Sign In

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHÂN LOẠI, KHÁM SỨC KHỎE, PHÂN CẤP NHIỆM VỤ QUẢN LÝ SỨC KHỎE ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÔNG CHỨC QUỐC PHÒNG, CÔNG NHÂN VÀ VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ngày 26 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật nghĩa vụ quân sự ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư Quy định phân loại, khám sức khỏe, phân cấp nhiệm vụ quản lý sức khỏe đối với quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định phân loại, khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ, phân cấp nhiệm vụ quản lý sức khỏe và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến phân loại sức khỏe, khám sức khỏe, quản lý sức khỏe đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng.

2. Thông tư này không điều chỉnh đối với:

a) Khám sức khỏe tuyển dụng, tuyển chọn công dân vào Quân đội;

b) Khám sức khỏe đặc thù quân chủng, binh chủng;

c) Khám giám định bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần, bệnh nghề nghiệp;

d) Phân loại, khám sức khỏe đối với cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, quyết định theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 121-QĐ/TW ngày 25 tháng 01 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ (sau đây gọi chung là quân nhân); công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công nhân và viên chức quốc phòng) phục vụ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hội đồng khám sức khỏe là hội đồng chuyên môn, kiêm nhiệm, lâm thời của quân y đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên hoặc của bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh trong Quân đội do thủ trưởng đơn vị hoặc giám đốc bệnh viện quân y quyết định thành lập.

2. Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp quản lý sức khỏe bắt buộc đối với 100% quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện tối thiểu 01 lần/năm tại cơ sở quân y nhằm quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật.

3. Khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ là biện pháp quản lý sức khỏe cho quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện trước khi đề bạt, bổ nhiệm và giao các nhiệm vụ quân sự quốc phòng khác.

4. Phân cấp nhiệm vụ quản lý sức khỏe quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng là quy định nhiệm vụ cho quân y các cấp thực hiện quản lý chất lượng sức khỏe; theo dõi tình trạng bệnh tật; lưu giữ hồ sơ sức khỏe từng cá nhân theo cấp bậc, chức vụ và phân loại sức khỏe.

5. Phiếu khám sức khỏe định kỳ là tài liệu y khoa tổng hợp những thông tin cơ bản về sức khỏe của từng cá nhân dưới dạng bản giấy hoặc bản điện tử theo mẫu tại Phụ lục II Thông tư này; lưu giữ tại cơ quan quân y theo phân cấp và được bàn giao theo hồ sơ cá nhân khi chuyển đơn vị mới.

6. Hồ sơ sức khỏe là tập hợp kết quả khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh, chữa bệnh của từng cá nhân dạng bản giấy hoặc bản điện tử; được sử dụng trong quản lý, theo dõi sức khỏe của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng; thời hạn lưu giữ tối thiểu 10 (mười) năm theo chế độ mật.

Chương II

PHÂN LOẠI SỨC KHỎE, PHÂN CẤP NHIỆM VỤ QUẢN LÝ SỨC KHỎE ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÔNG NHÂN VÀ VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG

Điều 4. Phân loại sức khỏe

1. Nhằm đánh giá, xác định tình trạng sức khỏe theo khả năng đáp ứng với các nhiệm vụ của Quân đội; sử dụng trong quản lý sức khỏe theo Điều lệnh quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam; là cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng bệnh tật; căn cứ để thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý.

2. Căn cứ phân loại sức khỏe:

a) Tình trạng thể lực được đánh giá theo chỉ số khối cơ thể quy định tại Phụ lục I Thông tư này;

b) Tình trạng bệnh tật được đánh giá từ mức 1 đến mức 4 quy định tại Phụ lục I Thông tư này;

c) Sức làm việc được đánh giá dựa trên khả năng đảm bảo ngày làm việc, số ngày nghỉ ốm bệnh trong một năm liền kề; hoặc mức suy giảm khả năng lao động; hoặc kết quả kiểm tra rèn luyện thể lực.

