• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/09/1998
BỘ NÔNG NGHIỆP
Số: 06/1998/TT-BNN-TCCB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn Quốc, ngày 3 tháng 9 năm 1998

THÔNG TƯ

Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của công ty khai thác công trình thuỷ lợi

_______________________________

Thi hành pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 31/8/1994; Nghị định số 50/CP ngày 28/8/1996 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích; Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích; thực hiện Thông tư số 14/LĐTBXH-TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (tại khoản 2, mục V) hướng dẫn phương pháp xây dựng định mức lao động đối với các doanh nghiệp Nhà nước; để tăng cường công tác tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi nhằm phục vụ tốt cho sản xuất, xã hội, dân sinh. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Công ty khai thác công trình thuỷ lợi như sau:

I – NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Nội dung của công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi

Công trình thuỷ lợi và hệ thống công trình thuỷ lợi được hiểu như Điều 2 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, được phân thành 3 loại hệ thống chính sau:

- Hệ thống công trình bơm điện, bơm dầu, thuỷ luân (tưới tiêu bằng động lực)

- Hệ thống công trình hồ, đập, cống, kênh rạch (tưới tiêu bằng trọng lực)

- Hệ thống công trình hồ, đập, cống, kênh rạch kết hợp bơm (tưới tiêu bằng trọng lực kết hợp với động lực);

Công tác quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi bao gồm ba nội dung chính sau:

- Quản lý công trình

- Quản lý nước

- Quản lý kinh tế

Ba nội dung trên có quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau, cần có bộ máy tổ chức quản lý tương xứng với nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện tốt cả ba nội dung để nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất, xã hội và dân sinh.

2 – Yêu cầu của công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi

a – Quản lý, vận hành, tu sửa công trình, điều hành nước theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật đảm bảo an toàn công trình, phục vụ sản xuất, xã hội, dân sinh kịp thời và đạt hiệu quả cao;

b – Sử dụng vốn, tài sản và mọi nguồn lực được giao để hoàn thành tốt nhiệm vụ khai thác công trình thuỷ lợi và được tận dụng công trình, máy móc thiết bị, lao động, kỹ thuật, đất đai, cảnh quan, và huy động vốn để tổ chức hoạt động kinh doanh thêm với điều kiện không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ KTCTTL và theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện hạch toán lấy thu bù chi dựa trên số thuỷ lợi phí thu được, định mức kinh tế kỹ thuật được duyệt và các chế độ, chính sách, quy định của pháp luật.

3 – Tên, loại, hạng Doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi

a – Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi có tên là Công ty khai thác công trình thuỷ lợi (viết tắt là Công ty KTCTTL) như Điều 10-Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi đã quy định.

b – Công ty KTCTTL được xác định là Doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích theo quy định của Nghị định số 50/CP ngày 28/8/1996 và Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ.

c – Công ty KTCTTL được xếp hạng Doanh nghiệp theo độ phức tạp trong quản lý KTCTTL và hiệu quả sản xuất như Thông tư số 01 – TT/TN ngày 20/01/1994 của Bộ thuỷ lợi (nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT) đã hướng dẫn.

4 – Nhiệm vụ, quyền hạn của công ty khai thác công trình thuỷ lợi.

a – Công ty khai thác công trình thuỷ lợi có nhiệm vụ như điều 15 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi đã quy định:

- Điều hoà phân phối nước công bằng, bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất; giữ gìn nguồn nước trong lành, bảo vệ môi trường sinh thái;

- Thực hiện quy hoạch, kế hoạch, luận chứng kinh tế - kỹ thuật của hệ thống công trình thuỷ lợi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Là chủ đầu tư trong việc sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi;

- Duy trì năng lực công trình, đảm bảo công trình thuỷ lợi an toàn và sử dụng lâu dài;

- Bổ sung hoàn thiện quy trình điều tiết hồ chứa, quy trình vận hành từng công trình; xây dựng quy trình vận hành hệ thống để trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và tổ chức thực hiện;

- Theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố; kiểm tra, sửa chữa công trình trước và sau mùa mưa lũ;

- Ký kết và thực hiện các hợp đồng về khai thác và bảo vệ công trình; bồi thường thiệt hại cho hộ dùng nước theo quy định tại Khoản 5 Điều 17 của Pháp lệnh này; chấp hành các quy định về tài chính của Nhà nước;

- Quan trắc, theo dõi thu nhập các số liệu theo quy định; nghiên cứu tổng kết và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

b – Công ty khai thác công trình thuỷ lợi có quyền như điều 16 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi đã quy định:

- Vận hành các công trình trong hệ thống theo quy trình, quy phạm kỹ thuật; khai thác tổng hợp công trình;

- Thu thuỷ lợi phí theo hợp đồng;

- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này để đảm bảo vận hành và duy trì phát triển hệ thống;

- Kiến nghị với Hội đồng quản lý hệ thống trong việc huy động các hộ dùng nước đóng góp lao động để tu bổ, sửa chữa công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu Uỷ ban nhân dân địa phương nơi có hệ thống công trình có biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn công trình trong trường hợp có nguy cơ xảy ra sự cố;

- Kiến nghị với Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc yêu cầu lên Toà án nhân dân giải quyết trong trường hợp các hộ dùng nước cố tình không trả đủ thuỷ lợi phí.

5 – Nguyên tắc tổ chức của Công ty KTCTTL

Việc tổ chức bộ máy quản lý Công ty phải tuân thủ các nguyên tắc chung về tổ chức Doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời phải tôn trọng các nguyên tắc:

a – Kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, đảm bảo tính thống nhất theo hệ thống của các công trình thuỷ lợi, đồng thời phải phát huy vai trò lãnh đạo của chính quyền các cấp đối với công tác quản lý KTCTTL;

b – Tổ chức Công ty KTCTTL theo quy mô và phạm vi hệ thống công trình và phải tăng cường phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý công trình cho địa phương, cho các đơn vị dùng nước. Tiến tới Công ty chỉ tập trung quản lý công trình đầu mối, kênh trục chính, công trình quan trọng, có kỹ thuật phức tạp;

c – Bộ máy tổ chức gọn nhẹ, vận hành công trình an toàn, có hiệu quả cao, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

II – CƠ CẤU TỔ CHỨC CÔNG TY KHAI THÁCCÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

A – Mô hình tổ chức Công ty KTCTTL

Căn cứ vào tình hình công trình, điều kiện quản lý ở các hệ thống công trình Thuỷ lợi hiện nay Công ty KTCTTL được tổ chức quản lý theo các mô hình sau:

1 – Mô hình Công ty KTCTTL Liên tỉnh, Tỉnh

1-1 Công ty KTCTTL Liên tỉnh: Là Công ty quản lý hệ thống công trình tưới tiêu cho diện tích thuộc 2 tỉnh trở lên, gồm 2 loại:

- Quản lý công trình đầu mối và trục chính tưới tiêu, phần công trình còn lại phân cấp cho địa phương quản lý.

- Quản lý toàn bộ hệ thống từ đầu mối đến cống đầu kênh của hộ dùng nước quản lý (theo quy định phân cấp quản lý công trình thuỷ lợi hiện hành của Bộ Nông nghiệp & PTNT)

Hệ thống công trình thuỷ lợi liên tỉnh được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, quyết định phân cấp cho tỉnh có diện tích được hưởng lợi lớn tổ chức công ty KTCTTL quản lý hoặc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trực tiếp tổ chức quản lý.

1-2. Công ty KTCTTL Tỉnh: Là công ty quản lý các hệ thống công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ, diện tích tưới tiêu phân bổ rải rác trong phạm vi toàn tỉnh, có quy mô hợp lý và hoạt động có hiệu quả, trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý.

