Sign In

SẮC LỆNH

Số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận,

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ 1: Cách tổ chức các toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ấn định như sau này:

Chương thứ nhất

TỔ CHỨC CÁC TOÀ ÁN

TIẾT THỨ NHẤT: BAN TƯ PHÁP XÃ

Điều thứ 2: Ở mỗi xã, ban thường vụ của Uỷ ban hành chính cấp xã, gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký (theo Điều số 75 Sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 tổ chức chính quyền nhân dân) sẽ kiêm cả việc tư pháp.

Cả ba uỷ viên trong ban tư pháp ấy đều có quyền quyết nghị. Thư ký giữ công việc lục sự: lưu giữ công văn, làm các giấy tờ, biên bản.

Khi một trong ba uỷ viên vắng mặt, Chủ tịch sẽ lấy một nhân viên khác ở Uỷ ban hành chính vào thay.

Mỗi tuần lễ, ban tư pháp phải họp ít nhất là một lần, họp công khai ở trụ sở của Uỷ ban.

Điều thứ 3: Ban tư pháp xã có quyền:

1- Hoà giải tất cả các việc dân sự và thương sự.

Nếu hoà giải được, ban tư pháp có thể lập biên bản hoà giải có các uỷ viên và những người đương sự ký.

2- Phạt các việc vi cảnh, những chỉ có quyền phạt tiền từ năm hào đến sáu đồng bạc.

Các tiền phạt sẽ do thủ quỹ nhận và phát biên lai. Tiền phạt sẽ bỏ vào quỹ làng tiêu dùng.

Nếu người phạm tội không chịu nộp phạt, thì ban tư pháp lập biên bản đệ lên Toà án sơ cấp xét xử.

3- Thi hành những mệnh lệnh của các thẩm phán cấp trên.

Điều thứ 4: Ban tư pháp xã không có quyền tịch thu tài sản của ai. Cũng không có quyền bắt bớ, giam giữ ai trừ khi có trát nã của một thẩm phán, hay khi thấy người phạm tội quả tang.

Điều thứ 5: Khi bắt người trong hai trường hợp kể trên, ban Tư pháp phải lập biên bản hỏi cung, và giải bị can lên ngay Toà án trên, trong hạn 24 giờ là cùng.

Điều thứ 6: Nếu cần, ban tư pháp có thể khám xét nhà các tư nhân, để thu giữ tang vật, song phải lập biên bản minh bạch và không được xâm phạm đến các đồ vật khác. Các tang vật thu giữ phải bao gói cẩn thận và niêm phong rồi đệ ngay lên Toà án trên.

TIẾT THỨ NHÌ: TOÀ ÁN SƠ CẤP (Ở CÁC QUẬN)

Điều thứ 7: Ở mỗi quận (phủ, huyện, châu) có một Toà án sơ cấp, quản hạt là địa hạt quận.

Nếu cần, một Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể thay đổi quản hạt được.

Điều thứ 8: Tuỳ theo sự quan trọng, các Toà án sơ cấp sẽ chia ra làm bốn hạng do Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều thứ 9: Toà án sơ cấp gồm có: một Thẩm phán, một Lục sự và một hay nhiều Thư ký giúp việc.

Điều thứ 10: Mỗi tuần lễ, ít ra phải có hai phiên toà công khai: một phiên hộ và một phiên hình. Tại phiên toà, Thẩm phán xét xử một mình, lục sự giữ bút ký, lập biên bản án từ.

Thẩm phán sơ cấp có thể ngày nào cũng xử kiện, dù là ngày chủ nhật hay là ngày lễ cũng được. Lại có thể, nếu cần đến, mở phiên toà ngoài trụ sở ngoài toà án, ở các nơi xa cách Toà.

Điều thứ 11: Ở các thành phố và thị xã, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đặt Toà án sơ cấp tổ chức theo các nguyên tắc nói trên.

TIẾT THỨ BA: TOÀ ÁN ĐỆ NHỊ CẤP (Ở CÁC TỈNH)

MỤC A: CÁCH TỔ CHỨC

Điều thứ 12: Ở mỗi tỉnh và ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, và Sài Gòn - Chợ Lớn, có một toà án đệ nhị cấp. Quản hạt của Toà này theo giới hạn của địa hạt tỉnh hay thành phố. Nếu cần, một nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể thay đổi quản hạt được.

Điều thứ 13: Tuỳ theo sự quan trọng, các Toà án đệ nhị cấp sẽ chia ra làm bốn hạng do nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều thứ 14: Ngoài các thành phố kể trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đặt thêm Toà án đệ nhị cấp ở các thành phố khác.

Điều thứ 15: Toà án đệ nhị cấp gồm có:

Một Chánh án, một Biện ký, một Dự thẩm.

Một Chánh Lục sự và những Thư ký giúp việc.

Tuỳ nơi nhiều việc hay ít việc, có thể tăng thêm số Thẩm phán và Lục sự, hay để một Thẩm phán kiêm nhiều chức vụ.

Điều thứ 16: Mỗi tuần lễ, ít ra cũng phải có hai phiên họp công khai: một phiên hộ và một phiên hình.

Tại phiên toà, Chánh án ngồi xử, Biện lý ngồi ghế công tố viện, Chánh lục sự hay Lục sự ngồi ghế Lục sự.

