Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ

mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong cụm, tuyến dân cư

vùng đồng bằng sông Cửu Long

_______________________

 

 

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 173/2001/QĐ-TTg ngày 6/11/2001 về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001-2005; số 1548/ QĐ-TTg ngày 5/12/2001 về việc đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long năm 2002; số 105/2002/QĐ-TTg ngày 2/8/2002 về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long;

Liên Bộ Tài chính - Xây dựng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong cụm, tuyến dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long tại 7 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang và Cần Thơ như sau:

Phần A:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư là các hộ dân đang thường trú tại vùng ngập lũ thường xuyên thuộc 7 tỉnh nêu trên phải di chuyển chỗ ở vào các cụm, tuyến dân cư theo quy hoạch được duyệt, có nhu cầu mua trả chậm nền nhà và nhà ở. Trong đó, ưu tiên các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ trong diện phải thu hồi đất để xây dựng cụm, tuyến dân cư.

2. Nguồn vốn đầu tư

2.1. Nguồn vốn đầu tư tôn nền nhà để bán trả chậm cho các hộ dân thuộc các cụm, tuyến dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long tại 7 tỉnh bao gồm: vốn ngân sách trung ương cân đối 50% trên tổng vốn đầu tư, 50% còn lại do Quỹ Hỗ trợ phát triển huy động.

2.2. Nguồn vốn đầu tư làm nhà ở để bán trả chậm cho các hộ dân bao gồm: vốn ngân sách trung ương cân đối 50% tổng số nhu cầu về vốn đầu tư, 50% còn lại do Ngân hàng Phục vụ người nghèo huy động.

3. Các hộ dân thuộc đối tượng được mua trả chậm nền nhà và nhà ở quy định tại điểm 1 phần A Thông tư này (gọi tắt là các hộ dân thuộc đối tượng quy định) khi mua trả chậm không phải thế chấp tài sản. Nhà nước có chính sách khuyến khích đối với các hộ dân trả nợ sớm trước thời hạn.

4. Trong 10 năm kể từ khi được mua trả chậm nền nhà và nhà ở, các hộ dân không được sang bán, cầm cố, chuyển nhượng. . .

5. Đối với các hộ dân trước đây đã vay vốn theo Quyết định số 256/TTg ngày 24/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho hộ gia đình thuộc diện chính sách và hộ nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long vay vốn để tôn nền hoặc làm nhà trên cọc mà còn chưa trả hết nợ, thì phải có cam kết trả nợ cũ trong 5 năm kể từ khi được mua nền và nhà ở trả chậm theo Thông tư này.

Phần B :

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. ĐỐI VỚI VIỆC MUA TRẢ CHẬM NỀN NHÀ

1. Điều kiện được mua trả chậm nền nhà

Các hộ dân thuộc đối tượng quy định được mua trả chậm 01 (một) nền nhà, khi có đủ các điều kiện sau:

1.1. Định cư thường trú tại địa phương;

1.2. Có đơn xin mua trả chậm nền nhà, cam kết sử dụng đúng mục đích và trả tiền mua đúng hạn;

1.3. Có trong danh sách được mua trả chậm nền nhà do UBND phê duyệt.

2. Giá mua nền nhà, lãi suất, thời gian trả chậm và thủ tục mua

2.1. Giá mua nền nhà được xác định theo phương pháp sau:

Giá nền nhà

(lô đất)

=

Diện tích nền nhà

(số m2 của lô đất)

  x

Giá bình quân

1 m2 đất trong

cụm (hoặc tuyến)

x

Hệ số chênh

lệch (K)

(nếu có)

Trong đó:

- Diện tích nền nhà bao gồm toàn bộ diện tích của lô đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ chỗ ở của hộ gia đình được mua trả chậm trong cụm, tuyến dân cư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Giá bình quân 1 m2 đất trong cụm (hoặc tuyến)

=

Tổng chi phí đầu tư tôn nền cụm (hoặc tuyến)

Tổng số diện tích (m2) của cụm (hoặc tuyến)

Tổng chi phí đầu tư tôn nền cụm (hoặc tuyến) là toàn bộ chi phí hợp lý để thực hiện việc tôn nền cụm (hoặc tuyến) (gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp, chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án.) đã được thẩm định và phê duyệt theo quy định.

