QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 175/HĐBT NGÀY 18-11-1988
VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ DO NGƯỜI VIỆT NAM
ĐƯỢC CỬ ĐI HỢP TÁC LAO ĐỘNG, HỢP TÁC CHUYÊN GIA
Ở NƯỚC NGOÀI MANG VỀ NƯỚC
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và ý kiến của Thủ tướng các Bộ, Tổng cục có liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Từ nay, Nhà nước không thu thuế hàng hoá đối với hàng nhập khẩu phi mậu dịch của những người được Nhà nước cử đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia ở nước ngoài mang về hoặc gửi về nước.
Điều 2.
Những người đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia có quyền tự do sử dụng hàng của mình mang hoặc gửi về nước. Từ nay, không áp dụng Chỉ thị số 202-HĐBT ngày 10-7-1985 của Hội đồng Bộ trưởng buộc những người này phải bán hàng cho các tổ chức kinh tế của Nhà nước. Các tổ chức này, nếu cần mua, phải tổ chức mua một cách thuận tiện nhất, theo giá thoả thuận, không được ép giá, gây phiền hà cho chủ hàng.
Điều 3.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính và các Bộ liên quan xem xét và đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng điều chỉnh nâng mức đóng góp bằng ngoại tệ của những người đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia một cách hợp lý, tuỳ theo mức thu nhập của từng đối tượng.
Điều 4.
Những người đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia không được nhập khẩu các loại vũ khí, chất nổ, chất cháy, các loại ma tuý và kích thích; các loại văn hoá phẩm đồi truỵ; riêng đối với rượu mạnh trên 40o và thuốc lá, chỉ được mang theo trong tiêu chuẩn hành lý đã quy định. Mọi vi phạm đều phải xử lý theo Điều lệ Hải quan và pháp luật hiện hành.
Từ nay, để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu, Bộ Kinh tế đối ngoại, trong trường hợp xét cần thiết, báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng duyệt để sửa đổi, bổ sung danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu và nhập khẩu có điều kiện bằng đường phi mậu dịch.
Trong từng thời gian, đối với một ít mặt hàng xét cần thu thuế hàng hoá để bản vệ sản xuất trong nước, hướng dẫn tiêu dùng, thì Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
Điều 5.
Tổng cục Hải quan có trách nhiệm soát lại các quy định về thủ tục hải quan đối với người đi hợp tác lao động và hợp tác chuyên gia ở nước ngoài, chỉnh đốn việc kiểm tra ở cửa khẩu, không được gây phiền hà cho chủ hàng.
Các tổ chức cảng, sân bay, nếu làm hư hỏng hàng, thì phải bồi thường thiệt hại cho chủ hàng theo thời giá.
Các tổ chức dịch vụ ở các cửa khẩu sân bay, bến cảng chỉ được thực hiện các dịch vụ nếu chủ hàng thuê làm; không được phép thu cước phí nếu chủ hàng tự làm.
Điều 6.
Quyết định này cũng áp dụng đối với hàng hoá của những người được Nhà nước cử đi công tác, học tập ở nước ngoài.
Điều 7.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1989.
Những quy định trong Chỉ thị số 202-HĐBT ngày 10-7-1985 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 128-CT ngày 10-4-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kinh tế đối ngoại, Tổng cục Hải quan, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội thương, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và các Bộ liên quan phải phổ biến rộng rãi Quyết định này đến các người hợp tác lao động và chuyên gia ở nước ngoài, trên các phương tiện thông tin đại chúng và để mọi người biết và chấp hành đúng pháp luật, đồng thời tổ chức thi hành ngay Quyết định này ở các đơn vị công tác của mình, bảo đảm cho tất cả cán bộ, nhân viên có trách nhiệm thi hành một cách nghiêm túc.