NGHỊ QUYẾT
Về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm
Mại dâm là một tệ nạn xã hội. ở nước ta, nhiều năm sau ngày giải phóng miền Bắc và miền Nam, tệ nạn này đã căn bản được xoá bỏ, nhưng mấy năm gần đây phát triển trở lại làm sói mòn đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu tới đời sống văn hoá xã hội, trật tự trị an và hơn nữa, còn có thể gây phổ biến căn bệnh SIDA và nhiều hậu quả nghiêm trọng đến nòi giống. Tệ nạn này đang gây lo lắng và bất bình trong nhân dân.
Có tình hình này là do một bộ phận dân cư chưa được giáo dục đầy đủ nếp sống lành mạnh đã chạy theo lối sống sa đoạ, hưởng lạc; công tác quản lý Nhà nước về mặt xã hội từ Trung ương đến địa phương bị buông lỏng, việc xử phạt tệ nạn mại dâm theo Pháp luật chưa được nghiêm túc.
Nhằm từng bước đẩy lùi, xoá bỏ tệ nạn mại dâm, làm lành mạnh đời sống xã hội, Chính phủ quyết định những chủ trương và biện pháp sau:
1. Kiên quyết xoá bỏ tệ nạn mại dâm (kể cả mua dâm, bán dâm) dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là một công việc hết sức phức tạp và khó khăn, là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và của toàn dân.
Trước mắt cần có biện pháp ngăn chặn ngay và xoá bỏ nạn mại dâm, trọng tâm là ở các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp và du lịch.
Sử dụng tổng hợp các biện pháp tuyên truyền giáo dục và các biện pháp hành chính, xử phạt theo pháp luật; tổ chức chữa trị bệnh, đồng thời tổ chức dạy nghề, tạo việc làm thích hợp cho số người mại dâm do hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
2. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi về tác hại của tệ nạn mua dâm, bán dâm gắn với thảm hoạ SIDA để mọi người có nhận thức rõ, nhất thiết phải loại trừ tệ nạn mại dâm khỏi đời sống xã hội. Giáo dục lối sống lành mạnh, giữ gìn truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc trong nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.
3. Xây dựng chương trình liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm. Nội dung chính của chương trình là:
a) Điều tra phân loại người mại dâm. Đối với số người thường xuyên mại dâm, cần tập trung bắt buộc để chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo công việc làm ở từng địa bàn dân cư.
Hàng năm, Ngân sách Nhà nước dành kinh phí cần thiết cho chương trình này. Từ đầu năm 1993, Bộ lao động - Thương binh và xã hội bàn với Bộ Tài chính trích ngay một phần kinh phí bảo đảm xã hội cho chương trình này.
b) Xử phạt thật nghiêm người chứa chấp dụ dỗ, dẫn mối gái mại dâm dưới mọi hình thức ở mọi nơi như khách sạn nhà nghỉ, nhà hàng, vũ trường... theo luật hình sự. Nếu là cơ sở tư nhân hoặc các hình thức khác ngoài quốc doanh phải thu hồi giấy phép kinh doanh và truy tố người chủ theo Luật Hình sự. Nếu là cơ sở quốc doanh thì người trực tiếp quản lý cơ sở cũng phải bị truy tố theo Luật hình sự; cấp trên trực tiếp phụ trách phải bị kỷ luật hành chính.
c) Đối với người đi mua dâm nếu là công chức Nhà nước, bất kỳ cán bộ cấp nào, phải lập biên bản vi phạm, thông báo về cơ quan quản lý, xử lý nghiêm khắc về kỷ luật hành chính và có thể đưa tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục chung. Nếu là người không phải là công chức thì lập biên bản đưa về chính quyền địa phương và buộc phải cam kết không tái phạm.
4. Trách nhiệm của chính quyền các cấp và các Bộ, ngành có liên quan:
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là phường, xã, phải nắm chắc tình hình mại dâm ở địa bàn mình của mình, từng thời gian có kế hoạch ngăn chặn và chống mại dâm trong phạm vi địa phương. Trước mắt thực hiện ngay các biện pháp xoá bỏ các ổ mại dâm dưới mọi hình thức, nghiêm trị bọn chủ chứa và các kẻ tiếp tay.
Bộ Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra các tụ điểm khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ... có dấu hiệu hoạt động mại dâm. Tập trung người mại dâm vào các cơ sở xã hội để giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề.
Bộ y tế có trách nhiệm tổ chức chữa các bệnh xã hội cho chị em mại dâm bị bệnh tại cơ sở y tế xã hội, tư nhân hoặc tại gia đình.
Tổng cục Du lịch có trách nhiệm tăng cường kiểm ta các cơ sở thuộc thuộc Tổng cục quản lý; đơn vị nào để xảy ra mại dâm thì người trực tiếp quản lý đơn vị đó phải chịu xử phạt theo Luật Hình sự.
Bộ tư Pháp cùng các ngành liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các bộ luật về xét xử các tệ nạn mại dâm, sớm trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua.
Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hoá thông tin phối hợp nghiên cứu đưa vào giáo dục trong nhà trường và toàn xã hội các kiến thức cần thiết về tác hại của nạn mại dâm, tuyên truyền, vận động lối sống lành mạnh, có văn hoá, động viên các tầng lớp nhân dân đấu tranh ngăn chặn và xoá bỏ tệ nạn này.
Bộ lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm chủ trì chỉ đạo thực hiện liên ngành; gắn việc thực hiện chương trình này với chương trình xúc tiến việc làm, chương trình xoá đói nghèo. Trước mắt, cần xây dựng một số trung tâm giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm cho số chị em này; lập một số dự án tạo việc làm về may, dệt, đan, thêu và việc làm tại các vùng kinh tế mới (chú trọng dự án Tân hiệp, thành phố Hồ Chí Minh; dự án Sóc Sơn Ba Vì thành phố Hà Nội).
Đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác vận động giáo dục đoàn viên, hội viên đấu tranh chống tệ nạn mại dâm và tham gia vào các chương trình ngăn chặn và xoá bỏ tệ nạn này.
Bộ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
-