- K là hệ số chênh lệch xác định mức độ thuận lợi và sinh lợi của lô đất do UBND tỉnh quy định cụ thể phù hợp với từng cụm, tuyến. Phần chênh lệch thu thêm của các hộ dân được nhận nền nhà có vị trí thuận lợi dùng để tạo nguồn đầu tư cho các công trình phúc lợi công cộng trong cụm, tuyến dân cư. Khoản thu chênh lệch này phải được công khai hóa trước các hộ dân trong cụm, tuyến dân cư.

- Diện tích nền nhà giao cho các hộ dân do UBND tỉnh quy định trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, khả năng nguồn vốn và khả năng chi trả của dân.

2.2. Các hộ dân thuộc đối tượng quy định, đủ các điều kiện tại điểm 1 mục I phần B Thông tư này được mua trả chậm bằng hiện vật một (01) nền nhà với giá trị tối đa là 10 triệu đồng. Nếu mức giá nền nhà thực tế thấp hơn 10 triệu đồng thì được mua trả chậm bằng mức giá nền nhà thực tế, nếu mức giá nền nhà thực tế cao hơn 10 triệu đồng thì hộ dân phải tự trả thêm phần chênh lệch cao hơn sau khi ký hợp đồng mua nền nhà.

2.3. Lãi suất mua nền nhà trả chậm bằng 0% (không phần trăm).

2.4. Thời hạn trả khoản mua trả chậm nền nhà tối đa là 10 năm kể từ khi mua, trong đó 5 năm đầu ân hạn (chưa phải trả gốc). Thực hiện trả khoản trả chậm nền nhà bắt đầu từ năm thứ 6 kể từ thời điểm mua, mức trả tối thiểu mỗi năm bằng 20% tổng số tiền trả chậm.

2.5. Sau khi hoàn thành việc tôn nền nhà ở, UBND (huyện hoặc xã do UBND tỉnh quy định) tính toán giá trị từng nền nhà, có quyết định và tổ chức giao nền nhà cho dân, ký khế ước về khoản trả chậm nền nhà với từng hộ dân theo quy định tại điểm 2.1, 2.2, 2.3, 2.4 mục I phần B Thông tư này, thực hiện việc thu hồi vốn trả chậm của từng hộ dân khi đến hạn để hoàn trả Quỹ Hỗ trợ phát triển. (Mẫu Khế ước mua nền nhà trả chậm theo Phục lục số 01).

3. Ngân sách trung ương chuyển vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển vay bằng 50% trên tổng số vốn đầu tư tôn nền nhà ở với lãi suất bằng 0% (Không phần trăm), 50% còn lại do Quỹ Hỗ trợ phát triển huy động.

4. Việc vay vốn và trả nợ Quỹ Hỗ trợ phát triển để đầu tư tôn nền nhà ở cho hộ dân được thực hiện theo Thông tư số 39/2002/TT-BTC ngày 26/4/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và các nguồn huy động khác xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thông tư số 54/2002/TT-BTC ngày 25/6/2002 của Bộ Tài chính về bổ sung, sửa đổi một số điểm của Thông tư số 39/2002/TT-BTC.

5. Quỹ Hỗ trợ phát triển được Ngân sách trung ương cấp bù phần chênh lệch lãi suất theo quy định và phí quản lý với mức phí 0,5%/năm trên số dư nợ (việc quy định hưởng phí quản lý của Quỹ Hỗ trợ phát triển tại Thông tư này thay thế điểm 6 mục I phần II Thông tư số 39/2002/TT-BTC ngày 26/4/2002 của Bộ Tài chính).

