Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh ngày 23-6-1980 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị số 202-TTg ngày 25/6/1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi và bổ sung một số điểm về chính sách thuế công thương nghệp và thuế sát sinh.

_______________________________

 Thi hành Pháp lệnh ngày 23/6/1980 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi và bổ sung một số điều về chính sách thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh và Chỉ thị số 202/TTg ngày 25/6/1980 cảu Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây:

I/ CẦN NẮM VỮNG TINH THẦN CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG THƯƠNG NGHIỆP TẬP THỂ VÀ CÁ THỂ VÀ Ý NGHĨA CỦA NHỮNG SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG

VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong bước đầu từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa công nghiệp chưa phát triển hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể có một vị trí rất quan trọng. Với lực lượng lao động dồi dào, khả năng về kỹ thuật và tay nghề, trang bị và công cụ sẵn có trong nhân dân, ngành công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, ngành phục vụ ăn uống và thương nghiệp thuộc khu vực kinh tế tập thể và cá thể, có thể khai thác tài nguyên và nguyên liệu nguồn hàng tại chỗ làm ra sản phẩm, mở rộng dịch vụ góp phần bảo đảm nhu cầu về sản xuất và đời sống của dân, tăng nguồn hàng xuất khẩu mà kinh tế quốc doanh không thể đảm đương được hết. Yêu cầu đối với quản lý của Nhà nước là phải thấy hết những khả năng to lớn ấy để có kế hoạch và biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ phát huy mọi khả năng để làm ra nhiều sản phẩm có giá trị sử dụng ngày càng lớn, khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh theo phương hướng kế hoặch Nhà nước, phù hợp với lợi ích chung của cả nước, phù hợp với lợi ích chính đáng và lâu dài của người sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những mặt tích cực, có lợi cho nền kinh tế quốc dân, hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể còn có những mặt tiêu cực của nó: vì không thấy hết lợi ích chung của xã hội và vì không thấy hết lợi ích chung của xã hội và vì không thấy rõ lợi ích lâu dài về sau, hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể để chạy theo lợi ích cục bộ hoặc cá nhân, chạy theo lợi ích trước mắt; hơn nữa trong hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể còn xen lẫn hoạt động của những phần tử đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, bọn phá hoại ... Để bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động và lợi ích của chủ nghĩa xã hội, yêu cầu đối với Nhà nước là phải phát hiện kịp thời, ngăn chặn và hạn chế những hoạt động có hại cho quốc kế dân sinh. Đó là yêu cầu không thể thiếu được của công tác quản lý và kiểm soát của Nhà nước.

Thuế công thương nghiệp là luật của Nhà nước, nó thể hiện một cách toàn diện chính sách của Đảng của Nhà nước ta đối với công thương nghiệp tập thể và cá thể. Sau khi đã căn bản hoàn thành cải tạo công thương nghiệp cá thể theo chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và từ đầu năm 1979 ở miền Nam, Nhà nước đã ban hành một chế độ thuế công thương nghiệp làm căn cứ để tổ chức việc quản lý và kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể. Về cơ cấu, chế độ thuế công thương nghiệp bao gồm 5 loại thuế (doanh nghiệp, lợi tức doanh nghiệp, hàng hoá, buôn chuyến, thuế sát sinh) áp dụng vào các đối tượng và ở những khâu thực hiện giá trị hàng hoá khác nhau; về thuế suất và thuế biểu, chính sách thuế công thương nghiệp ưu đãi các ngành sản xuất, vận tải, xây dựng hơn các ngành phục vụ ăn uống và thương nghiệp; kinh tế tập thể được ưu đãi hơn kinh tế cá thể...

Sau một thời gian thực hiện ở miền Bắc và miền Nam chính sách thuế đã có tác dụng tích cực khuyến khích sản xuất, khuyên khích đi vào làm ăn tập thể, góp phần quản lý thị trường và đấu tranh chống bọn gian thương, đầu cơ, lũng đoạn ... Tuy nhiên vì nhận thức không đúng về chính sách của Đảng của Nhà nước đối với công thương nghiệp tập thể và cá thể, nhiều nơi không chú ý giúp đỡ, chỉ đạo công thương nghiệp tập thể và cá thể, gây khó khăn phiền phức cho hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể; nhiều nơi khác lại buông lỏng quản lý, để cho hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể phát triển không có kế hoạch, số người làm nghề phục vụ ăn uống và buôn bán tăng lên một cách tự phát, gây ra căng thẳng về nguyên liệu, hàng hoá, khó khăn cho việc quản lý thị trường; thuế công thương nghiệp bị thất thu nghiêm trọng. Trước tình hình mới, chính sách thuế cũng bộc lộ một số nhược điểm làm hạn chế tác dụng của chính sách.

