Sign In

NGHỊ ĐỊNH

SỐ 119/CP NGÀY 9-4-1980 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ KINH DOANH CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ PHỤC VỤ ÁP DỤNG CHO
KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ VÀ CÁ THỂ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ trong khu vực kinh tế tập thể và cá thể, nhằm phát huy mọi khả năng để phát triển sản xuất, phục vụ đời sống;

Theo đề nghị của các đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng các Bộ có liên quan.

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành Điều lệ đăng ký kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ áp dụng cho khu vực kinh tế tập thể và cá thể.

Điều 2: Điều lệ này thi hành thống nhất trong cả nước và thay thế tất cả các văn bản về đăng ký kinh doanh đã ban hành trước đây.

Điều lệ này có hiệu lực thi hành ở từng địa phương kể từ ngày 1/6/1980.

Điều 3: Các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

ĐIỀU LỆ

ĐĂNG KÝ KINH DOANH CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ PHỤC VỤ ÁP DỤNG CHO KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ VÀ CÁ THỂ

(Kèm theo nghị định số 119-CP ngày 9-4-1980 của Hội đồng Chính phủ)

Điều lệ này nhằm mục đích giúp Nhà nước nắm được đầy đủ mọi hoạt động kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ trong khu vực kinh tế tập thể và cá thể, hiểu được năng lực sản xuất kinh doanh (lao động, tiền vốn, kỹ thuật...) của từng ngành, nghề, từng cơ sở; trên cơ sở ấy, thực hiện sự hướng dẫn, giúp đỡ, quản lý của Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm mở rộng kinh doanh theo hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, phát huy mọi khả năng để phát triển sản xuất, phù hợp với lợi ích của cả nước, của địa phương và cơ sở, góp phần thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý thị trường, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự trị an, phục vụ tốt đời sống của nhân dân.

Điều 1: Tất cả các tổ chức kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác, tập đoàn, tổ hợp...) và cá nhân kinh doanh công thương nghiệp thuộc các ngành, nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, nghề cá, nghề muối, thương nghiệp, hoạt động dịch vụ, hoạt động y tế, văn hoá, và kinh doanh phục vụ các loại, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, không phân biệt kinh doanh tại chỗ hay lưu động, kinh doanh tạm thời hay lâu dài, kinh doanh chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp (dưới đây gọi tắt là tất cả các cơ sở kinh doanh) đều phải đăng ký xin phép kinh doanh.

Sai khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, thì các hoạt động kinh doanh của các tổ chức kinh tế tập thể và cá nhân mới được coi là hợp pháp.

Điều 2: Tất cả các cơ sở kinh doanh phải làm tờ khai xin đăng ký kinh doanh, viết thành hai bản, nộp cho Uỷ ban nhân dân xã (hoặc cấp tương đương) nơi kinh doanh theo mẫu và thời gian quy định.

Tờ khai phải có chữ ký của người xin đăng ký kinh doanh và ghi rõ:

1. Tên, họ, tuổi, địa chỉ và nghề nghiệp của người xin đăng ký kinh doanh hoặc của người thay mặt hợp pháp (nếu là tổ chức kinh tế tập thể);

2. Ngành, nghề và mặt hàng xin đăng ký kinh doanh;

3. Tên hiệu, địa điểm của cơ sở sản xuất, kinh doanh (nơi sản xuất, nơi để kho hàng, nơi bán hàng, các chi nhánh ...); công thức sản xuất, chế biến, phẩm chất mặt hàng và nhãn hiệu sản phẩm; thời gian bắt đầu làm nghề kinh doanh hoặc khai trương cơ sở kinh doanh;

4. Nguồn cung ứng nguyên liệu, vật liệu; nơi tiêu thụ sản phẩm (hoặc nguồn cung ứng hàng hoá và thị trường tiêu thụ);

5. Năng lực sản xuất kinh doanh: lao động chuyên nghiệp và lao động phụ trong gia đình, lao động thuê ngoài; vốn lưu động, vốn cố định (số lượng và giá trị nhà xưởng, máy móc và thiết bị, phương tiện sản xuất, kinh doanh);

6. Doanh số và thu nhập của cơ sở kinh doanh (bao gồm thu nhập về kinh doanh và ngành, nghề được phép kinh doanh và thu nhập khác), thu nhập bình quân nhân khẩu của gia đình hoặc thu nhập bình quân của một lao động trong tổ chức kinh tế tập thể.

