NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH
Về việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường
phục vụ phát triển bền vững
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội đại biểu Công đoàn toàn quốc lần thứ IX thông qua ngày 13 tháng 10 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Để đáp ứng các yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu về môi trường tại Nghị quyết Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ IX, thực hiện có hiệu quả vai trò của Công đoàn Việt Nam, thu hút đông đảo công nhân, công chức, viên chức và lao động tham gia bảo vệ môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất ban hành Nghị quyết liên tịch phối hợp hoạt động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững,
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng cao nhận thức cho công nhân, công chức, viên chức và lao động về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi những hành vi, phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, có ý thức sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống văn minh thân thiện với môi trường vì sự phát triển bền vững, công bằng và tiến bộ xã hội.
2. Vận động công nhân, công chức, viên chức và lao động tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng và thực hiện thí điểm nhân rộng mô hình công nhân, công chức, viên chức và lao động tham gia bảo vệ môi trường ở các cấp Công đoàn, đặc biệt chú trọng các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề.
3. Tăng cường sự phối hợp chỉ đạo giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự tham gia của các cấp công đoàn trong hoạt động bảo vệ môi trường, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ công đoàn trong công tác bảo vệ môi trường.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP
1. Xây dựng chương trình lồng ghép về quản lý thống nhất hệ thống an toàn vệ sinh lao động với bảo vệ môi trường trong hệ thống công đoàn.
2. Tổ chức thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên thiên nhiên cho công nhân, công chức, viên chức và lao động cả nước, lồng ghép hoạt động bảo vệ môi trường với phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thống để trang bị các kiến thức, kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ Công đoàn các cấp.
3. Tổ chức biên soạn và cung cấp các tài liệu giáo dục về môi trường phù hợp với công nhân, công chức, viên chức và lao động, lồng ghép nội dung giáo dục về môi trường với nội dung giáo dục về an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm sức khoẻ cho người lao động và các nội dung công tác của Công đoàn nhằm tăng cường hiệu quả công tác giáo dục về môi trường.
4. Xây dựng và thực hiện chương trình hành động "Tăng cường sự tham gia của Công đoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giai đoạn 2005 - 2010" nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
5. Xây dựng các chương trình bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường lao động, khu công nghiệp góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Áp dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và chương trình sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất.
6. Tổ chức thực hiện các công trình nghiên cứu về vai trò của Công đoàn và người lao động trong sự nghiệp bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề môi trường.
7. Tổ chức các chương trình hành động và các hoạt động cụ thể nhân ngày Môi trường thế giới (5/6) và các sự kiện môi trường khác hàng năm trong các cơ sở sản xuất và các cấp công đoàn.
8. Chủ động và tích cực tham gia triển khai các chương trình, dự án thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
1.1. Chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch đến các cấp Công đoàn, công nhân, công chức, viên chức và lao động trong cả nước. Vận động sự tham gia tích cực, đông đảo của công nhân, công chức, viên chức và lao động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
1.2. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở địa phương và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện nội dung bảo vệ môi trường trong các cấp Công đoàn đạt hiệu quả.
1.3. Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua hệ thống thông tin đại chúng của Công đoàn, của Trung ương, địa phương, ngành; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật và công nghệ bảo vệ môi trường cho cán bộ Công đoàn, tuyên truyền viên, cộng tác viên công đoàn các cấp; tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch - vệ sinh môi trường (29/4 - 06/5), Ngày Môi trường thế giới (05/6) hàng năm và các sự kiện môi trường khác.
1.4. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Xanh - Sạch- Đẹp, bảo đảm An toàn vệ sinh lao động" và các hoạt động khác phù hợp với tình hình, điều kiện từng địa phương, đơn vị gắn các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động với các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình toàn khoá của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
1.5. Xây dựng, quản lý và thực hiện tốt mô hình công nhân, công chức, viên chức và lao động bảo vệ môi trường ở các vùng, miền khác nhau. Thường xuyên trao đổi thông tin, tổ chức rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong toàn quốc.
1.6. Chỉ đạo việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường trong hệ thống công đoàn mà nòng cốt là Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, Trạm quan trắc và phân tích môi trường lao động trong mạng lưới các Trạm quan trắc và phân tích môi trường của Nhà nước do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý.
2. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
2.1. Chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ phối hợp với tổ chức Công đoàn các cấp thực hiện tốt nội dung Nghị quyết liên tịch.
2.2. Cung cấp thông tin và phối hợp xây dựng nội dung, tài liệu huấn luyện truyền thông và giáo dục về bảo vệ môi trường.
2.3. Hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia và các nguồn lực khác cho các cấp Công đoàn, công nhân, công chức, viên chức và lao động nhằm bảo đảm yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ môi trường hiện nay.
2.4. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phân bổ kinh phí hàng năm từ ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường để hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với cấp Trung ương
1.1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức triển khai quán triệt Nghị quyết liên tịch cho cán bộ chủ chốt của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
1.2. Hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam họp hai bên đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch. Trên cơ sở kết quả đạt được và căn cứ vào nội dung phối hợp để xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm tiếp theo với nội dung, biện pháp cụ thể, bảo đảm thực hiện các hoạt động đề ra.
1.3. Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Vụ Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối giúp lãnh đạo hai bên trong việc xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm và triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch này.
2. Đối với cấp địa phương
2.1. Các Sở Tài nguyên và Môi trường và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công đoàn ngành Trung ương và các Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn căn cứ nội dung của Nghị quyết liên tịch và kế hoạch thực hiện hàng năm giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, đơn vị mình.
2.2. Các Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công đoàn ngành trung ương và các Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cụ thể hoá nội dung của Nghị quyết liên tịch và hình thức hoạt động phù hợp với các đối tượng công nhân công chức, viên chức và người lao động, đồng thời chủ động phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo triển khai các hoạt động.
2.3. Các Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật, xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động được đề ra trong kế hoạch hàng năm của chương trình phối hợp, đồng thời cùng với các cấp Công đoàn kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả hoạt động thực hiện nội dung của Nghị quyết liên tịch.
2.4. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hội nghị giao ban kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch theo định kỳ một năm một lần và có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết liên tịch về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường; Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc Liên đoàn lao động và cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường các cấp kịp thời phản ánh về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.