Thi hành Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điểm về chính sách thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh nhằm làm cho chính sách phù hợp với tình hình mới, phát huy tác dụng của chính sách khuyến khích phát triển sản xuất mở rộng kinh doanh đúng hướng; khuyến khích mọi người làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Tổ quốc và tôn trọng chế độ quản lý của Nhà nước; góp phần tăng cường quản lý thị trường, hạn chế và ngăn chặn những hoạt động đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả và những hoạt động phi pháp khác ... có hại cho nền kinh tế quốc dân.

Những điểm sửa đổi và bổ sung về chính sách theo Pháp lệnh ngày 23/6/1980 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là bộ phận gắn liền với toàn bộ chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể. Trong dịp nghiên cứu và tổ chức thực hiện những điểm sửa đổi và bổ sung lần này, Uỷ ban Nhân dân các cấp và các ngành có trách nhiệm, cần phải nắm vững tinh thần và nội dung chính sách của Đảng của Nhà nước, nắm lại tình hình và đánh giá tinh hình thực hiện chính sách trên từng địa bàn, trong từng địa phương và trong toàn ngành, để có biện pháp và kế hoạch tăng cường tổ chức và chỉ đạo bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, thực hiện sử quản lý và kiểm soát có hiệu lực của Nhà nước đối với hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể.

II/ CHỈ ĐẠO VÀ KIỂM TRA CHẶT CHẼ VIỆC THỰC HIỆN CÁC ĐIỂM SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG VỀ CHÍNH SÁCH THEO PHÁP LỆNH CỦA UỶ BAN  THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ nội dung của những điểm sửa đổi  và bổ sung về chính sách, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể việc thi hành. Bộ Tài chính lưu ý các ngành và Uỷ ban Nhân dân các địa phương một số điểm cụ thể trong việc thi hành như sau:

1/ Về suất miễn thu: Suất miễn thu làm một phần thu nhập kinh doanh (doanh thu trừ hao phí về nguyên nhiên vật liệu máy móc) của người sản xuất kinh doanh công thương nghiệp tập thể hoặc cá thể, được miễn không tính thuế lợi tức doanh nghiệp. Điều 14 của Điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo Nghị quyết số 200-NQ/TVQH ngày 18/1/1966 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định mức miễn thu đối với người lao động tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải ... từ 19 đến 38đ/1 tháng. Nay, trước tình hình giá cả và mức sinh hoạt có nhiều thay đổi so với trước, để bảo đảm cho người lao động tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp có mức thu nhập tương đương với công nhân quốc doanh, Pháp lệnh ngày 23/6/1980 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nâng mức miễn thu đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải ... lên ngang với mức bình quân lương chính của công nhân quốc doanh cùng ngành. Đi liền với việc nâng suất miễn thu đối với lao động các ngành sản xuất, suất miễn thu của ngành phục vụ ăn uống, thương nghiệp cũng được nâng lên tương ứng (ngành phục vụ và ăn uống thấp hơn ngành sản xuất tiểu công nghiệp thủ công nghiệp 10% và ngành thương nghiệp thấp hơn ngành sản xuất thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp 20%).

Theo nguyên tắc tính suất miễn thu đã nêu rõ trong Pháp lệnh và Chỉ thị hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào kế hoạch tiền lương năm 1980 để xác định mức bình quân lương chính của 4 ngành lớn: công nghiệp, vận tải, xây dựng, nông nghiệp quốc doanh để làm căn cứ định suất miễn thu cho tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, nông nghiệp ... thuộc khu vực tập thể và cá thể (nếu mức bình quân lương chính của công nghiệp quốc doanh là 60 đồng thì mức miễn thu đối với tiểu công nghiệp thủ công nghiệp là 60 đồng; mức bình quân lương chính của vận tải quốc doanh là 62 đồng thì suất miễn thu đối với vận tải tập thể hoặc cá thể là 62 đồng ...)