3. Phân loại sức khỏe đối với các đối tượng

a) Phân loại sức khỏe đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được chia thành bốn loại: 1, 2, 3 và 4;

b) Phân loại sức khỏe đối với hạ sĩ quan, binh sĩ được chia thành ba loại: 1, 2 và 3.

4. Sau khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng khám sức khỏe có trách nhiệm phân loại sức khỏe đối với các đối tượng theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này.

Điều 5. Phân loại sức khỏe đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng

Sức khỏe đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được chia thành bốn loại:

1. Sức khỏe loại 1 phải đáp ứng đủ ba yếu tố:

a) Chỉ số khối cơ thể mức 1;

b) Không bệnh tật hoặc các bệnh nhẹ mức 1;

c) Sức làm việc tốt, số ngày nghỉ ốm bệnh trong một năm không quá 15 ngày.

2. Sức khỏe loại 2 khi có một trong các yếu tố:

a) Chỉ số khối cơ thể mức 2 hoặc tuổi trên 55;

b) Bị mắc các bệnh tật mức 2 hoặc bệnh mạn tính nhẹ đã ổn định, không ảnh hưởng đến sinh hoạt, công tác; chỉ cần có biện pháp dự phòng hoặc điều trị ngoại trú;

c) Sức làm việc đảm bảo theo chức trách, nhiệm vụ: Số ngày nghỉ ốm bệnh trong một năm từ 16 đến 30 ngày; hoặc kết quả kiểm tra rèn luyện thể lực đạt yêu cầu.

3. Sức khỏe loại 3 khi có một trong các yếu tố:

a) Chỉ số khối cơ thể mức 3;

b) Bị mắc các bệnh tật mức 3 hoặc bệnh mạn tính chưa ổn định, chưa hồi phục gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hoặc rối loạn, suy giảm chức năng cần được quân y theo dõi chặt chẽ có hệ thống, chỉ định kiểm tra định kỳ và thực hiện chế độ điều trị dự phòng;

c) Sức làm việc suy giảm rõ rệt, chưa hồi phục: số ngày nghỉ ốm bệnh trong một năm từ 31 đến 60 ngày, kết quả kiểm tra rèn luyện thể lực không đạt cần được bố trí công tác phù hợp để chữa bệnh, an điều dưỡng phục hồi sức khỏe.

4. Sức khỏe loại 4 khi có một trong các yếu tố:

a) Chỉ số khối cơ thể mức 4 hoặc thể trạng suy kiệt kéo dài, không hồi phục;

b) Bị mắc các bệnh tật mức 4 hoặc bệnh mạn tính khó ổn định, dễ tái phát, đã có biến chứng nặng cần được quân y theo dõi chặt chẽ; phải tuân thủ chỉ định điều trị và thường xuyên thực hiện chế độ chăm sóc, dự phòng cần thiết;

c) Sức làm việc suy giảm nặng: Phải nghỉ làm việc dài ngày hoặc nhiều đợt để điều trị bệnh, số ngày nghỉ ốm bệnh trong một năm trên 60 ngày, không hoàn thành bài tập rèn luyện thể lực; suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Điều 6. Phân loại sức khỏe đối với hạ sĩ quan, binh sĩ

Sức khỏe đối với hạ sĩ quan, binh sĩ được chia thành ba loại:

1. Sức khỏe loại 1 phải đáp ứng đủ ba yếu tố:

a) Chỉ số khối cơ thể mức 1;

b) Không có bệnh tật hoặc các bệnh nhẹ mức 1;

c) Số ngày nghỉ ốm bệnh trong một năm không quá 15 ngày.

2. Sức khỏe loại 2 khi có một trong các yếu tố:

a) Chỉ số khối cơ thể mức 2;

b) Bị mắc các bệnh tật mức 2 hoặc bệnh tật nhẹ đã ổn định;

c) Sức làm việc bình thường, số ngày nghỉ ốm bệnh trong một năm từ 16 đến 30 ngày hoặc kết quả kiểm tra rèn luyện thể lực đạt yêu cầu.

