THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 04/CP ngày 10/1/1997 của Thủ tướng Chính phủ
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai
Căn cứ vào Nghị định số 04/CP ngày 10/1/1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai;
Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này như sau:
I. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT:
1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai là những hành vi làm trái với quy định về quản lý và sử dụng đất đai, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính về sử dụng đất đai bao gồm:
a. Chủ sử dụng đất đai và những người khác có hành vi vi phạm về sử dụng đất quy định tại Nghị định 04/CP.
b. Tổ chức và cá nhân nước ngoài quy định tại Điều 29 Nghị định 04/CP.
Riêng đối với người có chức vụ, quyền hạn hoặc người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai mà có hành vi vi phạm về quản lý đất đai thì bị xử lý theo quy định tại Điều 26 Nghị định 04/CP.
3. Hình thức xử phạt hành chính đối với người vi phạm những quy định về sử dụng đất là:
a. Phạt cảnh cáo.
b. Phạt bằng tiền.
Ngoài hai hình thức phạt chính nêu tại Điểm 3 này còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung và các biện pháp hành chính khác. Nếu gây thiệt hại còn phải bồi thường.
4. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về sử dụng đất đai thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nếu các hình thức xử lý là phạt tiền thì phải được cộng lại thành mức phạt chung.
5. Phạt cảnh cáo: Được áp dụng đối với người vi phạm nhỏ lần đầu có tình tiết giảm nhẹ và chưa gây thiệt hại.
Người có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt bằng tiền, đồng thời có thể bị áp dụng kèm theo hình thức phạt bổ sung và cũng có thể bị áp dụng các biện pháp hành chính khác nếu Nghị định 04/CP có quy định hình thức phạt và biện pháp khác áp dụng tương ứng đối với hành vi đó.
6. Phạt bằng tiền: Khung phạt bằng tiền quy định từ mức tối thiểu đến mức tối đa, tuỳ từng trường hợp cụ thể để áp dụng cho phù hợp theo những nguyên tắc sau đây:
a. Mức phạt tiền tối thiểu được áp dụng trong các trường hợp người vi phạm có những tình tiết giảm nhẹ như: Vi phạm với diện tích đất nhỏ, ảnh hưởng xấu của vi phạm không lớn, vi phạm lần đầu, thành khẩn sửa chữa, tự nguyện bồi thường thiệt hại, khả năng phục hồi lại đất dễ dàng, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít hiểu biết pháp luật, hành vi gây thiệt hại về giá trị đất không lớn.
b. Mức phạt tiền tối đa được áp dụng trong các trường hợp người vi phạm có tình tiết tăng nặng như: lợi dụng chức quyền, quyền hạn mưu lợi ích riêng, vi phạm với diện tích đất lớn, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, không thành khẩn sửa chữa, không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khả năng phục hồi đất khó khăn, hành vi vi phạm gây thiệt hại về giá trị đất lớn, trốn tránh việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
c. Mức phạt tiền trung bình được áp dụng trong các trường hợp người vi phạm không có hoặc vừa có tình tiết giảm nhẹ và vừa có tình tiết tăng nặng như đã nói ở điểm a và điểm b trên đây.
7. Các biện pháp hành chính khác: Ngoài hai hình thức phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, tuỳ từng trường hợp, người vi phạm còn bị xử lý bằng các biện pháp hành chính khác quy định tại các điều tương ứng của Nghị định 04/CP.
Biện pháp hành chính khác chỉ được áp dụng kèm theo với hình thức phạt chính, không được áp dụng độc lập.
Khi áp dụng các biện pháp hành chính khác phải quy định thời hạn chấp hành, nếu hết thời hạn mà người vi phạm không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
8. Về bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính về quản lý, sử dụng đất đai được tiến hành theo nguyên tắc thoả thuận giữa các bên.
Đối với những thiệt hại đến 1 triệu đồng mà các bên không tự thoả thuận được thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định mức bồi thường, những thiệt hại từ trên 1 triệu đồng được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trường hợp gây thiệt hại cho đất công cộng thì tiền bồi thường thiệt hạn nộp vào Ngân sách Nhà nước.
9. Biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng đất là một biện pháp hành chính buộc người vi phạm phải khôi phục lại tình trạng đất như trước khi vi phạm, trường hợp không cần thiết phải khôi phục lại tình trạng đất thì không buộc phải khôi phục. Ví dụ: Lấn chiếm đất thùng vũng, nếu phải thu hồi để giao làm nhà ở thì không cần thiết phải khôi phục lại thùng vũng đã san lấp.
10. Thu hồi đất là một biện pháp hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm tước quyền sử dụng đất của người vi phạm quy định về sử dụng đất để Nhà nước giao cho người khác sử dụng hoặc trả lại cho chủ sử dụng đất hợp pháp bị lấn chiếm.
11. Về một số hành vi vi phạm đã nêu trong Nghị định 04/CP được hiểu như sau:
a. Hành vi lấn, chiếm đất (nói tại Điều 2): Việc tự tiện chuyển dịch mốc giới sang đất công cộng hoặc đất của người khác để mở rộng phạm vi đất của mình thì gọi là hành vi lấn chiếm đất. Đất do Nhà nước tạm giao hoặc mượn đất trong thời gian thi công công trình rồi không trả lại đất và việc sử dụng đất công công hoặc đất của người khác mà không được pháp luật cho phép thì gọi là hành vi chiếm đất.
