Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thành lập tổ công tác liên ngành xử lý các vướng mắc và kiến nghị

của doanh nghiệp về thủ tục hành chính

________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Để giúp Thủ tướng Chính phủ tiếp nhận và xử lý những vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Tổ công tác liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp nhận và xử lý những vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp về các thủ tục hành chính tại các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (dưới đây gọi tắt là Tổ liên ngành).

Điều 2. Tổ liên ngành có các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1. Tổ chức việc rà soát những thủ tục hành chính về các lĩnh vực: mặt bằng kinh doanh, thuế, hải quan, hàng hóa xuất nhập khẩu, phân bổ hạn ngạch, lưu thông hàng hóa trong nước và các quy định khác, phát hiện và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những thủ tục mà các cơ quan quản lý, cán bộ công chức nhà nước các cấp còn tuỳ tiện đặt thêm, đang gây khó khăn, hạn chế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tổ có nhiệm vụ đôn đốc, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị và những vướng mắc đó.

2. Nghiên cứu, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành hoặc ban hành mới các quy định phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu hội nhập quốc tế.

3. Thực hiện các công việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao hoặc do lãnh đạo các cơ quan tham gia Tổ liên ngành đề nghị.

Tổ liên ngành được quyền chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp thuộc địa bàn công tác và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Điều 3. Tổ liên ngành do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ làm Tổ phó và gồm các thành viên là 1 cán bộ cấp vụ thuộc các cơ quan sau đây:

1. Bộ Tài chính,

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường,

4. Bộ Thương mại,

5. Văn phòng Chính phủ,

6. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ban Pháp chế),

7. Một thành viên là lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có tên tại Điều 1 tham gia Tổ liên ngành (khi giải quyết các vướng mắc, kiến nghị tại địa phương).

Mỗi cơ quan nói trên được cử chuyên viên trực tiếp xử lý công việc tham gia nhóm chuyên viên thường trực của Tổ liên ngành, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổ phó Tổ liên ngành.

Điều 4. Kế hoạch làm việc của Tổ liên ngành do Tổ trưởng quyết định và có sự phân công cụ thể. Tổ liên ngành được sử dụng con dấu của Văn phòng Chính phủ để phục vụ công tác.

Kinh phí, phương tiện cho hoạt động của Tổ do Văn phòng Chính phủ bảo đảm và được bổ sung từ ngân sách nhà nước. Tổ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả hoạt động định kỳ hàng quý.

Thời hạn công tác của Tổ liên ngành từ ngày Quyết định này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2005.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Chủ tịch ủy ban nhân dân các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Thủ tướng Chính phủ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải