• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 02/02/2024
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 01/2024/TT-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 2 tháng 2 năm 2024

THÔNG TƯ

Quy định Định mức cho hoạt động thực hiện đánh giá tác động môi trường chiến lược của quy hoạch

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Môi trường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định định mức cho hoạt động thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định định mức cho hoạt động thực hiện đánh giá môi trường chiến lược thông qua hoạt động lựa chọn nhà thầu của các quy hoạch (bao gồm cả điều chỉnh mục tiêu của quy hoạch) thuộc đối tượng quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường và Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đánh giá môi trường chiến lược đối với các quy hoạch.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

Định mức quy định tại Thông tư này là định mức tối đa để thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Chương II

ĐỊNH MỨC THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

Điều 4. Hoạt động trực tiếp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Xây dựng đề cương và lập dự toán nhiệm vụ thực hiện đánh giá môi trường chiến lược:

a) Thu thập, tổng hợp thông tin, phân tích tài liệu phục vụ cho việc xác định các nội dung thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;

b) Xác định các công việc cần thực hiện trong quá trình đánh giá môi trường chiến lược;

c) Xây dựng đề cương và lập dự toán thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

2. Thực hiện và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược:

a) Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về diễn biến của các thành phần môi trường, các di sản thiên nhiên, các khu vực bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và điều kiện kinh tế - xã hội của vùng quy hoạch và các khu vực lân cận có khả năng bị tác động của quy hoạch;

b) Xác định phạm vi không gian, thời gian được nhận dạng, dự báo để thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (vùng lãnh thổ có khả năng chịu tác động (tiêu cực/tích cực) bởi việc quy hoạch);

c) Đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường;

d) Xác định các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch; phân tích đánh giá lựa chọn các vấn đề môi trường chính của vùng quy hoạch;

đ) Đánh giá, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính và tác động của biến đổi khí hậu đến các vấn đề môi trường chính trong trường hợp không thực hiện quy hoạch;

e) Đánh giá, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện quy hoạch (xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính; tác động của quy hoạch đến biến đổi khí hậu và ngược lại);

g) Đánh giá mục tiêu và phương án quy hoạch, phân tích đề xuất giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính;

h) Nghiên cứu đề xuất định hướng về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch;

i) Đề xuất các giải pháp giảm nhẹ xu hướng tiêu cực, tăng cường xu hướng tích cực của các vấn đề môi trường chính và lập kế hoạch giám sát môi trường;

k) Thành lập bản đồ trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (nếu có);

l) Soạn thảo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và trình nộp cho cơ quan chủ trì lập quy hoạch.

Điều 5. Hoạt động gián tiếp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Lựa chọn nhà thầu gói thầu dịch vụ tư vấn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

2. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham vấn, lấy ý kiến.

3. Quản lý chung.

Điều 6. Định mức cho hoạt động trực tiếp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch

1. Định mức tối đa cho thực hiện đánh giá môi trường chiến lược:

Công thức tính: GĐMC = GĐMC chuẩn x H1 x H2 x H3

Trong đó:

GĐMC là định mức tối đa cho việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục I Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

GĐMC chuẩn là định mức cho việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với địa bàn chuẩn quy mô 5.000 km2 được xác định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này (chưa bao gồm định mức thành lập bản đồ).

H1 là hệ số về quy mô diện tích tự nhiên bao gồm lãnh thổ và lãnh hải của địa bàn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược được xác định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

H2 là hệ số đánh giá mức độ tác động đến môi trường của ngành, lĩnh vực được xác định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được áp dụng hệ số H2=1.

H3 là hệ số khu vực đặc biệt được xác định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này (hệ số H3 chỉ áp dụng đối với báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của các quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng).

2. Định mức quy định tại khoản 1 Điều này được xây dựng trên cơ sở chia theo 04 mức chuyên gia quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được ký hiệu: chuyên gia tư vấn mức 1 (CG1), chuyên gia tư vấn mức 2 (CG2), chuyên gia tư vấn mức 3 (CG3), chuyên gia tư vấn mức 4 (CG4).

3. Định mức thành lập bản đồ trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (nếu có) (bao gồm: các bản đồ hiện trạng, diễn biến các vấn đề môi trường; định hướng các biện pháp công trình xử lý, quan trắc môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu để xác định các vấn đề môi trường có liên quan đến quy hoạch và dự báo xu thế, diễn biến của các vấn đề môi trường chính) không nằm trong Phụ lục I của Thông tư này và được thực hiện theo định mức bản đồ chuyên đề đối với quy hoạch tỉnh chuẩn tại Phụ lục VI Thông tư số 21/2023/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch và các quy định pháp luật khác có liên quan đến công tác xây dựng bản đồ.

Điều 7. Định mức cho các hoạt động gián tiếp trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Các hội nghị, hội thảo, hội đồng trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược bao gồm:

a) Hội đồng xét duyệt đề cương, dự toán thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;

b) Hội thảo tham vấn các bước thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (xác định phạm vi thực hiện, các bên liên quan, mối liên kết giữa quá trình lập quy hoạch và thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; các vấn đề môi trường chính, đánh giá tác động của quy hoạch đến môi trường; giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính);

c) Hội nghị, hội thảo xin ý kiến để hoàn thiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Trên cơ sở các yêu cầu được xác định trong quá trình xây dựng đề cương, cơ quan lập quy hoạch xác định số lượng hội nghị, hội thảo thực hiện đánh giá môi trường chiến lược nhưng không quá 07 lần tổ chức hội nghị, hội thảo.

2. Định mức thù lao tham gia hội thảo tham vấn, chế độ chi hội nghị, hội thảo và công tác phí trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược thực hiện theo quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BTC ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt công bố, điều chỉnh quy hoạch.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Điều khoản chuyển tiếp

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt dự toán trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa lựa chọn nhà thầu tư vấn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược thì căn cứ vào Thông tư này để điều chỉnh dự toán.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ, được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc văn bản thay thế./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Công Thành

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.