Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 109/1997/NĐ-CP

 ngày 12/11/1997 của Chính phủ về bưu chính viễn thông đối với công tác quản lý

 và cấp phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện

_________________________

 

Ngày 12/11/1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/1997/NĐ-CP về Bưu chính và Viễn thông. Tổng cục Bưu điện hướng dẫn việc thực hiện các quy định  về quản lý và cấp phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1- Tổng cục Bưu điện thống nhất quản lý Nhà nước đối với phổ tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện và  quĩ đạo vệ tinh thuộc chủ quyền Việt Nam. Thông tư này hướng dẫn các thủ tục về cấp giấy phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện và đăng ký quỹ đạo vệ tinh.

1.2- Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có qui định riêng) muốn lắp đặt, sử dụng, dự trữ thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên lãnh thổ Việt nam và sử dụng tần số vô tuyến điện  thuộc các nghiệp vụ: cố định, lưu động, phát thanh, truyền hình, hàng hải, hàng không, đạo hàng, định vị, vệ tinh, phát chuẩn và các nghiệp vụ khác phải xin phép Tổng cục Bưu điện và chỉ được lắp đặt, sử dụng, dự trữ khi có giấy phép; khi thay đổi các nội dung được qui định trong giấy phép phải được phép của Tổng cục Bưu điện; phải tuân thủ các qui định được nêu trong Thông tư này.

1.3- Một số thuật ngữ sử dụng trong Thông tư  này được hiểu như sau:

1.3.1/ Vô tuyến điện là một thuật ngữ chung áp dụng khi sử dụng sóng vô tuyến điện.

1.3.2/ Sóng vô tuyến điện là các sóng điện từ có tần số thấp hơn 3000GHz truyền lan trong không gian không có dẫn sóng nhân tạo.

1.3.3/ ấn định tần số: Là việc cơ quan quản lý Nhà nước cho phép một đài vô tuyến điện được quyền sử dụng một tần số hay một kênh tần số vô tuyến điện theo những điều kiện cụ thể.

1.3.4/ Nhiễu có hại: Là nhiễu làm nguy hại đến các hoạt động của các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện hợp pháp hoặc cản trở, làm gián đoạn một nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện đang được phép  khai thác.

1.3.5/ Thiết bị phát sóng vô tuyến điện: Là  thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện hoặc thiết bị có phát xạ sóng vô tuyến điện (sau đây gọi chung là thiết bị phát sóng vô tuyến điện) dùng cho các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện cố định, lưu động, hàng hải, hàng không, phát thanh-truyền hình, đạo hàng, định vị, vệ tinh, phát chuẩn (tín hiệu giờ, tần số chuẩn); các thiết bị dùng trong khoa học, công nghiệp, y tế có phát xạ vô tuyến điện và các nghiệp vụ khác.

1.3.6/ Nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện: Là nghiệp vụ bao gồm truyền dẫn, phát xạ hoặc thu sóng vô tuyến điện cho những mục đích viễn thông cụ thể.

1.3.7/ Nghiệp vụ cố định: Là nghiệp vụ thông tin vô tuyến giữa các điểm cố định đã xác định trước.

1.3.8/ Nghiệp vụ lưu động: Là nghiệp vụ thông tin vô tuyến giữa các đài lưu động và các đài mặt đất, hoặc giữa các đài lưu động với nhau.

1.3.9/ Nghiệp vụ lưu động hàng hải: Là nghiệp vụ lưu động giữa các đài duyên hải và các đài tàu biển, hoặc giữa các đài tàu biển với nhau, hoặc giữa các đài thông tin trên boong tàu. Các đài tàu cứu nạn và các pha vô tuyến báo vị trí khẩn cấp cũng có thể tham gia nghiệp vụ này.

1.3.10/ Nghiệp vụ lưu động hàng không: Là nghiệp vụ lưu động giữa các đài hàng không và các đài trên máy bay với nhau, trong đó có cả các đài cứu nạn; các pha vô tuyến đánh dấu vị trí khẩn cấp cũng có thể tham gia nghiệp vụ này trên các tần số cấp cứu và khẩn cấp.

1.3.11/ Nghiệp vụ thông tin quảng bá: Là nghiệp vụ thông tin vô tuyến trong đó sự phát sóng dành cho toàn thể công chúng thu trực tiếp. Nghiệp vụ này bao gồm phát thanh, phát hình, hoặc các loại phát xạ khác.

1.3.12/ Nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư: Là nghiệp vụ thông tin vô tuyến nhằm mục đích tự đào tạo, trao đổi thông tin, nghiên cứu kỹ thuật do những ngừơi chơi vô tuyến điện nghiệp dư thực hiện. Những người này chỉ quan tâm đến kỹ thuật vô tuyến vì sở thích cá nhân chứ không vì mục đích tiền tài và đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

1.3.13/ Đài: Một hay nhiều thiết bị phát sóng vô tuyến điện hay thiết bị thu sóng vô tuyến điện hoặc tổ hợp các thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện kể cả thiết bị phụ kèm theo tại một vị trí để tiến hành một nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện hoặc một nghiệp vụ vô tuyến thiên văn. Mỗi một đài sẽ được phân loại bởi nghiệp vụ mà nó hoạt động thường xuyên hoặc tạm thời.

1.3.14/ Đài cố định: Một đài thuộc nghiệp vụ cố định.

1.3.5/ Đài lưu động: Một đài thuộc nghiệp vụ lưu động sử dụng lúc chuyển động hoặc tạm dừng ở những điểm không định trước.

1.3.16/ Đài hàng không: Một đài mặt đất thuộc nghiệp vụ lưu động hàng không. Trong một số trường hợp một đài hàng không có thể được đặt trên boong tàu biển hoặc trên một hạm đội trên biển.

1.3.17/ Đài máy bay: Một đài lưu động đặt trên máy bay thuộc nghiệp vụ lưu động hàng không, không kể đài máy bay cứu nạn.

1.3.18/ Đài quảng bá: Một đài thuộc nghiệp vụ quảng bá.

1.3.19/ Đài nghiệp dư: Một đài thuộc nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư.

1.3.20/ Đài tàu biển : Là đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ lưu động hàng hải đặt trên tàu thuyền hoặc phương tiện nghề cá của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên vùng biển Việt Nam hoặc Quốc tế, được quy định tại Nghị định 91/CP của Chính phủ ban hành ngày 23/8/1997.

1.3.21/ Đài vô tuyến điện đặt trên các phương tiện nghề cá: Là các đài vô tuyến điện đặt trên các tàu, thuyền và các phương tiện di động, không di động trên biển dùng để khai thác, chế biến, nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ hậu cần, thu gom hàng thuỷ sản, điều tra thăm dò và kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quy định tại Nghị định 72/1998/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/9/1998.

1.3.22/ Điện thoại không dây (Loại kéo dài thuê bao): Là thiết bị thu/phát bao gồm hai phần liên lạc với nhau bằng sóng vô tuyến điện:

- Phần 1 (máy mẹ): Là phần đặt cố định, được đấu nối với một mạng điện thoại;

- Phần 2 (máy con): Là phần có thể được đặt cố định hoặc mang đi lưu động, có cùng số điện thoại với máy mẹ.

1.4- Việc ấn định tần số, cấp phép và sử dụng phổ tần số vô tuyến điện  phải đúng nghiệp vụ được phân bổ theo Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện  của Việt Nam cho các nghiệp vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 85/1998/QĐ- TTg ngày 16/4/1998.

1.5- Các thiết bị phát sóng vô tuyến điện nhập vào Việt Nam  phải có chứng nhận hợp chuẩn và giấy phép nhập khẩu của  Tổng cục Bưu điện.

1.6- Các thiết bị phát sóng vô tuyến điện thuộc các mạng thông tin vô tuyến điện phải cấp giấy phép thiết lập mạng, ngoài giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải có giấy phép thiết lập mạng thông tin vô tuyến điện do Tổng cục Bưu điện cấp (theo qui định tại Thông tư số 04/1998/TT-TCBĐ ngày 29/9/1998 hướng dẫn thi hành Nghị định 109/1997/NĐ-CP của Chính phủ về mạng lưới và dịch vụ viễn thông).

1.7- Các đài tàu biển phải được Tổng cục Bưu điện kiểm tra kỹ thuật, nghiệp vụ thiết bị vô tuyến điện đài tàu khi cấp giấy phép.

1.8- Các thiết bị dùng trong khoa học, công nghiệp, y tế có phát xạ vô tuyến điện phải tuân theo các quy định về tương thích điện từ trường hoặc quy định về chống nhiễu của Tổng cục Bưu điện. 