MỤC B: XỬ VIỆC TIỂU HÌNH

Điều thứ 17: Về dân sự và thương sự, Chánh án xử một mình. Những khi xử các việc tiểu hình, phải có thêm hai viên Phụ thẩm Nhân dân góp ý kiến.

Điều thứ 18: Cách thức lập danh sách các Phụ thẩm:

Danh sách các Phụ thẩm nhân dân, do Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố lập vào hồi đầu năm, gồm tất cả các hội viên chính thức và dự khuyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hay thành phố, trừ các uỷ viên hành chính và các hội viên nào làm thẩm phán hay luật sư; và nếu cần, sẽ thêm từ 10 đến 30 Phụ thẩm nữa do Uỷ ban hành chính chọn trong những người ở tỉnh hay thành phố mà có đủ điều kiện để được ứng cử vào Hội đồng nhân dân.

Danh sách số Phụ thẩm thêm này phải tư sang ông Biện lý để hỏi ý kiến rồi đệ lên Hội đồng nhân dân tỉnh hay thành phố duyệt y.

Điều thứ 19: Hai Phụ thẩm dự phiên toà sẽ chọn theo cách rút thăm.

Điều thứ 20: Không thể cùng làm Phụ thẩm trong một Toà án:

1- Các người thân thuộc hay thích thuộc với nhau cho đến bậc thứ ba.

2- Các người thân thuộc hay thích thuộc với các Thẩm phán hoặc với các người đương sự cho đến bậc thứ ba.

Điều thứ 21: Không ai có thể làm Phụ thẩm trong một việc mà mình là người đương sự, hoặc đã điều tra, hoặc đã làm chứng hay làm giám định.

Điều thứ 22: Hôm phiên toà, hai Phụ thẩm đã chọn bắt buộc phải đến dự. Người nào vắng mặt, nếu không có duyên cớ chính đáng, sẽ bị phạt lần đầu từ 20 đồng đến 50 đồng; lần thứ nhì thì từ 50 đồng đến 100 đồng; lần thứ ba từ 100 đồng đến 200 đồng; ngoài ra lại có thể mất chức Phụ thẩm.

Án phạt sẽ do ông Chánh án tuyên công khai.

Điều thứ 23: Các Phụ thẩm có thể xin hồi tị với ông Chánh án, nếu có lý do chính đáng. Ông Chánh án có toàn quyền quyết định việc có nên cho hồi tị hay không.

Điều thứ 24: Các Phụ thẩm nhân dân có bổn phận là lấy trí sáng suốt và lương tâm ngay thẳng ra xét mọi việc rồi phát biểu ý kiến một cách công bằng không vị nể, vì sợ một thế lực nào, vì riêng hay tư thù, mà bênh vực hay làm hại ai.

Các Phụ thẩm nhân dân phải giữ kín các điều bàn bạc trong lúc nghị án. Nếu tiết lộ bí mật ấy ra sẽ bị Toà Thượng thẩm phạt từ sáu tháng đến hai năm tù.

Điều thứ 25: Khi các Phụ thẩm nhậm chức, tại phiên toà đầu, ông Chánh án sẽ đọc Điều thứ 22 nói trên, rồi mời các Phụ thẩm tuyên thệ rằng:

"Tôi thề trước Công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi, vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc.

"Tôi thề sẽ không bao giờ tiết lộ ra ngoài những điều bàn bạc trong lúc nghị án".

Điều thứ 26: Các Phụ thẩm không được xem hồ sơ trước khi phiên toà. Nhưng trong phiên toà có quyền yêu cầu ông Chánh án hỏi thêm các bị can và cho biết giấy tờ ở hồ sơ.

Điều thứ 27: Ông Chánh án phải hỏi ý kiến các Phụ thẩm về tội trạng các phạm nhân và về hình phạt, rồi tự mình quyết định.

Nhưng về thủ tục, tạm tha và các vấn đề khác liên can đến hộ hay thương mại, ông Chánh án không phải hỏi ý kiến các Phụ thẩm.

MỤC C: XỬ VIỆC ĐẠI HÌNH

Điều thứ 28: Khi xử các việc đại hình, Toà đệ nhị cấp gồm có năm vị cùng ngồi xử và đều có quyền quyết nghị:

1- Chánh án Toà đệ nhị cấp ghế Chánh án.

2- Hai Thẩm phán làm Phụ thẩm chuyên môn, chọn trong các Thẩm phán đệ nhị cấp hay sơ cấp trong quản hạt, do ông Chánh nhất Toà Thượng thẩm chỉ định mỗi năm một lần.

Tuy nhiên trong năm, ông Chánh nhất có thể quyết định thay đổi hai vị Phụ thẩm chuyên môn.

3- Hai Phụ thẩm nhân dân rút thăm ở danh sách định trong điều thứ 18.

Ông biện lý ngồi ghế công tố viên và Chánh Lục sự ngồi ghế Lục sự.

Điều thứ 29: Các phiên xử đại hình không được trùng với các phiên tiểu hình.

Điều thứ 30: Các Điều thứ 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 nói trên đều áp dụng với các Phụ thẩm nhân dân xử việc đại hình.

Điều thứ 31: Sau khi nghe các bị can, các người chứng, cáo trạng của ông Biện lý, và sau cùng nghe lời cãi của các bị can, ông Chánh án, hai Thẩm phán và hai Phụ thẩm nhân dân lui vào phòng nghị xử để cùng xét xử về tất cả các vấn đề thuộc về tội trạng, hình phạt trường hợp tăng tội, và trường hợp giảm tội.

