QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh
đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
____________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 63/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020;
Xét đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại tờ trình số 1832/UB-ĐT ngày 05 tháng 6 năm 2001 và của Bộ Xây dựng tại công văn số 1977/BXD-KTQH ngày 06 tháng 11 năm 2001,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau :
1. Mục tiêu :
- Quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, phù hợp với định hướng phát triển cấp thoát nước đô thị quốc gia đến năm 2020 và điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 làm cơ sở cho công tác chuẩn bị đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố.
- Xác định nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và các nhu cầu khác cho các giai đoạn 2005, 2010, 2020, xác định nguồn cấp nước, lập kế hoạch xây dựng các nhà máy nước, mạng lưới truyền dẫn, phân phối, kế hoạch tài chính nhằm xây dựng hệ thống cấp nước đảm bảo tiêu chí mà Định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra.
2. Phạm vi quy hoạch :
Phạm vi quy hoạch của hệ thống cấp nước phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2020 bao gồm 12 quận nội thành cũ, 5 quận mới thành lập, 5 huyện ngoại thành trên diện tích 2.093,6 km2, dân số dự kiến đến năm 2010 là 7.880.000 người
3. Nội dung quy hoạch :
a) Giai đoạn quy hoạch :
Quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh được lập cho giai đoạn 2000 - 2010 và định hướng đến năm 2020.
b) Quy hoạch nguồn nước :
Nguồn nước cấp cho hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng chủ yếu từ nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất.
Nguồn nước mặt :
Khai thác các nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn để cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2010, lưu lượng khai thác nước sông Đồng Nai là 1.500.000 m3/ngày đêm, sông Sài Gòn là 600.000 m3/ngày đêm. Tiếp tục lập quy hoạch xây dựng các hồ chứa nước tại thượng nguồn các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để đảm bảo cấp nước cho các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của thành phố Hồ Chí Minh cho các giai đoạn tiếp theo.
Nguồn nước dưới đất :
Tổng công suất khai thác nước dưới đất đến năm 2010 là 200.000 m3/ngày đêm, trong đó khu vực nội thành là 150.000 m3/ngày đêm, khu vực Củ Chi là 50.000 m3/ngày đêm. Tiếp tục tiến hành khảo sát đánh giá trữ lượng nguồn nước dưới đất trên địa bàn thành phố để lập kế hoạch khai thác khi cần thiết.
c) Chỉ tiêu cấp nước :
Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt và tỷ lệ dân được cấp nước phù hợp với Định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt : Đến năm 2005 là 160 - 180 lít/người/ngày đêm; đến năm 2010 là 180 - 200 lít/người/ngày đêm; đến năm 2020 là 200 - 220 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ dân được cấp nước cho năm 2005 là 85%; năm 2010 là 95%; năm 2020 là 100%.
Nhu cầu cấp nước cho thành phố năm 2005 khoảng 1.600.000 m3/ngày đêm; năm 2010 khoảng 2.400.000 m3/ngày đêm; năm 2020 khoảng 3.450.000 m3/ngày đêm.
Chỉ tiêu giảm lượng nước thất thoát, thất thu tiền nước : Đến năm 2005 còn 28%; năm 2010 còn 26%.
d) Công nghệ xử lý nước :
- Đối với nguồn nước mặt : áp dụng công nghệ truyền thống kết hợp công nghệ tiên tiến có tính đến tình hình thực tế tại thành phố, cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa các loại hoá chất keo tụ và thiết bị mới vào công trình.
- Đối với các nhà máy xử lý nước dưới đất : áp dụng công nghệ truyền thống bao gồm làm thoáng - lắng - lọc nhanh - khử trùng, nghiên cứu sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến của thế giới.
đ) Mạng lưới cấp nước :
Xây dựng mạng lưới đường ống hoàn chỉnh đảm bảo tiêu thụ hết công suất cấp nước năm 2010 là 2.400.000 m3/ngày đêm, có tính đến khả năng nâng công suất cho năm 2020. Xây dựng các tuyến truyền dẫn để nối các nguồn phát nước từ các nhà máy trên địa bàn thành phố nhằm hỗ trợ lẫn nhau và phát huy được hiệu quả cấp nước cao nhất. Hoàn thiện công tác xây dựng mạng lưới phân phối để tiếp nhận nước từ nhà máy nước sông Sài Gòn để cấp cho khu vực phía Tây, Tây Nam thành phố.
