CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc tập trung lực lượng
nhằm nhanh chóng diệt trừ nạn ốc bươu vàng
Trong thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương và các Bộ, ngành có liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thực hiện Quyết định số 528/TTg ngày 29 tháng 9 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ, về việc cấm nuôi và trừ diệt ốc bươu vàng, bước đầu đã thu được một số kết quả. Tuy nhiên, do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cũng như một số ngành có liên quan chưa tập trung, kiên quyết và ý thức đầy đủ trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định này, và ở nhiều địa phương nhận thức tác hại nghiêm trọng của ốc bươu vàng còn chưa đầy đủ, sâu sắc, nên trong điều hành chưa thực sự khẩn trương chỉ đạo việc diệt trừ ngay từ đầu, ngăn chặn sự lây lan, thậm chí có nơi khi phát hiện có ốc bươu vàng phá hại đã đề ra những biện pháp không đúng, thiếu đồng bộ như: Xuất tiền mua trứng ốc, ai phát hiện người ấy làm, chưa tổ chức thành một chiến dịch khẩn cấp, toàn diện...
Với tình hình nghiêm trọng trên nếu không khẩn cấp phát hiện, diệt trừ kịp thời, triệt để sẽ gây tác hại không thể lường hết cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Như kinh nghiệp của nhiều nước trong khu vực đã cho thấy, khi nạn này đã lây lan rộng thì chẳng những mùa màng bị mất mát mà còn phải tốn nhiều công sức, tiền của và thời gian mới trừ diệt được.
Để bảo đảm trừ ngay tận gốc ốc bươu vàng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thuỷ sản, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các ngành có liên quan thực hiện khẩn cấp các biện pháp sau đây:
1/ Ngay từ tháng 3 năm 1995, các cấp chính quyền địa phương phải xây dựng một kế hoạch thật cụ thể, huy động mọi lực lượng, gồm mọi người, mọi nhà, nếu nơi nào cần thì huy động cả học sinh, lực lượng vũ trang, lao động trong các tổ chức kinh tế - xã hội đóng trên địa bàn, tập trung một hai đợt trong 5 đến 7 ngày... đồng loạt ra đồng để tham gia bắt và diệt ốc bươu vàng; tiếp sau giao cho mỗi hộ có trách nhiệm phải bắt trừ diệt ốc, trứng ốc ngay trên diện tích ruộng, đồng, ao, hồ... mà gia đình mình đang sử dụng, bảo đảm từ nay đến tháng 6 năm 1995 phải trừ diệt hết ốc bươu vàng.
2/ Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm và đích thân chỉ đạo việc trừ diệt bằng được nạn ốc bươu vàng, chống mọi biểu hiện chủ quan kể cả ở những nơi chưa xuất hiện hoặc mới xuất hiện trên diện hẹp.
3/ Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm chủ yếu cùng với các Bộ Thuỷ sản, Khoa học - Công nghệ và Môi trường và các ngành có liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình huy động mọi lực lượng trong ngành hướng dẫn, giúp đỡ kiểm tra các địa phương thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị này.
4/ Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Thuỷ sản kiểm tra ngay và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các cơ quan đã đề xuất, xin nhập, cấp giấy phép nhập khẩu và đã nhập khẩu giống ốc bươu vàng vào Việt Nam để gây nên hậu quả nghiêm trọng này.
5/ Các cơ quan thông tin đại chúng cần phân tích rõ tác hại và hướng dẫn các biện pháp, kinh nghiệm bắt ốc, thu gom trứng ốc bươu vàng của từng địa phương, biểu dương những địa phương làm tốt, phê phán uốn nắn những địa phương làm chưa tốt và phổ biến Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân biết thực hiện.
Nhận được Chỉ thị này, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mức độ ốc bươu vàng, cùng với kế hoạch, biện pháp, thời gian diệt trừ hết loại ốc bươu vàng ở địa phương mình./.