Sign In

 

 

 

 

 

NGHỊ QUYẾT

LIÊN TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM,
BỘ LÂM NGHIỆP NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 1985 VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐỘNG VIÊN NHÂN DÂN TRỒNG CÂY GÂY RỪNG, BẢO VỆ RỪNG
VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VƯỜN

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ V đã chỉ rõ: "Phấn đấu trong ba kế hoạch 5 năm phải sử dụng 15 triệu ha đất lâm nghiệp" và xác định nhiệm vụ cụ thể của năm 1986 - 1990 là "cả nước sẽ phấn đấu trồng 70 vạn ha rừng tập trung, 2 tỷ cây phân tán; phủ xanh 1 triệu ha đất trống, đồi trọc".

Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược trên đây của Đảng, phát huy truyền thống của "Tết trồng cây" do Bác Hồ phát động, Bộ Lâm nghiệp cùng với chính quyền, các ngành, các đoàn thể ở các cấp đã có nhiều cố gắng vận động tổ chức nhân dân trồng cây, gây rừng, đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Trong phong trào này, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động lực lượng phụ lão và các tầng lớp nhân dân khác tham gia trồng cây có hiệu quả. Phụ lão chiếm 90% trong số đội viên và đội trưởng chuyên trách trồng cây; đại bộ phận lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động về trồng cây là phụ lão, đã có tác dụng động viên giáo dục và lôi cuốn các tầng lớp nhân dân trồng cây gây rừng và phát triển kinh tế vườn, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và cho gia đình.

Tuân theo di huấn của Bác Hồ và thực hiện chủ trương của Đảng, Ban thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lâm nghiệp đã họp Hội nghị liên tịch và ra nghị quyết về việc đẩy mạnh hơn nữa phong trào trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế vườn.

 

I. CẦN THỰC HIỆN TỐT NHỮNG YÊU CẦU:

1) Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để mọi người thấy rõ lợi ích của trồng cây gây rừng là góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân, bảo vệ môi trường sống, tích cực đưa phong trào này phát triển sâu rộng và liên tục.

2) Để đẩy mạnh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc trong cả nước và xây dựng những vườn cây có hiệu quả, đi đôi với việc ứng dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, giữa các ngành, các đoàn thể, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở các cấp, nhằm động viên được các tầng lớp nhân dân, trong đó lực lượng phụ lão phải là nòng cốt của phong trào.

3) Cây trồng phải được chăm sóc bảo vệ chu đáo, để đạt tỷ lệ sống cao. Thực hiện nguyên tắc ai trồng người đó hưởng, đơn vị nào trồng đơn vị ấy hưởng. Nếu tập thể hoặc Nhà nước đầu tư khi thu hoạch thì người trồng và quản lý bảo vệ phải trả lại phần đầu tư đó cho Nhà nước hoặc tập thể. Sau khi khai thác phải trồng lại, không để đất trống.

4) Xây dựng và mở rộng các điển hình tiên tiến cá nhân và tập thể về trồng cây, trồng rừng giỏi, có biện pháp động viên khen thưởng kịp thời để phong trào ngày càng phát triển.

II. NHIỆM VỤ CHUNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC
VÀ NGÀNH LÂM NGHIỆP.

1) Vận động nhân dân và các tổ chức quần chúng tận dụng triệt để các loại diện tích đất hoang hoá, xung quanh làng xóm, ven đường, bờ vùng bờ thửa, đất trống đồi núi trọc để trồng cây, trồng rừng bằng lao động tại chỗ để tạo ra những giải rừng chắn gió chắn cát ven biển, hàng cây, đường cây lấy bóng mát, lấy gỗ lấy củi, phát triển các vườn quả Bác Hồ, vườn gia đình, vườn rừng, đồi rừng.

2) Tổ chức trồng cây ở nơi công cộng có ý nghĩa về chính trị, lịch sử, văn hoá như nghĩa trang liệt sĩ, các vườn hoa, công viên của thành phố, thị xã, thị trấn các di tích lịch sử các danh lam thắng cảnh của đất nước. Các hàng cây, vườn cây, đồi cây, giải rừng cần được mang tên các tổ chức đã tạo lập nên, như công trình Thanh niên, công trình Thiếu nhi, công trình phụ lão... hoặc gắn với tên các anh hùng liệt sĩ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương để giáo dục ý nghĩa và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc bảo vệ cây.

3) Vận động các lực lượng xã hội đẩy mạnh trồng cây gây rừng theo đúng kế hoạch đã định; tổ chức những đội trồng cây gây rừng tập trung, nhằm sớm hoàn thành nhiệm vụ phủ xanh đất trống đồi trọc.

4) Từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng được nhiều cây có giá trị kinh tế cao. Các cơ sở Lâm nghiệp cùng với tổ chức mặt trận các cấp cần giúp đỡ có hiệu quả sớm tạo ra những vườn ươm cây giống ở từng xã, trong các vườn cây, vườn quả Bác Hồ để phục vụ kịp thời vụ trồng cây ở địa phương.

5) Các cụ phụ lão phấn đấu:

+ Mỗi người 1 năm nhận trồng tối thiểu 10 cây lấy gỗ, củi, hoặc cây ăn quả đảm bảo sống.

+ Mỗi người trong 1 năm vận động con, cháu trong gia đình, và mỗi thành viên của các đoàn thể xã hội trồng được 10 - 20 cây đảm bảo sống.

6) Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Bộ Lâm nghiệp cùng xây dựng các mô hình điển hình ở miền núi, trung du, đồng bằng và vùng ven biển; tổng kết rút kinh nghiệm về: tổ chức chỉ đạo, kỹ thuật gieo trồng, chọn loại cây trồng... làm cho kết quả trồng cây, chăm sóc bảo vệ cây ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

7) Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Bộ Lâm nghiệp cùng nghiên cứu xây dựng những chính sách về đãi ngộ quyền lợi đối với những người tích cực tham gia trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế vườn, nhất là đối với các cụ phụ lão đã tích tham gia, làm nòng cốt cho phong trào đạt được nhiều thành tích tốt đẹp.

 

III. TRÁCH NHIỆM CỦA NGÀNH LÂM NGHIỆP

1) Bộ Lâm nghiệp thông báo cho các sở Lâm nghiệp và các cơ sở sản xuất lâm nghiệp phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở các cấp triển khai những nhiệm vụ đã được xác định trên đây.

2) Các cơ sở lâm nghiệp cử cán bộ giúp đỡ bồi dưỡng kiến thức về lâm nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng vườn ươm, gieo trồng, chăm sóc bảo vệ cây, bảo vệ rừng cho các tổ, đội, phụ lão cũng như các lực lượng xã hội khác tham gia trồng cây, gây rừng.

3) Các cơ sở lâm nghiệp giúp các xã xây dựng quy hoạch, phương án thiết kế trồng cây trong các công trình công cộng, trong vườn cây, vườn quả, đồi rừng... Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng điển hình, trồng cây gây rừng tốt; tuyển chọn đề xuất những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích để khen thưởng kịp thời.

 

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA BAN THƯ KÝ UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

1) Hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp nhận thức đầy đủ, nắm được nhiệm vụ và chủ trương phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Bộ Lâm nghiệp.

2) Hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể với các cơ sở Lâm nghiệp để triển khai thực hiện nhiệm vụ trồng cây phù hợp với tình hình đặc điểm từng địa phương, từng xã, hợp tác xã.

3) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng và phát động 1 đợt trồng cây, có mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể theo từng thời gian: 1 năm, 3 năm, 5 năm.

4) Xây dựng những chỉ tiêu về: Vườn quả Bác Hồ, vườn cây gia đình, vườn rừng, đường cây, đồi rừng. Chọn điểm chỉ đạo xây dựng điển hình ở cấp xã, hợp tác xã, vườn cây.

 

V. MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU CHUNG NĂM 1986

1) Tổ chức động viên lực lượng phụ lão và các tầng lớp nhân dân khác, phấn đấu trồng được 450 -500 triệu cây, đảm bảo sống, tích cực góp phần vào sự nghiệp trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng phát triển kinh tế vườn của cả nước.

2) Đẩy mạnh công tác phổ biến Nghị quyết liên tịch, có chương trình kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện ở các cấp, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và ngành Lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trồng cây gây rừng bảo vệ rừng, phát triển kinh tế vườn.

3) Mở những đợt tuyên truyền, vận động trong toàn dân về ý nghĩa chiến lược và yêu cầu bức thiết của việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế vườn, xây dựng vốn rừng cho đất nước, góp phần bảo vệ môi sinh, làm tăng của cải vật chất cho xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

4) Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Bộ Lâm nghiệp thường xuyên thông báo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo nội dung Nghị quyết liên tịch đã thống nhất, cử cán bộ chuyên trách theo dõi chỉ đạo; từng quý tổ chức họp ở cấp vụ để thông báo kết quả đã đạt được; cuối năm tổ chức sơ kết ở cấp lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Bộ Lâm nghiệp đánh giá tình hình và đề ra những chủ trương, biện pháp lớn nhằm thúc đẩy phong trào tiếp tục phát triển sâu rộng.

Bộ Lâm nghiệp

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bộ trưởng

Phó Chủ tịch (Hội đồng, Uỷ ban)

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Phan Xuân Đợt

Huỳnh Tấn Phát