THÔNG TƯ
Quy định thủ tục cấp bù lỗ và các biện pháp giải quyết số chênh lệch tăng, giảm vốn các khoản lỗ lãi phát sinh trong các trường hợp tăng, giảm giá và thừa, thiếu chiết khấu, đối với các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh ngành nội thương
________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ các chế độ phân cấp quản lý kinh tế và tài chính;
Căn cứ Nghị định số 235-CP ngày 04-12-1969 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương và Thông tư liên Bộ Tài chính – Ngân hàng – Nội thương số 93TT/LB ngày 16-04-1970 hướng dẫn thi hành điều lệ trên;
Căn cứ những quy định của Thông tư liên Bộ Ngân hàng – Tài chính – Nội thương số 21-TT/LB ngày 12-12-1962 và số 27-TT/LB ngày 27-04-1962 giải quyết một số vấn đề liên quan giữa công tác cho vay của Ngân hàng Nhà nước với nhiệm vụ nộp ngân sách Nhà nước của các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh nhằm bảo đảm vốn kinh doanh cho các đơn vị mậu dịch quốc doanh;
Căn cứ vào kết quả cuộc họp cấp thứ trưởng của ba Bộ Tài chính – Ngân hàng – Nội thương ngày 17-09-1970.
Bộ Tài chính ban hành thông tư này quy định thủ tục cấp bù lỗ và các biện pháp giải quyết số chênh lệch tăng giảm vốn, các vấn đề lỗ, lãi phát sinh trong các trường hợp tăng, giảm giá và thừa, thiếu chiết khấu, áp dụng đối với các xí nghiệp quốc doanh ngành nội thương.
I. CẤP BÙ LỖ
1. Lỗ kế hoạch.
Theo chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương, mỗi mặt hàng, nhóm hàng ngành nội thương kinh doanh đều được Nhà nước dành cho một mức chiết khấu hoặc thặng số định mức đủ đảm bảo chi phí kinh doanh cho toàn ngành. Như vậy, từ nay ngành nội thương không còn kế hoạch lỗ về phần kinh doanh thương nghiệp nữa, mà chỉ còn lỗ do việc chấp hành chính sách giá cả của Nhà nước, hoặc lỗ về các nghiệp vụ khác ngoài nghiệp vụ lưu thông phân phối. Những khoản lỗ này phải được kế hoạch hóa: tính toán cụ thể, được cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính đồng cấp xét duyệt và lập kế hoạch cấp bù lỗ cả năm (chia quý, tháng). Bộ Nội thương tổng hợp kế hoạch cấp bù lỗ cho các xí nghiệp cấp I, gửi cho Bộ Tài chính; Sở, Ty thương nghiệp tổng hợp kế hoạch cấp bù lỗ cho các xí nghiệp cấp II, gửi cho Sở, Ty tài chính. Căn cứ kế hoạch này, ngân sách sẽ cấp phát hàng tháng: đối với cấp I, ngay từ đầu tháng ngân sách trung ương cấp qua Bộ Nội thương phân phối, có ghi cụ thể số tiền cấp cho từng xí nghiệp cấp I, để Bộ Nội thương cấp cho các xí nghiệp cấp I; đối với cấp II, ngay từ đầu tháng, ngân sách địa phương cấp qua Sở, Ty thương nghiệp, để Sở, Ty thương nghiệp cấp bù cho các xí nghiệp cấp II. Cuối năm, cuối quý, các xí nghiệp được cấp bù lỗ theo kế hoạch phải quyết toán lỗ theo thực tế, để ngân sách kịp thời điều chỉnh việc cấp phát trong quý tiếp sau; nếu quyết toán quý không lập kịp thời, thì ngân sách tạm hoãn việc cấp bù lỗ kỳ tới.