Để bảo đảm thống nhất về nguyên tắc trong cả nước, quan hệ hợp lý giữa các địa phương và sát với tình hình cụ thể ở từng địa phương và có sự phân biệt giữa các ngành cần khuyến khích hay không cần khuyến khích, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, căn cứ vào tình hình sản xuất và sinh hoạt cụ thể ở các vùng lớn ở địa phương để xét mức miễn thu cụ thể cho từng ngành hay ở từng vùng cao hơn hay thấp hơn suất miễn thu chung của địa phương: 5%, 10%, 15%. Những ngành và ở những nơi suất miễn thu cao hơn suất miễn thu chung là những ngành lao động nặng nhọc, có nhiều khó khăn, ở những nơi đời sống đắt đỏ, cần được khuyến khích. Những ngành lao động nhẹ, thuận lợi, ở những nơi giá sinh hoạt rẻ, không cần khuyến khích thì mức miễn thu thấp hơn.

Đối với các ngành phục vụ ăn uống và ngành thương nghiệp thì lấy suất miễn thu đối với tiểu công nghiệp thủ công nghiệp ở địa phương giảm đi 10% để áp dụng cho ngành phục vụ ăn uống, giảm đi 20% để áp dụng cho ngành thương nghiệp.

Sau khi xét và quy định suất miễn thu cụ thể sẽ áp dụng ở địa phương, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương báo cáo cho Bộ Tài chính (kèm theo các căn cứ tính toán) để xem xét quan hệ giữa các địa phương trước khi công bố thi hành, suất miễn thu được xác định như trên là để thi hành từ 1/7/1980. Khi nào có sự thay đổi về tiền lương Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn việc tính suất miễn thu.

2/ Về việc vận dụng các thuế biểu theo điều 16, 22, và 24 mới của điều lệ thuế công thương nghiệp.

Việc xoá bỏ thuế lợi tức vượt mức theo luỹ tiến toàn phần, thay thế bằng biểu thuế lợi tức theo luỹ tiến từng phần có ý nghĩa khuyến khích công thương nghiệp tập thể và cá thể yên tâm phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh đúng hướng, tôn trọng những nguyên tắc và chế độ quản lý của Nhà nước, hăng hái làm đầy đủ nghĩa vụ đóng góp cho Tổ quốc.

Yêu cầu đối với chỉ đạo và quản lý thuế là phải nhất thiết không để sót hộ sản xuất kinh doanh và xác định đúng doanh thu của từng hộ để vận dụng chính sách thuế của Nhà nước, bảo đảm tính công bằng và hợp lý của chính sách, phát huy tác dụng của công tác thuế phục vụ việc quản lý và kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể, tham gia quản lý thị trường, hạn chế và ngăn chặn làm ăn phi pháp.

Các biểu thuế được sửa đổi lại (biểu thuế mới) là để thi hành thống nhất trong cả nước, thay thế điều 3 và điều 4 của Quyết định số 327/CP ngày 30/12/1978 của Hội đồng Chính phủ đang thi hành ở miền Nam.

Đề vận dụng những quy định của Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần nắm và phân tích tình hình hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể ở địa phương, yêu cầu về sản xuất và đời sống của dân, soát lại phương hướng và kế hoạch phát triển và cải tạo công nghiệp và tiêu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng ... ở từng vùng ... trên cơ sở đó mà xác định cụ thể ngành nào cần khuyến khích đi vào làm ăn tập thể, ngành nào chưa cần và ngành nào và ở đâu thì để phát triển sản xuất riêng lẻ thì có lợi hơn (ví dụ như: thủ công mỹ nghệ, đan lát thô sơ).

Đối với những ngành nghề và ở những nơi để sản xuất phân tán và riêng lẻ có lợi hơn thì hộ sản xuất riêng lẻ nộp thuế theo biểu thuế lợi tức doanh nghiệp đối với hợp tác xã không cộng thêm một tỷ lệ phần trăm nào. Đối với những ngành nghề và ở những nơi cần đưa vào làm ăn tập thể nhưng địa phương chưa có kế hoạch vận động tổ chức dân đi vào làm ăn tập thể hoặc là ngành nghề ấy tổ chức đi vào làm ăn tập thể cũng tốt, để làm ăn riêng lẻ cũng không hại gì thì áp dụng mức cộng thêm 5%. Đối với những ngành nghề và ở những nơi xét cần và có điều kiện vận động tổ chức làm ăn tập thể, thì mức thuế của các hộ riêng lẻ cộng thêm 10% mức thuế đã tính.