1-3. Cơ cấu tổ chức của Công ty KTCTTL Liên tỉnh, Tỉnh:

a. Giám đốc, phó giám đốc

b. Bộ máy giúp việc (các phòng, ban)

- Phòng Tổ chức lao động tiền lương, hành chính, quản trị (gọi tắt là phòng Tổ chức – Hành chính): Quản lý công tác tổ chức, lao động, công tác hành chính quản trị;

- Phòng Quản lý nước & công trình: Quản lý, điều hành nước, quản lý vận hành, bảo vệ công trình thuỷ lợi;

- Phòng Tài vụ: Quản lý công tác tài chính, kế toán của công ty;

- Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật: Quản lý công tác kế hoạch, vật tư, thống kê, quy hoạch hệ thống, khảo sát, thiết kế và khoa học kỹ thuật của công ty;

- Phòng cơ điện: (được tổ chức đối với hệ thống có nhiều trạm bơm điện có tổng công suất từ 20.000kw trở lên): quản lý cơ, điện thuộc hệ thống của công ty quản lý.

Tuỳ theo quy mô, khối lượng công tác quản lý, tình hình khu vực từng công ty KTCTTL có thể tổ chức số phòng như trên hoặc ghép các bộ phận thành các phòng phù hợp với điều kiện cụ thể của công ty mình (có thể tổ chức phòng kỹ thuật riêng và ghép bộ phận kế hoạch với phòng Tài vụ thành phòng Kế hoạch – Tài vụ, gọi là phòng kinh tế), nhưng không được tổ chức nhiều hơn số phòng ghi trên;

- Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng (gọi tắt là Ban quản lý dự án): Được thành lập khi công ty được giao dự án đầu tư xây dựng và theo quy định hiện hành của Điều lệ xây dựng cơ bản của Chính phủ. Số lao động của Ban không thuộc biên chế lao động hoạt công ích.

- Tổ kiểm toán nội bộ: Công ty tổ chức Tổ kiểm toán nội bộ trực thuộc giám đốc công ty theo Thông tư số 52/TT-BTC ngày 16/4/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp Nhà nước.

c. Tổ chức sản xuất, dịch vụ gồm:

* Đơn vị dịch vụ công ích

+ Các xí nghiệp thành viên hạch toán phụ thuộc công ty gồm:

- Xí nghiệp KTCTTL theo địa giới Huyện

- Xí nghiệp KTCTTL đầu mối và kênh trục chính

+ Cụm thuỷ nông quản lý công trình đầu mối nhỏ, Cụm quản lý theo tuyến kênh hoặc theo vùng khép kín trực thuộc Xí nghiệp quản lý.

* Công ty KTCTTL có thể tổ chức kinh doanh ngoài nhiệm vụ công ích theo Điều 10 Nghị định 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ gồm:

- Xí nghiệp tư vấn khảo sát thiết kế: Được tổ chức theo khả năng kỹ thuật và nguồn dịch vụ trong và ngoài hệ thống;

- Xí nghiệp xây lắp: Được tổ chức đối với công ty có nhiều yêu cầu dịch vụ xây lắp, sửa chữa cơ điện. Công ty có ít yêu cầu dịch vụ xây lắp và sửa chữa thì tổ chức Đội sửa chữa công trình, cơ điện.

Xí nghiệp tư vấn, xí nghiệp xây lắp hoặc đội sửa chữa đều là đơn vị có tư cách pháp nhân không đầy đủ, hạch toán phụ thuộc công ty, được công ty trang bị nhà, xưởng, phương tiện vận chuyển, máy móc, dụng cụ sửa chữa tại xưởng và lưu động trong hệ thống.

Các công ty hạng III trở xuống không đủ điều kiện để tổ chức Xí nghiệp hoặc Đội sửa chữa thì tổ chức một tổ sửa chữa có từ 6-8 lao động trong số định biên hoạt động công ích để đáp ứng yêu cầu sửa chữa đột xuất trong hệ thống.

- Ngoài các đơn vị ghi trên, công ty có thể tổ chức các đơn vị kinh doanh phụ khác như phát điện, trồng cây, nuôi cá, du lịch, khách sạn...

Công ty KTCTTL chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động và sự cam kết của các đơn vị này.

