Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với Khu kinh tế quốc phòng

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 138/TTg-KTTH ngày 01/02/2005 về một số cơ chế hỗ trợ tài chính đối với Khu kinh tế quốc phòng;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng (công văn số 4391/QP ngày 31/8/2005), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 5846/BKH-QPAN ngày 29/8/2005), Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính đối với Khu kinh tế quốc phòng như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Đối tượng áp dụng.

- Công ty nhà nước độc lập, Tổng công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty Nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi tắt là công ty nhà nước) nằm trong địa bàn Khu kinh tế quốc phòng.

- Đoàn Kinh tế quốc phòng trực thuộc Khu kinh tế quốc phòng được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Phạm vi áp dụng.

- Đối với Công ty nhà nước: Cấp vốn điều lệ; hỗ trợ một phần tài chính đối với hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm sản; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo, kinh phí y tế.

- Đối với Đoàn kinh tế quốc phòng: hỗ trợ tài chính để đảm bảo điều kiện cho hoạt động của đơn vị để thực hiện công tác chính sách xã hội, công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong trường hợp các nguồn kinh phí khác không đảm bảo hoặc chưa đảm bảo đủ để đơn vị thực hiện các công tác nêu trên.

II. HỖ TRỢ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC THUỘC BỘ QUỐC

PHÒNG NẰM TRONG ĐỊA BÀN KHU KINH TẾ QUỐC PHÒNG

1. Việc cấp vốn điều lệ cho công ty nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng tại các khu kinh tế quốc phòng theo phương án bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Công ty nhà nước hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm sản được thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính như doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.

Trong trường hợp được cấp bù chênh lệch giữa giá bán và giá thành toàn bộ của sản phẩm nông, lâm sản tiêu thụ, công ty không được hỗ trợ kinh phí vận chuyển phân bón, thuốc trừ sâu, cây, con giống theo quy định tại điểm 3, mục II dưới đây.

3. Hỗ trợ kinh phí vận chuyển phân bón, thuốc trừ sâu, cây, con giống từ nơi mua đến các đội sản xuất của công ty để phục vụ sản xuất kinh doanh theo chứng từ chi thực tế hợp lý hợp lệ.

4. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo do công ty trực tiếp quản lý tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục (có xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương có khu kinh tế quốc phòng):

4.1. Kinh phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang bị bàn, ghế và đồ dùng dạy học không quá 50.000.000 đồng/lớp (đối với cơ sở chưa được đầu tư trang bị). Trường hợp trường lớp, đồ dùng dạy học đã hư hỏng cần được thay thế và bổ sung thì mức chi không quá 5.000.000đ/lớp/năm.

4.2. Kinh phí đảm bảo tiền lương, các chế độ quy định khác cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ theo quy định hiện hành của nhà nước đối với địa bàn đơn vị đóng quân.

5. Kinh phí hỗ trợ công tác y tế tại các địa bàn do điều kiện đặc biệt cần phải duy trì bệnh viện, bệnh xá, cụ thể:

5.1. Kinh phí để đầu tư, trang bị vật chất lần đầu với mức tối đa không quá 70 triệu đồng/1 bệnh viện, bệnh xá.

5.2. Kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của bệnh viện, bệnh xá.

5.2.1. Đối với bệnh viện, bệnh xá đang hoạt động: căn cứ vào số thực chi thường xuyên năm trước của đơn vị để xác định mức hỗ trợ.

5.2.2. Đối với bệnh viện, bệnh xá mới thành lập: mức hỗ trợ căn cứ vào dự toán chi thường xuyên cho hoạt động của đơn vị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc xác định mức hỗ trợ chi thường xuyên cho hoạt động của bệnh viện, bệnh xá có thể tham khảo, vận dụng mức chi thường xuyên của các cơ sở y tế cùng loại, cùng quy mô trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Bộ Quốc phòng phê duyệt danh sách các bệnh viện, bệnh xá trực thuộc công ty nhà nước được hưởng khoản hỗ trợ này.

6. Hỗ trợ kinh phí chi cho công tác chính sách xã hội, công tác tuyên truyền vận động quần chúng như: đào tạo, dạy nghề cho lao động là người dân tộc với thời gian không quá 06 tháng; xoá đói giảm nghèo, định canh, định cư... mức kinh phí 50.000 đồng/người/tháng.