3/ Về thuế buôn chuyến: Điều 34 điều lệ thuế công thương nghiệp quy định 4 bậc thuế buôn chuyến 5%, 7%, 10% và 12% thu vào những người buôn bán không thường xuyên, có tính thời vụ, khối lượng hàng không lớn và không phải là những nông dân đem bán những nông sản phẩm còn lại ở các chợ trong khu vực tự sản tự tiêu, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và bán theo hợp đồng 2 chiều cho Nhà nước. Hiện nay ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh miền Nam, vì mậu dịch quốc doanh còn yếu, Uỷ ban Nhân dân các địa phương còn cho phép một số người mua và vận chuyển hàng từ vùng này đến vùng khác với khối lượng tương đối lớn. Để phát huy tác dụng quản lý và kiểm soát của công tác thuế, phục vụ thu mua nắm nguồn hàng trong tay Nhà nước, pháp lệnh đã bổ sung thêm một thuế suất 15% thu vào trường hợp buôn chuyến lớn.

Căn cứ để phân biệt buôn chuyến nhỏ và buôn chuyến lớn là doanh thu kết hợp với cơ cấu mặt hàng của một chuyến hàng. Để vận dụng thống nhất trong cả nước và căn cứ vào tính hình hoạt động buôn chuyến hiện nay, Bộ quy định cụ thể như sau: Thuế suất buôn chuyến 15% được áp dụng đối với những chuyến hàng thuộc loại hàng chịu thuế buôn chuyến 10% và có doanh thu từ 4.000đ trở lên như gà, vịt, trứng, cá, lợn giống ... các loại quà thuốc loại mậu dịch thu mua, và những loại hàng chịu thuế buôn chuyến 12% có doanh thu từ 3.000 đồng trở lên (như đồ trang trí, đồ cũ, hàng công nghệ phẩm được phép buôn chuyến).

Dưới những mức doanh thu nói trên, thì áp dụng các thuế suất 5%, 7%, 10% hay 12% theo từng loại hàng.

Thuế buôn chuyến là loại thuế áp dụng đối với những người buôn bán không thường xuyên, có tính thời vụ. Đối với những hộ buôn bán chuyên nghiệp nhưng không cố định, (buôn bán lưu động) hoặc kết hợp cả buôn bán cố định và buôn bán lưu động, thì phải kê khai xin đăng ký cụ thể và chịu thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức, như các hộ buôn bán chuyên nghiệp khác.

4/ Về thuế sát sinh: Để tăng cường quản lý và kiểm soát của Nhà nước đối với việc giết mổ gia súc, phát huy tác dụng thuế sát sinh khuyến khích phát triển chăn nuôi, khuyến khích tăng trọng lượng gia súc xuất chuồng, khuyến khích thu mua và cung cấp thịt cho Nhà nước, Pháp lệnh đã quy định lại thuế suất sát sinh cho phù hợp với tình hình mới, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã quy định trọng lượng tính thuế tối thiểu và tối đa cho cả nước, các trường hợp được xét miễn giảm cụ thể. Bộ hướng dẫn thêm một số điểm về việc vận dụng chính sách như sau:

- Về việc quy định trọng lượng cụ thể để thu thuế sát sinh cho các vùng ở địa phương. Uỷ ban Nhân dân căn cứ vào tình hình chăn nuôi ở địa phương và trọng lượng tối đa và tối thiểu mà Chính phủ đã quy định để định trọng lượng thu thuế sát sinh giao cho các quận, huyện và cấp tương đương chấp hành nằm trong 5 mức: 40, 45, 50, 55, 60 kg.

Mức trọng lượng tính thuế sát sinh cụ thể cho từng vùng phải có tác dụng khuyến khích chăn nuôi và xuất chuồng có trọng lượng cao, đồng thời phải chiếu cố những nơi chăn nuôi có nhiều khó khăn. Vì vậy ở những nơi có trình độ chăn nuôi giỏi, cần định mức xuất chuồng cao nhưng không quá 60kg/1 con lợn, những nơi chăn nuôi khó khăn thì mức lợn xuất chuồng thấp hơn nhưng không thấp hơn 40 kg. Mỗi tỉnh chỉ nên có một hoặc hai mức cho những vùng có chênh lệch lớn về trình độ chăn nuôi. Người chăn nuôi và giết mổ lợn cao hơn mức quy định trong vùng không chịu thêm thuế sát sinh.