2. Lỗ ngoài kế hoạch, vượt kế hoạch.
a) Do nguyên nhân khách quan:
Khi có lỗ ngoài kế hoạch hoặc vượt kế hoạch, xí nghiệp phải lập báo cáo quyết toán, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Các báo cáo quyết toán này phải được cơ quan chủ quản (Bộ Nội thương đối với các xí nghiệp cấp I; Sở, Ty thương nghiệp đối với các xí nghiệp cấp II) xét duyệt và gửi cho cơ quan tài chính (cùng cấp) đề nghị cấp bù lỗ. Sau khi nhận được, chậm nhất trong vòng một tháng, cơ quan tài chính phải kiểm tra, xét thấy đúng là lỗ do nguyên nhân khách quan thì cấp bù lỗ cho xí nghiệp, - ngân sách trung ương cho các xí nghiệp cấp I, ngân sách địa phương cho các xí nghiệp cấp II.
b) Do nguyên nhân chủ quản:
Lỗ do nguyên nhân chủ quan phải được giải quyết theo Nghị định số 49-CP ngày 09-4-1969 của Hội đồng Chính phủ về chế độ trách nhiệm vật chất, chỉ thị số 102-TTg ngày 5-6-1970 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết vật tư, hàng hóa ứ đọng, Thông tư liên Bộ số 199-TT/LB ngày 04-5-1967 về việc giải quyết tài sản tổn thất trong ngành nội thương; sau khi quy trách nhiệm, giải quyết bồi thường theo đúng chế độ của Nhà nước quy định ở các văn bản nói trên, phần lỗ (hoặc tổn thất) còn lại, phải trừ vào lợi nhuận của xí nghiệp.
Chú ý: Lỗ vượt kế hoạch phải được tính toán theo từng mặt hàng hoặc sản phẩm.
II. VẤN ĐỀ CHÊNH LỆCH TĂNG, GIẢM TRỊ GIÁ TỒN KHO VÀ VẤN ĐỀ LỖ, LÃI KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH TĂNG, GIẢM GIÁ
1. Bắt đầu từ ngày 01-01-1970, thực hiện chế độ thu tài chính mới, các xí nghiệp thương nghiệp ngành nội thương mua hàng công nghiệp của các xí nghiệp sản xuất, ngoại thương hoặc vật tư theo giá lẻ chỉ đạo (giá lẻ hiện hành) hoặc giá lẻ cung cấp trừ (-) chiết khấu. Cho nên, khi Nhà nước có quyết định tăng hoặc giảm giá bán lẻ, thì tuy tỷ lệ chiết khấu (tỷ lệ chiết khấu do Bộ Nội thương đã phân bổ cho từng nhóm hàng, mặt hàng và đã dùng làm cơ sở để tính giá thanh toán giữa xí nghiệp nội thương và bên bán hàng) vẫn giữ nguyên, nhưng số tuyệt đối và tỷ lệ phí, lãi trong chiết khấu thay đổi như sau:
- Phí lưu thông hàng hóa:
Số tuyệt đối giữ nguyên
Tỷ lệ so với doanh số thay đổi.
- Lãi bán hàng:
Số tuyệt đối và tỷ lệ đều thay đổi.
Các xí nghiệp thương nghiệp phải tính lại số tuyệt đối và tỷ lệ lãi và tỷ lệ phí, để nộp lợi nhuận vào ngân sách.
2. Khi Nhà nước có quyết định tăng, giảm giá thì đồng thời cũng tăng, giảm giá mua vào của xí nghiệp thương nghiệp và cũng tăng, giảm giá hạch toán tồn kho; trị giá hàng tồn kho, do đó, cũng tăng, giảm theo. Số chênh lệch tăng, giảm trị giá tồn kho này được giải quyết như sau:
a) Trường hợp tăng giá: khi có quyết định tăng giá, làm cho trị giá hàng tồn kho tăng lên, thì xí nghiệp thương nghiệp được hạch toán tăng vốn lưu động 100% số chênh lệch, tăng đó, coi như ngân sách cấp thêm 100% số vốn thiếu do tăng giá để xí nghiệp có đủ vốn dự trữ mặt hàng tăng giá.
b) Trường hợp giảm giá:
Khi có quyết định giảm giá, làm giảm trị giá tồn kho, phải tính lại trị giá tồn kho: phần vốn lưu động (30%) do ngân sách Nhà nước cấp thì xí nghiệp thương nghiệp hạch toán giảm vốn lưu động; phần giảm vốn lưu động vay Ngân hàng Nhà nước (70%) thì ngân sách Nhà nước cấp cho xí nghiệp để trả nợ Ngân hàng: ngân sách trung ương cấp cho các xí nghiệp cấp I, qua Bộ Nội thương; ngân sách địa phương cấp cho các xí nghiệp cấp II, qua các Sở, Ty thương nghiệp.