Nghị án song, Toà lại họp và ông Chánh án tuyên đọc công khai bản án.

Điều thứ 32: Những vấn đề bàn trong phòng nghị xử giải quyết theo đa số. Một người không biểu quyết sẽ coi như là có ý kiến lợi cho bị can.

Điều thứ 33: Về các vấn đề liên can đến thủ tục, tạm tha, đòi bồi thường, việc hộ và thương mại, ông Chánh án và hai Thẩm phán chuyên môn quyết định lấy, các Phụ thẩm nhân dân không tham dự.

Điều thứ 34: Toà đại hình xử sơ thẩm. Ông Biện lý, bị can và nguyên đơn có quyền chống án lên Toà Thượng thẩm.

TIẾT THỨ TƯ :TOÀ THƯỢNG THẨM

MỤC A :CÁC TỔ CHỨC

Điều thứ 35: Ở mỗi Kỳ có một Toà Thượng thẩm.

Toà Thượng thẩm Bắc Kỳ đặt ở Hà Nội.

Toà Thượng thẩm Trung kỳ đặt ở Thuận Hoá (Huế).

Toà Thượng thẩm Nam kỳ đặt ở Sài Gòn.

Điều thứ 36: Mỗi Toà Thượng thẩm gồm có:

Một Chánh nhất.

Các Chánh án phòng.

Các Hội thẩm.

Một Chưởng lý.

Một hay nhiều Phó Chưởng lý.

Những Tham lý.

Một Chánh Lục sự.

Các Lục sự.

Những Tham tá và Thư ký.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ ấn định cách tổ chức các Toà Thượng thẩm và số các Chánh án, Hội thẩm, Phó Chưởng lý, Tham lý và Lục sự ở mỗi Toà.

Điều thứ 37: Tại phiên toà, ngồi xử sẽ có Chánh nhất hay một Chánh án phòng chủ toạ, và hai Hội thẩm. Chưởng lý, Phó Chưởng lý hay Tham lý, ngồi ghế công tố viên. Chánh Lục sự hay Lục sự ngồi ghế Lục sự.

MỤC B: XỬ CÁC VIỆC HÌNH

Điều thứ 38: Khi phúc lại các án tiểu hình và đại hình, ngoài ông Chánh án và hai Hội thẩm, phải có thêm hai Phụ thẩm nhân dân có quyền quyết nghị, và chọn bằng cách rút thăm trong danh sách nói ở Điều số 39 sau này.

Điều thứ 39: Danh sách các Phụ thẩm nhân dân tại Toà Thượng thẩm có từ 50 đến 100 người chọn trong nhân dân Kỳ, và sẽ do Uỷ ban hành chính Kỳ lập vào hội đầu năm sau khi hỏi ý kiến ông Chưởng lý.

Điều thứ 40: Các Điều thứ 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 nói trên đều áp dụng với các Phụ thẩm nhân dân ở Toà Thượng thẩm.

Điều thứ 41: Sau khi nghe các bị can, các người chứng, cáo trạng của ông Chưởng lý, và sau cùng, nghe lời cãi của các bị can, ông Chánh án, hai Hội thẩm và hai Phụ thẩm nhân dân lui vào phòng nghị xử đề cùng quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc về tội trạng, hình phạt, trường hợp tăng tội và trường hợp giảm tội.

Nghị án xong, Toà lại họp và ông Chánh án tuyên đọc công khai bản án.

Điều thứ 42: Điều thứ 32 cũng áp dụng ở Toà Thượng thẩm.

Điều thứ 43: Về các vấn đề liên can đến thủ tục, tạm tha, đòi bồi thường, việc hộ và thương mại, ông Chánh án và hai Hội thẩm quyết nghị lấy các Phụ thẩm nhân dân không tham dự.

Điều thứ 44: Trong việc đại hình, nếu trước Toà Thượng thẩm một bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án sẽ cử một Luật sự để bào chữa cho hắn.

TIẾT THỨ NĂM :ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều thứ 45: Các Toà án tổ chức trong Sắc lệnh này sẽ do nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thiết lập dần dần ở các nơi, tuỳ điều kiện thuận tiện.

Điều thứ 46: Các Luật sư có quyền biện hộ trước tất cả các Toà án trữ những Toà sơ cấp.

Điều thứ 47: Toà án Tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính.

Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp.

Chương thứ hai :

TỔ CHỨC CÁC NGẠCH THẨM PHÁN

TIẾT THỨ NHẤT: NGẠCH THẨM PHÁN

MỤC A :- CÁC NGẠCH THẨM PHÁN

Điều thứ 48: Sẽ đặt hai ngạch Thẩm phán: ngạch Sơ cấp và ngạch đệ nhị cấp.

Thẩm phán Sơ cấp làm việc ở toà Sơ cấp. Thẩm phán Đệ nhị cấp làm việc ở các toà Đệ nhị cấp và toà Thượng thẩm.

Điều thứ 49: Các Thẩm phán Đệ nhị cấp chia ra làm hai chức vị: các Thẩm phán xử án do ông Chánh nhất toà Thượng thẩm đứng đầu, và các Thẩm phán của Công tố viên (Thẩm phán buộc tội) do ông Chưởng lý đứng đầu.

