Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về cơ chế thực hiện thỏa thuận hoán đổi ASEAN

 

THỦ NG CHÍNH PH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước ngày 12 tháng 12 năm 1997;

Căn cứ Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ngày 20 tháng 8năm 1998;

Căn cứ Bản ghi nhớ về Thỏa thuận hoán đồi ASEAN,

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

 

QUYẾT ĐNH:

Điều 1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là một Bên tham gia ký kết Bản ghi nhớ về Thỏa thuận hoán đổi ASEAN.

Điều 2. Khi Việt Nam nhận được yêu cầu vay theo Thỏa thuận hoán đổi ASEAN, Thống đốc Ngân hàng- Nhà nước Việt Nam được phép:

1. Quyết định việc tham gia cho vay toàn bộ hoặc cho vay một phần hay không thàm gia cho vay của Việt Nam đối với từng giao dịch hoán đổi theo các quy định của Bản ghi nhớ về Thỏa thuận hoán đổi ASEAN.

2. Quyết định số tiền, loại ngoại tệ cho vay đối với từng giao dịch hoán đổi và việc gia hạn giao dịch hoán đổi khi có yêu cầu.

3. Sử dụng tiền từ dự trữ ngoại hối nhà nước để thực hiện việc cho vay, tổng số tiền cho vay không vượt quá 60 triệu USD (mức tối đa Việt Nam cam kết tham gia. Thỏa thuận hoán đổi ASEAN).

Điều 3.

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thương mại về khoản cho vay của Việt Nam ngay sau khi giải ngân.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình, phát hiện kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thỏa thuận hoán đổi ASEAN để báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý.

Điều 4. Khi đến hạn thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận lại số tiền gốc và lãi của khoản ngoại tệ của Việt Nam đã cho vay, chuyển vào dự trù ngoại hối nhà nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thương mại về toàn bộ giao dịch cho vay của Việt Nam theo Thỏa thuận hoán đổi ASEAN.

Điều 5. Khi Việt Nam có nhu cầu vay theo Thỏa thuận hoán đổi ASEAN:

1. Nguyên tắc vay:

Chính phủ vay ngoại tệ từ Thỏa thuận hoán đổi ASEAN để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

a) Việt Nam chỉ vay theo Thỏa thuận hoán đổi ASEAN khi cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt trầm trọng, nền kinh tế lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán quốc tế, hoặc trong các trường hợp khẩn cấp khác.

b) Việt Nam chỉ vay khi dự kiến được khả năng trả nợ.

2. Mục đích vay và nguồn trả nợ:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trả nợ gốc và lãi của khoản vay từ dự trữ ngoại hối nhà nước và cân đối nguồn tiền VNĐ tương ứng từ tiền phát hành trong kế hoạch năm hoặc trong kế hoạch phát hành tiền cung ứng bổ sung khi được phê duyệt.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án vay của Việt Nam theo Thỏa thuận hoán đổi ASEAN. Phương án vay của Việt Nam bao gồm tổng số tiền vay, thời hạn vay, kế hoạch sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ vay.

4. Trên cơ sở phương án vay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các thủ tục nhận tiền vay và thực hiện việc mở tài khoản VND cho từng nước cho vay và ghi Có số tiền VND trên sổ sách cho các tài khoản nói trên tương ứng với số ngoại tệ Việt Nam được vay. Khi nhận được tiền vay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ghi Có Quỹ Dự trữ ngoại tệ Nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thương mại và sử dụng số tiền vay theo kế hoạch đã phê duyệt.

5. Sau khi hoàn tất toàn bộ giao dịch vay và trả nợ của Việt Nam theo Thỏa thuận hoán đổi ASEAN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thương mại.

Điều 6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức hạch toán kế toán các nghiệp vụ, giao dịch liên quan đến Thỏa thuận hoán đổi ASEAN của Việt Nam theo các quy định của pháp luật hiện hành. Tiền lãi bằng ngoại tệ thu được khi Việt Nam cho vay và tiền lãi phải trả khi Việt Nam là nước đi vay và các chi phí phát sinh được hạch toán vào thu nhập và chi phí nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 7. Khi đến lượt hoặc có yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiệm vụ là Ngân hàng đại lý theo quy định của Bản ghi nhớ về Thỏa thuận hoán đổi ASEAN.

Điều 8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng cơ chế điều hành nội bộ trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện nhanh chóng và an toàn các nghiệp vụ được quy định trong Bản ghi nhớ về Thỏa thuận hoán đổi ASEAN.

Điều 9. Mọi thông tin, dữ liệu hoặc tài liệu liên quan đến Bản ghi nhớ về Thỏa thuận hoán đổi ASEAN; các giao dịch vay và cho vay của Việt Nam theo Thỏa thuận hoán đổi ASEAN được bảo quản theo chế độ Mật.

Điều 10. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện Quyết định này./.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải