• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/11/1996
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Số: 155/TCHQ-PC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 1996

 

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung thông tư số 41/TCHQ-PC ngày 6/5/1996 hướng dẫn thi hành nghị định số 16/CP ngày 20/3/1996 của chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan

_____________________________________

Để tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Hải quan cấp tỉnh); đồng thời, đảm bảo thời hiệu ra quyết định xử phạt theo quy định tại Nghị định 16/CP và phù hợp với quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 21/5/1996, Tổng cục Hải quan sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/TCHQ-PC ngày 6/5/1996 như sau:

1. Điểm 4 Phần II được sửa đổi, bổ sung như sau: "Trong quá trình gửi hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu nếu người sử dụng hàng hoá, vật phẩm thông báo đầy đủ bằng văn bản với cơ quan Hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 16/CP thì không bị xử phạt". Chủ sở hữu hàng hóa hoặc tổ chức, cá nhân có chứng từ có giá trị định đoạt và nhận hàng hoá theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc người thay mặt của tổ chức, cá nhân đứng tên trong tờ khai Hải quan, phải chịu trách nhiệm với tư cách của người đại diện tổ chức hoặc cá nhân khi có hành vi xuất khẩu, nhập khẩu vi phạm pháp luật về Hải quan".

2. Bổ sung đoạn cuối cuối điểm 13.1 phần II như sau: "Trường hợp không có căn cứ pháp lý khẳng định hành vi gian lận thuế thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phạt tiền theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Nghị định 16/CP".

3. Điểm 13.6 phần II được bổ sung và quy định lại như sau: "Nếu khai sai số lượng, trọng lượng, chất lượng, ký mã hiệu, trị giá, xuất xứ so với thực tế hàng hoá, nhưng số thuế và các nghĩa vụ tài chính phải thực hiện trên thực tế bằng hoặc thấp hơn so với khai báo thì không xử phạt, nếu pháp luật không có quy định khác, nhưng phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật".

4. Bổ sung thêm điểm 14.6 phần II như sau: "Trường hợp hàng nhập khẩu sai hợp đồng thương mại, hợp đồng gia công mà người nhận hàng từ chối nhận với lý do xác đáng, phù hợp với quy định của Pháp luật Việt Nam và tập quán thương mại quốc tế thì xử lý theo quy định tại khoản 10 Điều 12 Nghị định này".

5. Đoạn b,c và d điểm 3 Phần III được sửa đổi như sau:

"b/ Đối với những vụ vi phạm áp dụng hình thức phạt tiền có mức phạt trên 20 triệu đồng thì làm thủ tục chuyển hồ sơ sang Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân tỉnh) nơi bắt giữ để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định xử phạt. Sau khi có Quyết định xử phạt, Cục trưởng Cục Hải quan phải báo cáo lên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

c/ Đối với những vi phạm pháp luật Hải quan do Đội kiểm soát cơ động trên biển phát hiện, bắt giữ, lập biên bản ở vùng lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế hoặc những địa bàn chưa có tổ chức Hải quan mà vượt thẩm quyền của Đội kiểm soát, thì đưa về trụ sở Hải quan nơi gần nhất để thực hiện xử phạt theo quy định chung.

d. Hồ sơ vụ vi phạm hành chính về hải quan khi chuyển sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phải kèm theo bản báo cáo nội dung sự việc và kiến nghị của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh về biện pháp xử lý. Thủ tục bàn giao hồ sơ những vụ vi phạm hành chính về Hải quan có mức pạht trên 20 triệu đồng từ cơ quan Hải quan sang Uỷ ban nhân dân tỉnh phải thực hiện theo quy định chung. Thời hạn xem xét giải quyết ở mỗi cấp được quy định như sau:

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh gửi hồ sơ kèm theo kiến nghị biện pháp xử phạt vụ vi phạm hành chính sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét; chậm nhất 5 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, kiến nghị biện pháp xử phạt của Cục trưởng Cục hải quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phải ra quyết định xử phạt. Tang vật vi phạm vẫn giữ tại kho Hải quan để bảo quan. Riêng tang vật là ngoại tệ, đồng Việt Nam, kim khí quý, đá quý phải niêm phong và gửi Kho bạc Nhà nước".

6- Điểm 2 phần VI được sửa lại như sau:

"2- khiếu nại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan.

- Người có thẩm quyền Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần thứ nhất.

Đối với quyết định của Đội trưởng Đội công tác nghiệp vụ thì trưởng phòng nghiệp vụ, trưởng Hải quan cửa khẩu giải quyết khiếu nại lần 2.

Đối với các quyết định xử phạt của Trưởng hải quan cửa khẩu, Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan, thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 là Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh hoặc Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu.

Đối với các quyết định xử phạt của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh và thành phố, thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần thứ 2 là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan giải quyết khiếu nại lần thứ 2 đối với các Quyết định xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; nếu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đồng ý với Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thì ra quyết định sửa đổi quyết định của mình. Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh không đống ý với quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khiếu nại lên Tổng Thanh tra Nhà nước.

Mọi khiếu nại quyết định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan được giải quyết theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 31, 32 Nghị định 16/CP; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà nước, thì có quyền khiếu nại lên cơ quan Nhà nước cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền. Trong trường hợp vừa có khiếu nại lên cơ quan Nhà nước cấp trên trực tiếp, vừa có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì thực hiện theo Điều 13 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính".

7- Bỏ đoạn b điểm 7 Phần I Thông tư 41/TCHQ -PC. Đoạn a điểm 7 nay sửa lại là điểm 7.

Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh phải tổ chức nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm về quyết định theo thẩm quyền do pháp luật quy định, hướng dẫn tại Thông tư 41/TCHQ-PC và thông tư này. Hội đồng tư vấn xử lý của Tổng cục Hải quan chỉ xem xét, tư vấn các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/1996.

TỔNG CỤC HẢI QUAN

Phan Văn Dĩnh

(Đã Ký)

 

 

Tổng cục trưởng (Tổng cục)

(Đã ký)

 

Phan Văn Dĩnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.