Theo điều kiện kỹ thuật cụ thể, chia mạng lưới phân phối thành một số mạng độc lập do các xí nghiệp quản lý; các xí nghiệp chịu trách nhiệm điều hành, duy tu, bảo dưỡng, kinh doanh và lập kế hoạch phát triển mạng lưới tiêu thụ trên địa bàn của mình.
e) Cấp nước nông thôn :
Xây dựng nhà máy nước ngầm tại Củ Chi để cấp cho huyện lỵ Củ Chi và các khu dân cư lân cận. Xây dựng các tuyến ống truyền dẫn và trạm tăng áp để cấp nước cho huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Tiến hành thăm dò khảo sát các nguồn nước mặt và nước dưới đất, kết hợp chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 237/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 1998 và các chương trình khác, đảm bảo đến năm 2010 có 85% dân nông thôn được cấp nước sạch.
g) Quy hoạch đầu tư đến năm 2010 :
- Hoàn thiện công tác cải tạo nhà máy nước Thủ Đức của dự án ADB để nâng công suất lên 750.000 m3/ngày đêm.
- Xây dựng nhà máy nước sông Sài Gòn giai đoạn I công suất 300.000 m3/ngày đêm.
- Xây dựng nhà máy nước BOT Lyonnaise Des Eaux tại Thủ Đức công suất 300.000 m3/ngày đêm.
- Xây dựng nhà máy nước ngầm Gò Vấp công suất 10.000 m3/ngày đêm.
- Xây dựng nhà máy nước ngầm Bình Hưng công suất 15.000 m3/ngày đêm.
- Nâng công suất nhà máy nước ngầm Hóc Môn thêm 35.000 m3/ngày đêm.
- Xây dựng nhà máy nước sông Sài Gòn giai đoạn II công suất 300.000 m3/ngày đêm.
- Nâng công suất nhà máy nước Thủ Đức thêm 300.000 m3/ngày đêm.
- Xây dựng và mở rộng nhà máy nước ngầm Củ Chi, các trạm cấp nước tập trung tại Tân Phú Trung, Tân Quy; đồng thời xây dựng các trạm nước nhỏ theo chương trình cấp nước nông thôn, đảm bảo đến năm 2010 có tổng công suất của khu vực ngoại thành là 200.000 m3/ngày đêm.
- Xây dựng các tuyến ống truyền dẫn để đưa nước từ các nhà máy nước Thủ Đức, sông Sài Gòn về thành phố, tuyến ống bao theo quốc lộ 1 để nối hai nhà máy này, hoàn thiện xây dựng mạng cấp I và mạng phân phối cho các khu vực phía Đông, Tây và Tây Nam thành phố. Xây dựng tuyến ống truyền dẫn và các trạm tăng áp để cấp nước cho huyện Nhà Bè và Cần Giờ.
- Xây dựng Trung tâm điều khiển để kiểm soát hệ thống cấp nước của thành phố.
Thực hiện chương trình chống thất thoát, thất thu tiền nước, phục hồi các tuyến ống nước thô Hoá An - Thủ Đức, tiến hành công tác tách mạng, lắp đặt đồng hồ cho 100% hộ tiêu thụ.
4. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn :
Tổng mức đầu tư để thực hiện Quy hoạch cấp nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 khoảng 15.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).
Nguồn vốn : Huy động nguồn vốn của Công ty Cấp nước thành phố Hồ Chí Minh, vốn vay, vốn ODA, huy động đầu tư theo hình thức BOT trong nước, ngân sách nhà nước và vốn trong dân.
5. Biện pháp thực hiện :
- Phương thức huy động nguồn lực : Thực hiện theo Định hướng phát triển cấp nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước nhằm bảo vệ an toàn nguồn nước dưới đất và nước mặt của thành phố; nghiêm cấm và có biện pháp xử lý các trường hợp khai thác nước khi không được phép của cơ quan quản lý nguồn nước.
- Cải tiến tổ chức, nâng cao năng lực của Công ty Cấp nước thành phố để điều hành sản xuất và kinh doanh có hiệu quả.
- Thực hiện giá bán nước theo nguyên tắc : Giá nước phải đảm bảo chi phí và hoàn trả vốn vay; tạo điều kiện để Công ty Cấp nước có thể tự chủ về tài chính.
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt.
Điều 2. Phân công thực hiện :
- ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai kế hoạch đầu tư phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố, thực hiện có hiệu quả chương trình đầu tư theo quy hoạch hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh.
- Bộ Xây dựng có nhiệm vụ xem xét, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cấp nước phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; hướng dẫn lập dự án xây dựng các công trình cấp nước và công tác quản lý, nghiệp vụ kỹ thuật cấp nước.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quản lý trữ lượng nguồn nước mặt và nước dưới đất, khảo sát lập quy hoạch nguồn nước, lập kế hoạch bổ sung nguồn nước cho sông Đồng Nai và sông Sài Gòn nhằm đáp ứng nhu cầu của thành phố trong giai đoạn tới.
- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ an toàn nguồn nước của thành phố; kiểm tra chất lượng nước theo quy định hiện hành.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thống nhất cơ chế, chính sách đầu tư và huy động nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Bộ trưởng các Bộ : Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Y tế; Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.