THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn bổ sung và sửa đổi một số vấn đề xung quanh việc thực hiện thông tư liên bộ số 01/TT-LB ngày 22-12-1995
về xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản
_______________________________
Ngày 22/12/1995, Liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Tổng cục Hải quan đã ban hành Thông tư số 01/TTLB hướng dẫn thi hành quyết định 664/TTg ngày 18/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản.
Qua hơn ba tháng thực hiện Thông tư 01/TTLB, việc xuất nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đã được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên cũng còn có những quy định cần được xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế quản lý xuất nhập khẩu.
Liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Tổng cục Hải quan đã họp và thống nhất bổ sung, sửa đổi một số điểm của Thông tư Liên bộ số 01/TTLB nêu trên như sau:
1. Về xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp khi làm thủ tục tại hải quan (điểm 4, mục IV trang 5), được sửa đổi và bổ sung như sau:
a) Đối với gỗ rừng tự nhiên trong nước:
a.1- Gỗ thông thường: không cần có xác nhận của kiểm lâm địa phương, nhưng phải có:
Hợp đồng mua bán gỗ hoặc biên bản trúng thầu hoặc biên bản nghiệm thu gỗ tròn của kiểm lâm địa phương.
Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho (do Bộ Tài chính phát hành).
a.2- Gỗ quý hiếm: phải có xác nhận của Chi cục Kiểm lâm địa phương nơi khai thác gỗ, và hoặc nơi doanh nghiệp trú đóng về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
a.3- Trường hợp mua lại gỗ tận dụng và hoặc gỗ phế liệu đã qua chế biến (tức là gỗ đã qua nhập xưởng) thì ngoài hợp đồng mua bán và hoá đơn kiêm phiếu xuất kho (do Bộ Tài chính phát hành) doanh nghiệp phải báo cáo bằng văn bản cho Kiểm lâm sở tại (cấp Chi cục) biết ít nhất một ngày trước khi đưa vào sản xuất để Chi cục Kiểm lâm kiểm tra xác nhận, và sau 1 ngày kể từ khi nhận báo cáo nếu Chi cục Kiểm lâm không đến kiểm tra thì doanh nghiệp vào sổ Kiểm lâm (số nhập) và được phép sản xuất.
b) Đối với gỗ rừng trồng, gỗ vườn:
b.1- Gỗ rừng trồng của quốc doanh, chỉ cần có:
Hợp đồng mua bán gỗ.
Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho (do Bộ Tài chính phát hành).
b.2- Gỗ rừng trồng của dân, tập thể, cây phân tán... chỉ cần có:
Xác nhận của UBND xã sở tại và nộp thuế theo quy định hiện hành (biên lai thu thuế sử dụng đất).
b.3- Gỗ vườn: Chỉ cần có xác nhận của UBND xã sở tại và nộp thuế theo quy định hiện hành (biên lai thu thuế sử dụng đất) nhưng khối lượng không quá 50m3 gỗ tròn cho mỗi hộ dân.
c) Gỗ nhập khẩu: thực hiện đúng quy định tại mục VI, Thông tư liên bộ số 01/TTLB ngày 22/12/1995.
Gỗ nhập khẩu từ Campuchia và Lào có quy định riêng.
d) Đối với gỗ Cao su (trong nước).
d.1- Gỗ cao su của quốc doanh, chỉ cần có:
Bản sao biên bản thanh lý rừng, và hoặc:
Văn bản cam kết của doanh nghiệp là gỗ hợp pháp
d.2- Gỗ cao su của dân, tập thể, chỉ cần có xác nhận của UBND xã sở tại và nộp thuế theo quy định hiện hành (biên lai thu thuế sử dung đất).
e.Đối với các lâm sản khác (ngoài gỗ), phải có:
Hợp đồng mua bán
Hoá đơn bán hàng (do Bộ Tài chính phát hành).
2. Về xác nhận bản vẽ, ảnh mẫu sản phẩm:
Khi doanh nghiệp lập tờ trình xin xuất khẩu các sản phẩm bằng gỗ quý hiếm, doanh nghiệp cần gửi kèm theo ảnh mẫu hoặc bản vẽ và bản kê chi tiết mẫu mã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đóng dấu vào ảnh mẫu hoặc bản vẽ các sản phẩm được phép xuất khẩu. Một sản phẩm đã được đóng dẫu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì không cần phải xin đóng dấu lại và được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có sản phẩm loại đó xuất khẩu.
3. Việc xác định định mức tiêu hao nguyên liệu của sản phẩm quy về m3 gỗ tròn được quy định như sau:
Xác định định mức tiền hao nguyên liệu của từng sản phẩm xuất khẩu quy về m3 gỗ tròn để thanh khoản sẽ do Hội đồng định mức nguyên liệu của doanh nghiệp xây dựng và xác định. Giám đốc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính thực tế, chính xác của việc xác định định mức.
Trên cơ sở bản định mức tiêu hao nguyên liệu do Hội đồng định mức của doanh nghiệp xác lập, Hải quan cửa khẩu chỉ thực hiện việc thanh khoản về hạn mức gỗ xuất khẩu cho các loại sản phẩm đã được doanh nghiệp xây dựng và kê khai.
4. Thủ tục xuất khẩu sản phẩm gỗ sản xuất từ gỗ quý hiểm quy định như sau:
Doanh nghiệp gửi hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được xem xét giải quyết. Hồ sơ gồm có:
Văn bản xin xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp.
Văn bản cấp hạn mức gỗ của Bộ Thương mại (bản photocopy).
Xác nhận nguồn gốc gỗ (như quy định tại điểm 1-a.2 trên).
Ảnh hoặc bản vẽ của sản phẩm (như quy định tại điểm 2 trên).
Định mức nguyên liệu (như quy định tại điểm 3 trên).
Sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cho phép xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu (nếu chưa có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng) bằng văn bản, doanh nghiệp trực tiếp ra Hải quan làm thủ tục xuất khẩu. Hải quan cửa khẩu căn cứ vào văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và văn bản phân bổ hạn mức gỗ của Bộ Thương mại (bản chính - để trừ lùi), làm thủ tục, không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình bất cứ chứng từ nào khác.
5. Về sản phẩm hoàn chỉnh của các doanh nghiệp đưa vào dự hội chợ triển lãm:
Trong quá trình hoặc sau khi kết thúc hội chợ triển lãm, nếu có Công ty nước ngoài ký hợp đồng mua bán hoặc khách hàng mua sản phẩm gỗ làm lưu niệm: với số lượng đơn bộ hoặc đơn chiếc thì người mua chỉ cần xuất trình hoá đơn mua hàng, có xác nhận của Ban tổ chức hội chợ triển lãm để làm thủ tục xuất khẩu. Hải quan chấp nhận làm thủ tục xuất khẩu không cần phải có văn bản cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Thương mại (như quy đinh tại phần III, Thông tư số 01/TTLB ngày 22-12-1995 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Tổng cục Hải quan).
6. Về kiểm dịch thực vật:
Sản phẩm gỗ xuất khẩu đã qua nhiều công đoạn sản xuất, chế biến, đánh bóng, tẩm dầu, sơn mài hoặc chấm nấm mốc... nên khi xuất khẩu không phải đòi hỏi có giấy xác nhận của cơ quan kiểm dịch thực vật. Vì vậy, nếu có cơ quan kiểm dịch thực vật nào đòi hỏi kiểm dịch thực vật loại hàng hoá này thì không chấp nhận và báo cáo nhanh về Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp xử lý, mặt khác vẫn cho làm thủ tục bình thường để tránh ách tắc hàng xuất khẩu.
7. Về công nghiệp và thiết bị chế biến gỗ:
Tại khoản 2, điều 3 Nghị định 89/CP ngày 15-12-1995 của Chính phủ về việc bỏ giấy phép xuất, nhập khẩu từng chuyến quy định về công nghệ chế biến gỗ và lâm sản (đối với nhập khẩu) phải có văn bản cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được hiểu là "Thiết bị toàn bộ cho việc sản xuất chế biến", vì vậy:
Nếu doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị lẻ (máy cưa, máy xẻ, máy bóc gỗ, máy ép gỗ hoặc các linh kiện phụ tùng khác không phải là thiết bị toàn bộ) mà chất lượng không bị điều chỉnh bởi những yêu cầu kỹ thuật chung về nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng (quy định tại quyết định 1762/QĐ/PTCN ngày 17-10-1995, các hướng dẫn của Bộ khoa học công nghệ và môi trường và quyết định số 91/TTg ngày 13-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu máy móc thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách) thì không phải xin phép Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan nữa, Hải quan cho phép làm thủ tục nhập khẩu theo quy định hiện hành.
8. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/4/1996. Những quy định nào trước đây của ba Bộ ngành về xuất nhập khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản trái với Thông tư này thì bãi bỏ.