Sign In

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 25/HĐBT NGÀY 30-3-1983
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH THUẾ NÔNG NGHIỆP.

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Căn cứ pháp lệnh thuế nông nghiệp ngày 25-2-1983,

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1.- Những tổ chức và cá nhân dưới đây có nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp:

a) Các hợp tác xã nông nghiệp, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp được công nhận là có quy chế như hợp tác xã nông nghiệp.

b) Các hộ nông dân sản xuất riêng lẻ, bao gồm cả các hộ nông dân đã tham gia các tổ chức đoàn kết sản xuất, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp chưa được công nhận là hợp tác xã nông nghiệp.

c) Các xí nghiệp (trừ nông trường và trạm, trại nông nghiệp quốc doanh), cơ quan, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang có sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp.

d) Các hội tư nhận và tổ chức xã hội (nhà thờ, thánh thất, chùa, đền,...) có sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp.

e) Các xã viên hợp tác xã, tập đoàn viên các tập đoàn sản xuất nông nghiệp có quy chế như hợp tác xã nông nghiệp, công nhân, viên chức các cơ quan, xí nghiệp. (kể cả của nông trường, trạm, trại quốc doanh), cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng vũ trang và cá nhân khác có sử dụng đất làm kinh tế phụ gia đình.

Điều 2.-

a) Những loại đất dưới đây phải chịu thuế nông nghiệp:

- Đất nông nghiệp, kể cả mặt nước nhỏ, đồng cỏ, bãi bồi.

- Đất khác( đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng, đất khu dân cư, đất dự trữ..) nếu dùng vào sản xuất nông nghiệp, kể cả đất trồng cây lấy gỗ, lấy lá không thuộc diện phải nộp tiền nuôi rừng.

b) Những loại đất dưới đây không phải chịu thuế nông nghiệp:

- Đất làm trường học, trạm xá, nhà văn hoá, trụ sở của xã, đất làm nhà kho, sân phơi, nhà xưởng chế biến nông sản, chuồng chăn nuôi của hợp tác xã.

- Đất để ở, gồm diện tích thực tế đang sử dụng làm nền nhà, sân phơi, chuồng chăn nuôi và những công trình phụ khác.

- Đất do nông trường và trạm, trại nông nghiệp quốc doanh quản lý, sử dụng theo đúng nhiệm vụ thiết kế được duyệt.

- Đất làm công trình giao thông, thuỷ lợi lớn và vừa.

- Đất khai hoang, phục hoá chưa đến hạn chịu thuế. Đất ở vùng rẻo cao, ở vùng mới định canh định cư được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương quyết định chưa phải chịu thuế nông nghiệp.

- Nghĩa trang, sân vận động cố định, bể bơi cố định.

- Đất chưa giao cho tổ chức hoặc cá nhân nào quản lý, sử dụng.

c) Tổng cục Quản lý ruộng đất của Bộ Tài chính hướng dẫn và kiểm tra Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc xác định đất phải chịu thuế hoặc không phải chịu thuế nông nghiệp.

Điều 3. - Nguyên tắc phân hạng đất là lấy độ phì và điều liện tưới tiêu làm yếu tố chính, cả hai yếu tố này thể hiện ở năng suất trung bình đạt được hàng năm trong điều kiện canh tác bình thường. Năng suất trung bình hàng năm trong điều kiện canh tác bình thường là năng suất đạt được trong điều kiện thời tiết bình thường và kỹ thuật canh tác phổ biến của nhân dân địa phương. Để xác định năng suất trung bình hàng năm, cần tham khảo sản lượng của 3 năm gần đây (1980 - 1981 - 1982), loại trừ những vụ mất mùa.

Khi tính năng suất trung bình hàng năm, chỉ tính những vụ chính, nhiều nhất là 2 vụ, không tính vụ phụ do người sử dụng đất tranh thủ làm thêm. Trường hợp năng suất trung bình đạt ngang nhau nhưng độ phì và điều kiện tưới, tiêu khác nhau thì xếp hạng đất khác nhau. Trường hợp độ phì và điều kiện tưới tiêu giống nhau, nhưng do trình độ thâm canh khác nhau mà đạt năng xuất trung bình khác nhau thì xếp cùng một hạng đất.