Đối với những mặt hàng do trung ương thống nhất quản lý, phân phối và do trung ương quyết định giảm giá, thì ngân sách trung ương cấp bù 70% số chênh lệch giảm trị giá tồn kho cho toàn ngành nội thương (cấp I + cấp II), qua Bộ Nội thương.
c) Những việc cần làm cụ thể:
Khi có chủ trương hạ giá, cơ quan được Nhà nước ủy quyền quyết định hạ giá cần bàn bạc với cơ quan tài chính đồng cấp để cơ quan tài chính bố trí ngân sách.
Khi có quyết định tăng hoặc hạ giá, các xí nghiệp thương nghiệp phải kiểm kê tồn kho, tính lại trị giá, tính số chênh lệch giữa trị giá tồn kho theo giá cũ và trị giá tồn kho theo giá mới, báo cáo cho cơ quan chủ quản cấp trên. Sau khi được cơ quan chủ quản cấp trên duyệt, xí nghiệp mới được hạch toán tăng, giảm vốn lưu động tự có.
Bộ Nội thương kiểm tra, xét duyệt, tổng hợp số cần cấp bù về giảm trị giá tồn kho do hạ giá của các xí nghiệp cấp I, gửi cho Bộ Tài chính đề nghị cấp bù; Sở, Ty thương nghiệp kiểm tra, xét duyệt và tổng hợp số cần bù về giảm trị giá tồn kho do hạ giá của các xí nghiệp cấp II, gửi cho Sở, Ty tài chính đề nghị cấp bù.
Đối với những mặt hàng do trung ương thống nhất quản lý, phân phối và quyết định hạ giá thì Bộ Nội thương kiểm tra, xét duyệt và tổng hợp số cần cấp bù về giảm trị giá tồn kho do hạ giá, của các xí nghiệp cấp I + cấp II gửi cho Bộ Tài chính đề nghị cấp bù.
Nhận được báo cáo trên, cơ quan tài chính kiểm tra thấy đúng thì cấp bù theo điểm b nói trên.
Bộ Nội thương và các Sở, Ty thương nghiệp phải quyết toán những khoản được cấp bù với cơ quan tài chính đồng cấp (quyết toán hàng quý).
d) Riêng đối với hàng hóa ứ đọng, kém, mất phẩm chất phải hạ giá hay sửa chữa mới bán ra được hoặc đối với hàng hóa vì mất phẩm chất hoàn toàn mà phải hủy bỏ thì:
Đối với hàng hóa ứ đọng, kém, mất phẩm chất, trước hết, Bộ Nội thương cần chỉ đạo toàn ngành tích cực và khẩn trương tiêu thụ, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất có thể xẩy ra.
Đối với loại cần phải xử lý, phải có sự xác định về phẩm chất của cơ quan quản lý phẩm chất hàng hóa và phải thành lập Hội đồng xử lý. Hội đồng này căn cứ vào các quy định của Nhà nước tại các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 105-TTg ngày 22-10-1963 và số 102-TTg ngày 05-6-1970 và nghị định của Hội đồng Chính phủ số 49-CP ngày 09-4-1970 và các Thông tư liên Bộ số 27-TT/LB ngày 10-12-1964 và số 199-TT/LB ngày 04-5-1967, để quyết định các biện pháp xử lý, trong đó có biện pháp hạ giá hoặc là sửa chữa lại để tiêu thụ, hoặc là có mặt hàng mất phẩm chất hoàn toàn thì hủy bỏ.