3. Sức khỏe loại 3 khi có một trong các yếu tố:

a) Chỉ số khối cơ thể mức 3 hoặc mức 4;

b) Bị mắc các bệnh tật mức 3 hoặc mức 4 hoặc bệnh nặng có biến chứng, di chứng ảnh hưởng chức năng cần được theo dõi, điều trị;

c) Sức làm việc suy giảm rõ rệt: số ngày nghỉ ốm bệnh trong một năm trên 30 ngày, kết quả kiểm tra rèn luyện thể lực không đạt yêu cầu; hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên cần đề nghị giải quyết xuất ngũ theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Phân cấp nhiệm vụ quản lý sức khỏe

1. Quân y cấp trung đoàn và tương đương quản lý hồ sơ sức khỏe; theo dõi tình trạng sức khỏe toàn bộ quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc biên chế của đơn vị.

2. Quân y cấp sư đoàn và tương đương:

a) Theo dõi sức khỏe quân nhân có quân hàm cấp thiếu tá; công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương tương đương trở lên; cán bộ chỉ huy tiểu đoàn và các chức vụ tương đương trở lên; quân nhân có quân hàm cấp thiếu úy, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương tương đương trở lên sức khỏe loại 3, loại 4;

b) Trực tiếp quản lý hồ sơ sức khỏe quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng của các cơ quan, tiểu đoàn trực thuộc sư đoàn;

c) Chỉ đạo quân y cấp trung đoàn và tương đương thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe thuộc biên chế của đơn vị.

3. Quân y cấp đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng:

a) Theo dõi sức khỏe quân nhân có quân hàm cấp thượng tá, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương tương đương trở lên; cán bộ chỉ huy trung đoàn và chức vụ tương đương trở lên; quân nhân có quân hàm cấp thiếu tá, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương tương đương trở lên sức khỏe loại 3, loại 4;

b) Trực tiếp quản lý hồ sơ sức khỏe quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng của các cơ quan trực thuộc đơn vị;

c) Chỉ đạo quân y cấp sư đoàn, trung đoàn và tương đương thực hiện quản lý toàn bộ hồ sơ sức khỏe thuộc biên chế của đơn vị.

4. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện quân y 175:

a) Quản lý hồ sơ sức khỏe sĩ quan cấp tướng theo địa bàn đóng quân: Từ Quân khu 4 trở ra phía Bắc do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 quản lý; từ Quân khu 5 trở vào phía Nam do Bệnh viện quân y 175 quản lý. Hằng tuần, báo cáo diễn biến bệnh lý từng cá nhân đang điều trị; hằng năm, báo cáo kết quả khám sức khỏe định kỳ từng cá nhân về Cục Quân y;

b) Theo dõi, lưu giữ hồ sơ sức khỏe đối với quân nhân có quân hàm cấp thượng tá trở lên khi đến khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất sức khỏe cán bộ cao cấp về Cục Quân y.

5. Cục Quân y tổng hợp tình hình sức khỏe, cơ cấu bệnh tật trong toàn quân; quản lý, theo dõi sức khỏe:

a) Sĩ quan cấp tướng;

b) Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Danh sách quân nhân có quân hàm cấp thượng tá, đại tá; công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương tương đương sức khỏe loại 3, loại 4.

Chương III

KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ, KHÁM SỨC KHỎE THEO YÊU CẦU NHIỆM VỤ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÔNG NHÂN VÀ VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG

Điều 8. Hội đồng khám sức khỏe

1. Thành lập Hội đồng khám sức khỏe:

a) Thủ trưởng đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên quyết định thành lập Hội đồng khám sức khỏe của đơn vị theo đề nghị của chủ nhiệm quân y;

b) Giám đốc bệnh viện quyết định thành lập Hội đồng khám sức khỏe của bệnh viện theo đề nghị của phòng (khoa, ban) chức năng được giao nhiệm vụ và hiệp đồng của đơn vị khám sức khỏe.