Nếu cơ sở kinh doanh xin đăng ký là tổ chức kinh tế tập thể hoặc công ty, hội, thì phải gửi kèm theo:

- Bản sao điều lệ của tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, điều lệ tập đoàn, tổ hợp hoặc công ty, hội...;

- Danh sách xã viên, tổ viên, cổ đông hoặc hội viên chính thức (họ, tên, địa chỉ, chức vụ trong tổ chức kinh doanh, trình độ nghề nghiệp, số cổ phần góp bằng tiền hay bằng công cụ tính theo giá trị lúc góp cổ phần, chữ ký của từng người) và danh sách những người tham gia sản xuất ngoài số xã viên hoặc tổ viên chính thức, hoặc danh sách những người trực tiếp kinh doanh và những người phụ việc (nếu là công ty tư nhân).

Điều 3: Cơ sở kinh doanh đang hoạt động, sau khi nộp tờ khai xin đăng ký kinh doanh cho Uỷ ban nhân dân xã (hoặc cấp tương đương), đều được phép tiếp tục kinh doanh nếu ngành, nghề đang kinh doanh không thuộc loại Nhà nước cấp kinh doanh. Trong những trường hợp như cơ sở đang hoạt động xin kinh doanh thêm ngành nghề mới, hoặc chuyển từ ngành nghề này sang ngành nghề khác, hoặc cơ sở mới xin đăng ký kinh doanh thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép mới được kinh doanh.

Những người không kê khai đăng ký thì không được phép kinh doanh.

Điều 4: Trong quá trình kinh doanh, nếu muốn thay đổi ngành, nghề, thay đổi nhãn hiệu, thay đổi địa điểm cơ sở kinh doanh phải xin đăng ký bổ sung (qua Uỷ ban nhân dân xã hoặc cấp tương đương) và phải chờ Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) xét cấp lại giấy phép kinh doanh thì mới được thay đổi.

Mỗi lần được cấp giấy phép kinh doanh, cơ sở kinh doanh phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính; Trường hợp phải điều tra tiện hay bất tiện, cơ sở kinh doanh phải chịu thêm khoản phí tổn về việc này.

Điều 5: Uỷ ban nhân dân xã (hoặc cấp tương đương) có trách nhiệm tổ chức việc kê khai đăng ký cho các cơ sở kinh doanh trong xã. Cụ thể là:

1. Hướng dẫn cơ sở kinh doanh kê khai để bảo đảm kê khai đầy đủ, đúng sự thật;

2. Tiếp nhận tờ khai, rồi cấp giấy biên nhận cho cơ sở kinh doanh;

3. Nhận xét vào từng tờ khai, rồi chuyển tất cả các tờ khai xin đăng ký kinh doanh của các cơ sở kinh doanh trong xã (kèm theo hồ sơ và báo cáo tổng hợp tình hình kê khai đăng ký) lên Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp trương đương).

Điều 6: Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) là cơ quan có thẩm quyền xét và quyết định cấp giấy phép kinh doanh; riêng đối với các cơ sở kinh doanh của ngoại kiều và của các công ty, hội tư nhân gồm những người ở nhiều huyện khác nhau thì Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) ghi nhận xét vào tờ khai, rồi chuyển lên Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương xét việc cấp giấy phép kinh doanh.

Giúp việc Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) có một hội đồng xét duyệt đăng ký kinh doanh, gồm có:

- Một phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) làm chủ tịch hội đồng;

- Đại diện cơ quan thuế công thương nghiệp huyện hoặc ban tài chính - giá cả huyện (ở nơi chưa thành lập cơ quan thuế công thương nghiệp);

- Đại diện cơ quan công an huyện.