1.9- Tổng cục Bưu điện thoả thuận tần số sử dụng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

1.10- Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải trả phí cấp và sử dụng tần số theo Quyết định 158/CT ngày 18/5/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và qui định của Bộ Tài chính.

Tổng cục Bưu điện (Cục Tần số VTĐ) tổ chức việc thu nộp phí tần số đối với tất cả các giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

II. QUI ĐỊNH VỀ CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG TẦN SỐ, THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN CHO CÁC NGHIỆP VỤ

2.1- Các loại giấy phép:

2.1.1/ Tổng cục Bưu điện là cơ quan cấp giấy phép tần số vô tuyến điện cho các đối tượng sử dụng nêu tại điểm 1.2 trong Thông tư này, gồm:

+ Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện;

+ Các loại giấy phép tần số vô tuyến điện khác ( giấy phép phổ tần, giấy phép chủng loại thiết bị,...).

2.1.2/ Đối với giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện Tổng cục Bưu điện qui định trình tự, thủ tục cấp mới giấy phép, gia hạn giấy phép và cấp lại giấy phép khi có thay đổi bổ sung.

Đối với các loại giấy phép tần số vô tuyến điện khác Tổng cục Bưu điện sẽ có qui định riêng.

2.2- Trách nhiệm các đơn vị thuộc Tổng cục Bưu điện:

2.2.1/ Cục Tần số VTĐ có nhiệm vụ cấp mới, gia hạn, cấp lại tất cả các loại giấy phép tần số vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện.

2.2.2/ Tổng cục Bưu điện, các Cục Bưu điện Khu vực có nhiệm vụ cấp mới, gia hạn, cấp lại giấy phép thiết lập mạng thông tin vô tuyến điện thuộc loại phải cấp giấy phép thiết lập mạng theo sự phân cấp trong Thông tư 04/1998/TT-TCBĐ.

2.3- Thủ tục cấp phép

2.3.1- Cấp mới giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện thuộc loại không phải cấp giấy phép thiết lập mạng gồm các đài tàu biển, tàu bay, phương tiện nghề cá; các đài thuộc nghiệp vụ quảng bá; các đài thuộc nghiệp vụ hàng hải, hàng không hoạt động theo qui ước liên lạc quốc tế; các đài vô tuyến điện nghiệp dư; các thiết bị cảnh báo, điều khiển từ xa; các thiết bị điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao).

Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm:

2.3.1.1/ Đơn xin cấp giấy phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

2.3.1.2/ Bản kê khai để xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện  cho từng máy (kể cả máy dự phòng),  kê khai theo mẫu quy định của Tổng cục Bưu điện (Theo phụ lục 1) .

2.3.1.3/ Lý lịch trích ngang hoặc danh sách các nhân viên khai thác, hoặc người chịu trách nhiệm do cơ quan Công an có thẩm quyền xét duyệt.

2.3.1.4/ Bản sao có công chứng: Quyết định thành lập đơn vị và giấy phép đầu tư (đối với các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài)

Riêng các đài dưới đây, hồ sơ gồm:

2.3.1.5/ Đối với đài tàu biển: hồ sơ yêu cầu như ở các điểm 2.3.1.1, 2.3.1.2, 2.3.1.4  kê khai cho từng đài tàu biển và phải có thêm:

- Chứng chỉ khai thác viên đài tàu do Tổng cục Bưu điện cấp.

Chứng nhận trọng tải, phạm vi hoạt động do Cục Đăng kiểm, Cục Hàng hải Việt Nam cấp.

Riêng các đài vô tuyến điện đặt trên tàu thuyền chỉ chạy trên sông để dùng vào các mục đích, hồ sơ yêu cầu như ở các điểm 2.3.1.1, 2.3.1.2, 2.3.1.3, 2.3.1.4.

2.3.1.6/  Đối với đài vô tuyến điện đặt trên các phương tiện nghề cá, (băng tần số theo phụ lục 2):

a) Nếu là thiết bị của các tổ chức, đơn vị kinh doanh: Hồ sơ yêu cầu như nêu ở các điểm 2.3.1.1, 2.3.1.2, 2.3.1.3, 2.3.1.4 và phải có thêm giấy phép hành nghề do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (Bản sao có công chứng).

b) Nếu là thiết bị của các tổ hợp tác, cá nhân, hồ sơ  yêu cầu có:

+ Bản khai xin cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát cho từng đài, kê khai theo mẫu của Tổng cục Bưu điện (phụ lục 1) có chứng nhận của Uỷ ban Nhân dân phường, xã nơi cư trú.