Số chênh lệch giảm giá, số tài sản bị tổn thất, tài sản mất phẩm chất hoàn toàn phải hủy bỏ, cũng như số phí tổn sửa chữa được giải quyết như sau:
- Nếu do nguyên nhân khách quan, thì được ngân sách cấp bù; ngân sách trung ương cấp bù cho các xí nghiệp cấp I, ngân sách địa phương cấp bù cho các xí nghiệp cấp II.
- Nếu do nguyên nhân chủ quan của cá nhân, của xí nghiệp, của ngành chủ quản, thì trước tiên phải quy rõ trách nhiệm, xử lý theo chế độ trách nhiệm vật chất và các chế độ hiện hành khác có liên quan. Sau khi xử lý đúng chế độ, bắt bồi thường rồi, số tổn thất còn lại phải hạch toán vào kết quả kinh doanh của xí nghiệp.
III. GIẢI QUYẾT SỐ CHÊNH LỆCH CHIẾT KHẤU NĂM 1970
Chiết khấu của toàn ngành nội thương năm 1970 được Nhà nước quyết định là 9,5% tính trên doanh thu số bán (loại trừ yếu tố tăng, giảm giá), Bộ Nội thương đã phân bổ mức chiết khấu này cho từng nhóm hàng, mặt hàng và cho từng cấp (cấp I, cấp II), nhưng chưa sát, do đó có xí nghiệp thừa, xí nghiệp thiếu chiết khấu; có nhóm hàng thừa, nhóm hàng thiếu chiết khấu. Tại công văn số 214-TC/TQD ngày 25-07-1970, Bộ Tài chính đã hướng dẫn phương pháp xác định số chênh lệch thừa, thiếu chiết khấu; thông tư này quy định việc giải quyết số chênh lệch thừa, thiếu chiết khấu đó.
1. Đối với các xí nghiệp cấp I: Bộ Nội thương điều số chiết khấu từ xí nghiệp thừa sang xí nghiệp thiếu. Cuối cùng, nếu còn thiếu, thì ngân sách trung ương tạm cấp cho Bộ Nội thương để Bộ Nội thương tạm cấp cho các xí nghiệp thiếu chiết khấu.
2. Đối với các xí nghiệp cấp II: Mức chiết khấu Bộ Nội thương phân bổ cho các tỉnh, thành phố nói chung là thừa. Hàng tháng, các công ty cấp II thừa chiết khấu nộp số thừa này vào một tài khoản riêng của Sở, Ty thương nghiệp mở tại Chi nhánh ngân hàng Nhà nước, gọi là tài khoản “điều hòa chiết khấu”. Sở, Ty thương nghiệp dùng số chiết khấu thừa này để cấp bù cho các xí nghiệp thiếu chiết khấu. Tuyệt đối không được dùng số chiết khấu. Tuyệt đối không được dùng số chiết khấu thừa này để cấp bù các khoản phải bù khác hoặc dùng vào bất cứ việc gì khác.
3. Bộ Nội thương chịu trách nhiệm tổng hợp số chiết khấu thừa, thiếu của tất cả các địa phương và của Cục kinh doanh để kiểm tra lại, đảm bảo là chiết khấu thương nghiệp toàn ngành năm 1970 không vượt quá tỷ lệ 9,5% tính trên doanh số bán ra mà Nhà nước đã quy định.
4. Cuối năm, Bộ Tài chính sẽ bàn với Bộ Nội thương và Ngân hàng Nhà nước Việt-nam hướng dẫn các địa phương cách sử dụng số chiết khấu thừa ở các địa phương.
5. Nếu có địa phương nào, sau khi đã điều hòa trong toàn địa phương mà còn thiếu chiết khấu, thì Sở, Ty thương nghiệp cùng Sở, Ty tài chính có báo cáo (được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xác nhận) gửi lên Bộ Nội thương và Bộ Tài chính giải quyết.
Nhân đây, Bộ nhắc các Sở, Ty tài chính triệt để chấp hành Chỉ thị của Bộ số 214-TC/TQD ngày 25-07-1970 và báo cáo về Bộ kết quả việc xác định mức phí và định mức chiết khấu đúng của năm 1970 cho các Sở, Ty thương nghiệp.