Điều thứ 50: Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án.

Điều thứ 51: Trong quản hạt một toà Thượng thẩm thì tất cả các Thẩm phán buộc tội họp thành một đoàn thể độc lập đối với các Thẩm phán xử án, và duy nhất, đặt dưới quyền ông Chưởng lý.

Ông Chưởng lý hoàn toàn giữ quyền truy tố và hành động; các Thẩm phán trong Công tố viên coi như được uỷ quyền hành động của ông Chưởng lý. Một Thẩm phán buộc tội sau khi đệ bản kết luận viết theo lệnh trên có thể kết luận miệng theo ý riêng của mình.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể ra lệnh cho ông Chưởng lý phải hành động hay không được hành động, nhưng không có quyền thế vào ông Chưởng lý mà hành động.

MỤC B: CÁC PHẨM TRẬT TRONG NGẠCH THẨM PHÁN

Điều thứ 52: Các phẩm trật trong các ngạch Thẩm phán ấn định theo bảng sau này:

I- NGẠCH THẨM PHÁN ĐỆ NHỊ CẤP

Hạng

Thẩm phán xử án

Thẩm phán buộc tội

Nhất

Chánh nhất Toà Thượng thẩm

Chưởng lý Toà Thượng thẩm

Hai

Bậc nhất

Chánh án phòng Toà Thượng thẩm

Bậc nhì

Chánh án Toà Đệ nhị cấp Hà Nội,

Hải Phòng, Sài Gòn.

Bậc nhất

Phó Chưởng lý Toà Thượng thẩm

Bậc nhì

Biện lý Toà Đệ nhị cấp Hà Nội

Hải Phòng, Sài Gòn.

Ba

Hội thẩm Toà Thượng thẩm.

Thẩm lý Toà Thượng thẩm.

Bốn

Chánh án Toà Đệ nhị cấp hạng

nhất.

Dự thẩm và Thẩm phán các Toà Đệ nhị cấp Hà Nội, Hải Phòng Sài

Gòn.

Biện lý Toà Đệ nhị cấp hạng nhất.

Phó Biện lý các Toà Đệ nhị cấp Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn.

Năm

Chánh án Toà Đệ nhị cấp hạng nhì.

Dự thẩm và Thẩm phán Toà Đệ nhị cấp hạng nhất.

Biện lý Toà đệ nhị cấp hạng nhì.

Phó Biện lý Toà Đệ nhị cấp hạng nhất.

Sáu

Chánh án Toà Đệ nhị cấp hạng ba và hạng tư.

Dự thẩm Toà Đệ nhị cấp hạng nhì.

Biện lý Toà Đệ nhị cấp hạng ba và hạng tư.

Bảy

Thẩm phán dự khuyết.

Dự thẩm Toà Đệ nhị cấp hạng ba và hạng tư.

Thẩm phán tập sự.

Tham lý Toà Đệ nhị cấp.

II- NGẠCH THẨM PHÁN SƠ CẤP

Hạng

Chức việc

Hạng ngoại

Nhất

Nhì

Ba

Năm

Chánh Toà Sơ cấp các thành phố to

Chánh Toà sơ cấp hạng nhất.

Chánh Toà sơ cấp hạng nhì.

Chánh Toà sơ cấp hạng ba.

Chánh Toà sơ cấp hạng tư.

Thẩm phán tập sự.

TIẾT THỨ NHÌ: TUYỂN BỐ CÁC THẨM PHÁN

MỤC A :- CÁCH TUYỂN BỔ VỀ SAU NÀY

Điều thứ 53: Vào ngạch Thẩm phán, phải đủ ba điều kiện chung:

1- Có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt đàn ông, đàn bà.

2- Hạnh kiểm tốt.

3- Chưa can án bao giờ.

Điều thứ 54: Vào ngạch Thẩm phán Sơ cấp (hạng năm) phải ít nhất 21 tuổi, có bằng Tú tài, và trúng tuyển một kỳ thi.

Các người có bằng Luật khoa Tú tài (tức là có hai phần cử nhân) có thể bổ thẳng vào hạng ba không phải thi. Nếu có Luật khoa Cử nhân, thì có thể bổ thẳng vào hạng nhất.

Điều thứ 55: Vào ngạch Thẩm phán đệ nhị cấp (hạng bẩy), phải ít nhất 24 tuổi, có bằng Luật khoa cử nhất, và trúng tuyển một kỳ thi.

Những Thẩm phán Sơ cấp hạng nhất, tuy không có bằng Cử nhân luật, cũng có thể dự kỳ thi để lên ngạch Thẩm phán đệ nhị cấp; song chỉ tuyển những người ấy vào một phần năm số khuyết.

Điều thứ 56: Một Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp cử sẽ xét hạnh kiểm và năng lực các người xin làm Thẩm phán.

Danh sách các người được ứng thi hay được bổ dụng thẳng sẽ do bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định theo lời đề nghị của Hội đồng.

Điều thứ 57: Các Thẩm phán đệ nhị cấp sẽ do một Sắc lệnh của vị Chủ tịch nước Việt Nam bổ nhiệm, còn các Thẩm phán Sơ cấp sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

MỤC B: -CÁCH TUYỂN BỔ TẠM THỜI

Điều thứ 58: Tạm thời, cách tuyển bổ các Thẩm phán định như sau này:

Điều thứ 59: Có thể bổ dụng làm Thẩm phán Sơ cấp, nhưng phải đủ điều kiện chung nói trong điều thứ 53 trên đây, và phải ít nhất 21 tuổi:

1- Các người tốt nghiệp năm thứ nhất trường Luật, khoa Đại học (một phẩn Cử nhân luật).