2. Thành phần Hội đồng khám sức khỏe:

a) Chủ tịch Hội đồng là bác sĩ chủ nhiệm quân y, chỉ huy bệnh viện quân y hoặc người được phân công;

b) Thành viên Hội đồng là cán bộ, nhân viên quân y đơn vị hoặc bệnh viện; trường hợp cần thiết được tăng cường từ quân y tuyến trên, quân y đơn vị khác hoặc lao động hợp đồng.

3. Yêu cầu nhân sự của Hội đồng khám sức khỏe:

a) Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất 54 (năm mươi tư) tháng trở lên;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng thay thế Chủ tịch Hội đồng khi được ủy quyền và đáp ứng yêu cầu tại điểm a khoản 3 Điều này;

c) Thành viên Hội đồng thực hiện khám lâm sàng, cận lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với nhiệm vụ được giao. Trường hợp người thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng mà pháp luật không quy định có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được phân công.

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng khám sức khỏe:

a) Người thực hiện khám lâm sàng, cận lâm sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám và kết quả khám của mình;

b) Chủ tịch Hội đồng kết luận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình. Chữ ký của Chủ tịch Hội đồng được đóng dấu của đơn vị quyết định thành lập Hội đồng.

5. Nhiệm vụ của Hội đồng và các thành viên Hội đồng khám sức khỏe

a) Hội đồng khám sức khỏe:

Tổ chức khám, phân loại và kết luận sức khỏe cho quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng; chỉ định xét nghiệm chuyên sâu; tư vấn sức khỏe, dự phòng bệnh; chuyển tuyến trên khi vượt khả năng chuyên môn;

Tổng hợp kết quả khám sức khỏe và bàn giao toàn bộ hồ sơ phiếu khám sức khỏe cho quân y đơn vị.

b) Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe:

Chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động và kết quả khám sức khỏe của Hội đồng;

Quán triệt, phổ biến kế hoạch khám sức khỏe định kỳ; hướng dẫn các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, chức trách, nguyên tắc làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Hội đồng;

Triệu tập người khám lâm sàng, cận lâm sàng và tổ chức hội chẩn đối với trường hợp phân loại sức khỏe không phù hợp với kết quả khám để thống nhất kết quả phân loại sức khỏe theo chuyên khoa;

Đề nghị đơn vị quản lý cho quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng đi khám chuyên khoa ở quân y tuyến trên đối với các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn;

Trực tiếp kết luận phân loại sức khỏe;

Tổ chức họp rút kinh nghiệm công tác khám sức khỏe.

c) Phó Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe:

Thay mặt Chủ tịch Hội đồng khi được ủy quyền;

Trực tiếp khám sức khỏe, tham gia hội chẩn khi cần thiết;

Tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe;

d) Ủy viên Thường trực, kiêm thư ký Hội đồng khám sức khỏe:

Lập dự trù, tổng hợp và quyết toán kinh phí, thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác khám sức khỏe;

Chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất, hồ sơ sức khỏe và các tài liệu cần thiết khác để Hội đồng làm việc; tham gia họp Hội đồng;

Tham gia khám sức khỏe, hội chẩn khi cần thiết;

Thực hiện đăng ký, thống kê và giúp Chủ tịch Hội đồng làm báo cáo tổng hợp.

đ) Các ủy viên khác của Hội đồng khám sức khỏe:

Trực tiếp khám sức khỏe và tham gia hội chẩn khi được triệu tập;

Chịu trách nhiệm về chất lượng khám và kết luận sức khỏe trong phạm vi được phân công;

Tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe khi được triệu tập.

