Sign In

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn quản lý vốn đầu tư vùng chuyên canh nguyên liệu giấy trung tâm Bắc bộ

________________________

 Thi hành quyết định số 328 - CT ngày 3/12/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng “về cơ chế, chính sách thực hiện trong vùng chuyên canh nguyên liệu giấy trung tâm Bắc bộ”. Liên Bộ Tài chính - Lâm nghiệp hướng dẫn nội dung cụ thể về quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư trong các lâm trường quốc doanh, hợp tác xã, hộ gia đình...trong vùng nguyên liệu giấy như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1- Vốn xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu giấy trung tâm Bắc bộ được đầu tư bằng: vốn ngân sách, tiền nuôi rừng, vốn tự có, vốn tín dụng và vốn liên doanh liên kết.

2- Liên hiệp các xí nghiệp sản xuất và dịch vụ nguyên liệu giấy Vĩnh phú (gọi tắt là Liên hiệp ) là chủ đầu tư toàn vùng nguyên liệu giấy, là đơn vị được nhận vốn đầu tư XDCB và phải :

-  Chịu trách nhiệm trước Nhà nước quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo kế hoạch Nhà nước có hiệu quả.

- Tham gia hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn vốn tự có và những nguồn vốn khác của các đơn vị quốc doanh, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu giấy.

3- Việc quản lý vốn đầu tư XDCB trong vùng phải tuân theo các quy định về quản lý vốn đầu tư XDCB hiện hành của Nhà nước.

II. CÁC NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ VÀ PHẠM VI SỬ DỤNG

1- Nguồn vốn đầu tư XDCB

- Vốn ngân sách Nhà nước (gồm cả vốn viện trợ)

- Tiền nuôi rừng để lại ở đơn vị

- Vốn tự có của các đơn vị

- Vốn tín dụng

- Vốn liên doanh liên kết

2- Phạm vi sử dụng các nguồn vốn

a) Vốn ngân sách Nhà nước và tiền nuôi rừng được sử dụng vào các mục đích sau:

- Đầu tư trồng mới chu kỳ đầu từ khâu làm đất đến khi rừng thành thục công nghệ đưa vào khai thác chính.

- Xây dựng kết cầu hạ tầng phục vụ sản xuất và các công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống lao động nghề rừng.

- Xây dựng đường trục ngoài vùng thâm canh trong đó ưu tiên đầu tư vào các khu rừng trồng và rừng tre nứa tự nhiên có sản lượng cao để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy giấy Vĩnh phú theo kế hoạch hàng năm.

b) Vốn tự có, vốn tín dụng, vốn liên doanh liên kết được đầu tư cho các mục đích sau:

- Đối với lâm trường quốc doanh : đầu tư xây dựng các công trình sản xuất và dịch vụ khác (ngoài điểm a vừa nêu trên).

- Đối với hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể : bổ sung phần vốn Ngân sách ứng trước chưa đủ cho khâu trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phúc lợi của người lao động nghề rừng.

III. QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ

1- Công tác xây dựng kế hoạch vốn:

Hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu trồng mới, chỉ tiêu kế hoạch khối lượng XDCB Nhà nước giao, chỉ tiêu hướng dẫn chuẩn bị cho năm sau và các hợp đồng kinh tế giữa Liên hiệp với các lâm trường quốc doanh, các hợp tác xã, hộ gia đình, tư nhân, Liên hiệp xây dựng kế hoạch vốn cho toàn vùng, bảo vệ với Bộ Lâm nghiệp và Bộ Tài chính.

Kế hoạch vốn đầu tư XDCB do Liên hiệp lập phải phản ánh đầy đủ các nội dung sau : Giá trị sản phẩm XDCB hoàn thành tính đến cuối năm báo cáo chưa được cấp phát hoặc cho vay vốn đầu tư; Giá trị sản phẩm XDCB hoàn thành trong năm kế hoạch đủ tiêu chuẩn cấp phát hoặc cho vay vốn đầu tư; Giá trị sản phẩm XDCB hoàn thành của năm kế hoạch nhưng phải chuyển sang năm sau cấp phát hoặc cho vay; Tổng số vốn cấp phát hoặc cho vay vốn đầu tư trong năm kế hoạch được phân chia theo các tháng phù hợp với từng thời điểm có sản phẩm XDCB hoàn thành thanh toán; Giá trị khối lượng XDCB chuẩn bị cho năm sau xin tạm ứng trong năm kế hoạch và giảm cấp phát của năm sau (được xác định bằng tỉ lệ % trên giá trị dự toán được duyệt).

Đối với nguồn vốn viện trợ: hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ sản xuất, kế hoạch XDCB được giao và kế hoạch hàng viện trợ về. Liên hiệp lập kế hoạch sử dụng vật tư, thiết bị đó và tính giá trị bằng tiền Việt nam theo tỷ giá quy định bổ sung vào kế hoạch XDCB gửi Bộ Lâm nghiệp và Bộ Tài chính và quyết toán về khối lượng công việc này.

Căn cứ vào kế hoạch và thực tế sử dụng hàng viện trợ, Bộ Tài chính làm  thủ tục ghi thu vào Ngân sách Nhà nước và ghi chi cho chủ đầu tư.