2- Các Tham tá lục sự.

3- Các Tham tá thông ngôn ngạch tư pháp.

4- Các quan lại cũ đã từng làm Thẩm phán.

5- Các Lục sự Toà Nam án Đệ nhị cấp cũ.

6- Các Viên chức ngách trung đẳng có bằng Cao đẳng tiểu học mà đã làm chuyên môn về Tư pháp được 5 năm.

7- Các người có bằng tú tài.

8- Các Viên chức ngạch cao đẳng không chuyên môn về tư pháp.

Nếu cần sẽ mở một kỳ thi, hay những lớp huấn luyện chuyên môn để bổ khuyết học vấn của các Thẩm phán ngạch này.

Điều thứ 60: Ngoài các hạng người kể trong Điều thứ 59 trên này, các Thẩm phán sơ cấp sẽ tuyển trong những người đã quá một trường "Tư pháp" do nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức.

Điều thứ 61: Có thể bổ dụng làm Thẩm phán Đệ nhị cấp, nhưng phải ít nhất 21 tuổi, và có đủ điều kiện chung nói trong Điều thứ 53 trên đây:

1- Các người có bằng Luật khoa cử nhân.

2- Các người tốt nghiệp trường Pháp chính (Ecole de Droit et d—administration); trường Cao đẳng cũ (Ecole des Hautes Etudes Indochinoises); hay có bằng Luật học Đông Dương (Certificat d—Etudes Juridiques Indochinoises), mà đã làm việc Nhà nước ít nhất là 5 năm.

3- Các Tham tá lục sự đã làm việc được 5 năm.

4- Các Quan lại cũ có bằng Tú tài mà đã từng làm Thẩm phán trong 5 năm.

5- Các tham tá thông ngôn và các Lục sự toà Nam án Đệ nhị cấp đã làm việc được 10 năm.

Điều thứ 62: Một Hội đồng, gồm có các hội viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp cử sau khi hỏi ý kiến Hội đồng Chính phủ, sẽ xét các đơn xin vào ngạch Thẩm phán, và lập danh sách các người đáng được bổ.

Danh sách ấy sẽ mang ra Hội đồng Chính phủ duyệt y.

Điều thứ 63: Một Hội đồng xét về phương diện chuyên môn, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp cử sau khi hỏi ý kiến Hội đồng Chính phủ, sẽ ấn định phẩm trật và nơi làm việc của các Thẩm phán được bổ dụng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ theo quyết nghị của Hội đồng mà ra nghị định bổ nhiệm.

Điều thứ 64: Các người được tuyển bổ có thể phải qua một thời kỳ tập sự.

Một nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ tổ chức việc tập sự ấy.

MỤC C: BẤT NĂNG KIÊM NHIỆM

Điều thứ 65: Các người thân thuộc, thích thuộc cho đến bậc chú cháu, bác cháu, hay cậu cháu, không thể cùng làm Thẩm phán trong một toà, trừ phi vị Chủ tịch nước Việt Nam cho phép miễn trừ riêng.

Dù có miễn trừ, các người ấy cũng không thể làm cùng một phòng trong Toà Thượng thẩm.

Điều thứ 66: Một Thẩm phán không thể xét xử một việc mà người thay mặt hay Luật sư của người đương sự là thân thuộc hay thích thuộc của mình cho đến bậc thứ ba.

Điều thứ 67: Chức Vụ Thẩm phán không thể kiêm nhiệm được với một nghề nghiệp hay nhiệm vụ công tư nào khác, trừ chức giáo sư trường Đại học hay trường Trung học của Nhà nước.

Điều thứ 68: Các Thẩm phán có thể làm hội viên các Hội đồng nhân dân.

Nhưng nếu được bầu vào một Uỷ ban hành chính, thì phải hoặc từ chối không vào, hoặc từ chức Thẩm phán.

TIẾT THỨ BA: ĐẶC QUYỀN CÁC THẨM PHÁN

MỤC A: THĂNG CHỨC

Điều thứ 69: Thẩm phán ở một hạng chỉ có thể thăng lên hạng ngay ở trên..

Trong ngạch Đệ nhị cấp, các Thẩm phán hạng ba có thể lên ngay bậc nhất trong hạng nhì, và trong hạng nhì, Thẩm phán bậc nhì có thể lên bậc nhất, hoặc lên thẳng hạng nhất.

Điều thứ 70: Muốn được thăng lên trật trên, các Thẩm phán phải ít nhất đã được hai năm thâm niên trong trật hiện tại, và phải được ghi tên vào bảng thăng thưởng.

Điều thứ 71: Cách lập bảng thăng thưởng cho các Thẩm phán Đệ nhị cấp:

Cuối năm, Chánh nhất và Chưởng lý toà Thượng thẩm, mỗi vị trong phạm vị quyền hạn của mình, lập danh sách các Thẩm phán xử án và buộc tội trong quản hạt Toà Thượng thẩm đáng được thăng trật.

Danh sách này sẽ đệ lên một Hội đồng thăng thưởng chung cho cả ba Kỳ mà cách tổ chức sẽ định sau.