6. Phân cấp nhiệm vụ của Hội đồng khám sức khỏe đơn vị các cấp:

a) Hội đồng khám sức khỏe đơn vị cấp trung đoàn và tương đương khám sức khỏe cho hạ sĩ quan, binh sĩ;

b) Hội đồng khám sức khỏe đơn vị cấp sư đoàn và tương đương khám sức khỏe cho quân nhân có quân hàm cấp trung tá, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương tương đương trở xuống theo kế hoạch của đơn vị hoặc theo kế hoạch hiệp đồng của đơn vị đóng quân trên địa bàn;

c) Hội đồng khám sức khỏe đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc bệnh viện Quân đội hạng II trở lên khám sức khỏe cho quân nhân có quân hàm cấp đại tá, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương tương đương trở xuống theo kế hoạch của đơn vị hoặc theo kế hoạch hiệp đồng của đơn vị thuộc tuyến;

d) Hội đồng khám sức khỏe Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện quân y 175 khám sức khỏe cho cán bộ theo phân cấp nhiệm vụ quản lý sức khỏe quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7 Thông tư này; cán bộ được quy định tại điểm c khoản 6 Điều này theo kế hoạch hiệp đồng của đơn vị.

Điều 9. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị khám sức khỏe định kỳ

1. Các phòng khám bố trí theo nguyên tắc một chiều, khép kín; phòng khám lâm sàng, cận lâm sàng từng chuyên khoa riêng biệt, đủ diện tích, phù hợp với nội dung khám sức khỏe.

2. Đủ trang bị, dụng cụ y tế thiết yếu theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này.

Điều 10. Nội dung khám sức khỏe định kỳ

1. Xác định chỉ số khối cơ thể (BMI: Body Mass Index).

2. Khám lâm sàng các chuyên khoa: Nội khoa, ngoại khoa, da liễu, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, sản phụ khoa đối với nữ.

3. Khám cận lâm sàng

a) Hạ sĩ quan, binh sĩ: Điện tim; siêu âm bụng tổng quát và các xét nghiệm khác khi cần thiết;

b) Quân nhân có quân hàm cấp trung tá, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương tương đương trở xuống: Xét nghiệm huyết học; sinh hóa máu, nước tiểu; điện tim; siêu âm bụng tổng quát; chụp X-quang ngực và các xét nghiệm khác khi cần thiết;

c) Quân nhân có quân hàm cấp thượng tá, đại tá; công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương tương đương: Xét nghiệm huyết học; sinh hóa máu, nước tiểu; điện tim; siêu âm bụng tổng quát; chụp X-quang ngực; xét nghiệm miễn dịch, dấu ấn ung thư và các xét nghiệm khác khi cần thiết.

Điều 11. Tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ

1. Quy trình thực hiện

a) Quân y cấp trung đoàn và tương đương trở lên xây dựng kế hoạch tổ chức khám sức khỏe định kỳ tháng ba hằng năm, trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt. Các đơn vị không đủ điều kiện thành lập Hội đồng khám sức khỏe định kỳ phải báo cáo bằng văn bản đến quân y tuyến trên; hiệp đồng với bệnh viện quân y hoặc quân y đơn vị khác trong khu vực đóng quân trước ngày 25 tháng 10 hằng năm để xây dựng kế hoạch cho năm sau;

b) Thành lập Hội đồng khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

c) Lập danh sách quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng khám sức khỏe định kỳ; tổng hợp tiền sử bệnh tật, điều trị (nếu có); kết quả kiểm tra rèn luyện thể lực; sức làm việc; số ngày nghỉ ốm; tỷ lệ suy giảm khả năng lao động (nếu có);

d) Triển khai khu vực khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này;

đ) Tiến hành khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này; kết luận khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

e) Thời gian tổ chức khám sức khỏe định kỳ có thể tiến hành một lần hoặc nhiều lần trong năm tùy theo nhiệm vụ từng đơn vị nhưng kết thúc trước ngày 15 tháng 9 hằng năm;

g) Quân y đơn vị tổng hợp kết quả khám sức khỏe định kỳ, báo cáo thủ trưởng đơn vị và cơ quan quân y cấp trên.