Năm 1983, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương ra quyết định tạm thời xếp hạng đất để làm căn cứ tính thuế.

Việc chính thức công bố xếp hạng đất làm căn cứ tính thuế trong thời hạn 5 năm sẽ được tiến hành sau khi Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Quản lý ruộng đất, Bộ Nông nghiệp và Bộ Thuỷ lợi kiểm tra, trình Hội đồng bộ trưởng quyết định.

Điều 4. - Đất trồng cây hàng năm, bất kể là trồng lúa hay thứ cây hàng năm nào khác (đay, mía, lạc, đỗ, thuốc lá, rau, hoa, hành, tỏi, v. v...) đều chịu thuế như đất trồng lúa, được phân hạng đất và chịu thuế theo định suất tính bằng lúa như quy định ở điều 7, điều 8 của Pháp lệnh.

Đất trồng cây dược liệu đặc biệt chịu thuế theo quyết định riêng của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 5.- Khi định sản lượng đất vườn, đất trồng cây lâu năm, phải phân biệt thời kỳ mới bắt đầu thu hoạch, thời kỳ thu hoạch ổn định và thời kỳ thu hoạch giảm dần của cây trồng để định sản lượng cho sát với tuổi cây.

Để định giá trị sản lượng thì căn cứ vào sản lượng và thời giá trung bình trong vụ thu hoạch ở địa phương. Nếu là vườn tạp trồng nhiều thứ cây thì căn cứ vào thu nhập trung bình trên đơn vị diện tích của đa số người có vườn tạp ở địa phương.

Điều 6. - Thuế suất áp dụng cho từng loại cây ăn quả, có tính đến quy mô của vườn cây ăn quả của mỗi hộ, không phân biệt hộ nông dân cá thể hay hộ xã viên, công nhân, viên chức,... quy định như sau:

 

 

Thuế suất (%)

Diện tích vườn cây ăn quả của mỗi hộ

Loại cây ăn quả

 

Đến 1000 m2

 

Đến 5000 m2

 

Trên 5000 m2

- Cây ăn quả nói chung

20 %

24 %

28%

- Cây ăn quả đặc sản, giá trị kinh tế cao

22%

26%

30%

 

 

Vườn cây ăn quả thuộc kinh tế tập thể, không phân biệt quy mô chịu thuế theo thuế suất dưới đây:

- Cây ăn quả nói chung 18%.

- Cây ăn quả đặc sản,giá trị kinh tế cao 20%

Riêng vườn cây ăn quả thuộc kinh tế tập thể do các tổ phụ lão trông nom, chăm sóc, không phân biệt quy mô và loại cây ăn quả, chịu thuế theo thuế suất 10%.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương, quy định danh mục các cây ăn quả đặc sản, giá trị kinh tế cao.

Điều 7. - Việc xét và quyết định giảm thuế, miễn thuế quy định như sau:

a) Trường hợp do thiên tai, địch hoạ mà mùa màng bị thiệt hại nặng thì lấy thu hoạch thực tế cả năm so với năng suất khởi điểm của từng hạng đất để tính thiệt hại, rồi căn cứ vào tỷ lệ thiệt hại mà miễn giảm thuế theo tỷ lệ như sau:

 

Tỷ lệ thiệt hại

Tỷ lệ giảm thuế

Đến 20%

Không giảm

Đến 30%

10%

Đến 40%

20%

Đến 50%

30%

Đến 60%

50%

Đến 70%

60%

Trên 70%

Miễn thuế

 

Đối với đất hạng 7, năng suất khởi điểm để tính thiệt hại là 10 kg trên 100 m2.