- Về việc tính thuế sát sinh theo đầu con vật giết mổ: Mức thuế thu vào một con vật giết mổ là giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước nhân với trọng lượng lợn xuất chuồng quy định cụ thể cho từng vùng. Theo chính sách giá hiện hành thì giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước được quy định theo từng bậc trọng trọng lượng của lợn: từ 40 kg đến dưới 60 kg là 4đ/1kg, từ 60 kg đến dưới 80 kg: 4đ,30/1kg, từ 80 kg trở lên 4đ, 60/1kg. Ngoài ra giá thu mua của Nhà nước còn khuyến khích theo vùng.

Uỷ ban Nhân dân các địa phương, căn cứ vào giá chỉ đạo thu mua và trọng lượng xuất chuồng quy định cho các vùng để chỉ đạo việc tính mức thuế cụ thể thu vào từng đầu lợn giết mổ.

- Đối với trâu bò, để bảo vệ trâu bò cày và châu bò sinh sản cần phải tăng cường việc quản lý và kiểm soát việc giết mổ trâu bò. Để đơn giản cách tính toán, Bộ quy định 3 mức thuế sát sinh đối với trâu bò là 35đ, 40đ, 45đồng.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình chăn nuôi trâu bò ở địa phương để công bố mức thuế cho từng loại trâu bò ở địa phương. Việc quy định mức thuế phải có tác dụng khuyến khích chăn nuôi trâu bò và hạn chế giết mổ trâu bò sinh sản, trâu bò cày và bê nghé.

Một việc rất quan trọng trong quản lý giết mổ trâu bò là phải chống lạm sát trâu cày, trâu bò sinh sản, trâu bò còn bé, kết hợp với việc bảo vệ thú y.

- Về chính sách miễn giảm - Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ, đối tượng được miễn giảm là những hộ nông dân đã hoàn thành nghĩa vụ bán thịt cho Nhà nước và những người không có nhiệm vụ chăn nuôi (phi nông nghiệp) đã tận dụng mọi khả năng để chăn nuôi và giết mổ thịt do mình chăn nuôi, mức được giảm thuế là 25%.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành phố đặc khu trực thuộc, căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương nếu xét có trường hợp cần thiết phải có chính sách miễn giảm (như đối với đồng bào các dân tộc rẻo cao) thì đề nghị cụ thể với Bộ Tài chính dể trình Chính phủ xét.

III/ TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP, PHÁT HUY TÁC DỤNG CỦA CÔNG TÁC THUẾ PHỤC VỤ VIỆC QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG THƯƠNG NGHIỆP TẬP THỂ VÀ CÁ THỂ.

Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được ban hành trong dịp các nơi đang tập trung sức tiến hành việc kê khai đăng ký kinh doanh theo Quyết định số 119CP và đang tăng cường hệ thống tổ chức chuyên trách thuế công thương nghiệp từ Trung ương đến cơ sở theo Quyết định số 120 CP của Hội đồng Chính phủ. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành phố và đặc khu trực thuộc cần phải kết hợp chặt chẽ giữa các mặt công tác nói trên để phát huy tác dụng tích cực của công tác thuế góp phần khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh đúng hướng, tăng cường quản lý thị trường, hạn chế và ngăn chặn những hoạt động đầu cơ, buôn lậu, phá hoại, làm hàng giả ...

Phải thông báo việc tuyên truyền giải thích rộng rãi trong nhân dân tinh thần nội dung của chính sách thuế công thương nghiệp và những điểm sửa đổi và bổ sung, để làm cho mọi người hiểu rõ chủ trương chính sách của Nhà nước đối với công thương nghiệp tập thể và cá thể, đề cao luật pháp của Nhà nước, động viên mọi người làm đầy đủ nghĩa vụ đóng góp cho Tổ quốc, tham gia đấu tranh chống bọn làm ăn phi pháp. Một mặt khác phải chỉ đạo chặt chẽ công tác kê khai đăng ký kinh doanh, bảo đảm nắm được đầy đủ đúng sự thật tình hình hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể; trên cơ sở đó, tổ chức và chỉ đạo công tác thuế sát với tình hình cụ thể trên từng địa bàn và đối với từng ngành.

Đây là một công tác khó và rất phức tạp. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phải có kế hoạch tăng cường tổ chức và chỉ đạo những vùng hoạt động công thương nghiệp tập trung và những nơi phong trào yếu, bảo đảm công tác đăng ký kinh doanh và quản lý thuế công thương nghiệp đạt kết quả tốt.

Bộ Tài chính

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Hữu Chinh