Sign In

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Về việc nhận, chuyển, phát công văn, điện báo của hệ thống kho bạc nhà nước qua bưu điện.

____________________________

 Để đảm bảo hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước, thống nhất sự chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương, Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Bưu điện qui định việc nhận, chuyển phát các bì công văn, các bức điện báo của Kho bạc Nhà nước qua bưu điện như sau:

I. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG:

1. Ngành bưu điện với chức năng của mình, có trách nhiệm đảm bảo việc thực hiện nhận, chuyển, phát các bì công văn, các bức điện báo của Hệ thống kho bạc Nhà nước được nhanh chóng, an toàn đến địa chỉ nhận ghi trên các bì công văn, trong bức điện báo.

2. Tất cả các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước bảo đảm thực hiện đầy đủ các qui định về gửi, nhận, thanh toán cước phí và các thủ tục khác theo qui định của Tổng cục Bưu điện và Thông tư này.

3. Các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước có gửi, nhận các bì công văn, các bức điện báo (bao gồm các bì thanh toán, hạn mức kinh phí, các công văn thuộc Kho bạc Nhà nước) phải ký hợp đồng cụ thể với các cơ sở bưu điện cùng cấp trực tiếp nhận, chuyển, phát các bì công văn, điện báo. Trong trường hợp phải ghi rõ địa điểm giao nhận, ngày giờ gửi, nhận phù hợp với các chuyến thư và ghi việc sử dụng các nghiệp vụ đặc biệt của Bưu điện, cách thanh toán tiền cước phí; qui định trách nhiệm của mỗi bên khi xảy ra sai sót, mất mát, chậm trễ, thất lạc của các bì công văn, các bức điện của Kho bạc Nhà nước.

II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Bưu điện tỉnh, thành phố, đặc khu, bưu điện huyện, quận, thị xã phải thông báo cho Kho bạc Nhà nước cùng cấp biết chi tiêu toàn trình chuyến, phát công văn, điện báo từ nơi gửi đến nơi nhận (hiện hành và mỗi khi có thay đổi).

2. Các đơn vị Kho bạc Nhà nước thực hiện đúng việc gửi các bì công văn của hệ thống Kho bạc Nhà nước đúng kích thước, màu sắc, ký hiệu riêng như phong bì mẫu đã gửi cho ngành bưu điện.

3. Căn cứ vào thời gian chuyển, phát công văn, điện báo đã được thông báo, các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước phải thực hiện việc gửi tại bưu điện các bì công văn vào trước giờ bưu điện đóng chuyển thư đi. Nếu Kho bạc Nhà nước gửi sau giờ đóng chuển thư thì Bưu điện phải chuyển các bì công văn đó vào chuyến thư tiếp theo của chuyến thư đó.

4. Để đảm bảo cho việc xử lý loại công văn này được nhanh chóng, hệ thống Kho bạc Nhà nước và các cấp thống nhất cho gửi theo hệ thống vụ (KT2). Tất cả các bì công văn do Kho bạc Nhà nước gửi Bưu điện phải sử dụng các nghiệp vụ đặc biệt phát nhanh, ghi số, máy bay (ở những đường thư có sử dụng máy bay).

Các cơ sở Bưu điện có trách nhiệm hướng dẫn cho các đơn vị Kho bạc Nhà nước cách mở sổ gửi, nhận các bì công văn, điện báo để đảm bảo cho việc truy cứu trách nhiệm khi có sai sót xảy ra.

5. Khi có chuyến thư đến, các cơ sở Bưu điện phải mở ngay và chọn các bì công văn có ký hiệu của Kho bạc Nhà nước để tổ chuức phát đến địa chỉ ghi trên bì công văn theo đúng hợp đồng.

Đối với các điện báo đến, các cơ sở Bưu điện tổ chức việc phát đến địa chỉ nhận theo chỉ tiêu thời gian qui định.

6. Hai bên qui định thời gian, địa điểm và cách giao nhận cụ thể, kể cả ngày lễ và ngày chủ nhật. Khi giao nhận phải ghi chép từng cái một vào sổ, phải ghi rõ ngày, giờ, họ tên người nhận và người nhận phải ký tên vào sổ.

7. Cước phí chuyển, phát các bì công văn được tính theo khối lượng từng bì, gồm cước chính và cước các dịch vụ được thể hiện trên bì công văn đó, theo giá cước của Tổng cục Bưu điện. Cước phí điện báo được tính theo số tiếng và các nghiệp vụ đặc biệt nếu có sử dụng. Đơn vị Kho bạc Nhà nước có yêu cầu Bưu điện cùng cấp nhận, phát ngoài giờ qui định, thì đơn vị Kho bạc Nhà nước đó phải trả thêm phụ phí nhận, phát ngoài giờ cho Bưu điện. Việc thanh toán cước phí giữa Kho bạc Nhà nước với Bưu điện cùng cấp được thực hiện như sau:

7.1. Trả bằng séc thanh toán cho từng lần công văn.

7.2.  Hàng tháng Bưu điện thông báo cho Kho bạc Nhà nước số tiền cước phí phải trả kèm theo bản kê nợ gửi đi trong tháng vào ngày mồng 5 mỗi tháng.

Hàng tháng đơn vị Kho bạc Nhà nước cùng cấp ứng trước cho Bưu điện một số tiền  bằng một nửa (1/2) số tiền cước đã thanh toán của tháng trước, phần còn lại cuối tháng thanh toán nốt.

Nếu Kho bạc Nhà nước không ứng trước bằng một nửa số tiền cước của tháng trước thì cuối tháng,

khi thanh toán số tiền cước phí phải trả cho tháng đó, phải trả thêm một tỷ lệ (bằng lãi suất tiền gửi thanh toán của xí nghiệp quốc doanh) của 1/2 số tiền cước phải trả của tháng đó. Khi Kho bạc Nhà nước phải thanh toán xong số tiền cước nợ của tháng trước cho Bưu điện và ứng tiền của tháng đó chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của bưu điện.

8. Mỗi khi có xảy ra mất mát, thất lạc, chậm trễ hay sai sót, Kho bạc Nhà nước cùng với Bưu điện cùng cấp có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và báo cáo kịp thời với cơ quan Kho bạc Nhà nước và Bưu điện cấp trên. Nếu Bưu điện gây nên mất mát, thất lạc, chậm trễ, thì Bưu điện phải hoàn lại toàn bộ số cước đã thu qua bì công văn đó hoặc bức điện đó, kể cả cước phí và các khoản cước khác.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

1. Cục Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) và Vụ Bưu chính, Vụ Viễn thông (Tổng cục Bưu điện) có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trong ngành thực hiện đúng các qui định trong Thông tư này.

2. Thời gian đầu thực hiện thông tư, hai bên phải thông báo cho nhau tình hình không bình thường để kịp thời uốn nắn bổ sung. Trong quá trình thực hiện nếu thấy cần thiết các đơn vị Kho bạc Nhà nước và Bưu điện cùng cấp tổ chức gặp nhau để trao đổi và rút kinh nghiệm, báo cáo lên cấp trên.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ Tài chính

Tổng cục Bưu điện

Thứ trưởng

Phó Tổng cục trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lý Tài Luận

Lê Đức Niệm