2. Hình thức triển khai

a) Khám tại cơ sở quân y đơn vị;

b) Khám tại bệnh viện quân y;

c) Khám tại cơ sở quân y đơn vị kết hợp với tại bệnh viện quân y;

d) Khám tại đơn vị nếu đủ điều kiện theo Điều 9 Thông tư này.

Điều 12. Kết luận khám sức khỏe định kỳ

1. Người khám chuyên khoa phân loại sức khỏe bằng số 1, 2, 3 hoặc 4 tương ứng mức đánh giá 1, 2, 3, 4 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; ghi rõ bệnh lý (nếu có) vào phần kết quả khám trong phiếu khám sức khỏe định kỳ kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng; ký và ghi rõ họ tên ở cột "Chữ ký, họ tên của bác sỹ". Trường hợp nghi ngờ hoặc chưa xác định chính xác bệnh phải chỉ định thêm các xét nghiệm hoặc đề nghị chuyển đến quân y tuyến trên khám chuyên khoa làm căn cứ để kết luận.

2. Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe định kỳ căn cứ kết quả phân loại của các chuyên khoa để kết luận, phân loại sức khỏe theo quy định tại các Điều 4, 5 và 6 Thông tư này; ghi bằng số và chữ (phần chữ để trong dấu ngoặc đơn); ký, ghi rõ họ tên vào phiếu khám sức khỏe định kỳ và chịu trách nhiệm về kết luận của mình; thông báo kết quả khám sức khỏe và tư vấn chuyên môn đối với từng trường hợp. Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe định kỳ không kết luận nếu chưa đủ căn cứ phân loại sức khỏe quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

Điều 13. Kinh phí bảo đảm khám sức khỏe định kỳ

1. Nguồn kinh phí bảo đảm

a) Kinh phí thực hiện khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc đơn vị dự toán (hưởng lương từ nguồn ngân sách) quy định tại Thông tư này do ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho quốc phòng bảo đảm;

b) Kinh phí thực hiện khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở hạch toán kinh doanh, dịch vụ trong Quân đội quy định tại Thông tư này được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và cơ sở hạch toán.

2. Các trường hợp phải chuyển quân y tuyến trên khám chuyên khoa thì đơn vị giới thiệu, đề nghị khám bệnh theo hình thức Bảo hiểm y tế.

Điều 14. Sử dụng kết luận khám sức khỏe định kỳ

1. Cơ sở để quân y đơn vị triển khai các biện pháp quản lý, chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh tật đối với từng cá nhân.

2. Là một nội dung nhận xét đánh giá hằng năm, bổ sung vào hồ sơ quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng theo quy định của cơ quan quân lực hoặc cán bộ.

3. Cơ sở để cơ quan chức năng xem xét, tham mưu đề xuất trong phân công công tác, đề bạt, bổ nhiệm; chuyển diện phục vụ; điều động, luân chuyển, đào tạo và giải quyết chế độ chính sách liên quan đến sức khỏe của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng.

Điều 15. Khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ

1. Thành lập Hội đồng khám sức khỏe theo yên cầu nhiệm vụ theo Điều 8, Điều 9 Thông tư này; hình thức triển khai theo khoản 2 Điều 11 Thông tư này.

2. Nội dung khám theo quy định tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện từng nhiệm vụ.

3. Phân loại sức khỏe theo quy định tại Điều 4, 5, 6 Thông tư này.

4. Kết luận phải xác định loại sức khỏe; đánh giá đủ hoặc không đủ sức khỏe thực hiện từng nhiệm vụ khi có đề nghị của cơ quan, đơn vị, tổ chức yêu cầu khám sức khỏe.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VÀ CÁ NHÂN

Điều 16. Tổng cục Hậu cần

1. Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác phân loại, khám sức khỏe, phân cấp nhiệm vụ quản lý sức khỏe đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng.

2. Thông báo và phối hợp với Cục Quân lực, Cục Cán bộ sử dụng kết quả khám sức khỏe định kỳ của các đối tượng tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này trước ngày 25 tháng 11 hằng năm; kết quả khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ ngay sau khi hoàn thành.