II. ĐỐI VỚI VIỆC MUA TRẢ CHẬM NHÀ Ở

1. Điều kiện được mua trả chậm nhà ở

Các hộ dân thuộc đối tượng quy định được mua trả chậm 01 (một) căn nhà ở, khi có đủ các điều kiện sau:

1.1. Có đơn xin mua trả chậm nhà ở, cam kết sử dụng đúng mục đích, trả tiền mua đúng hạn;

1.2. Đã có quyết định giao nền nhà của cấp có thẩm quyền;

1.3. Có trong danh sách được mua trả chậm nhà ở do UBND phê duyệt.

2. Giá mua trả chậm nhà, lãi suất, thời gian trả chậm và thủ tục mua:

2.1. Các hộ dân thuộc đối tượng quy định, đủ điều kiện trên được mua trả chậm bằng hiện vật một (01) căn nhà ở với giá trị tối đa là 7 triệu đồng. Nếu giá căn nhà thực tế thấp hơn 7 triệu đồng thì được mua trả chậm bằng mức giá thực tế; nếu giá thực tế cao hơn 7 triệu đồng thì hộ dân phải tự trả thêm phần chênh lệch cao hơn sau khi ký hợp đồng mua nhà ở.

2.2. Lãi suất mua nhà ở trả chậm bằng 3%/năm, tính cho thời gian trả chậm kể cả 5 năm đầu ân hạn. Trường hợp hộ dân không trả nợ vay đúng hạn, không được ngân hàng xét cho gia hạn nợ, thì ngân hàng sẽ chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

2.3. Thời hạn trả khoản mua nhà ở trả chậm tối đa là 10 năm kể từ khi mua, trong đó 5 năm đầu ân hạn (chưa phải trả gốc và lãi phát sinh trong 5 năm đầu). Thực hiện trả khoản mua nhà ở trả chậm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả tối thiểu mỗi năm bằng 20% tổng số tiền lãi và gốc trả chậm.

2.4. Trên cơ sở danh sách các đối tượng được mua nhà ở trả chậm được duyệt, UBND (huyện hoặc xã do UBND tỉnh quy định) tổ chức ký hợp đồng xây dựng nhà, thanh toán vốn trả chậm, thành phần gồm:

- UBND;

- Hộ dân được mua nhà;

- Doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho dân.

Trong hợp đồng thể hiện một số nội dung chính như: mẫu nhà, diện tích, giá căn nhà, số tiền mua trả chậm nhà ở theo quy định tại điểm 2.1, 2.2, 2.3 mục II phần B Thông tư này, số tiền mà hộ dân phải trả thêm (nếu có), điều kiện thanh toán.

2.5. Sau khi căn nhà được xây dựng xong, UBND (huyện hoặc xã do UBND tỉnh quy định) tổ chức ký biên bản bàn giao nhà ở cho từng hộ dân, thành phần bàn giao gồm:

- UBND;

- Hộ dân nhận nhà;

- Doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho dân.

2.6. Đồng thời với việc giao nhận nhà ở, trên cơ sở biên bản bàn giao, từng hộ dân ký khế ước mua trả chậm nhà ở với Ngân hàng Phục vụ người nghèo hoặc ngân hàng được uỷ thác cho vay và thu hồi nợ (ngân hàng uỷ thác). (Mẫu khế ước vay tiền mua trả chậm nhà ở theo phụ lục số 02).

2.7. Hồ sơ mua trả chậm nhà ở, gồm:

- Biên bản bàn giao nhà ở;

- Quyết định hộ dân mua trả chậm nhà ở của UBND (bản sao);

- Khế ước vay tiền mua trả chậm nhà ở.