Đối với đất vườn, đất trồng cây lâu năm, vấn đề giảm thuế, miễn thuế không đặt ra.

b) Trường hợp do tổ chức lại sản xuất hoặc thay đổi lại quy hoạch và phương án kinh tế - kỹ thuật được chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc đặc khu trực thuộc trung ương xét duyệt mà thu thập của tổ chức, cá nhân chịu thuế bị giảm sút nhiều so với trước, thì Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xem xét cụ thể, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu quyết định.

c) Việc giảm thuế, miễn thuế do đời sống có nhiều khó khăn đối với những hộ trước đây được miễn thuế nông nghiệp theo chính sách cũ nay phải nộp thuế và đối với gia đình thương binh liệt sỹ quy định tại điều 16 và 17 của Pháp lệnh là thuộc các trường hợp sau đây già yếu, thiếu sức lao động, thu nhập thấp; ruộng đất ít, nhân khẩu nhiều, không có nguồn thu nhập nào khác; ốm đau, tai nạn bất ngờ làm giảm hoặc mất sức lao động... được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận.

d) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương được quyền quyết định giảm thuế hoặc miễn thuế trong các trường hợp nói ở điều 15, điều 16, điều 17 của pháp lệnh trong phạm vi không quá 5% tổng số thuế ghi thu cả năm của tỉnh, thành phố, đặc khu.

Trường hợp thiên tai, địch hoạ nặng cần miễn giảm nhiều hơn mức quy định trên thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu đề nghị Hội đồng bộ trưởng quyết định. Trường hợp mùa màng bình thường thì không được sử dụng mức quy định trên để miễn, giảm tràn lan.

Để Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể chủ động giải quyết kịp thời việc giảm thuế, miễn thuế nói ở điều 16 và 17 của Pháp lệnh, hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu, trong phạm vi mức miễn, giảm quy định như trên, dự trù hạn mức miễn giảm giao cho từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 8.

a) Năm thuế nông nghiệp tính thống nhất trong cả nước từ ngày 1 tháng 3 năm này đến hết tháng 2 năm sau, gồm 2 vụ thu hoạch chính trong năm.

Thuế tính cả năm, không tính từng vụ, nhưng thu mỗi năm 2 lần, nếu địa phương có 2 vụ thu hoạch chính; thu mỗi năm một lần nếu địa phương chỉ có một vụ thu hoạch chính. Căn cứ vào mức thuế phải nộp cả năm do Hội đồng bộ trưởng giao cho từng tỉnh, thành phố, đặc khu, Bộ Tài chính phân bổ mức thu từng vụ cho từng tỉnh, thành phố, đặc khu.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu quy định và công bố ngày bắt đầu và, ngày kết thúc việc thu thuế nông nghiệp trong toàn tỉnh hoặc trong từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc chậm nhất một tháng sau khi kết thúc vụ thu hoạch ở địa phương, phải thu xong thuế nông nghiệp. Nộp thuế sau ngày kết thúc thì bị coi là nộp chậm và bị xử phạt theo điều 25 của Pháp lệnh.

Điều 9.- Sổ thuế nông nghiệp lập hàng năm theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Đất thuộc phạm vi quản lý hành chính của xã, phường, thị trấn nào thì đăng ký vào sổ địa chính và sổ thuế nông nghiệp của xã, phường, thị trấn đó, tính thuế và nộp thuế tại xã, phường thị trấn đó. Trường hợp sử dụng đất trồng cây hàng năm trên địa bàn xã, phường, thị trấn khác (xâm canh) thì người chịu thuế phải khai với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú về diện tích, hạng đất và số thuế phải nộp ở các xã, phường, thị trấn kia để Uỷ ban nhân dân xã, phường thị trấn nơi mình cư trú tính phụ theo điều 12 của Pháp lệnh (nếu tổng số diện tích sử dụng đến mức phải nộp phụ thu). Phụ thu nộp tại xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Tổ chức hoặc cá nhân nào sử dụng đất mà không khai báo hoặc không nộp thuế theo quy định trên thì coi là có hành vi gian lận trong việc tính thuế, nộp thuế và bị xử phát theo điều 25 của Pháp lệnh.

Đứng tên trong sổ thuế nông nghiệp là tổ chức hoặc cá nhân được giao đất để sử dụng. Trường hợp tổ chức (nông trường, trạm, trại, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất...) giao lại một phần đất cho công nhân, viên chức, xã viên. .. để làm kinh tế phụ gia đình hoặc giao lại cho tổ chức và cá nhân khác để sản xuất tự túc, thì tổ chức có nhiệm vụ tính thuế và thu thuế của những người nhận đất để nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi tổ chức đóng trụ sở.