7. Hưởng các chính sách, cơ chế ưu đãi về tài chính khác theo quy định hiện hành đối với công ty quốc phòng hoạt động trên các địa bàn chiến lược, kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Công ty nhà nước chỉ được hỗ trợ kinh phí nêu trên trong trường hợp chưa được trang bị theo quy định tại Thông tư này. Các khoản hỗ trợ quy định tại điểm 5, 6, mục II nêu trên chỉ thực hiện tại các địa bàn không có Đoàn kinh tế quốc phòng thực hiện.

III. HỖ TRỢ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI ĐOÀN KINH TẾ QUỐC PHÒNG

(HOẠT ĐỘNG THEO CHẾ ĐỘ ĐƠN VỊ DỰ TOÁN)

Ngoài việc được ngân sách nhà nước cấp kinh phí để đảm bảo chi thường xuyên theo chế độ quy định cho đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng, Đoàn kinh tế quốc phòng được nhà nước hỗ trợ tài chính để bảo đảm điều kiện hoạt động của đơn vị thực hiện công tác chính sách xã hội, công tác tuyên truyền vận động quần chúng như sau:

1. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo do Đoàn kinh tế quốc phòng trực tiếp quản lý tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục (có xác nhận của sở giáo dục và đào tạo tại địa phương).

1.1. Kinh phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang bị bàn, ghế và đồ dùng dạy học không quá 50.000.000 đồng/lớp (đơn vị chưa được đầu tư trang bị). Trường hợp trường lớp, đồ dùng dạy học đã hư hỏng cần được thay thế và bổ sung thì mức chi không quá 5.000.000 đồng/lớp/năm.

1.2. Kinh phí đảm bảo tiền lương, các chế độ quy định khác cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ theo ngạch bậc quy định của Nhà nước tại địa bàn.

2. Hỗ trợ kinh phí cho các bệnh viện, bệnh xá do Đoàn kinh tế quốc phòng trực tiếp quản lý thuộc danh sách biên chế của Bộ Quốc phòng

2.1. Kinh phí để đầu tư, trang bị vật chất lần đầu với mức tối đa không quá 70 triệu đồng/1 bệnh viện, bệnh xá.

Riêng bệnh viện, bệnh xá khu vực có biên chế 20 giường bệnh trở lên được hỗ trợ thêm kinh phí trang bị 01 máy chụp XQ đồng bộ (14 inch) cả tráng rửa sấy phim theo số thực chi nhưng không quá 300.000.000 đồng/máy; một xe ô tô cứu thương theo số thực chi nhưng không quá 350.000.000 đồng/xe; 01 máy siêu âm đen trắng cho bệnh viện, bệnh xá thuộc cấp sư đoàn và tương đương theo số thực chi nhưng không quá 300 triệu đồng.

Các khoản kinh phí đầu tư nêu trên chỉ được hỗ trợ trong trường hợp chưa được đầu tư, trang bị.

2.2. Kinh phí thực hiện công tác chính sách xã hội:

- Kinh phí mua thuốc khám chữa bệnh cho dân đối với đơn vị đóng quân tại địa bàn hiểm trở cách xa trung tâm y tế huyện theo mức chi thực tế nhưng tối đa không quá 30.000.000 đồng/năm đối với Bệnh xá dưới 10 giường bệnh, 40.000.000 đồng/năm đối với Bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh, 50.000.000 đồng/năm đối với Bệnh xá, bệnh viện từ 20 giường bệnh trở lên.

- Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân là nhân dân trong khu vực phải điều trị nội trú tại bệnh viện, bệnh xá với mức 10.000 đồng/người/ ngày.

3. Kinh phí cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.

3.1. Đối với các Đội sản xuất biên chế từ 3 nguời trở lên (không nằm trong đội hình biên chế các đội công tác tăng cường cơ sở địa bàn Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc và các tỉnh biên giới Việt - Lào) được hỗ trợ:

3.1.1. Kinh phí mua 01 xe máy hoặc 1-2 con ngựa với mức tối đa 20.000.000 đồng/đội.

3.1.2. Kinh phí mua 01 ti vi, 01 Rađiô cátsét, 01 Mêgaphôn (loa cầm tay), 01 bộ lọc nước (trường hợp cần thiết) tối đa không quá 8.000.000 đồng.

3.1.3. Kinh phí mua 01 bộ bàn ghế, 01 tủ đựng tài liệu để phục vụ sinh hoạt văn hoá chung và tiếp dân với mức không quá 4.000.000 đồng/đội.