2.8. Phương thức chuyển tiền vay:

Căn cứ hồ sơ mua trả chậm nhà ở trên, Ngân hàng Phục vụ người nghèo hoặc ngân hàng uỷ thác chuyển tiền trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất nhà theo giá bán thực tế của căn nhà nhưng không quá 7 triệu đồng.

3. Ngân sách Trung ương chuyển vốn cho Ngân hàng Phục vụ người nghèo vay bằng 50% trên tổng số vốn đầu tư làm nhà ở bán trả chậm cho dân với lãi suất bằng 0% (không phần trăm), 50% còn lại do Ngân hàng Phục vụ người nghèo huy động.

4. Ngân hàng Phục vụ người nghèo thực hiện chính sách về bán trả chậm nhà ở cho hộ dân được Nhà nước cấp bù phần chênh lệch lãi suất theo quy định và phí quản lý với mức phí 1%/năm trên số dư nợ.

III- CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐỐI VỚI NHỮNG HỘ DÂN TRẢ NỢ SỚM TRƯỚC HẠN:

Nguyên tắc khuyến khích đối với các hộ dân trả nợ sớm trước hạn bằng cách tính giảm số tiền phải trả tương ứng với phần chênh lệch lãi suất và phí quản lý do Nhà nước phải cấp bù cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hoặc Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Số tiền được giảm mà hộ dân trả nợ sớm trước hạn được xác định theo công thức sau đây:

Số tiền được giảm

=

Số tiền trả chậm theo khế ước

x

4%

x

Số năm hộ dân trả trước thời hạn

Trên cơ sở số năm thực tế mà hộ dân trả nợ sớm trước hạn, UBND (huyện hoặc xã do UBND tỉnh quy định) và Ngân hàng Phục vụ người nghèo hoặc ngân hàng uỷ thác tính giảm phần vốn phải trả cho từng hộ dân, các hộ dân chỉ phải trả phần chênh lệch giữa số vốn nhận nợ trả chậm với số tiền được khuyến khích do trả trước hạn nêu trên.

Ví dụ 1: Gia đình ông Nguyễn Văn A (do ông A làm chủ hộ) đã ký khế ước mua nền nhà trả chậm với mức 8 triệu đồng (trđ), ông A trả trước hạn.

- Trường hợp 1: Nếu trả trước 3 năm

Số tiền được giảm = 8 trđ x 4% x 3 năm = 0,96 trđ.

Số tiền gia đình

Ông A còn phải trả = 8 trđ - 0,96 trđ = 7,04 trđ

- Trường hợp 2: Nếu trả trước 7 năm:

Số tiền được giảm = 8 trđ x 4% x 7 năm = 2,24 trđ

Số tiền gia đình

Ông A còn phải trả = 8 trđ - 2,24 trđ = 5,76 trđ.

Ví dụ 2: Gia đình ông Nguyễn Văn A (do ông A làm chủ hộ) đã ký khế ước mua nhà ở trả chậm với mức 7 triệu đồng, ông A trả trước hạn.

- Trường hợp 1: Nếu trả trước 3 năm:

Số tiền lãi phát

sinh trong 7 năm

= 7 trđ x 3%/năm x 7 năm = 1,47 trđ

Số tiền phải trả tính

cho 7 năm (chưa giảm) = 7 trđ + 1,47 trđ = 8,47 trđ

Số tiền được giảm = 7 trđ x 4% x 3 năm = 0,84 trđ

Số tiền gia đình

Ông A còn phải trả = 8,47 trđ - 0,84 trđ = 7,63 trđ

- Trường hợp 2: Nếu trả trước 7 năm:

Số lãi phát sinh trong 3 năm = 7 trđ x 3%/năm x 3 năm = 0, 63 trđ

Số tiền phải trả tính cho
3 năm (chưa giảm)