Hội đồng thăng thưởng, họp vào cuối năm, sẽ xét danh sách các Thẩm phán được tư thăng và xem cả hồ sơ lý lịch các Thẩm phán đủ điều kiện mà không được tư, rồi lập bảng thăng thưởng theo thứ tự hơn kém.

Vị Chủ tịch nước Việt Nam sẽ căn cứ vào bảng thăng thưởng ấy mà không ra Sắc lệnh thăng bổ.

Điều thứ 72:. Cách lập bảng thăng thưởng cho các Thẩm phán Sơ cấp:

Cuối năm, Chánh án và Biện lý các Toà Đệ nhị cấp lập danh sách các Thẩm phán Sơ cấp trong quản hạt đáng được thăng trật rồi đệ lên Toà Thượng thẩm. Chưởng lý sẽ từ danh sách ấy và các hồ sơ ra một Hội đồng thăng thưởng của Kỳ gồm có:

- Chánh nhất Toà Thượng thẩm Kỳ Chủ tịch

- Chưởng lý Toà thượng thẩm Kỳ Hội viên

- Một vị đại diện cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hội viên

- Một Hội thẩm Toà Thượng thẩm Hội viên

- Hai Chánh án Toà Đệ nhị cấp hạng nhất Hội viên

- Một Biện lý Toà Đệ nhị cấp hạng nhất Hội viên

Hội đồng thăng thưởng sẽ xét danh sách các Thẩm phán được tư thăng, cùng hồ sơ các Thẩm phán đủ điều kiện nhưng không được tư, lập bảng thăng thưởng theo thứ tự hơn kém.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ theo thứ tự bảng ấy mà ra nghị định thăng bổ.

Điều thứ 73: Phàm Thẩm phán nào đã được ghi tên vào bảng mà chưa được thăng ngay thì đến năm sau, lại có quyền được tự nhiên ghi tên vào bảng năm ấy.

Điều thứ 74: Hội đồng thăng thưởng có thể xoá tên đã ghi vào bảng, khi có duyên cớ chính đáng.

MỤC B: ĐẶC QUYỀN TÀI PHÁN

Điều thứ 75: Không ai có thể bắt bớ, giam cầm một Thẩm phán bất cứ vì lẽ gì, nếu không được Bộ trưởng Bộ Tư pháp thoả thuận trước.

Điều thứ 76: Nếu một Thẩm phán can trọng tội hay khinh tội thì Chưởng lý Toà Thượng thẩm tự mình, hay giao cho một Thẩm phán trong Công tố viện, đi điều tra, rồi đệ trình hồ sơ lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp để vị này quyết định có nên hay không nên truy tố.

Nếu nên truy tố, thì Chưởng lý thừa lệnh Bộ trưởng, đưa thẳng viên chức can tội ra trước Toà Thượng thẩm. Toà này sẽ xử chung thẩm.

Điều thứ 77: Phàm các đơn kiện hay cáo giác các Thẩm phán, can trọng tội hay khinh tội, mà do các cơ quan hành chính hay tư pháp nhận được, thì sẽ gửi thẳng lên Chưởng lý Toà Thượng thẩm.

Điều thứ 78: Nếu người phạm tội là Chánh nhất hay Chưởng lý thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp xét có nên truy tố hay không. Nếu phải truy tố thì việc sẽ do một Thẩm phán của Công tố viện Toà Thượng thẩm thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tư pháp đưa ra xử chung thẩm tại Toà Thượng thẩm họp tất cả các phòng.

MỤC C: LƯƠNG BỔNG

Điều thứ 79: Lương bổng các Thẩm phán sẽ do một nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định sau khi thoả hiệp với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

TIẾT THỨ TƯ: NGHĨA VỤ CÁC THẨM PHÁN

MỤC A: NGHĨA VỤ VỀ CHỨC NGHIỆP

Điều thứ 80: Các Thẩm phán không thể lấy cớ gì, ngoài trường hợp cáo tị và hồi tị, mà từ chối không xét xử một việc nào.

Điều thứ 81: Các Thẩm phán không được tự đặt ra luật lệ mà xử đoán.

Điều thứ 82: Các Thẩm phán không thể bào chữa các việc bằng miệng hay bằng giấy nếu không phải việc của mình, việc của vợ con, hay của thân thuộc, thích thuộc về trực hệ của mình, hay của một đứa trẻ vị thành niên mà mình làm giám hộ.

Điều thứ 83: Các Thẩm phán phải làm đầy đủ bổn phận, dự đều các phiên toà, xét xử thật nhanh chóng và thật công minh.

Thanh liêm là một đức tính thiêng liêng của các Thẩm phán Việt Nam ngày nay.

Điều thứ 84: Trong đời tư cũng như đời công, các Thẩm phán phải cư xử đúng mực và biết tự trọng để giữ thanh danh và phẩm cách một vị quan toà.

Điều thứ 85: Các Thẩm phán phải tôn trọng Chính phủ và trung thành với Chính thể dân chu cộng hoà.

MỤC B: NGHĨA VỤ VỀ CƯ SỞ VÀ NGHỈ PHÉP

Điều thứ 86: Các Thẩm phán bắt buộc phải ở nơi có Trụ sở của Toà án mình làm việc.