Người có hành vi lấn, chiếm đất, ngoài hình thức phạt chính còn bị thu hồi đất để trả lại đất công cộng hoặc trả lại cho người có đất bị lấn, chiếm. Trường hợp đặc biệt có thể chưa áp dụng biện pháp thu hồi. Ví dụ: Hành vi tự tiện khai hoang vào đất chưa sử dụng để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản mà Nhà nước chưa có quy hoạch để sử dụng đất này vào mục đích khác.
b. Làm giảm khả năng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp (nói tại Điều 3) là hành vi:
Không thực hiện các biện pháp chống xói mòn, làm cho đất thoái hoá, giảm màu mỡ, giảm năng suất cây trồng.
Lấy tầng canh tác (lớp đất mặt) hoặc huỷ hoại tầng canh tác, làm giảm độ màu mỡ, giảm khả năng canh tác của đất.
Thải các chất bẩn, độc hại, làm ô nhiễm đất, giảm khả năng canh tác của đất.
c. Tự tiện chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nói tại Điều 5) là hành vi:
Chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không làm thủ tục theo quy định của pháp luật.
Đã làm thủ tục nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
d. Kéo dài thời hạn chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nói tại Điều 11) là những hành vi gây cản trở cho việc chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: Lẩn tránh việc chấp hành, không tự tháo dỡ công trình, vật kiến trúc có trên đất của mình bị thu hồi hoặc gây cản trở làm cho việc thu hồi đất không theo đúng thời hạn quy định.
II. THỦ TỤC, TRÌNH TỰ XỬ PHẠT:
Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai được nêu tại Điều 15, 16 của Nghị định 04/CP phải tuân thủ theo trình tự sau đây:
1. Lập biên bản vi phạm hành chính về quản lý sử dụng đất đai:
Thanh tra địa chính các cấp, Thanh tra Nhà nước chuyên ngành nói tại Điều 17 của Nghị định 04/CP và những cơ quan có thẩm quyền xử phạt khác khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật đất đai thì phải kịp thời lập biên bản vi phạm về pháp luật đất đai theo mẫu thống nhất của Tổng cục Địa chính (mẫu biên bản kèm theo Thông tư này).
Biên bản lập xong phải trao cho người vi phạm một bản, nếu người lập biên bản không đủ thẩm quyền xử phạt thì phải gửi biên bản này đến người, đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
Trường hợp người vi phạm cố ý không ký biên bản vi phạm hành chính về pháp luật đất đai thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do (có người làm chứng ký tên) và biên bản này vẫn là cơ sở pháp lý để quyết định xử phạt.
2. Ra quyết định xử phạt:
a. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính về pháp luật đất đai, người hoặc cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt, nếu có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt, thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
b. Khi xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, người hoặc cơ quan có thẩm quyền xử phạt (quy định tại các Điều 15, 16 Nghị định 04/CP) phải căn cứ vào mức độ, tính chất vi phạm ghi tại biên bản vi phạm hành chính về pháp luật đất đai để ra quyết định xử phạt bằng văn bản theo mẫu thống nhất của Tổng cục Địa chính (mẫu quyết định xử phạt kèm theo Thông tư này).
c. Quyết định xử phạt được lập thành 3 bản:
Một bản giao cho người bị xử phạt.
Một bản giao cho Kho bạc Nhà nước để thu tiền phạt (trường hợp phạt tiền).
Một bản lưu tại cơ quan của người ra quyết định xử phạt.
Đối với quyết định xử phạt từ 2 triệu đồng trở lên thì lập thêm một bản để gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
d. Thanh tra viên chuyên ngành địa chính trong phạm vi thẩm quyền phải căn cứ vào mức độ vi phạm ghi tại biên bản vi phạm hành chính về pháp luật đất đai để ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 04/CP.
Trường hợp mức phạt vượt quá thẩm quyền thì Thanh tra viên chuyên ngành địa chính phải chuyển ngay hồ sơ xử phạt gồm: Biên bản vi phạm hành chính pháp luật đất đai, văn bản đề nghị áp dụng mức tiền phạt lên cấp có thẩm quyền phù hợp với mức phạt quy định tại Điều 15, 16 Nghị định 04/CP.
3. Về quyền khiếu nại, tố cáo việc xử phạt:
a. Người bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, sử dụng đất hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại với người ra quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, người bị khiếu nại có trách nhiệm giải quyết và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại và quyết định giải quyết khiếu nại đó là quyết định cuối cùng.
c. Việc khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính không làm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp buộc tháo dỡ công trình.
Người giải quyết khiếu nại có thể ra một trong các quyết định sau đây:
Giữ nguyên quyết định xử phạt.
Thay đổi hình thức, mức độ, biện pháp xử phạt.
Huỷ quyết định xử phạt.
d. Người vi phạm hành chính về quản lý, sử dụng đất đai nếu đã khiếu nại người ra quyết định xử phạt mình nhưng chưa được giải quyết theo yêu cầu và nếu không khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của người ra quyết định xử phạt thì có thể khiếu nại ra Toà án hành chính.
đ. Người có thẩm quyền xử phạt hành chính về quản lý, sử dụng đất đai hoặc người quản lý Nhà nước về đất đai mà bị tố cáo là có hành vi nói tại Điều 26 của Nghị định 04/CP thì cấp trên trực tiếp của người vi phạm xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày, nếu trường hợp phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo.
4. Việc thu và sử dụng tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai thực hiện theo Thông tư số 52/CSTC ngày 12/9/1996 của Bộ Tài chính.
Trên đây là những vấn đề chủ yếu cần được giải thích, hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị định 04/CP.
Tổng cục Địa chính yêu cầu Uỷ ban nhân dân và Giám đốc Sở Địa chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Thông tư này mà tiến hành các biện pháp tổ chức thực hiện tốt Nghị định 04/CP. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các địa phương cần phản ảnh kịp thời với Tổng Cục Địa chính, để xem xét giải quyết.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký./.