= 7 trđ + 0,63 trđ = 7,63 trđ

Số tiền được giảm = 7 trđ x 4% x 7 năm = 1,96 trđ

Số tiền gia đình

Ông A còn phải trả = 7,63 trđ - 1,96 trđ = 5,67 trđ

IV. TRƯỜNG HỢP CÁC HỘ DÂN ĐƯỢC HỖ TRỢ TỪ NGUỒN VỐN KHÁC

1. Các hộ dân đã được hỗ trợ bằng nền nhà và (hoặc) nhà ở trong cụm, tuyến dân cư theo quy hoạch từ nguồn vốn khác thì không được mua nền nhà và (hoặc) nhà ở trả chậm theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Các hộ dân được mua nền nhà và nhà ở theo hướng dẫn tại Thông tư này, nếu được hỗ trợ một phần vốn để làm nền nhà và (hoặc) làm nhà ở từ các nguồn vốn khác, thì UBND và Ngân hàng Phục vụ người nghèo hoặc ngân hàng uỷ thác phối hợp với cơ quan, tổ chức hỗ trợ thực hiện thu hồi số tiền bán trả chậm ngay khi được hỗ trợ như sau:

- Nếu số tiền được hỗ trợ nhỏ hơn số tiền mua trả chậm nền nhà và nhà ở thì thu hồi số tiền bằng mức được hỗ trợ và thanh toán giảm tương ứng số tiền trả chậm theo khế ước đã ký.

- Nếu số tiền được hỗ trợ lớn hơn hoặc bằng số tiền mua trả chậm (cả gốc và lãi) nền nhà và nhà ở thì thu hồi số tiền hỗ trợ bằng mức trả chậm và thanh lý khế ước mua trả chậm với dân.

- Nếu số tiền được hỗ trợ lớn hơn hoặc bằng số tiền còn phải trả chậm (cả gốc và lãi) nền nhà và nhà ở thì thu hồi số tiền hỗ trợ bằng mức còn phải trả chậm và thanh lý khế ước mua trả chậm với dân.

Số tiền giảm trừ nợ tương ứng với khoản hỗ trợ do các tổ chức, đơn vị hỗ trợ không được hưởng khuyến khích trả trước hạn theo hướng dẫn tại mục III phần B Thông tư này.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

1. Thủ tục đầu tư các dự án tôn nền cụm, tuyến dân cư

Các dự án tôn nền cụm, tuyến dân cư theo Quyết định số 1548/ QĐ-TTg ngày 5/12/2001 về việc đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long năm 2002, Quyết định số 216/2002/QĐ-TTg ngày 25/3/2002 về việc bổ sung vốn năm 2002 và Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg ngày 2/8/2002 về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện quản lý như sau:

- Vốn đầu tư giao tại các Quyết định trên được sử dụng đầu tư các dự án tôn nền cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng, không bị giới hạn bởi năm ngân sách, không được điều hoà đầu tư cho mục tiêu khác;

- Các dự án tôn nền cụm, tuyến dân cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch không phải lập và trình duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo khả thi, chỉ lập và trình duyệt Thiết kế kỹ thuật - Thi công và dự toán;

- Các dự án này được phép chỉ định thầu.

2. Trách nhiệm của các bên liên quan

2.1. Đối với UBND các cấp

a/ UBND tỉnh:

- Có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đầu tư tôn nền và phối hợp với Ngân hàng Phục vụ người nghèo hoặc ngân hàng được uỷ thác sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Mức vốn Ngân sách trung ương cấp cho từng tỉnh theo Quyết định số 216/2002/QĐ-TTg ngày 25/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ, hạn mức vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển để tôn nền và hạn mức cho vay của Ngân hàng Phục vụ người nghèo hoặc ngân hàng được uỷ thác là mức và hạn mức tối đa;

- Quy định cụ thể và công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng được mua trả chậm nền nhà và nhà ở đối với từng khu vực cho phù hợp, bảo đảm công bằng hợp lý; chỉ đạo việc lập, xét duyệt danh sách các đối tượng được mua trả chậm nền nhà và nhà ở;

