• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/09/1987
BỘ THUỶ LỢI-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 44-TT/LB/TC/TL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 1987

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ THUỶ LỢI - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 44/TT-LB-TC-TL

NGÀY 16-9-1987 QUY ĐỊNH VIỆC CẤP PHÁT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG

CÁC KHOẢN KINH PHÍ CHI ĐỘT XUẤT CHO PHÒNG, CHỐNG

VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO, LỤT

Để sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả khoản kinh phí phát sinh đột xuất trong việc phòng chống và khắc phục hậu quả do bão lụt gây ra nhằm nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân và hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong vùng bị bão lụt tàn phá, liên Bộ Tài chính - Thuỷ lợi quy định việc cấp phát, quản lý và sử dụng khoản kinh phí này như sau:

I. Nguyên tắc chung

1. Phòng chóng lụt bão và khắc phục hậu quả bão lụt là nhiệm vụ thường xuyên của mọi ngành, mọi cấp, kể cả các địa phương không có đê. Hàng năm các cơ quan, đơn vị phải dành một phần trong số kinh phí đã được cấp phát hoặc từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, từ vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản, từ quỹ thuỷ nông tỉnh, từ quỹ dự phòng của các xí nghiệp thuỷ nông..., để chủ động chi cho việc phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả khi có bão lụt xảy ra. Việc huy động vật tư và nhân lực để phòng chống bão, ứng cứu đê điều cũng phải dựa vào lực lượng tại chỗ, sẵn có của các cơ quan, đơn vị và nhân dân là chính. Trường hợp bão lụt xảy ra nghiêm trọng mà yêu cầu kinh phí phòng chống và khắc phục hậu quả vượt quá khả năng của đơn vị, ngân sách Nhà nước sẽ trợ giúp một phần để tạm thời ổn định đời sống của nhân dân và hoạt động của cơ quan đơn vị.

2. Kinh phí chi đột xuất cho phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt do ngân sách Nhà nước cấp phát phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và các quy định trong thông tư này.

3. Các khoản tiền hay hiện vật ủng hộ, viện trợ của các ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước, đều phải được tập trung quản lý thống nhất qua hệ thống ngân sách Nhà nước.

II. Nội dung chi cho phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt

1. Chi xử lý đột xuất các sự cố về đê, kè, cống (sau đây gọi chung là đê) dùng cho việc đối phó với lũ bão như mua bao tải, rọ thép, vật tư các loại... để chống tràn đê, hàn khẩu đê vỡ, xử lý các hố sùi, sạt lở đê...

2. Chi trợ giúp đồng bào vùng có phân lũ.

3. Chi cứu tế xã hội như trợ cấp chôn cất người chết, cứu chữa người bị nạn, thuốc phòng dịch, vệ sinh môi trường... ở những vùng bị bão lụt tàn phá nghiêm trọng.

4. Chi tu sửa tài sản cố định, nhà cửa kho tàng, công trình và xử lý các tổn thất ở các đơn vị, cơ quan Nhà nước.

III. Cấp phát và quản lý kinh phí

1. Nguồn kinh phí:

a) Ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương) cấp phát để chi cho các trường hợp:

- Xử lý các sự cố đê điều.

- Trợ giúp đồng bào trong vùng có phân lũ theo Chỉ thị số 139-CT ngày 14-8-1973 của Hội đồng Chính phủ.

- Cứu tế xã hội ở vùng bão lụt tàn phá nghiêm trọng.

- Khắc phục hậu quả bão, lụt ở các đơn vị hành chính sự nghiệp chưa hạch toán kinh tế.

- Khắc phục hậu quả bão lụt ở các công trình thuỷ nông khi đã sử dụng hết quỹ dự phòng ở các xí nghiệp thuỷ nông và quỹ thuỷ nông tỉnh mà chưa đủ.