Điều thứ 87: Các Thẩm phán toà Sơ cấp, và các Thẩm phán toà Đệ nhị cấp (trừ Chánh án và Biện lý) nếu nghỉ dưới một tuần lễ phải xin phép Chánh án và Biện lý Toà Đệ nhị cấp.

Nếu nghỉ trên một tuần lễ và dưới một tháng, thì phải xin phép các ông Chánh nhất hay Chưởng lý Toà Thượng thẩm.

Nếu nghỉ trên một tháng, phải được ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho phép.

Điều thứ 88: Các Chánh án và Biện lý các Toà Đệ nhị cấp, và các Thẩm phán Toà Thượng thẩm (trừ Chánh nhất và Chưởng lý) nếu nghỉ 15 ngày trở xuống thì phải xin phép ông Chánh nhất hay Chưởng lý Toà Thượng thẩm.

Nếu nghỉ trên 15 ngày, phải được ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho phép.

Điều thứ 89: Các Chánh nhất và Chưởng lý Toà Thượng thẩm nghỉ, phải xin phép ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

MỤC C: TUYÊN THỆ

Điều thứ 90: Khi bắt đầu nhậm chức, các Thẩm phán phải tuyên thệ. Về sau, lúc thuyên chuyển, không cần phải tuyên thệ lại. Duy từ toà cấp dưới lên toà cấp trên, phải tuyên thệ lần nữa.

Vị nào được bổ làm Chánh nhất hay Chưởng lý Toà Thưởng thẩm bao giờ cũng tuyên thệ lại.

Điều thứ 91: Các Thẩm phán Toà Thượng thẩm tuyên thệ trước toà ấy họp công khai đủ các phòng do Chánh nhất chủ toạ, Chưởng lý ngồi ghế Công tố viện và Chánh Lục sự giữ bút ký.

Các Thẩm phán Toà Đệ nhị cấp tuyên thệ trước phòng hộ Toà Thượng thẩm.

Các Thẩm phán Sơ cấp tuyên thệ trước Toà Đệ nhị cấp.

Điều thứ 92: Các Thẩm phán Toà Đệ nhị cấp nếu vì xa xôi hay ngăn trở mà không thể đến thề trước Toà Thượng thẩm được, thì có thể viết nhời thề ra giấy gửi về Toà Thượng thẩm. Toà này sẽ xác nhận lời thề ấy và lập biên bản.

Điều thứ 93: Các ông Chánh nhất và Chưởng lý đầu tiên của nước Việt Nam sẽ tuyên thệ trước ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Hai vị này nếu ở xa có thể tuyên thệ bằng thư gửi về ông Bộ trưởng xác nhận.

Các vị Thẩm phán đầu tiên khác của nước Việt Nam trong Toà Thượng thẩm sẽ tuyên thệ trước các ông Chánh nhất và Chưởng lý.

Điều thứ 94: Lời thề của các Thẩm phán:

"Tôi thề sẽ trung thành với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tôi thề sẽ mang hết sức và công tâm ra phụng sự chức vụ của tôi, sẽ giữ khẩn mật những cuộc thẩm nghị, và luôn luôn cử xử cho xứng đáng là một vị Thẩm phán cương trực và đủ tư cách".

TIẾT THỨ NĂM: KỶ LUẬT

Điều thứ 95: Trong quản hạt Toà Đệ nhị cấp, Chánh án và Biện lý kiểm soát các Thẩm phán sơ cấp và cảnh cáo các viên ấy khi họ phạm lỗi.

Điều thứ 96: Trong quản hạt Toà Thượng thẩm, Chánh nhất đối với các Thẩm phán xử án, và Chưởng lý đối với các Thẩm phán buộc tội có quyền kiểm soát và cảnh cáo.

Điều thứ 97: Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền giám sát tất cả các Thẩm phán các ngạch, khiển trách các viên ấy khi họ phạm lỗi, và đòi hỏi đến để chất vấn, về các hành vi của họ.

Điều thứ 98: Khi một Thẩm phán sơ cấp phạm lỗi nặng thuộc về kỷ luật, Chánh án hay Biện lý toà án tỉnh sẽ trình với Chưởng lý Toà Thượng thẩm. Vị này, sau khi nghe viên Thẩm phán phạm lỗi biện bạch, xét có nên truy tố hay không. Nếu cần phải truy tố, thì Chưởng lý làm tờ trình và tư việc ra trước một Hội đồng kỷ luật gồm có:

Chánh nhất Toà Thượng thẩm Chủ tịch

Chưởng lý Toà Thượng thẩm

(hay Phó Chưởng lý thay mặt) Hội viên

Một hội thẩm Toà thượng thẩm Hội viên

Một Chánh án Toà Đệ nhị cấp hạng nhất Hội viên

Một Biện lý Toà Đệ nhị cấp hạng nhất Hội viên

và hai Thẩm phán ngang chức với viên

Thẩm phán bị truy tố Hội viên

Hội đồng, kể cả ông Chưởng lý, sẽ quyết nghị kín, sau khi nghe tờ trình của Chưởng lý và hội viên Thẩm phán bị cáo.

Điều thứ 99: Khi một Thẩm phán Đệ nhị cấp phạm lỗi nặng, Chánh nhất hay Chưởng lý Toà Thượng thẩm, tuỳ theo viên Thẩm phán phạm lỗi thuộc vào ngạch xử án hay buộc tội, sẽ xem xét có nên truy tố hay không.