2 – Mô hình Công ty KTCTTL Liên huyện:

Là Công ty KTCTTL quản lý hệ thống có diện tích tưới tiêu từ hai huyện trở lên trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý. Công ty Liên huyện được tổ chức như sau:

2-1. Giám đốc, phó giám đốc

2-2. Bộ máy giúp việc được tổ chức như công ty Liên tỉnh, Tỉnh, số lao động được định biên tương xứng với nhiệm vụ được giao.

2-3. Tổ chức sản xuất

a – Đối với hệ thống lớn tổ chức Xí nghiệp thành viên hạch toán phụ thuộc, dưới Xí nghiệp thành viên là các Cụm thuỷ nông. Đối với công ty từ hạng 3 trở xuống không tổ chức xí nghiệp thành viên mà chỉ tổ chức Trạm thuỷ nông trực thuộc công ty, dưới Trạm thuỷ nông là các Cụm thuỷ nông; đối với hệ thống nhỏ thì tổ chức Cụm thuỷ nông trực thuộc Công ty, không tổ chức Trạm thuỷ nông;

b – Việc tổ chức kinh doanh phụ khác: Được thực hiện theo Điều 10 Nghị định 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ.

3 – Mô hình Công ty KTCTTL Huyện

Công ty KTCTTL Huyện là Công ty quản lý hệ thống công trình tưới tiêu trong phạm vi huyện. Bộ máy gồm Ban Giám đốc và được tổ chức không quá 4 phòng như Công ty liên Huyện nhưng số định biên ít hơn, tương ứng với chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, và chỉ tổ chức Cụm thuỷ nông trực thuộc công ty.

Công ty KTCTTL từ hạng IV không tổ chức phòng quản lý, mà thành lập tổ giúp việc giám đốc trong từng lĩnh vực quản lý.

Công ty KTCTTL Huyện cũng được tổ chức các đơn vị kinh doanh, dịch vụ ngoài nhiệm vụ công ích theo Điều 10 Nghị định 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ.

B – Nhiệm vụ cụ thể và hoạt động của bộ máy tổ chức Công ty khai thác công trình thuỷ lợi được hướng dẫn tại mục I, phụ lục kèm sau.

Công ty khai thác công trình thuỷ lợi căn cứ nhiệm vụ chung được giao và nhiệm vụ cụ thể của từng Phòng, Ban để bố trí bộ máy tổ chức phù hợp với điều kiện cụ thể của hệ thống công trình do công ty quản lý.

III. ĐỊNH BIÊN TỔ CHỨC CÔNG TY KHAI THÁCCÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

1 – Phân loại lao động

Lao động của Cty KTCTTL bao gồm:

1-1. Lao động trực tiếp sản xuất gồm: Lao động công nghệ, lao động phụ trợ và phục vụ;

1-2. Lao động gián tiếp gồm các lao động quản lý.

Các lao động được phân loại cụ thể tại mục II, phụ lục kèm sau.

2 – Bố trí lao động của Công ty KTCTTL

2-1. Lãnh đạo công ty

a – Giám đốc Công ty

b – Phó Giám đốc công ty: Công ty từ hạng 3 trở lên được bố trí không quá 3 phó giám đốc, từ hạng 4 trở xuống được bố trí 1 Phó giám đốc.

2-2. Bộ máy giúp việc (các Phòng, Ban)

a – Lãnh đạo Phòng, Ban: Mỗi Phòng, Ban bố trí i trưởng và Phó phòng

b – Số lao động của các Phòng, Ban

Việc bố trí lao động các Phòng, Ban phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Căn cứ định mức lao động và sản lượng sản phẩm được duyệt, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và số lượng công việc được giao;

- Tinh giảm lực lượng lao động và bố trí hợp lý, thực sự cần thiết cho công việc, đảm bảo phục vụ sản xuất có hiệu quả. Phải cân đối yêu cầu công việc với trình độ lao động. Số lao động quản lý (gián tiếp) không vượt quá 15% tổng số lao động hoạt động công ích.