Việc phân biệt nguồn kinh phí giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương căn cứ theo chế độ phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Cơ quan tài chính các cấp cần dành một tỷ lệ ngân sách thích đáng để dự phòng chi cho việc phòng chống lụt bão. Trường hợp thiên tai xảy ra nghiêm trọng mà quỹ dự phòng ở các địa phương không đủ chi, thì ngân sách Trung ương sẽ xem xét và hỗ trợ thêm.

b) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản chi để khắc phục hậu quả đối với các công trình xây dựng cơ bản chưa bàn giao.

c) Quỹ dự phòng của các xí nghiệp thuỷ nông và quỹ thuỷ nông tỉnh để khắc phục hậu quả bão lụt ở các công trình thuỷ nông.

đ) Kinh phí khắc phục và xử lý hậu quả bão lụt ở các đơn vị hạch toán kinh tế (theo quy định tại công văn số 217-TC/CNKT ngày 10-12-1968 của Bộ Tài chính).

2. Căn cứ để cấp phát:

a) Xử lý sự cố đê điều:

Khi có sự cố vỡ đê hoặc đe doạ vỡ đê, ngoài việc huy động vật tư dự trữ hộ đê phòng lụt quy định trong thông tư liên Bộ Tài chính - Thuỷ lợi số 13- TT/LB ngày 18-5-1973, Ban chỉ huy chống lụt chống bão tỉnh, thành phố có thể huy động vật tư, nhân lực, phương tiện của các cơ quan Nhà nước, của nhân dân để ứng cứu kịp thời (trường hợp khẩn cấp Ban chỉ huy chống lụt chống bão huyện có thể ra lệnh huy động, nhưng sau đó phải được Ban chỉ huy chống lụt chống bão tỉnh, thành phố chấp thuận).

Sau đó phải lập các chứng từ cần thiết để làm cơ sở xin ngân sách Nhà nước cấp phát để thanh toán. Các chứng từ làm cơ sở cấp phát gồm:

- Lệnh huy động.

- Biên bản mô tả sự cố đê do đội quản lý đê lập có đại diện của Ban chỉ huy chống lụt chống bão từ cấp huyện trở lên và ý kiến xác nhận của Ban chỉ huy chống lụt chống bão tỉnh, kèm theo biên bản có bản vẽ sơ bộ minh hoạ sự cố đê, ước tính khối lượng phải xử lý.

- Phiếu xác nhận số lao động, vật tư đã huy động và đã sử dụng do đội quản lý đê lập có chữ ký của Ban chỉ huy chống lụt chống bão từ cấp huyện trở lên. Kèm theo phiếu xác nhận có phiếu xuất kho (nếu là vật tư huy động của cơ quan Nhà nước) hoặc xác nhận của Uỷ ban Nhân dân xã (nếu là vật tư huy động của nhân dân).

- Biên bản nghiệm thu khối lượng xử lý do đội quản lý đê lập có xác nhận của Sở Thuỷ lợi.

- Tờ trình xin kinh phí của Sở Thuỷ lợi và ý kiến của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

b) Chi trợ giúp đồng bào vùng phân lũ khi xảy ra lũ lớn có phân lũ, việc trợ giúp đồng bào vùng phân lũ được thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 139-CP ngày 14-8-1973 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 14-TC/NLTL ngày 8-10-1973 của Bộ Tài chính. Riêng về mức trợ giúp cho hộ nhân dân, cơ sở tập thể, tuỳ theo mức độ thiệt hại do phân lũ gây ra Nhà nước sẽ có chủ trương cụ thể.

c) Chi về cứu tế xã hội:

Tuỳ theo tình hình cụ thể về mức độ thiệt hại và khả năng ngân sách địa phương (huyện, tỉnh), chính quyền địa phương có quy định mức trợ cấp cho phù hợp. Căn cứ để cấp phát là:

- Báo cáo thiệt hại của Uỷ ban Nhân dân xã, huyện, tỉnh.

- Quyết định của Uỷ ban Nhân dân huyện, tỉnh về mức trợ giúp.

d) Chi sửa chữa tài sản cố định, nhà cửa, công trình và xử lý các tổn thất do bão lụt gây ra gồm:

- Biên bản của Hội đồng đánh giá thiệt hại được lập ngay sau khi bão lụt gây tổn thất gồm có các thành phần:

Đại diện của Ban chỉ huy chống lụt chống bão từ cấp huyện trở lên,

Đại diện của cơ quan tài chính từ cấp huyện trở lên,

Đại diện của công an từ cấp huyện trở lên,

Đại diện của cơ quan, xí nghiệp.

