THÔNG TƯ
Quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật phân định ranh giới rừng
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 03 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật phân định ranh giới rừng.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định định mức kinh tế - kỹ thuật, cách tính chi phí về lập hồ sơ phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để lập hồ sơ phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng của chủ rừng thuộc sở hữu toàn dân quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Lâm nghiệp năm 2017 tiếp giáp với các chủ rừng liền kề, người sử dụng đất liền kề, ranh giới giữa các tiểu khu, khoảnh, lô trạng thái rừng ở Việt Nam và tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng nguồn vốn không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này áp dụng quy định tại Thông tư này để lập hồ sơ phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công trình cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng là công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm xác định ranh giới của từng chủ rừng cụ thể trên thực địa, để phục vụ quản lý rừng.
2. Định mức kinh tế - kỹ thuật phân định ranh giới rừng là mức hao phí về lao động, vật tư, máy móc thiết bị cho các công việc lập hồ sơ phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng.
3. Hệ số điều chỉnh (K) là hệ số được sử dụng để tính toán, điều chỉnh mức hao phí lao động khi các yếu tố hình thành định mức kinh tế - kỹ thuật lập hồ sơ phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng có sự thay đổi.
Điều 4. Nguyên tắc áp dụng định mức
1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể từng khu vực và biện pháp kỹ thuật, áp dụng hệ số điều chỉnh (K) để tính toán mức hao phí cần thiết cho từng hạng mục công việc khi lập đề cương kỹ thuật, dự toán chi tiết.
2. Việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật phải tuân thủ các yêu cầu được quy định trong tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trường hợp sử dụng vốn đầu tư công phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.
3. Trường hợp thiết kế mốc, bảng phân định ranh giới rừng, sử dụng biện pháp thi công và định mức nhân công, vật liệu, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ không quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Điều 5. Định mức kinh tế - kỹ thuật lập hồ sơ phân định ranh giới rừng
1. Hồ sơ phân định ranh giới rừng được lập, quản lý theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư số 31/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phân định ranh giới rừng (sau đây gọi là Thông tư số 31/2018/TT-BNNPTNT).
2. Cách tính chi phí, nội dung chi tiết công việc và định mức kinh tế - kỹ thuật lập hồ sơ phân định ranh giới rừng thực hiện theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Định mức kinh tế - kỹ thuật cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng
1. Quy định về mốc, bảng phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng trên thực địa thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư số 31/2018/TT-BNNPTNT và quy định tại Thông tư này.
2. Cách tính chi phí, nội dung chi tiết công việc và định mức kinh tế - kỹ thuật cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng thực hiện theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Cục Lâm nghiệp tổ chức hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật phân định ranh giới rừng quy định tại Thông tư này.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phổ biến, tuyên truyền, triển khai, kiểm tra thực hiện các quy định của Thông tư này tại địa phương.
3. Hằng năm, chủ rừng thực hiện cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo về tình hình quản lý mốc, bảng phân định ranh giới rừng với cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, kiểm lâm theo phân cấp.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2025.
2. Quy định chuyển tiếp:
Chương trình, dự án áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật để phân định ranh giới rừng đã phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện đến khi kết thúc chương trình, dự án. Trường hợp chương trình, dự án đã phê duyệt phải điều chỉnh sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này.
3. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
4. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.