Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 15/CP NGÀY 14 THÁNG 1 NĂM 1981 VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN NGÀNH
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Căn cứ đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục, để cải thiện một bước đời sống của giáo viên ngành giáo dục phổ thông, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 3 tháng 1 năm 1981 đã quyết định:

1. Nâng giá biểu dạy thêm giờ, thêm buổi của giáo viên các cấp:

Nâng mức phụ cấp dạy thêm buổi đối với giáo viên cấp I và phụ cấp dạy thêm giờ đối với giáo viên cấp II và cấp III cho phù hợp với thực tế hiện nay; giá biểu cụ thể do Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Bộ Giáo dục quy định.

Các giáo viên dạy thêm buổi, thêm giờ vượt quá tiêu chuẩn quy định được mua theo giá cung cấp một số thực phẩm nhằm bồi dưỡng sức khoẻ. Bộ Giáo dục cùng Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Nội thương quy định cụ thể các khoản cung cấp này.

2. Các giáo viên phổ thông được phép dạy thêm ngoài giờ lên lớp:

Để đảm bảo chất lượng dạy và học, đồng thời để giữ uy tín cho nghề nghiệp nhà giáo, hiệu trưởng các trường học phổ thông có trách nhiệm quản lý các lớp dạy thêm, đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm và các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy và học thêm.

Hội cha mẹ học sinh phối hợp với nhà trường định mức thù loa cho giáo viên trên tinh thần bồi dưỡng thích đáng cho thầy giáo, nhưng không quá tốn kém cho gia đình học sinh.

Bộ Giáo dục quy định và hương dẫn việc tổ chức các lớp học thêm đối với tất cả các môn học trong chương trình phổ thông.

3. Sửa đổi chế độ phụ cấp hiệu trưởng và phó hiệu trưởng:

Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Lao động, Bộ Tài chính quy định chế độ phụ cấp mới cho hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường học phổ thông, mẫu giáo, bổ túc văn hoá để thay thế chế độ phụ cấp đã ban hành trước đây.

Chế độ phụ cấp mới phải vừa phù hợp với chế độ lương mới, vừa khuyến khích những người làm công tác quản lý và quản lý giỏi.

4. Tăng thêm phụ cấp lương tạm thời cho cán bộ giáo viên ngành giáo dục phổ thông:

Mức phụ cấp lương tạm thời tăng thêm do Bộ Lao động phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục quy định cụ thể nhằm giúp đỡ giáo viên bớt khó khăn trong đời sống, đồng thời phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước.

5. Đảm bảo chế độ cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu đối với giáo viên:

Không bắt buộc giáo viên phổ thông phải tự túc lương thực như cán bộ, công nhân viên chức khác, vì thời gian làm việc của giáo viên đã được ấn định liên tục trong suốt năm học từ khâu lên lớp, soạn bài, chấm bài tới hướng dẫn học sinh học tập ngoài nhà trường.

Chính quyền các địa phương và các hợp tác xã nông nghiệp cần giúp đỡ các trường học có thêm đất đai cần thiết để giáo viên tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Cơ quan lương thực và thực phẩm các cấp phải cung cấp đủ định lượng lương thực hàng tháng cho giáo viên theo chế độ hiện hành (kể cả giáo viên mẫu giáo), không được tuỳ tiện cắt xén tiêu chuẩn đã được quy định.

Cơ quan thương nghiệp có trách nhiệm bảo đảm chế độ cung cấp thực phẩm và hàng hoá cho giáo viên (kể cả giáo viên mẫu giáo) như tiêu chuẩn đối với các cán bộ, công nhân viên chức khác. Tỷ lệ hàng hoá cung cấp cần tính theo đầu giáo viên và lấy trường học làm đơn vị phân phối.

Bộ Nội thương chỉ đạo việc tổ chức bán hàng cho giáo viên theo định kỳ thời gian ngay tại các trường học, hoặc ở nơi gần tường, tránh để giáo viên phải mất nhiều thì giờ đi mua hàng, ảnh hưởng tới công việc giảng dạy.

6. Nâng lương đặc cách cho các giáo viên giỏi:

Bộ Giáo dục có quyền quyết định nâng lương đặc cách cho giáo viên là anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua liên tục có thành tích xuất sắc. Việc nâng lương đặc cách này không bị giới hạn về thời gian đã xếp lương lần trước cho giáo viên có thành tích và được xếp vượt lên một bậc lương đối với người đã được xếp vào bậc lương cao nhất của khung lương. Bộ Lao động bàn bạc với Ban thi đua trung ương và Bộ Giáo dục quy định cụ thể các danh hiệu, tiêu chuẩn thi đua của ngành giáo dục để có cơ sở vận dụng chính sách này.

7. Các giáo viên mẫu giáo không ở trong biên chế Nhà nước được hưởng các chế độ đãi ngộ của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ít nhất cũng ngang mức đãi ngộ một lao động trung bình của hợp tác xã. Những quy định của các ngành trái với tinh thần này cần được sửa đổi lại cho phù hợp.

8. Thành lập quỹ bảo trợ Nhà trường (ở các trường học):

Trong tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, để đảm bảo duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông, đồng thời để thể hiện tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, từ niên học 1981 - 1982 cho phép ngành giáo dục lập quỹ bảo trợ nhà trường trên cơ sở huy động sự đóng góp của nhân dân, quỹ phúc lợi tập thể của các cơ sở sản xuất.

Thể thức chi tiết về việc thành lập và quản lý quỹ này do Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục quy định.

9. Các đồng chí Bộ trưởng các Bộ Giáo dục, Lao động, Tài chính, Nội thương, Lương thực và thực phẩm, Nông nghiệp, trưởng ban Ban tổ chức của Chính phủ, Trưởng ban Ban thi đua trung ương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Các quy định chi tiết để thi hành quyết định này phải được các Bộ ban hành ngay trong quý I năm 1981.

Tố Hữu

(Đã ký)

 

Hội đồng Chính phủ

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Tố Hữu