Biên bản phải đánh giá đúng số thiệt hại về hiện vật và giá trị, phân tích rõ phần thiệt hại do nguyên nhân khách quan, phần do khuyết điểm chủ quan của đơn vị.

- Phương án và dự toán khắc phục tạm thời được cơ quan chủ quản xét duyệt.

- Văn bản của cơ quan chủ quản gửi cơ quan tài chính đồng cấp đề nghị giải quyết kinh phí hoặc phương án xử lý tổn thất.

3. Cấp phát và quyết toán:

a) Những đơn vị nói ở tiết a, điểm 1, mục III trên đây nếu bị bão lụt làm thiệt hại nghiêm trọng phải tu sửa lại mới tạm thời ổn định được hoạt động và đời sống, sau khi đã sử dụng hết các nguồn như đã nêu ở mục I (sử dụng loại vốn tự có nào được quyết toán giảm loại vốn đó ngay trong niên độ kế toán) mà khả năng đơn vị không thể tự sắp xếp kinh phí được và có đủ các căn cứ nói ở điểm 2, mục III trên đây, Ngân sách Nhà nước sẽ xét cấp phát qua cơ quan chủ quản. Riêng kinh phí xử lý sự cố đê điều, sau khi có phương án khắc phục được Bộ Thuỷ lợi duyệt, nếu cần kinh phí để mua vật tư, bảo đảm điều kiện làm việc cho người lao động... có thể đề nghị ngân sách Nhà nước ứng trước một phần kinh phí.

b) Các đơn vị nhận kinh phí và vật tư phải mở sổ sách để theo dõi số kinh phí, vật tư được cấp và việc sử dụng theo từng mục đích, khi công việc hoàn thành phải căn cứ vào chứng từ sổ sách kế toán lập lại các quyết toán với cơ quan chủ quản cấp trên theo quy định sau đây:

- Đơn vị được cấp vốn, vật tư quyết toán với cơ quan chủ quản, cơ quan chủ quản xét duyệt có sự nhất trí của Ban chỉ huy chống lụt chống bão cùng cấp và quyết toán với cơ quan tài chính đồng cấp.

- Đối với các đơn vị thuộc trung ương quản lý và khoản kinh phí đột xuất xử lý sự cố đê điều (thuộc tuyến đê trung ương quản lý) khi các đơn vị quyết toán với Bộ chủ quản phải có ý kiến xác nhận của Sở Tài chính.

c) Cơ quan chủ quản có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc chi tiêu các khoản kinh phí được cấp ở từng đơn vị, bảo đảm việc sử dụng các khoản kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chính sách chế độ, tiết kiệm, có hiệu quả, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm. Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quyết toán với ngân sách Nhà nước về toàn bộ số kinh phí được cấp thuộc phạm vi quản lý của mình.

d) Hàng năm, trên cơ sở quyết toán khoản vốn và vật tư khắc phục hậu quả lụt bão, Ban chỉ huy chống lụt chống bão và cơ quan Tài chính phải thống nhất lập một báo cáo, nhận xét đánh giá về tình hình quản lý cấp phát, sử dụng vốn và vật tư khắc phục hậu quả chống lụt bão trong năm trình Uỷ ban Nhân dân cùng cấp đồng thời trình Ban chỉ huy chống lụt chống bão và cơ quan Tài chính cấp trên.

IV. Điều khoản thi hành

Thông tư này thi hành từ ngày ký và chỉ áp dụng đối với những khoản chi phát sinh đột xuất cho phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt.

Các cơ quan, đơn vị không được dùng khoản kinh phí này để bổ sung kinh phí chi thường xuyên hoặc để chi cho các nhu cầu khác. Đơn vị, cá nhân nào sử dụng khoản kinh phí này sai mục đích phải bồi hoàn và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các quy định của các Bộ, các ngành về cấp phát, quản lý và sử dụng các khoản kinh phí chi đột xuất cho phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt trái với quy định trong Thông tư này đều không có hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, các ngành, các địa phương phản ánh kịp thời cho liên Bộ Tài chính - Thuỷ lợi để nghiên cứu giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Thuỷ lợi
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Nhơn

Hồ Tế

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.