THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch
_______________________________
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dụng cụ thể về chất lượng nước sạch, quy trình tham gia ý kiến và giám sát của cộng đồng, quy hoạch cấp nước, lựa chọn đơn vị cấp nước, xác định vùng phục vụ cấp nước và ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước, đấu nối, hợp đồng dịch vụ cấp nước, kiểm định thiết bị đo đếm nước và các vấn đề liên quan khác của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (sau đây gọi tắt là Nghị định 117/2007/NĐ-CP) như sau:
I. VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH
Chất lượng nước sạch thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải bảo đảm theo quy chuẩn vệ sinh nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy chuẩn mới theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 thì tạm thời áp dụng Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống được ban hành kèm theo Quyết định số 1329/2002/BYT/QĐ ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Nước sạch phải bảo đảm chất lượng theo quy định trên toàn hệ thống từ sau công trình xử lý đến người trực tiếp sử dụng. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm kiểm tra và bảo đảm chất lượng nước sạch trên hệ thống cấp nước do mình quản lý. Khi có sự cố hoặc khiếu nại của khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước sạch được cung cấp, đơn vị cấp nước có trách nhiệm kiểm tra hệ thống cấp nước do mình quản lý hoặc hệ thống đường ống, thiết bị sau điểm đấu nối của khách hàng sử dụng nước để xác định nguyên nhân và có phương án khắc phục sự cố. Việc tổ chức khắc phục sự cố sau điểm đấu nối do khách hàng sử dụng nước thực hiện.
3. Đối với những hệ thống cấp nước hiện có mà chất lượng nước sạch trên hệ thống chưa bảo đảm theo quy định do Bộ Y tế ban hành thì đơn vị cấp nước và cơ quan ký thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước phải đánh giá, xác định nguyên nhân, có các giải pháp khắc phục và xây dựng lộ trình cải thiện chất lượng nước sạch theo quy định tại điểm đ) Khoản 2, Điều 31 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP, trong đó phải xác định cụ thể mốc thời gian đạt được các quy định về chất lượng nước sạch.
II. VỀ QUY TRÌNH THAM GIA Ý KIẾN VÀ GIÁM SÁT CỦA CỘNG ĐỒNG
Cộng đồng là tập thể người định cư trên cùng một địa bàn và có cùng một mối quan tâm hoặc lợi ích về dịch vụ hạ tầng ở khu vực đó, trong đó có hoạt động cấp nước. Nước sạch là sản phẩm thiết yếu liên quan đến đời sống, sức khoẻ cộng đồng, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động cấp nước ngoài việc nâng cao nhận thức về sử dụng tiết kiệm nước, nghĩa vụ chi trả, bảo vệ công trình cấp nước... còn bảo đảm quyền làm chủ của người dân trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động cấp nước, góp phần nâng cao tính khả thi của các chương trình, dự án phát triển cấp nước, phát huy hiệu quả đầu tư và phát triển bền vững.
1. Quy trình tham gia ý kiến của cộng đồng:
Khi lập dự án đầu tư xây dựng mới công trình cấp nước ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước tập trung, chủ đầu tư và tổ chức tư vấn lập dự án phải phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức điều tra xã hội học, tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng trong phạm vi phục vụ của dự án về cam kết đấu nối và sự sẵn sàng chi trả. Khi lấy ý kiến phải thông tin cho cộng đồng biết những nội dung cơ bản của dự án về quy mô đầu tư, chất lượng dịch vụ sau khi hoàn thành, phương án giá nước, nhu cầu sử dụng đất, tiến độ thực hiện.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước có quy mô xã, thị trấn phải tổ chức lấy ý kiến đến hộ gia đình. Đối với các dự án có quy mô lớn hơn, chủ đầu tư quyết định hình thức lấy ý kiến rộng rãi đến hộ gia đình hoặc lấy ý kiến tập trung thông qua tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể và lấy ý kiến rộng rãi tại một số khu vực điển hình.
Trong hợp đồng dịch vụ cấp nước phải có thông tin cụ thể về địa chỉ liên lạc của bộ phận, người có trách nhiệm tiếp nhận các ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo của khách hàng sử dụng nước về các sự cố, chất lượng dịch vụ, hành vi phá hoại, tiêu cực có liên quan đến hoạt động cấp nước trên địa bàn. Trong báo cáo hàng năm của đơn vị cấp nước gửi cơ quan có thẩm quyền đã ký thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước phải có nội dung báo cáo về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh của khách hàng sử dụng nước.
