THÔNG TƯ
LIÊN BỘ CỦA BỘ Y TẾ - NÔNG NGHIỆP - LƯƠNG THỰC SỐ 33/TT-LB NGÀY 27-12-1983 VỀ CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC ĐỐI VỚI
CÁN BỘ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG VÀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI
CÁN BỘ Y TẾ HỢP TÁC XÃ, THÔN, ẤP, BẢN
Căn cứ Quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 17/TT-LB ngày 12-5-1983 của liên bộ Y tế - Tài chính về chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế xã, phường;
Căn cứ Quyết định số 156-CP ngày 7-10-1968 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với y tế vùng cao miền núi;
Liên bộ Y tế - Nông nghiệp - Lương thực ban hành thông tư này hướng dẫn về chế độ phân phối lương thực đối với cán bộ y tế xã, phường và chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế hợp tác xã, thôn, ấp, bản, như sau.
I. CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC ĐỐI VỚI
CÁN BỘ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG
1. Cán bộ y tế chuyên trách công tác ở các xã vùng cao miền núi, biên giới, hải đảo, xã miền rừng núi có dân tộc ít người, xã miền núi mà kinh tế có nhiều khó khăn, xã vùng kinh tế mới, xã vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam ... (thuộc diện thi hành Quyết định số 156-CP).
Cũng nên đặt vấn đề giao cho hợp tác xã phân phối lương thực cho họ, nếu hợp tác xã không cung cấp được thì huyện và tỉnh phải cung cấp theo tiêu chuẩn như cán bộ công nhân viên chức Nhà nước bằng 13 kilôgam lương thực tháng, nếu địa phương có khó khăn không cung cấp đủ tiêu chuẩn quy định thì phải thực hiện trả bù chênh lệch theo giá kinh doanh lương thực của địa phương.
2. Cán bộ y tế phường thuộc quận, thị xã, thị trấn (theo cơ cấu, số lượng không quá 5 người) hoặc những vùng không sản xuất lương thực khác, được Nhà nước cung cấp lương thực bằng 13 kilôgam tháng.
3. Cán bộ y tế xã ở những nơi đã có hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp thì do hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất bán lương thực bằng 20 kilôgam quy thóc tháng; ở những nơi sản xuất khá xã viên được ăn chia trên 20 kilôgam thóc tháng, thì cán bộ y tế cũng được mua thêm như xã viên. 4. Cán bộ y tế xã ở những nơi chưa có hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hoặc tuy đã có hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp nhưng do sản xuất kém, xã viên chỉ được ăn chia dưới 20 kilôgam thóc tháng, thì việc giải quyết lương thực do Uỷ ban nhân dân xã đảm nhận và thực hiện bằng các biện pháp:
a. Trong khi mua lương thực làm nghĩa vụ cho Nhà nước được mua thêm một số lương thực nữa, hoặc vận động nhân dân đóng góp để có lương thực bán cho cán bộ y tế bằng 20 kilôgam thóc tháng, hoặc bán bù thêm số lương thực còn thiếu.
b. Nếu không có lương thực thì phải trả bằng tiền theo giá kinh doanh lương thực của địa phương để cán bộ y tế tự giải quyết.
Giá bán lương thực nói ở điểm 3 và 4 trên đây là theo giá chỉ đạo và thực hiện bù chênh lệch giữa giá chỉ đạo với giá cung cấp 0,40 đ/kilôgam gạo.
Số tiền bù chênh lệch và trả vì không có lương thực cho cán bộ y tế xã do ngân sách xã đài thọ, nếu thiếu thì ngân sách huyện trợ cấp và quỹ sự nghiệp y tế cấp thêm theo như quy định tại điểm 1, 2 mục VIII nói về nguồn kinh phí trong Thông tư số 17-TT/LB ngày 12-5-1983 của Liên bộ Y tế - Tài chính.
II. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI
CÁN BỘ Y TẾ HỢP TÁC XÃ, THÔN, BẢN, ẤP
Cán bộ y tế hợp tác xã, thôn, bản, ấp nói chung làm việc theo chế độ bán chuyên trách vừa sản xuất, vừa làm công tác chuyên môn. Tuỳ theo đặc điểm của mỗi nơi, do yêu cầu sản xuất và bảo vệ sức khoẻ, trình độ chuyên môn, thời gian làm công tác y tế và kết quả công tác mà trả phụ cấp cho hợp lý. Qua kinh nghiệm và tình hình thực tế hiện nay nên vận dụng các hình thức như sau:
1. Trả công điểm: Những ngày làm công tác y tế được trả theo công điểm như những xã viên có lao động khá trong hợp tác xã.
2. Khoán việc và trả công theo vụ:
Giao chỉ tiêu kế hoạch về công tác y tế quy định thời gian hoàn thành và thời gian làm việc, trên cơ sở đó định mức thù lao công điểm.
Theo chế độ công tác của cán bộ y tế hợp tác xã, thôn, bản, ấp được xác định là cán bộ bán chuyên trách làm việc theo chế độ 1/2 ngày. Lấy bình quân mỗi năm là 300 ngày công lao động (sau khi đã trừ ngày chủ nhật, ngày lễ, ngày ốm bình quân năm) với kết quả 1/2 thời gian lao động làm công tác y tế nên có số công là:
1/2 công x 300 = 150 công/năm, 75 công vụ.
3. Những ngày cán bộ y tế tham gia đoàn tàu, thuyền đánh cá ra khơi vừa tham gia sản xuất vừa làm công tác y tế được hưởng kết quả lao động như những xã viên, thành viên trong tàu, thuyền.
4. ở những nơi chưa có hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất nông nghiệp thì Uỷ ban nhân dân xã căn cứ vào kết quả thời gian làm công tác y tế của cán bộ y tế với giá trị ngày công lao động của địa phương mà trả phụ cấp cho hợp lý.
Nói chung ở những nơi nói trên đều không được áp dụng hình thức khám bệnh, tiêm thuốc, đỡ đẻ lấy tiền (không kể việc xem mạch kê đơn).
5. Cán bộ y tế ở những thôn, bản vùng cao, miền núi, biên giới, miền núi có dân tộc ít người thực sự có làm công tác y tế và đã hoàn thành nhiệm vụ, được hưởng phụ cấp theo điều 4 quy định tại Quyết định số 156-CP ngày 7-8-1968 của Hội đồng Chính phủ trước đây là 20 đồng/tháng nay hưởng gấp đôi là 40 đồng/tháng do ngân sách Nhà nước (huyện, tỉnh) đài thọ.
III. KINH PHÍ ĐÀI THỌ
1. Cán bộ y tế ở hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nào do nơi đó trả phụ cấp.
2. ở những nơi chưa có hợp tác xã thì tổ chức vận động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ sự nghiệp y tế xã và do quỹ này đài thọ.
3. ở những thôn, bản, xã vùng cao miền núi... (diện 156-CP) do ngân sách Nhà nước đài thọ.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này thi hành thống nhất trong cả nước thay cho Thông tư số 28-TT/LB ngày 27-12-1980 của liên Bộ Y tế - Nông nghiệp - Lương thực và có giá trị kể từ ngày ký.
Các Sở y tế, nông nghiệp, lương thực giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu thực hiện tốt thông tư này, báo cáo kết quả về liên bộ.