại Điều 15 Thông tư này;

d) Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức xử lý theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn thuyền viên và người làm việc trên tàu cá những điểm cần lưu ý khi hoạt động trên biển, tuyên truyền phổ biến pháp luật về thủy sản;

e) Thông báo kết quả kiểm tra, kiểm soát cho thuyền trưởng hoặc chủ tàu cá trước khi rời tàu cá;

g) Báo cáo Trưởng đoàn tuần tra kết quả kiểm tra, kiểm soát trên tàu cá.

2. Thành viên tổ kiểm tra

a) Tiến hành kiểm tra, kiểm soát các nội dung theo sự phân công của Tổ trưởng;

b) Cảnh giới, quan sát mọi diễn biến xảy ra trong quá trình kiểm tra, kiểm soát trên tàu cá;

c) Báo cáo Tổ trưởng kết quả kiểm tra, kiểm soát.

Điều 15. Nội dung kiểm tra, kiểm soát

1. Kiểm tra, kiểm soát hồ sơ, giấy tờ liên quan đến thuyền viên, người làm việc trên tàu cá: giấy tờ tùy thân; văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá; sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; bảo hiểm thuyền viên tàu cá.

2. Kiểm tra, kiểm soát hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tàu cá: giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; giấy phép khai thác thủy sản; nhật ký khai thác thủy sản; báo cáo khai thác thủy sản; nhật ký thu mua chuyển tải; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

3. Kiểm tra, kiểm soát việc trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá: trang thiết bị về hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa; hệ thống thông tin liên lạc, tín hiệu; thiết bị giám sát hành trình.

4. Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: treo cờ theo quy định; đánh dấu nhận biết tàu cá; viết số đăng ký tàu cá; vùng khai thác thủy sản; chuyển tải thủy sản hoặc hỗ trợ cho tàu cá khai thác bất hợp pháp; nghề, ngư cụ khai thác thủy sản; sử dụng điện để khai thác thủy sản; tàng trữ, sử dụng chất cấm, hoá chất cấm, chất độc, chất nổ, thực vật có độc tố để khai thác thủy sản.

5. Kiểm tra, kiểm soát các nội dung khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ Việt Nam là thành viên.

6. Biên bản kiểm tra, kiểm soát theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 16. Xử lý, xử phạt vi phạm hành chính

Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đoàn tuần tra tiến hành xử lý, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Tổ chức dẫn giải tàu cá vi phạm

Trường hợp tàu cá vi phạm phải tổ chức dẫn giải để xác minh, xử lý hành vi vi phạm hoặc phục vụ hoạt động điều tra, quy trình dẫn giải tàu cá được thực hiện như sau:

1. Trưởng đoàn tuần tra quyết định việc dẫn giải tàu cá vi phạm:

a) Quyết định thành phần, tàu, xuồng Kiểm ngư để dẫn giải;

b) Quyết định biện pháp, đội hình, cự ly dẫn giải;

c) Phân công thành viên quan sát, cảnh giới và giám sát trong suốt quá trình dẫn giải;

d) Thông báo lý do dẫn giải, vị trí, tọa độ tàu cá được dẫn giải đến cho thuyền trưởng hoặc chủ tàu cá vi phạm;

đ) Yêu cầu thuyền trưởng và các thành viên khác trên tàu cá vi phạm chấp hành việc dẫn giải tàu cá về địa điểm đã được thông báo;

e) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về người, tang vật, tàu cá vi phạm trong quá trình dẫn giải;

g) Giữ thông tin liên lạc, kịp thời báo cáo với cấp trên các tình huống phát sinh.

2. Các biện pháp dẫn giải tàu cá vi phạm

a) Thuyền trưởng tàu cá tự đưa tàu cá vi phạm về vị trí, địa điểm theo thông báo của đoàn tuần tra;

b) Sử dụng phương tiện tuần tra để đưa tàu cá vi phạm về vị trí, địa điểm theo thông báo của đoàn tuần tra.

Điều 18. Canh giữ tàu cá vi phạm, trả lại tàu cá vi phạm

Người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 6 có trách nhiệm:

1. Tổ chức canh giữ bảo đảm an toàn về người, tang vật, tàu cá vi phạm trong quá trình xử lý vụ việc đối với vụ việc vi phạm có tiến hành tạm giữ tang vật, tàu cá theo quy định.

2. Tổ chức trả lại tang vật, tàu cá vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 19. Bàn giao vụ việc cho cơ quan khác xử lý

1. Đối với vụ việc không thuộc thẩm quyền xử lý, sau khi dẫn giải tàu cá vi phạm về vị trí, địa điểm tạm giữ, Trưởng đoàn tuần tra phải tiến hành bàn giao cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Việc bàn giao phải được thể hiện bằng văn bản và đại diện của các bên liên quan ký vào biên bản bàn giao theo quy định.

Điều 20. Kết thúc chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát

1. Trưởng đoàn tuần tra có trách nhiệm tổ chức họp đoàn để tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động của chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Trưởng đoàn tuần tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả tuần tra tới người quyết định thành lập đoàn tuần tra. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Trưởng đoàn tuần tra, người đứng đầu cơ quan, đơn vị ban hành quyết định thành lập đoàn tuần tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tới cấp trên trực tiếp. Báo cáo kết quả chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Hồ sơ chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát được lưu trữ theo quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 01 năm 2023.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Kiểm ngư chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tập huấn, tuyên truyền và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc.

2. Chi cục Kiểm ngư Vùng, cơ quan quản lý thủy sản địa phương chịu trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Thông tư này trên địa bàn quản lý.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc các tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, điều chỉnh./.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phùng Đức Tiến