3.1.4. Kinh phí mua xăng, dầu, sửa chữa các trang bị, phương tiện theo mức khoán 2.000.000 đồng/năm.

3.1.5. Kinh phí (xăng dầu) cho việc chạy máy phát điện để tiếp sóng truyền hình phục vụ nhân dân xem truyền hình (đảm bảo được 3 giờ/ngày) theo mức khoán 5.000.000 đồng/máy/năm cho các đơn vị đóng quân tại địa bàn chưa được tiếp sóng truyền hình.

3.1.6. Kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và học tiếng dân tộc với mức 300.000 đồng/người.

3.1.7. Các cá nhân làm nhiệm vụ tuyên truyền bám dân được hưởng chế độ sinh hoạt phí theo mức khoán 2.000.000 đồng/người/năm. Khi hưởng chế độ này không được hưởng phụ cấp công tác phí nếu công tác tại địa bàn đóng quân.

Đối với nội dung nêu tại điểm 3.1.1, 3.1.2, 3.1.3 chỉ được hỗ trợ trong trường hợp chưa được trang bị.

3.2. Đối với cấp trên của Đội.

Hỗ trợ tiền công tác phí, xăng dầu cho công tác thực hiện, chỉ đạo nắm tình hình chung tại địa bàn thuộc các Đội được phân công phụ trách theo mức khoán hàng năm:

- Cấp Trung, lữ đoàn và tương đương: 100.000.000 đồng/năm.

- Cấp Sư đoàn và tương đương: 200.000.000 đồng/năm.

3.3. Kinh phí chi gặp mặt, tặng quà trong dịp lễ, tết đối với già làng, trưởng bản, đối tượng chính sách, theo mức khoán hàng năm:

- Cấp Trung, lữ đoàn và tương đương: 10.000.000 đồng/năm.

- Cấp Sư đoàn và tương đương: 20.000.000 đồng/năm.

IV. LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT VÀ THANH

QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ

1. Lập dự toán.

Mọi khoản hỗ trợ cho Công ty nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng nằm trong địa bàn Khu kinh tế quốc phòng và Đoàn kinh tế quốc phòng đều phải được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm giao cho Bộ Quốc phòng.

Căn cứ nhiệm vụ được giao, Công ty nhà nước, Đoàn kinh tế quốc phòng lập dự toán chi tiết từng nội dung được quy định cụ thể tại mục II và mục III Thông tư này báo cáo cơ quan quản lý cấp trên thẩm định báo cáo Bộ Quốc phòng để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng thẩm định dự toán chi của các đơn vị, tổng hợp dự toán của các Công ty nhà nước, các Đoàn kinh tế quốc phòng gửi Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định (kèm theo biểu mẫu lập dự toán chi ngân sách).

2. Cấp phát kinh phí.

Căn cứ dự toán được thông báo, Bộ Quốc phòng tiến hành phân bổ theo quy định; căn cứ đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính tiến hành cấp phát bằng lệnh chi tiền cho Bộ Quốc phòng. Riêng các Công ty nhà nước sẽ được ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ trực tiếp cho từng đơn vị theo qui định hiện hành.

3. Quyết toán kinh phí.

Kết thúc năm báo cáo, đơn vị phải lập báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ kèm theo báo cáo tài chính năm (trường hợp là Công ty nhà nước) gửi Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm kiểm tra quyết toán việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đảm bảo đúng chế độ của nhà nước và quy định tại Thông tư này. Trường hợp chi sai chế độ hoặc vượt mức chi quy định, Bộ Quốc phòng thực hiện xuất toán khoản chi sai chế độ, vượt mức quy định. Người nào ra lệnh chi sai phải bồi thường và tùy theo mức độ phải chịu hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Quốc phòng quy định trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chức năng trong việc chỉ đạo thực hiện, bổ sung kinh phí cho các Đoàn kinh tế quốc phòng, bảo đảm điều kiện vật chất cho đơn vị thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, công tác tuyên truyền vận động quần chúng tại địa bàn Khu kinh tế quốc phòng.

2. Đoàn kinh tế quốc phòng và Công ty nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng nằm trong Khu kinh tế quốc phòng có trách nhiệm sử dụng kinh phí được nhà nước hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả; thực hiện việc hạch toán, quản lý, sử dụng tài sản được trang bị theo quy định hiện hành của nhà nước.

3. Kinh phí hỗ trợ tài chính cho các Đoàn kinh tế quốc phòng và các Công ty nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng nằm trong Khu kinh tế quốc phòng quy định tại Thông tư này do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ảnh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Thị Băng Tâm