Nếu việc cần phải truy tố, các vị ấy, sau khi hỏi viên Thẩm phán, làm một tờ trình rồi tư việc ra Hội đồng kỷ luật gồm có tất cả các Thẩm phán xử án và buộc tội trong Toà Thượng thẩm thêm một Chánh án và một Biện lý Toà Đệ nhị cấp do ông Chánh nhất cử ra.

Điều thứ 100: Các ông: Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh nhất, và Chưởng lý Toà Thượng thẩm đều có quyền truy tố một Thẩm phán phạm lỗi ra trước Hội đồng kỷ luật.

Điều thứ 101: Nếu Thẩm phán phạm lỗi lại là Chánh nhất hay Chưởng lý Toà Thượng thẩm, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp nếu xét cần, làm một tờ trình rồi tư việc ra Hội đồng Chính phủ xét xử.

Điều thứ 102: Các Hội đồng kỷ luật nói trên có thể quyết định cách trừng phạt sau này, theo thứ tự nặng, nhẹ:

- 1) Khiển trách không.

- 2) Khiểm trách ghi vào lý lịch.

- 3) Đổi vì kỷ luật.

- 4) Tạm huyền chức và trừ nửa hay cả lương.

- 5) Bắt buộc phải về hưu trí.

- 6) Cách chức.

Điều thứ 103: Hai trừng phạt trên (1 và 2) sẽ do Chưởng lý ra mệnh lệnh thi hành.

Còn bốn trừng phạt dưới (3, 4, 5, và 6) sẽ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra nghị định duyệt y, nếu Thẩm phán phạm lỗi thuộc vào ngạch sơ cấp, hay do vị Chủ tịch nước Việt Nam ra Sắc lệnh duyệt y, nếu Thẩm phán phạm lỗi thuộc ngạch Đệ nhị cấp.

Điều thứ 104: Trước khi duyệt y, vị Chủ tịch hay Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể giao lại việc cho Hội đồng kỷ luật xét lại lần thứ hai. Quyết nghị của Hội đồng lần nay sẽ không thay đổi.

TIẾT THỨ SAU: TẠM QUYỀN, ĐỔI CHỨC VỊ, Y PHỤC

MỤC A: TẠM QUYỀN

Điều thứ 105: Nếu khuyết một chức Thẩm phán dưới một tháng, Chánh nhất hay Chưởng lý Toà Thượng thẩm, mỗi vị trong phạm vi quyền hạn của mình, sẽ ra mệnh lệnh bổ người đi tạm quyền.

Điều thứ 106: Nếu khuyết một chức Thẩm phán trên một tháng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi hỏi ý kiến Đại hội đồng Toà Thượng thẩm (nếu người khuyết là một Thẩm phán đệ nhị cấp) hay hỏi ý kiến Chánh nhất và Chưởng lý (nếu người khuyết là một Thẩm phán sơ cấp) sẽ ra nghị định cử người đi tạm quyền, chọn trong các Thẩm phán bằng trật hay kém trật người khuyết, và thuộc quản hạt Toà Thượng thẩm.

Điều thứ 107: Nếu khuyết chức Chánh nhất hay Chưởng lý Toà Thượng thẩm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra Nghị định bổ người tạm quyền, sau khi hỏi ý kiến Đại Hội đồng Toà Thượng thẩm và Hội đồng Chính phủ.

Điều thứ 108: Trong việc bổ đi tạm quyền, một Thẩm phán sơ cấp có thể tạm thay một Thẩm phán đệ nhị cấp. Một Thẩm phán buộc tội có thể tạm thay một Thẩm phán xử án hay trái lại.

MỤC B: ĐỔI CHỨC VỊ

Điều thứ 109: Một Thẩm phán xử án có thể xin sang chức vị Thẩm phán buộc tội, và trái lại, một Thẩm phán buộc tội có thể sang bên Thẩm phán xử án.

Hội đồng thăng thưởng nói ở Điều thứ 71 trên đây, sẽ xét các đơn xin đổi chức vị. Ngoài trường hợp có đơn xin, Hội đồng còn có thể quyết nghị việc đổi chức vị theo lời đề nghị của một hội viên.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp căn cứ vào quyết nghị của Hội đồng thăng thưởng, sẽ ra nghị định cho đổi chức vị.

MỤC C: Y PHỤC

Điều thứ 110: Y phục các Thẩm phán Toà Thượng thẩm và Toà Đệ nhị cấp sẽ, theo quốc tế, là áo dài đen tay rộng, giải trắng có nếp ở trước ngực, giải đen có lông trắng quàng trên vai bên trái.

Các Thẩm phán sơ cấp không có y phục riêng, nhưng sẽ đeo một dấu hiệu, do nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định.

TIẾT THỨ BẨY: TỔNG LỆ

Điều thứ 111: Các khoản luật lệ trái với Sắc lệnh này đều bãi bỏ.

Điều thứ 112: Các Sắc lệnh, các nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, và của các Uỷ ban nhân dân, bổ dụng các Thẩm phán trước ngày ban hành Sắc lệnh này, đều có tính cách tạm thời.

Điều thứ 113: Sắc lệnh này sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp thi hành tuỳ tiện, và áp dụng dân dần trong nước.

Điều thứ 114: Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu uỷ nhiệm thi hành Sắc lệnh này.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Chủ tịch Chính phủ

(Đã ký)

 

Hồ Chí Minh