Ngoài các thành phần nói trên, khi bàn việc xét cấp giấy phép kinh doanh đối với các ngành, nghề nào và khi bàn những vấn đề liên quan đến chức năng quản lý của cơ quan nào thì có thêm đại diện các cơ quan ấy tham gia hội đồng (như nội thương, lương thực và thực phẩm, y tế, văn hoá, liên hiệp các hợp tác xã thủ công nghiệp...).

Các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc ngành nào ở huyện thì có trách nhiệm thẩm tra các tờ khai xin đăng ký kinh doanh của cơ sở thuộc ngành ấy. Đối với những ngành, nghề đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật (sử dụng động cơ máy móc, hoá chất...) hoặc ngành, nghề có quan hệ trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân (kinh doanh ăn uống, chế biến thực phẩm,...), đến trật tự, trị an xã hội và an ninh chính trị (khắc dấu, đánh máy chữ...), đến an toàn và vệ sinh công cộng, thì phải thẩm tra và xác nhận người hoặc cơ sở kinh doanh có đủ hay không đủ điều kiện làm nghề, rồi đề nghị với cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh; trường hợp cần thiết phải qua thủ tục điều tra tiện hay bất tiện.

Căn cứ vào ý kiến của các thành viên trong hội đồng, chủ tịch hội đồng thay mặt Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) quyết định cấp hay không cấp giấy phép cho cơ sở kinh doanh.

Điều 7: Cơ quan thuế công thương nghiệp huyện hoặc ban tài chính - giá cả huyện (ở những nơi chưa thành lập cơ quan thuế công thương nghiệp) là cơ quan thường trực của hội đồng xét duyệt đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ:

1. Tiếp nhận các tờ khai và hồ sơ xin đăng ký kinh doanh của các cơ sở kinh doanh do Uỷ ban nhân dân xã (hoặc cấp tương đương) chuyển lên Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương);

2. Chuẩn bị nội dung và làm biên bản các cuộc họp của hội đồng;

3. Căn cứ quyết định của chủ tịch hội đồng để cấp giấy phép kinh doanh hoặc trả lại đơn xin phép kinh doanh.

Điều 8: Cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh có các quyền lợi sau đây :

1. Được Nhà nước bảo hộ quyền kinh doanh theo đúng luật pháp hiện hành;

2. Được giúp đỡ nâng cao hiểu biết về đường lối, chính sách, luật pháp, về quản lý kinh doanh, về khoa học kỹ thuật để phát triển kinh doanh với hiệu quả cao và phục vụ tốt cho xã hội;

3. Nếu bán sản phẩm cho Nhà nước thì được Nhà nước cung ứng nguyên liệu, năng lượng, dụng cụ, thiết bị cần thiết và tiêu thụ sản phẩm theo giá chỉ đạo thông qua hợp đồng kinh tế ký kết với cơ quan Nhà nước;

4. Được vay vốn kinh doanh theo thể lệ của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 9: Cơ sở kinh doanh được phép hoạt động có các nhiệm vụ sau đây :

1. Kinh doanh theo đúng điều lệ, đúng nội dung đã ghi trong giấy phép kinh doanh; không được cho mượn, cho thuê giấy phép kinh doanh và sử dụng tài khoản không đúng mục đích dưới bất cứ hình thức nào;

2. Chấp hành chế độ thống kê kế toán và quản lý tài vụ theo đúng quy định của Nhà nước, và phải mở tải khoản ở Ngân hàng Nhà nước;

3. Chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ quản lý kinh tế tài chính Nhà nước, nhất là về quản lý vật.... quản lý tiền mặt, về thuế, về giá cả và tiền công, về hợp đồng gia công hoặc bán sản phẩm cho Nhà nước.