2-3. Tổ chức sản xuất

a- Xí nghiệp KTCTTL thành viên: là đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty gồm:

- Giám đốc và phó giám đốc

- Bộ máy giúp việc: Tuỳ theo khối lượng công tác quản lý để tổ chức thành phòng hoặc tổ, nhưng biên chế phải gọn nhẹ;

b- Trạm thuỷ nông và Trạm quản lý công trình đầu mối

Hai Trạm này đều là đơn vị trực tiếp sản xuất (tương đương 1 phân xưởng) gồm:

- 1 Trạm trưởng, 1 trạm phó giúp Trạm trưởng điều hành tưới tiêu, hoặc tổ chức thi công sửa chữa công trình.

- Lao động của Trạm gồm: 1-2 lao động kỹ thuật điều hành tưới tiêu, đo đạc thuỷ văn, 1-2 lao động kỹ thuật chỉ đạo thi công sửa chữa công trình, 1-2 kế toán, 1 văn thư tạp vụ kiêm thủ kho, thủ quỹ, 1 quản lý hành chính, quản trị, tổ chức lao động tiền lương. Trường hợp cần lao động thiết kế thì chuyển phần chỉ tiêu của xí nghiệp, Công ty cho Trạm thuỷ nông.

- Các lao động trực tiếp sản xuất được định biên theo định mức được duyệt

c- Cụm thuỷ nông:là đơn vị trực tiếp sản xuất (tương đương một tổ sản xuất) được bố trí 1 Cụm trưởng. Đối với Cụm thuỷ nông quản lý từ 2.000ha trở lên được bố trí 1 Cụm phó. Mỗi Cụm được bố trí 1 lao động kỹ thuật, Cụm có trên 2.000ha được bố trí 2 lao động kỹ thuật và số công nhân theo định mức được duyệt.

3 – Chỉ tiêu định biên lao động

3-1. Định biên công nhân thuỷ nông (viết tắt là CNTN). Gồm 3 loại:

a- Công nhân thuỷ nông đầu mối: Bố trí theo yêu cầu và theo định mức được duyệt như sau:

- Số công nhân và thời gian yêu cầu vận hành hồ, cống, đập, âu thuyền, trạm bơm;

- Kiểm tra, quan trắc công trình hàng ngày hoặc định kỳ gồm: Mục nước, lún, xê dịch, thẩm lậu, bồi lắng và hoạt động của các sinh vật đối với công trình;

- Bảo dưỡng công trình, máy móc, thiết bị: Xúc đất xô, cắt cỏ, xếp lại mái đá, xử lý thẩm lậu, sạt lở, hang động vật, tổ mối, vớt rong rác gây cản trở dòng chảy, trát chít vết nứt, sứt mẻ với tổng khối lượng từ 2m3 đất, 0,5 m3 xây đúc trở xuống và lau chùi vệ sinh công nghệ, bắt vít, xiết bu lông, tra dầu mỡ, cạo hà, sơn chống gỉ máy móc thiết bị;

- Bảo vệ công trình đầu mối;

- Chống bão lụt, úng hạn, phục vụ tưới cây khẩn trương trong, ngoài thời gian quy định;

- Các yêu cầu quản lý khác

Đối với hệ thống công trình hồ, cống, đập nhỏ phải bố trí ít nhất 2 CNTN đầu mối và 1 CNTN hệ thống để quản lý vận hành và thay phiên nhau bảo vệ công trình.

b- Định biên công nhân thuỷ nông chuyên kênh:cũng được bố trí theo các yêu cầu và các mức được duyệt như CNTN đầu mối ghi trên. Vận hành kênh chính, kênh cấp 1 độc lập hoặc có sự tranh chấp giữa các địa phương, có lưu lượng tưới tiêu lớn hơn 5m3/s và các kênh chính, kênh cấp 1 của Công ty KTCTTL đầu mối đã được phân cấp phần công trình kênh mương cấp 2 trở xuống cho địa phương quản lý. Mức quản lý công trình kênh mương tưới tiêu đối với 1 CNTN như sau:

- ≥ 2 km kênh bố trí 1 CNTN chuyên kênh (đối với loại kênh có yêu cầu bảo dưỡng)

- ≥ 6 km kênh bố trí 1 CNTN chuyên kênh (đối với loại kênh ít có yêu cầu bảo dưỡng)

c- Định biên công nhân thuỷ nông hệ thống: thực hiện các nhiệm vụ của Cụm thuỷ nông hướng dẫn tại phần Phụ lục.

Tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật của CNTN theo qui định Ban hành kèm theo Quyết định số 75-QĐ/TCCB ngày 28/8/1995 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi (nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT)

Mức quản lý hệ thống công trình thuỷ lợi đối với 1 CNTN hệ thống như sau:

- ≥ 200 ha canh tác được tưới tiêu ở vùng đồng bằng

- ≥ 150 ha canh tác được tưới tiêu ở vùng trung du, vùng ven biển

- ≥ 100 ha canh tác được tưới tiêu ở vùng miền núi

Đối với vùng tưới tiêu độc lập hoặc cả hệ thống công trình tưới tiêu dưới mức tối thiểu ghi trên tuỳ theo mức độ phức tạp của địa hình, công trình được bố trí từ 1-2 CNTN hệ thống.

3-2. Định biên công nhân vận hành, bảo dưỡng bơm điện

a- Công nhân vận hành, bảo dưỡng bơm điện:Có nhiệm vụ theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn cấp bậc công nhân vận hành bơm điện.

Ngoài nghiệp vụ chính ghi trên, công nhân vận hành bơm điện phải kết hợp các việc dưới đây khi không cần vận hành máy bơm:

- Trực bảo vệ Trạm bơm và khu vực công trình đầu mối;

- Bảo dưỡng công trình (theo sự hướng dẫn nghiệp vụ của lao động kỹ thuật)

- Hỗ trợ CNTN thu thuỷ lợi phí, cung ứng vật tư;

- Tham gia chống bão lụt, úng, hạn phục vụ tưới cây ngoài giờ qui định

b- Mức khung đối với công nhân vận hành bơm điện:

* Đối với Trạm bơm điện lớn (Loại máy bơm 7.000m3/h trở lên):

- Tại trạm điều khiển chung bố trí không quá 2 công nhân vận hành 1 ca;

- Tại trạm bơm có từ 1 ÷ 5 máy bố trí không quá 3 công nhân vận hành 1 ca (trong đó 3 công nhân đối với trạm có nhiều máy và đối với loại máy bơm trên 10.000m3/h);

- Tại trạm bơm có từ 6 ÷ 12 máy bố trí không quá 4 công nhân vận hành 1 ca (trong đó 4 công nhân đối với trạm vận hành có nhiều máy và đối với loại máy bơm trên 10.000m3/h)

- Trạm có trên 12 máy thì bố trí 4 công nhân và cứ thêm 3 máy thì tăng thêm 1 công nhân vận hành 1 ca.

* Đối với trạm bơm điện nhỏ (máy bơm dưới 7.000m3/h):

- Trạm bơm có trạm điều khiển chung bố trí 1 công nhân vận hành 1 ca

- Trạm bơm có 1 ÷ 8 máy bơm 2.500-6.000m3/h bố trí không quá 3 công nhân vận hành 1 ca

- Trạm có trên 8 máy bơm 2.500-6.000m3/h bố trí 3 công nhân vận hành và cứ thêm 4 máy thì tăng thêm 1 công nhân vận hành 1 ca;

- Trạm bơm có từ 1-10 máy bơm < 2.500m3/h bố trí không quá 2 CN vận hành 1 ca;

- Trạm có trên 10 máy < 2.500m3/h bố trí 2 công nhân vận hành và cứ thêm 5 máy thì tăng thêm 1 công nhân vận hành 1 ca

- Để đảm bảo an toàn lao động, những trạm bơm bố trí 1 công nhân vận hành thì phải điều động công nhân trong công ty hoặc được thuê thêm 1 lao động phụ trợ vận hành.