3. Quản lý, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ: Kỹ thuật, nội dung khám; danh mục khám lâm sàng, cận lâm sàng trong khám sức khỏe; danh mục bệnh tật tại Phụ lục I Thông tư này.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện phân loại sức khỏe, khám sức khỏe, phân cấp nhiệm vụ quản lý sức khỏe.

Điều 17. Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị

1. Chỉ đạo cơ quan quân huấn các cấp phối hợp, cung cấp kết quả rèn luyện thể lực cho cơ quan quân y cùng cấp để phân loại sức khỏe quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan cán bộ, quân lực các cấp phối hợp với cơ quan quân y cùng cấp tham mưu với chỉ huy đơn vị tổ chức khám sức khỏe cho quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc quyền; sử dụng kết quả khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

3. Tiếp nhận, sử dụng kết quả khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ đối với sĩ quan cấp tướng và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan có quân hàm cấp thượng tá, đại tá, quân nhân chuyên nghiệp diện cơ quan cán bộ quản lý cấp thượng tá, công chức quốc phòng có hệ số lương tương đương sức khỏe loại 3, loại 4.

Điều 18. Cục Tài chính/BQP

Hướng dẫn việc bảo đảm và thanh toán, quyết toán kinh phí khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ đúng quy định.

Điều 19. Quân y các cấp

1. Bệnh viện quân y

a) Cử cán bộ, nhân viên đủ năng lực chuyên môn; trang thiết bị y tế tăng cường cho hội đồng khám sức khỏe đơn vị hoặc trực tiếp tổ chức hội đồng khám sức khỏe của bệnh viện theo kế hoạch hiệp đồng của các đơn vị;

b) Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện quân y 175 báo cáo theo mẫu quy định kết quả khám sức khỏe định kỳ cho sĩ quan cấp tướng theo phân cấp quản lý trước ngày 31 tháng 10 hằng năm; kết quả khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ ngay sau khi hoàn thành (qua Cục Quân y).

2. Chủ nhiệm quân y đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng

a) Hướng dẫn, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ toàn bộ quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng của đơn vị; xây dựng kế hoạch hiệp đồng khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân đội khác;

b) Báo cáo kết quả khám sức khỏe định kỳ về Cục Quân y trước ngày 31 tháng 10 hằng năm theo Mẫu số 03 Phụ lục II Thông tư này;

c) Chỉ đạo cơ quan quân y thuộc quyền thông báo và phối hợp với cơ quan quản lý nhân sự cùng cấp sử dụng kết quả khám sức khỏe định kỳ trước ngày 31 tháng 10 hằng năm; kết quả khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ ngay sau khi hoàn thành.

3. Chủ nhiệm quân y đơn vị cấp trung đoàn, sư đoàn và tương đương

Tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ và quản lý sức khỏe theo phân cấp nhiệm vụ.

Điều 20. Chỉ huy đơn vị và cá nhân được khám sức khỏe

1. Chỉ huy đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, triển khai khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng. Bố trí cán bộ, nhân viên quân y của đơn vị tham gia Hội đồng khám sức khỏe.

2. Cá nhân được khám sức khỏe

a) Chấp hành nghiêm kế hoạch, nội dung khám sức khỏe định kỳ hằng năm của đơn vị, khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ;

b) Tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định trong quá trình thực hiện khám sức khỏe. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về bệnh sử, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 5 năm 2021.

2. Điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 41 Quyết định số 56/2001/QĐ-BQP ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Điều lệ công tác quân y Quân đội nhân dân Việt Nam; Văn bản số 1631/LC-QY-CB ngày 10 tháng 11 năm 2004 của liên Cục Quân y/Tổng cục Hậu cần - Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị hướng dẫn quản lý và khám sức khỏe đối với cán bộ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Bộ Quốc phòng

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trung tướng Vũ Hải Sản