Điều 10: Cơ sở kinh doanh nào vi phạm các điều 1, 2, 3, 4 và 9 của điều lệ này, hoặc cản trở nhân viên các cơ quan quản lý của Nhà nước mang theo giấy uỷ nhiệm hay giấy chứng minh trong khi thi hành nhiệm vụ kiểm tra hoạt động kinh doanh, thì sẽ bị xử lý theo một hay nhiều hình phạt sau đây, tùy theo trường hợp nặng, nhẹ:

1. Cảnh cáo trong nội bộ ngành, nghề, trong xã, phường;

2. Phạt tiền từ 10 đồng đến 1000 đồng;

3. Đình chỉ việc kinh doanh trái phép;

4. Thu hồi có thời hạn hay thu hồi hẳn giấy phép kinh doanh;

5. Truy tố trước toà án, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước.

Trường hợp vi phạm các chính sách, luật lệ khác của Nhà nước (như vi phạm chính sách quản lý thị trường, chính sách thuế, vi phạm hợp đồng kinh tế, làm hàng giả...) thì còn bị xử lý theo các chính sách, luật lệ về các mặt đó.

Điều 11: Các cơ quan thương nghiệp, lương thực và thực phẩm, công nghiệp, y tế, văn hoá... từ cấp huyện trở lên có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động của những cơ sở kinh doanh trong những ngành, nghề, mặt hàng thuộc chức năng quản lý của ngành.

Cơ quan thuế và cơ quan công an có nhiệm vụ kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh trong địa phương, gắn việc kiểm tra kinh doanh với kiểm tra hộ khẩu, ngăn ngừa và loại trừ việc kinh doanh trái phép.

Trong khi làm nhiệm vụ kiểm tra, gặp những trường hợp vi phạm pháp luật cần xử lý, các cơ quan Nhà nước nói trên có quyền lập biên bản để xử lý theo thể lệ hiện hành.

Điều 12: Quyền xử lý các vụ vi phạm điều lệ này được quy định như sau:

- Các cơ quan quản lý ngành ở huyện có quyền cảnh cáo, phạt tiền từ 200 đồng trở xuống và quyết định việc đình chỉ kinh doanh của cơ sở không có giấy phép.

- Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) có quyền quyết định phạt tiền từ trên 200 đồng đến 1000 đồng, thu hồi giấy phép kinh doanh, truy tố trước toà án.

Trường hợp người hoặc cơ sở bị phạt khiếu nại về quyết định xử lý của các cơ quan quản lý ngành ở huyện thủ Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) xét và quyết định.

Trường hợp người hoặc cơ sở bị phạt khiếu nại về quyết định xử lý của Uỷ ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương xét và quyết định.

Trong khi chờ đợi giải quyết việc khiếu nại, người bị xử lý vẫn phải thi hành quyết định của cơ quan đã xử lý.

Điều 13: Tất cả các cơ sở đã được cấp giấy phép kinh doanh trước ngày ban hành điều lệ này đều phải kê khai đăng ký lại theo những quy định trong điều lệ này.

Đối với những địa phương trước đây đã tổ chức đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương cần có kế hoạch tổ chức kê khai đăng ký bổ sung theo đúng tinh thần và nội dung điều lệ này.

Điều 14: Thủ trưởng các Bộ, Tổng cục quản lý ngành kinh tế kỹ thuật có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương tổ chức việc đăng ký kinh doanh đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, Tổng cục mình cho phù hợp với chủ trương, phương hướng, chính sách của Đảng, Chính phủ về sự phát triển của ngành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, với sự thoả thuận của Bộ Nội vụ, có trách nhiệm hướng dẫn các ngành, các địa phương thi hành điều lệ này và tổng hợp toàn bộ tình hình đăng ký kinh doanh công thương nghiệp thuộc khu vực kinh tế tập thể và cá thể.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý các ngành có liên quan ở địa phương để tổ chức việc đăng ký kinh doanh công thương nghiệp ở địa phương theo điều lệ này.

Hội đồng Chính phủ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Tố Hữu