3 - 3. Định biên lực lượng bảo vệ gồm: Tại văn phòng công ty 1 Tổ trưởng và 1-2 cán bộ chuyên trách thuộc Phòng quản lý nước và công trình. Tại các công trình được bố trí theo yêu cầu cần thiết và theo ca.

- Đối với công trình đầu mối lớn tưới tiêu từ 5.000ha trở lên và công trình quan trọng, tách biệt ở nơi hẻo lánh được bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách bảo vệ an toàn toàn bộ công trình.

3 - 4. Định biên Đội sửa chữa công trình, cơ điện hoặc Xí nghiệp xây lắp:

a – Xí nghiệp xây lắp gồm: Giám đốc, 1-2 phó giám đốc và được định biên bộ máy tổ chức tương xứng với nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoàn thành hợp đồng đã ký, tăng thu nhập cho xí nghiệp.

b – Đội sửa chữa công trình, cơ điện gồm: Đội trưởng, 1-2 đội phó và số lao động của Đội cũng được định biên như yêu cầu đối với Xí nghiệp xây lắp.

4. Các yêu cầu điều động lao động và làm thêm giờ

a – Để giảm bớt số lao động định biên, các Công ty KTCTTL phải điều động lao động của các đơn vị trong công ty hỗ trợ lẫn nhau và được hợp đồng thuê lao động ngoài quản lý bảo dưỡng công trình trong từng thời đoạn cần thiết.

b – Đối với các Công ty đã được phân cấp công trình cho địa phương quản lý, đồng thời chuyển lao động cho địa phương và giảm số định biên tương ứng với số lượng công trình đã giao.

c – Để đảm bảo an toàn công trình và phục vụ sản xuất kịp thời vụ ngoài nhiệm vụ thường xuyên, trong thời gian mưa, bão, lụt, úng, hạn, thời gian đưa nước tưới cây, có sự cố công trình, máy móc thiết bị Công ty KTCTTL phải tổ chức các lao động cần thiết của toàn Công ty làm thêm giờ (trừ lao động gián tiếp không có yêu cầu, không cần thiết làm thêm và lao động già yếu), mỗi ngày không quá 4 giờ. Thời gian làm thêm được trả thêm lương theo Điều 61-Luật lao động đã quy định,

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1 – Căn cứ Thông tư này Sở Nông nghiệp & PTNThướng dẫn các công ty KTCTTL địa phương lập phương án hoàn chỉnh tổ chức, xây dựng định mức lao động, đơn giá tiền lương của công ty và tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện. Đối với các công ty thuộc Bộ quản lý thì Cục Quản lý nước và CTTL, Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn công ty lập đề án tổ chức, định mức lao động và đơn giá tiền lương trình Bộ trưởng quyết định.

2 – Công ty KTCTTL căn cứ Thông tư này xây dựng đề án tổ chức, đảm bảo bộ máy thật gọn nhẹ trình cấp có thẩm quyền xét duyệt và tổ chức thực hiện.

Căn cứ mức định biên lao động, cơ cấu tổ chức công ty đã được hướng dẫn trong Thông tư này và phương pháp xây dựng định mức lao động, đơn giá tiền lương đối với Doanh nghiệp Nhà nước tại Thông tư số 14/LĐTBXH-TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, Công ty KTCTTL xây dựng định mức lao động, đơn giá tiền lương trình UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nông nghiệp & PTNT (đối với công ty thuộc Bộ quản lý) duyệt để thực hiện.

3 – Thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp & PTNT và của các Sở Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc tổ chức công ty, thực hiện định mức lao động, định biên lao động và đơn giá tiền lương của Công ty khai thác công trình thuỷ lợi theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, thay thế cho Thông tư 21-TT/TN ngày 26/11/1977 của Bộ Thuỷ lợi hướng dẫn tổ chức Công ty quản lý thuỷ nông.

Trong quá trình thực hiện, các Sở Nông nghiệp và PTNT,các Công ty KTCTTL kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những vấn đề vướng mắc để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Trọng Hồng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.