Các hình thức tham gia của cộng đồng:
- Thông qua phiếu điều tra
- Họp tổ dân phố
- Thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp như hội phụ nữ, hội người tiêu dùng, hội cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc...
- Thông qua các hình thức khác như đơn thư, góp ý trực tiếp...
2. Giám sát của cộng đồng:
Quy hoạch cấp nước sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
Sau khi ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước, Uỷ ban nhân dân phải thông báo cho Hội đồng nhân dân cùng cấp, các tổ chức chính trị-xã hội biết, thông tin, tuyên truyền để cộng đồng cùng tham gia thực hiện và kiểm tra, giám sát.
Nội dung giám sát của cộng đồng:
- Giám sát việc thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước đã được ký kết
- Giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án cấp nước
- Giám sát về chất lượng dịch vụ cung cấp nước sạch bao gồm: Chất lượng nước sạch, áp lực nước, lưu lượng cấp nước, tính liên tục cấp nước, thái độ phục vụ khách hàng,...
III. VỀ QUY HOẠCH CẤP NƯỚC
1. Các đồ án quy hoạch cấp nước được tổ chức lập như một đồ án quy hoạch riêng theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 của Nghị định 117, ngoài việc tuân thủ Nghị định 117/2007/NĐ-CP thì các công việc khác có liên quan như lấy ý kiến quy hoạch, công bố quy hoạch, tổ chức quản lý quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
2. Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước, quy hoạch phát triển ngành có nội dung liên quan đến cấp nước, khi nghiên cứu lập, điều chỉnh cần xem xét, phối hợp với đồ án quy hoạch cấp nước (nếu có) để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với nhau.
3. Những đồ án quy hoạch cấp nước đã được các địa phương tổ chức lập và phê duyệt trước ngày Nghị định 117/2007/NĐ-CP có hiệu lực thì tiếp tục triển khai thực hiện theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
4. Những đồ án quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, đang trong quá trình lập, chưa phê duyệt đồ án:
a) Tổ chức soát xét lại nội dung nhiệm vụ thiết kế, nếu phù hợp với quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP thì không cần trình phê duyệt lại nhiệm vụ thiết kế; Nếu chưa phù hợp với quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP thì phải tiến hành điều chỉnh và người đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế tiến hành phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ thiết kế.
b) Việc thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phải tuân theo quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
IV. VỀ LỰA CHỌN ĐƠN VỊ CẤP NƯỚC, XÁC ĐỊNH VÙNG PHỤC VỤ CẤP NƯỚC VÀ KÝ KẾT THOẢ THUẬN THỰC HIỆN DỊCH VỤ CẤP NƯỚC
Việc lựa chọn đơn vị cấp nước để tiến hành thương thảo, ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước giữa Uỷ ban nhân dân và đơn vị cấp nước thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP; Vùng phục vụ cấp nước là khu vực có ranh giới xác định mà đơn vị cấp nước có nghĩa vụ cung cấp nước sạch cho các đối tượng sử dụng nước trong khu vực đó; việc xác định vùng phục vụ cấp nước của một đơn vị cấp nước được xác định theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
Thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý được ký giữa Uỷ ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn ở khu vực đô thị, Uỷ ban nhân dân xã ở khu vực nông thôn (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân) với đơn vị cấp nước ràng buộc quyền hạn và nghĩa vụ của hai bên trong việc bảo đảm dịch vụ cấp nước theo quy định, đồng thời bảo đảm hài hoà quyền lợi hợp pháp của đơn vị cấp nước và cộng đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước với giá cả hợp lý có sự kiểm soát của nhà nước.
Nội dung cơ bản của thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước được quy định tại Điều 31 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP; trên cơ sở mẫu thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước tại Phụ lục 1 của Thông tư này, căn cứ điều kiện thực tế, đơn vị cấp nước và uỷ ban nhân dân tổ chức lập, thương thảo và ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước.
Trường hợp một đơn vị cấp nước có nhiều vùng phục vụ cấp nước thuộc các đơn vị hành chính độc lập khác nhau thì tiến hành ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với từng đơn vị hành chính độc lập đó.
Trong một vùng phục vụ cấp nước của đơn vị cấp nước có nhiều đơn vị thành viên trực thuộc thì Uỷ ban nhân dân chỉ ký kết một thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với đơn vị cấp nước đó, việc phân chia quản lý các phân vùng nhỏ hoặc các công đoạn khác nhau của hoạt động cấp nước cho các đơn vị thành viên trực thuộc do đơn vị cấp nước quyết định, bảo đảm sự phù hợp với nội dung thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước đã ký.
V. VỀ ĐẤU NỐI
Việc đấu nối công trình của khách hàng sử dụng nước vào mạng lưới cấp nước của đơn vị cấp nước được thực hiện theo các quy định từ Điều 39 đến Điều 43 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối tại các hộ tiêu thụ bao gồm cả đồng hồ đo nước trong vùng phục vụ đã được xác định, chi phí đấu nối được tính vào chi phí đầu tư mạng lưới và được phân bổ vào giá nước sạch do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Thời hạn điều chỉnh, phê duyệt giá nước sạch áp dụng các quy định mới không muộn hơn thời điểm quy định tại Khoản 3, Điều 64 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
Khối lượng nước tối thiểu theo quy định tại Khoản 2, Điều 42 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP được áp dụng đối với khách hàng sử dụng nước là hộ gia đình. Trường hợp nhiều hộ gia đình dùng chung một đồng hồ thì đơn vị cấp nước được phép xác định khối lượng nước tối thiểu trên cơ sở quy đổi một hộ gia đình bình quân có 4 người (4m3/hộ gia đình/tháng).
VI. VỀ HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ CẤP NƯỚC
Hợp đồng dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa đơn vị cấp nước với khách hàng sử dụng nước và tuân thủ các quy định từ Điều 44 đến Điều 50 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP. Hợp đồng dịch vụ cấp nước được chia làm 02 loại:
- Hợp đồng dịch vụ cấp nước bán lẻ.
- Hợp đồng dịch vụ cấp nước bán buôn.
1. Nội dung hợp đồng dịch vụ cấp nước bán lẻ phải thể hiện được những thông tin cơ bản về khách hàng về đấu nối để xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, thuận lợi cho việc quản lý; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của hai bên tham gia hợp đồng; các điều kiện chất lượng dịch vụ, giá nước sạch, phương thức thanh toán; những quy định của pháp luật về cấp nước có liên quan đến đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước. Trên cơ sở mẫu hợp đồng dịch vụ cấp nước bán lẻ tại Phụ lục 2 của Thông tư này, căn cứ điều kiện thực tế, đơn vị cấp nước xây dựng mẫu hợp đồng dịch vụ phù hợp để áp dụng trên địa bàn.
2. Hợp đồng dịch vụ cấp nước bán buôn được ký kết giữa đơn vị cấp nước bán buôn và đơn vị cấp nước bán lẻ. Nội dung hợp đồng dịch vụ cấp nước bán buôn phải thể hiện được quyền và nghĩa vụ các bên tham gia ký kết hợp đồng; các điều kiện chất lượng dịch vụ, giá nước sạch bán buôn, phương thức thanh toán; các quy định để bảo đảm sự ổn định, an toàn cấp nước và chất lượng nước sạch cung cấp. Trên cơ sở mẫu hợp đồng dịch vụ cấp nước bán buôn tại Phụ lục 3 của Thông tư này, căn cứ điều kiện thực tế, đơn vị cấp nước bán buôn và đơn vị cấp nước bán lẻ thương thảo cụ thể để áp dụng.
VII. VỀ ĐO ĐẾM VÀ HOÀN TRẢ TIỀN NƯỚC THU THỪA DO THIẾT BỊ ĐO ĐẾM NƯỚC KHÔNG CHÍNH XÁC
Thiết bị đo đếm nước phải được kiểm định theo quy định tại Điều 50 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP. Trong trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định sai số thực tế của đồng hồ lớn hơn sai số cho phép theo quy định thì đơn vị cấp nước phải hoàn trả tiền thu thừa cho khách hàng sử dụng nước, căn cứ để xác định khối lượng tính giá trị tiền thu thừa phải bồi hoàn như sau:
- Mức độ sai số cho phép theo quy định
- Mức độ sai số thực tế do tổ chức kiểm định độc lập xác định
- Khoảng thời gian từ thời điểm lượng nước sử dụng tăng đột biến so với mức tiêu thụ bình quân trước đó đến thời điểm tháo đồng hồ để kiểm định.
VIII. HIỆU LỰC THI HÀNH
Thông tư này áp dụng thống nhất trong cả nước và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để nghiên cứu giải quyết.