+ Bản lý lịch trích ngang do cơ quan Công an có thẩm quyền xét duyệt.

+ Giấy phép hành nghề do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (Bản photo copy).

2.3.1.7/ Đối với các thiết bị cảnh báo, điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến điện,  (băng tần số theo phụ lục 3): hồ sơ  yêu cầu như nêu ở điểm 2.3.1.1và  2.3.1.2.

2.3.1.8/ Đối với các điện thoại không dây - loại kéo dài thuê bao, (băng tần theo quy định của phụ lục 4): hồ sơ yêu cầu như nêu ở điểm 2.3.1.1, 2.3.1.2.

Riêng đối với các điện thoại kéo dài thuê bao có công suất máy phát cực đại nhỏ hơn 1w không phải xin cấp giấy phép sử dụng.

2.3.1.9/ Đối với các đài thuộc nghiệp vụ Quảng bá: thực hiện theo hướng dẫn trong Thông tư liên tịch Bộ Văn hoá Thông tin - Tổng cục Bưu điện số 06/1997/TTLT ngày 28/11/1997.

2.3.1.10/  Đối với các đài vô tuyến điện nghiệp dư: thực hiện theo các quy định trong Thể lệ vô tuyến điện nghiệp dư do Tổng cục Bưu điện ban hành kèm theo Quyết định số 99/1998/QĐ - CSBĐ ngày 14/2/1998.

2.3.1.11/ Đối với các cơ quan Đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan Đại diện của các Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, các đoàn Đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi,  miễn trừ ngoại giao, yêu cầu hồ sơ như nêu ở  điểm 2.3.1.1, 2.3.1.2 và kèm theo văn bản đề nghị của Bộ Ngoại giao.

2.3.2- Cấp mới giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện thuộc mạng thông tin vô tuyến điện phải cấp giấy phép thiết lập mạng, hồ sơ gồm:

2.3.2.1/ Đơn xin cấp phép kèm theo ý kiến của cơ quan chủ quản (nếu có) đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt nam; kèm theo công văn đề nghị của Bộ Ngoại giao đối với các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế được hưởng qui chế ngoại giao;

2.3.2.2/ Bản công chứng Quyết định thành lập hoặc Giấy phép đầu tư (đối với các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài);

2.3.2.3/ Đề án thiết lập mạng, trong đó nêu rõ: cấu hình, phạm vi hoạt động, công nghệ sử dụng, thiết bị, tiêu chuẩn kỹ thuật của mạng và thiết bị, tần số xin sử dụng (nếu có);

2.3.2.4/ Lý lịch trích ngang của người quản lý và điều hành mạng có xác nhận của cơ quan Công an cấp có thẩm quyền.

2.3.2.5/ Bản khai xin sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện theo mẫu do Tổng cục Bưu điện ban hành.

2.3.3- Gia hạn giấy phép; cấp lại (khi có thay đổi, bổ sung) giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện:

2.3.3.1/ Khi giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện sắp hết hạn sử dụng, nếu muốn sử dụng tiếp (không có thay đổi, bổ sung nội dung qui định trong giấy phép), các tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục xin gia hạn giấy phép trước khi giấy phép hết hạn 30 ngày.

2.3.3.2/ Khi có thay đổi, bổ sung các nội dung đã được qui định trong giấy phép phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép (kể cả các giấy phép chưa hết hạn hoặc hết hạn sử dụng).

2.3.3.3/ Khi thiết bị phát sóng vô tuyến điện ngừng sử dụng phải thông báo ngay cho cơ quan cấp giấy phép để cấp tần số đó cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng, bảo đảm tiết kiệm phổ tần số vô tuyến điện.

2.3.3.4/ Hồ sơ xin gia hạn giấy phép; cấp lại (khi có thay đổi, bổ sung) giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện thuộc loại không phải cấp giấy phép thiết lập mạng, gồm:

+ Đơn xin gia hạn hoặc cấp lại giấy phép.

+ Bản khai bổ sung nếu có thay đổi (theo  mẫu quy định, phụ lục 1).

