Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và

một số chính sách đối với nghệ nhân

_____________________

Thực hiện Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg, ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn;

Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thông tin hướng dẫn tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và một số chính sách đối với Nghệ nhân như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP ĐỤNG

Công dân Việt Nam làm việc trong các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam

II. TIÊU CHUẨN XÉT CÔNG NHẬN DANH HIỆU NGHỆ NHÂN

Người có đủ tiêu chuẩn sau đây được xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân:

1. Là người thợ giỏi, có trình độ kỹ năng, kỹ sảo nghề nghiệp điêu luyện, có khả năng sáng tác mẫu và sao chép mẫu đạt trình độ nghệ thuật cao mà người thợ bình thường khác không làm được .

2. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, có phẩm chất đạo đức được những người trong nghề, lĩnh vực người đó hoạt động tôn vinh, thừa nhận;

3. Có tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao, đoạt huy chương vàng, huy chương bạc trong các cuộc thi, triển lãm quốc gia hoặc quốc tế.

Đối với những người không có điều kiện tham gia các cuộc thi, triển lãm thì phải có tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao được Hội đồng cấp Trung ương xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân công nhận tương đương;

4. Có công đóng góp trong việc gìn giữ, phát triển, đào tạo và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ;

III- HỘI ĐỒNG XÉT CÔNG NHẬN DANH HIỆU NGHỆ NHÂN

1. Hội đồng cấp Trung ương xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức hoạt động, quy chế làm việc của Hội đồng cấp Trung ương xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân.

IV- TRÌNH TỰ, THỜI GIAN, HỒ SƠ XÉT CÔNG NHẬN DANH HIỆU NGHỆ NHÂN

1- Trình tự xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân

a. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) có các ngành nghề quy định tại mục I của Thông tư này: tổ chức tuyển chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn và gửi văn bản đề nghị lên Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã (sau đây gọi tắt là cấp huyện).

b. Uỷ ban nhân dân cấp huyện: tập hợp hồ sơ do Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi lên, xác nhận và lập danh sách, và gửi văn bản đề nghị lên Uỷ ban nhân dân tỉnh.

c. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh: thành lập Hội đồng xét duyệt những người đủ tiêu chuẩn, lập danh sách (kèm theo hồ sơ), trình Hội đồng cấp Trung ương xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân.

d. Hội đồng cấp Trung ương xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân: tổ chức xét duyệt, chọn những người đủ tiêu chuẩn theo hướng dẫn tại Thông tư này, trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định và cấp bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân.

2. Thời gian xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân

Thời gian tổ chức xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân theo định kỳ là 3 năm một lần.

3. Hồ sơ xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân

Hồ sơ xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân gồm có:

a. Đơn của người được xét công nhận đanh hiệu Nghệ nhân;

b. Sơ yếu lý lịch của người được xét công nhận nghệ nhân, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

c. Bản thành tích của người được đề nghị xét công nhận danh hiệu Nghệ thân có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ trưởng cấp trên trực tiếp;

d. bản sao có công chứng các giấy chứng nhận huy chương đã đoạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước hoặc quốc tế (nếu có);

Đối với những người không có điều kiện tham gia các cuộc thi triển lãm thì phải có tác phẩm đạt nghệ thuật cao do Hội đồng công nhận;

đ. Biên bản xét duyệt và văn bản đề nghị công nhận danh hiệu Nghệ nhân của Uỷ ban nhân dân các cấp.

V- CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGHỆ NHÂN

1- Được Chính phủ cấp bằng công nhận đanh hiệu Nghệ nhân và được thưởng một lần một khoản tiền hoặc hiện vật trị giá tương đương với mức thưởng cho Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo ưu tú là: (2 triệu đồng);

2. Được tổ chức truyền, dạy nghề trực tiếp và thu tiền học phí của học viên trên nguyên tắc thoả thuận, được miễn các loại thuế trong hoạt dộng truyền và dạy nghề theo quy định của pháp luật;

3. Được tham gia các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, tạo dáng sản phẩm, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, đa dạng hoá sản phẩm từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Nhà nước.

4. Được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm làm ra theo Luật Bản quyền về tác giả, tác phẩm;

5. Được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

6. Được giảm 50% trở lên về chi phí thuê diện tích tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở trong nước;

7. Được Nhà nước hỗ trợ 50% tiền vé máy bay (cả đi lẫn về khi đi thăm quan, triển lãm, học tập ở nước ngoài theo kế hoạch đã được xét duyệt của Bộ thương mại, cấp nào tổ chức đi tham quan, triển lãm, học tập cấp đó đảm bảo kinh phí.

VI- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Căn cứ các tiêu chuẩn xác định danh hiệu Nghệ nhân, trình tự và thời gian xét duyệt theo quy định tại Thông tư này, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức xét duyệt, tuyển chọn, lập danh sách và hoàn chỉnh hồ sơ cho những người thuộc địa phương mình đề nghị Hội đồng cấp Trung ương xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân cho những người có đủ tiêu chuẩn.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với thông tư này đều được bãi bỏ.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Văn hoá - Thông tin

Thứ trưởng

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Thiện Luân

Nguyễn Lương Trào

Võ Hồng Quang