- Phê duyệt tổng thể danh sách các hộ dân được mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong toàn tỉnh theo đề nghị của UBND huyện; quy định cho UBND tỉnh hoặc huyện phê duyệt danh sách cụ thể trong huyện;

- Chỉ đạo thực hiện vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển để đầu tư tôn nền, tổ chức giao nền nhà và ký khế ước, thu hồi hoặc có thể uỷ thác cho ngân hàng thích hợp ký khế ước và thu hồi vốn trả chậm của từng hộ dân phù hợp với quy định của pháp luật để hoàn trả Quỹ Hỗ trợ phát triển, phí uỷ thác (nếu có) do Ngân sách địa phương chịu;

- Chỉ đạo việc đặt hàng với các doanh nghiệp sản xuất cấu kiện và xây dựng nhà ở cho hộ dân; chỉ đạo việc thực hiện xây dựng nhà ở; phối hợp với Ngân hàng Phục vụ người nghèo hoặc ngân hàng uỷ thác thực hiện việc cho hộ dân vay mua trả chậm nhà ở.

b/ UBND huyện, xã (do UBND tỉnh quy định) có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ do UBND tỉnh giao và theo hướng dẫn của Thông tư này.

2.2. Các hộ dân được mua trả chậm nền nhà và nhà ở:

a/ Làm đơn đề nghị mua trả chậm nền nhà và nhà ở;

b/ Sử dụng nền nhà và nhà ở theo quy định của Thông tư này và pháp luật liên quan;

c/ Thực hiện việc trả nợ đúng hạn, trường hợp trả nợ trước hạn được hưởng chính sách khuyến khích tại mục III phần B Thông tư này.

2.3. Ngân hàng Phục vụ người nghèo và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam:

a/ Ngân hàng Phục vụ người nghèo tổ chức tiếp nhận vốn từ Ngân sách nhà nước và huy động vốn để uỷ thác cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện cho vay và thu nợ về mua nhà ở trả chậm với từng hộ dân;

b/ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có trách nhiệm bố trí đủ cán bộ và mạng lưới giao dịch tại các cụm, tuyến dân cư để thực hiện tốt nhiệm vụ được uỷ thác;

c/ Thanh toán tiền cho doanh nghiệp sản xuất nhà;

d/ Ngân hàng Phục vụ người nghèo và ngân hàng uỷ thác mở tài khoản thích hợp theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hạch toán, theo dõi số vốn Ngân sách trung ương chuyển sang và vốn huy động cho vay mua nhà ở trả chậm đối với hộ dân;

e/ Ngày 5 hàng tháng, Ngân hàng Phục vụ người nghèo gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng) về kết quả cho vay mua nhà trả chậm theo mẫu quy định tại Thông tư này (Mẫu báo cáo theo phụ lục số 03).

2.4- Quỹ Hỗ trợ phát triển:

Có trách nhiệm ký hợp đồng cho vay với địa phương, chuyển vốn và thu hồi nợ theo hợp đồng đã ký (theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2002/TT-BTC ngày 26/4/2002 và Thông tư số 54/2002/TT-BTC ngày 25/6/2002 của Bộ Tài chính).

2.5. Doanh nghiệp sản xuất cấu kiện và xây dựng nhà ở cho dân:

Các doanh nghiệp sản xuất đủ cấu kiện và xây dựng nhà ở cho dân với giá thành và giá bán nhà hợp lý, đảm bảo doanh nghiệp sản xuất không bị lỗ nhưng cũng không tính lãi khi bán nhà ở cho dân. Các doanh nghiệp sản xuất một số mẫu nhà để dân lựa chọn cho phù hợp với yêu cầu sử dụng.

PHẦN C. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

 

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Xây dựng

Bộ Tài chính

Phó Thống đốc

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Văn Giàu

Nguyễn Tấn Vạn

Vũ Văn Ninh