2.3.3.5/ Hồ sơ xin gia hạn giấy phép; cấp lại (khi có thay đổi, bổ sung) giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện thuộc loại phải cấp giấy phép thiết lập mạng:

- Khi giấy phép thiết lập mạng có những thay đổi về nội dung, hồ sơ gồm:

+ Đơn xin sửa đổi, bổ sung;

+ Bản mô tả chi tiết dự định sửa đổi bổ sung;

+ Các bản tài liệu khác liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung;

+ Bản sao giấy phép thiết lập mạng đang có hiệu lực.

+ Bản khai bổ sung nếu có thay đổi (theo  mẫu quy định, phụ lục 1).

- Khi giấy phép thiết lập mạng hết thời hạn hiệu lực nhưng không có thay đổi về nội dung, hồ sơ gồm:

+ Đơn xin gia hạn;

+ Bản sao giấy phép thiết lập mạng đang có hiệu lực.

+ Bản khai bổ sung nếu có thay đổi (theo  mẫu quy định, phụ lục 1).

- Khi giấy phép thiết lập mạng còn thời hạn hiệu lực nhưng không có thay đổi về nội dung, hồ sơ yêu cầu như 2.3.3.4 và có thêm bản sao giấy phép thiết lập mạng đang có hiệu lực.

2.3.4- Thời hạn của giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện: Thời hạn hiệu lực của các loại giấy phép tối đa là 2 năm (cho mạng chuyên dùng) và 5 năm (cho mạng công cộng) và không vượt quá thời hạn hiệu lực của giấy phép thiết lập mạng thông tin vô tuyến điện (đối với các mạng có giấy phép thiết lập mạng).

2.3.5 - Thời gian giải quyết cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện:

2.3.5.1/ Cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm giải quyết cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trong thời hạn tối đa 14 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đảm bảo các yêu cầu để cấp phép.

2.3.5.2/ Nếu hồ sơ chưa đủ yêu cầu thì sau 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ,  cơ quan cấp phép có trách nhiệm thông báo cho đối tượng xin cấp phép biết để bổ sung, hoàn thiện. Thời gian giải quyết cấp giấy phép được tính từ ngày cơ quan cấp phép nhận được các số liệu bổ sung đầy đủ.

2.3.5.3/ Các tổ chức, cá nhân xin phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông số kỹ thuật, đúng thủ tục hành chính đảm bảo các yêu cầu cấp phép theo qui định.

2.3.5.4/ Trường hợp từ chối cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, Cơ quan cấp phép sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho các đối tượng xin cấp phép biết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

2.3.5.5/ Các giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải được bảo quản và luôn đi kèm theo thiết bị phát sóng.

2.3.6- Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn kê khai và giao nhận giấy phép:

2.3.6.1/ Đối với hồ sơ xin cấp mới giấy phép cho các thiết bị thuộc mạng thông tin vô tuyến điện  phải cấp giấy phép thiết lập mạng, các hồ sơ phải xin cấp lại giấy phép thiết lập mạng thông tin vô tuyến điện, địa chỉ tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép:

Tổng cục Bưu điện, 18 Nguyễn Du, Hà nội.

Cục Bưu điện Khu vực II, 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Bưu điện Khu vực III, 42 Trần Quốc Toản, Thành phố Đà nẵng.

2.3.6.2/ Đối với hồ sơ xin cấp mới, gia hạn giấy phép cho các thiết bị phát sóng vô tuyến điện thuộc loại không cần giấy phép thiết lập mạng thông tin vô tuyến điện; các hồ sơ xin gia hạn, cấp lại giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng VTĐ mà giấy phép thiết lập mạng chưa hết thời hạn, địa chỉ tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép:

Cục Tần số vô tuyến điện  - 18 Nguyễn Du - Hà nội;

Hoặc các Trung tâm kiểm soát tần số khu vực thuộc Cục Tần số VTĐ

2.3.6.3/ Các cơ quan nêu tại các địa chỉ trên, khi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ, đảm bảo khách hàng kê khai đầy đủ, chính xác các tham số theo mẫu quy định của Tổng cục Bưu điện (phụ lục1).

2.4- Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện: Mọi  hành vi vi phạm hành chính về quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện sẽ bị xử phạt theo các qui định tại Điều 14 - Mục III - Chương II - Nghị định 79/CP ngày 19/6/1997 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Bưu chính, Viễn thông và Tần số vô tuyến điện.

III. ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN VÀ QUĨ ĐẠO VỆ TINH

3.1- Đăng ký quốc tế tần số và quỹ đạo vệ tinh:

3.1.1/ Đối tượng đăng ký: Các cơ quan, tổ chức Việt Nam và nước ngoài tại Việt Nam có sử dụng tần số và thiết bị  phát sóng vô tuyến điện thuộc các nghiệp vụ: thông tin vệ tinh, thông tin vô tuyến hàng hải, hàng không, phát thanh - truyền hình và các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện khác, phải đăng ký quốc tế khi:

- Liên lạc với các đài vô tuyến điện ở nước ngoài; hoặc

- Có khả năng gây can nhiễu có hại ra ngoài biên giới quốc gia; hoặc

- Cần được quốc tế công nhận.

3.1.2/ Hồ sơ xin đăng ký quốc tế tần số gồm:

- Đơn xin đăng ký quốc tế tần số.

- Giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện  do Tổng cục Bưu điện cấp.

- Bản kê khai theo mẫu qui định cho từng nghiệp vụ. (Phụ lục 6)

3.1.3/ Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ:

Cục Tần số vô tuyến điện - 18 Nguyễn Du- Hà nội

3.1.4/ Trên cơ sở các hồ sơ xin đăng ký quốc tế, Tổng cục Bưu điện xem xét đối chiếu với các qui định, các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ quốc tế, các cơ sở dữ liệu của quốc gia để thống nhất nội dung và làm các thủ tục đăng ký quốc tế, kê khai theo các biểu mẫu qui định của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cho từng nghiệp vụ. (Phụ lục 6)

3.1.5/ Việc triển khai sử dụng và khai thác các tần số đăng ký quốc tế phải thực hiện theo quy định trong Thể lệ vô tuyến điện của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

IV. KIỂM TRA, KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ NHIỄU CÓ HẠI

4.1- Tổng cục Bưu điện tổ chức và quản lý hệ thống kiểm tra, kiểm soát tần số và các thiết bị phát sóng vô tuyến điện trong phạm vi cả nước, nhằm phát hiện những vi phạm trong việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, kịp thời xử lý các vi phạm, giải quyết nhiễu có hại, nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc sử dụng phổ tần số vô tuyến điện.

4.2- Các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung quy định trong giấy phép và tuân thủ các quy định về biện pháp chống gây nhiễu có hại:

- Giữ đúng tần số phát trong phạm vi sai lệch tần số cho phép;

- Giảm mức bức xạ sóng hài, bức xạ ký sinh trong trị số thấp nhất;

- Sử dụng phương thức phát sóng có độ rộng băng tần chiếm dụng hẹp nhất;

- Hạn chế phát sóng ở những hướng không cần thiết;

- Sử dụng mức công suất nhỏ nhất đủ để bảo đảm chất lượng thông tin.

4.3- Khi bị nhiễu có hại, tổ chức cá nhân phải gửi cho cơ quan cấp giấy phép “Báo cáo can nhiễu thông tin vô tuyến điện” theo mẫu thống nhất (Phụ lục 5) và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan cấp phép để tổ chức việc xác định nguồn gây nhiễu, biện pháp giải quyết nhiễu có hại.

Các cơ quan, tổ chức sử dụng tần số vô tuyến điện trong khu vực nhiễu có hại có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện nguồn nhiễu nhanh chóng, chính xác và xử lý nhiễu được hiệu quả.

4.4- Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi không thực hiện các biện pháp chống nhiễu và gây nhiễu có hại thi hành theo Điều 15 - Mục III- Chương III - Nghị định 79/CP của Chính phủ ban hành ngày 19/6/1997 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những qui định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

5.2- Đối với các tổ chức, cá nhân hiện nay chưa có giấy phép sử dụng do Tổng cục Bưu điện cấp nhưng đang khai thác, sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện thuộc các nghiệp vụ nêu ở điểm 1.2, phải tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng theo các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Bưu điện chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

5.3- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời với Tổng cục Bưu điện để được hướng dẫn hoặc xem xét, sửa đổi, bổ sung.    

 

 

Tổng cục Bưu điện

Tổng Cục trưởng

(Đã ký)

 

Mai Liêm Trực