THÔNG TƯ
Bổ sung và giải thích thêm một số điểm cụ thể về chính sách thuế nông nghiệp
________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố.
Trong quá trình thực hiện chính sách thuế nông nghiệp (kể cả biện pháp thu thuế đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp), gần đây một số vấn đề mới được đặt ra. Sau khi tiến hành điều tra nghiên cứu và tham khảo ý kiến một số địa phương, Bộ thấy cần bổ sung và giải thích thêm một số chính sách cụ thể sau đây:
1. Đối với ruộng đất góp vào hợp tác xã cấp thấp nhưng không hưởng hoa lợi:
Thông tư số 40-TC/NN ngày 27/10/1959 quy định:
“Ở hợp tác xã cấp thấp, nếu nông bộ xã viên có một phần ruộng đất góp cho hợp tác xã không hưởng hoa lợi thì nông hộ vẫn phải kê khai tính thuế toàn bộ sản lượng thường niên chịu thuế của nhà mình như thường lệ để đảm bảo cơ sở tính thuế như cũ và không mâu thuẫn với cách tính thuế đối với hợp tác xã cấp cao, nhưng khi thanh toán thì xã viên chỉ phải chịu phần thuế trên những ruộng mà xã viên có hưởng hoa lợi”.
Qua tình hình thực tế và thể theo đề nghị của một số địa phương, nay quy định lại như sau:
“Ở hợp tác xã cấp thấp, nếu nông hộ xã viên có một phần ruộng đất góp vào hợp tác xã mà không hưởng hoa lợi thì nông hộ không phải kê khai tính thuế về phần ruộng đất ấy. Hợp tác xã tính thuế về phần ruộng đất ấy theo thuế suất bình quân của xã nhưng thuế tối đa không qúa 12%”.
2. Đối với công an nhân dân vũ trang:
Nghị định số 100-TTg ngày 3/3/1959 của Thủ tướng Chính phủ quy định:
“Nói chung, trong lúc tại ngũ và sau khi xuất ngũ, cán bộ và chiến sĩ công an nhân dân vũ trang được hưởng quyền lợi như các cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt nam”.
Xuất phát từ chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ đối với Công an nhân dân vũ trang và căn cứ vào nghị định trên, Bộ quy định:
“Tất cả các chính sách về thuế nông nghiệp có tính chất ưu đãi đối với Quân đội nhân dân từ nay cũng sẽ áp dụng cả đối với Công an nhân dân vũ trang, kể cả việc tính nhân khẩu nông nghiệp.
Việc mở rộng chế độ ưu đãi này chỉ thi hành từ năm 1960, không đặt vấn đề tính lại thuế năm 1959”.
3. Đối với giáo viên dân lập:
Gần đây, một số địa phương đề nghị không tính nhân khẩu nông nghiệp đối với giáo viên dân lập. Nhưng xét thấy tình hình lương bổng của giáo viên dân lập chưa thật sự được ổn định, thêm nữa, nền giáo dục phổ thông lúc này cần được khuyến khích nhiều cho nên trong năm nay, Bộ chủ trương vẫn tiếp tục tính, nhân khẩu nông nghiệp cho giáo viên dân lập.
4. Đối với học sinh các trường chuyên nghiệp ngắn hạn:
Theo điều 15 và bản giải thích điêu lệ thuế nông nghiệp vùng đã cải cách ruộng đất thì học sinh các trường chuyên nghiệp được cấp học bổng toàn phần vẫn được tính là nhân khẩu nông nghiệp nếu học bổng chỉ đủ ăn trong những tháng học ở trường mà ngoài ra còn phải trông thêm vào sự giúp đỡ của gia đình (thí dụ học sinh trường sư phạm, trường kỹ thuật trung cấp…); trái lại nếu được Chính phủ cung cấp tất cả về cơm ăn, áo mặc và các khoản chi phí khác thoát ly được hẳn sự giúp đỡ của gia đình (thí dụ học sinh ra nước ngoài và học sinh các trường Miền Nam) thì không được tính là nhân khẩu nông nghiệp.
Hiện nay có một số trường chuyên nghiệp ngắn hạn (từ 2, 3 tháng đến 6, 7 tháng) tuyển người ngoài biên chế vào học, cho hưởng học bổng toàn phần và học xong là được tuyển ngay vào biên chế.
Các học sinh này từ ngày được tuyển vào học thực chất là đã thoát ly được sự giúp đỡ của gia đình. Căn cứ tinh thần điều 15 và bản giải thích điều lệ thuế nông nghiệp nói trên, Bộ quyết định các học sinh loại này thuộc gia đình nông dân sẽ không được tính là nhân khẩu nông nghiệp kể từ ngày được tuyển vào học. Cách giải quyết này không áp dụng đối với học sinh không được hưởng học bổng toàn phần trong các trường chuyên nghiệp ngắn hạn.
5. Việc tính nhân khẩu nông nghiệp đối với nghề phụ trong hợp tác xã.
Thông tư số 40-TC-NN ngày 27/10/1959 về biện pháp thu thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp quy định ở cuối trang 5.
“Đối với những người trước đây chuyên làm thợ thủ công hay nghề khác không được tính là nhân khẩu nông nghiệp; nay vào hợp tác xã vẫn tiếp tục chuyên làm những nghề ấy thì vẫn không tính là nhân khẩu nông nghiệp, nhưng nếu đã chuyển sang sản xuất nông nghiệp thì được tính là nhân khẩu nông nghiệp”.
Việc áp dụng quy định này phức tạp, vì việc sử dụng lao động trong các hợp tác xã đang có nhiều biến đổi, nhưng trong tình hình hiện nay chưa thể giải quyết một cách thật hợp lý. Bộ nhận thấy quy định trên (không cho tính là nhân khẩu nông nghiệp các xã viên vẫn tiếp tục làm nghề khác, chưa chuyển hẳn sang nông nghiệp sau khi vào hợp tác xã), vẫn tương đối hợp lý, phải được duy trì và chấp hành nghiêm chỉnh. Nếu áp dụng quy định này đã gây thắc mắc ở một số nơi (nhất là đối với các xã viên vẫn tiếp tục làm nghề khác được hợp tác xã chấm công, điểm như lao động nông nghiệp mà lại không được tính là nhân khẩu nông nghiệp) thì hợp tác xã có thể giải quyết thỏa đáng quyền lợi của các xã viên ấy bằng cách khác (thí dụ bằng đền bù công, điểm…).
Trên đây là những điều quy định chung cho miền xuôi lẫn miền núi. Cũng có thể còn những khía cạnh chưa nêu lên được hết. Vậy đề nghị Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố nắm vững tinh thần thông tư này áp dụng linh hoạt sát với thực tế địa phương, nếu có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề yêu cầu báo cáo về Bộ để có thể phổ biến kịp thời cho các địa phương khác.