Điều 10.- Thuế nông nghiệp thu chủ yếu bằng hiện vật. Đối với đất trồng lúa là chính thì thu bằng lúa. Đối với đất trống cây công nghiệp hàng năm hoặc các cây hàng năm khác, nếu địa phương có kế hoạch thu mua sản phẩm ấy thì thu bằng hiện vật. Trường hợp không thu bằng hiện vật thì thu bằng tiền. Giá lúa và nông sản khác để tính thuế do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương quy định căn cứ vào thời giá ở địa phương.

Tỷ lệ quy đổi giữa lúa và các nông sản khác do Bộ Tài chính công bố sau khi trao đổi với Bộ Lương thực và Bộ Nội thương, Bộ Công nghiệp thực phẩm.

Điều 11.- Tổng số thuế nông nghiệp thu bằng hiện vật và bằng tiền của các xã, phường, thị trấn phải nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.

Hàng năm, ngân sách xã, phường, thị trấn được hưởng tỷ lệ điều tiết 10% trên tổng số thuế nông nghiệp thu được tính thành tiền theo giá chỉ đạo thu mua hai chiều tại địa phương. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc chuyển số tiền này cho ngân sách xã, phường, thị trấn.

Việc điều tiết số thu về thuế nông nghiệp cho ngân sách tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương được quy định trong chế độ phân cấp quản lý tài chính và ngân sách Nhà nước.

Điều 12.- Bộ Tài chính được dự trù trong ngân sách Nhà nước hàng năm một khoản chi phí để lập quỹ khen thưởng về công tác thuế nông nghiệp. Khoản kinh phí này bằng 0,5 % (năm phần nghìn) số thuế nông nghiệp thu được trong năm, tính theo giá chỉ đạo thu mua bình quân.

Quỹ khen thưởng về công tác thuế nông nghiệp sử dụng như sau:

- 80% giao cho các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (cũng tức là 4 phần nghìn số thuế thu trong năm của tỉnh, thành phố, đặc khu) để uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu khen thưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích ở cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và cấp xã, phường, thị trấn.

- 20% do Bộ Tài chính quản lý để khen thưởng các địa phương, tổ chức và cá nhân có thành tích ở cấp tỉnh (và tương đương) và để bổ sung quỹ khen thưởng cho một số tỉnh, thành phố, đặc khu, xét cần thiết.

Kết thúc năm thuế nông nghiệp, nếu không sử dụng hết thì tỉnh, thành phố, đặc khu và Bộ được chuyển số còn lại sang quỹ khen thưởng năm sau do mình quản lý.

Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng.

Điều 13.- Việc phạt tiền hoặc hiện vật nói ở điều 25 của Pháp lệnh quy định như sau:

- Quá hạn nộp thuế mà vẫn chưa nộp thì mỗi ngày phải nộp phạt bằng 5% số thuế phải nộp. Mức phạt tối đa có thể đến 200% số thuế phải nộp.

- Nếu man khai, lậu thuế bị phát hiện, thì chẳng những phải nộp đủ số thuế thiếu mà còn phải nộp phạt bằng 100% đến 200% số thuế phải nộp.

- Nếu không nộp thuế và nộp phạt thì bị truy tố trước Pháp luật.

Điều 14.- những nơi Nhà nước đã giao mức nghĩa vụ ổn định trong 5 năm về lương thực thì nay vẫn giữ nguyên mức nghĩa vụ ổn định ấy. Chỉ có tỷ lệ giữa hai phần thuế và thu mua là thay đổi. Nếu phần thuế tăng lên thì phần thu mua giảm đi tương ứng và ngược lại. Cơ quan thu mua lương thực của Nhà nước căn cứ vào khối lượng lương thực thu mua theo nghĩa vụ ổn định được xác định lại mà ký kết hợp đồng kinh tế hai chiều.

Điều 15.- Bộ Tài chính, Bộ Lương thực và các Bộ liên quan, trong phạm vi trách nhiệm của mình, hướng dẫn thi hành nghị định này.

 

Hội đồng Bộ trưởng

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Tố Hữu