2- Cấp phát vốn đầu tư

a) Căn cứ vào kế hoạch đã thông báo, Bộ Tài chính cấp vốn đầu tư cho chủ đầu tư theo kế hoạch, tiến độ thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

b) Trong năm, khi kết thúc từng công đoạn thi công : trồng mới, chăm sóc ...(điểm dừng kỹ thuật hợp lý - do Bộ Lâm nghiệp quy định) hai bên A- B tiến hành nghiệm thu khối lượng XDCB hoàn thành (thành phần Hội đồng nghiệm thu như quy định tại phần II - mục 2, 3.2 của thông tư Liên Bộ Lâm nghiệp - Uỷ ban XDCBNN số 155 TT/LB ngày 29/12/1986). Căn cứ vào biên bản nghiệm thu và phiếu giá, Liên hiệp làm các thủ tục thanh toán cho các Lâm trường quốc doanh và ứng vốn cho các hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể...

c) Việc ứng vốn cho các hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể... được thực hiện như sau:

- Điều kiện được nhận vốn ứng trước: Có đất nằm trong vùng quy hoạch chuyên canh nguyên liệu giấy đã thực hiện giao đất giao rừng theo quy định của Nhà nước; Có lực lượng thi công; Cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng vốn đúng mục đích đã ghi trong hợp đồng; Ký hợp đồng trực tiếp với Liên hiệp hoặc lâm trường quốc doanh cả chu kỳ.

- Mức vốn ứng trước : đảm bảo đủ cho những chi phí trực tiếp và có từ 15- 20% phụ phí thi công so với giá dự toán được duyệt.

3- Quản lý tài sản và quyết toán vốn

a) Quản lý tài sản :

a1. Đối với các lâm trường quốc doanh địa phương :

Toàn bộ diện tích rừng trồng và chăm sóc ...do các lâm trường quốc doanh địa phương thực hiện theo hợp đồng đã ký, khi kết thúc giai đoạn I (rừng khép tán) Liên hiệp có trách nhiệm bàn giao toàn bộ để các lâm trường quốc doanh này quản lý và tiếp tục đầu tư.

Nội dung bàn giao gồm toàn bộ khối lượng rừng trồng đã khép tán (số lượng và chất lượng); Tình hình thực hiện đầu tư, những vấn đề còn tồn tại và những biện pháp tiếp tục giải quyết.

a2. Đối với các hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể  :

Sau khi kết thúc giai đoạn I (rừng khép tán) các hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký cho đến khi rừng đến tuổi khai thác chính. Liên hiệp bàn giao trách nhiệm quản lý và thu hồi vốn đầu tư cho các lâm trường quốc doanh (trung ương hay địa phương tuỳ thuộc vào khả năng quản lý, điều khiển địa lý của từng lâm trường).

Liên hiệp có trách nhiệm kiểm kê, theo dõi toàn bộ giá trị tài sản vật tư, tiền vốn đã giao cho các đơn vị để thực hiện hợp đồng (theo từng năm và cho đến khi thanh lý hợp đồng).

b) Quyết toán vốn :

b1.Đối với các lâm trường quốc doanh, hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể : Hàng năm phải quyết toán vốn đầu tư với Liên hiệp . Liên hiệp có trách nhiệm xem xét chấp nhận quyết toán của đơn vị.

- Các lâm trường quốc doanh : thực hiện chế độ báo cáo quyết toán như hiện hành.

- Các hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể : khi quyết toán phải thể hiện rõ các nội dung sau : Số lượng, chất lượng cùng trồng, chăm sóc (số thực hiện và số theo hợp đồng đã ký; số vốn đầu tư (thực nhận đươc và số theo hợp đồng)). Giá trị vật tư, dịch vụ do Liên hiệp cung cấ (số thực tế nhận và số theo hợp đồng); xác định công nợ, thời gian và phương thức thanh toán. Khi kết thúc đầu tư, đưa rừng vào khai thác, các lâm trường, hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể quyết toán toàn bộ công trình, Liên hiệp có trách nhiệm xem xét chấp nhận quyết toán. Trên cơ sở này hai bên tiến hành làm thủ tục thanh lý hợp đồng.

b2.Đối với Liên hiệp : Liên hiệp thực hiện chế độ báo cáo quyết toán như quy định hiện hành (trong đó tách riêng hai phần : Liên hiệp trực tiếp làm và phần ký hợp đồng với các đơn vị).

4. Thu hồi vốn đầu tư :

Vốn đầu tư của Ngân sách nhà nước được thu hồi khi rừng bắt đầu đưa vào khai thác chính, mức thu hồi là mức thu tiền nuôi rừng tính trên sản lượng định mức được duyệt.

a) Đối với các lâm trường quốc doanh :

Các lâm trường quốc doanh thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đã đầu tư thông qua Liên hiệp bằng tiền nuôi rừng do Nhà nước quy định.

b) Đối với hợp tác xác, hộ gia đình, cá thể :

Nhà nước không thu lãi trên số vốn đầu tư ứng trước. Vốn đầu tư được thu hồi bằng sản phẩm cây đứng.

Khi có sản phẩm thu hoạch, các hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể phải nộp sản phẩm cây đứng cho Nhà nước (theo năng  suất định mức m3/ha, còn phần vượt năng suất định mức để lại cho HTX, hoặc gia đình cá thể được hưởng) tương ứng theo tỷ lệ nhân vốn ứng trước của Nhà nước so với suất đầu tư hàng năm có quy đổi theo thời giá. Lâm trường quốc doanh tiếp nhận sản phẩm cây đứng (như đã nêu ở điểm a2-mục 3- phần III của thông tư này) phải trích đủ mức tiền nuôi rừng (của phần sản phẩm thu hồi theo tỷ lệ vốn Nhà nước ứng trước) để đầu tư tiếp chu kỳ II.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này được thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1989, những quy định trước đây trái với thông tư này không có hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Liên Bộ Tài chính - Lâm nghiệp để giải quyết. Việc xử lý tổn thất do thiên tai như sâu bệnh, nạn cháy rừng ...và vi phạm hợp đồng có văn bản hướng dẫn riêng.

Bộ Tài chính

Bộ Lâm nghiệp

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lý Tài Luận

Tô Văn Bình