Sign In

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn Chấp hành viên và

 bổ nhiệm Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng

_______________

 

Căn cứ vào Pháp lệnh Thi hành án dân sự, do Hội đồng Nhà nước công bố ngày 31/8/1989;

Căn cứ vào Nghị định số 68-HĐBT ngày 6-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy chế chấp hành viên, Điều 4 đã quy định tiêu chuẩn chấp hành viên và chấp hành viên trưởng; người được bổ nhiệm làm chấp hành viên phải có: "phẩm chất chính trị, trung thực, khách quan, có kiến thức pháp lý cần thiết và nắm vững nghiệp vụ thi hành án, có tinh thần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa". Người được bổ nhiệm làm chấp hành viên trưởng phải có tiêu chuẩn như chấp hành viên, đã làm chấp hành viên hoặc thẩm phán cùng cấp từ 2 năm trở lên; ngoài ra còn phải có năng lực quản lý, điều hành công việc của bộ phận thi hành án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể về tiêu chuẩn chấp hành viên và chấp hành viên trưởng các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (sau đay gọi tắt là cấp tỉnh) Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) và bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng như sau.

I. TIÊU CHUẨN CHẤP HÀNH VIÊN VÀ CHẤP HÀNH VIÊN TRƯỞNG

1. Có phẩm chất đạo đức tốt, chí công vô tư, trung thực, khách quan tận tuỵ với công việc, có tinh thần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Đã học hết chương trình sơ cấp lý luận Mác-Lênin đối với chấp hành viên cấp huyện; chương trình trung cấp lý luận Mác-Lênin đối với chấp hành viên cấp tỉnh. Những người đã tốt nghiệp hoặc đã học hết chương trình đại học pháp lý, đại học, cao đẳng Tòa án, Kiểm sát, Công an thì coi như đã có trình độ tương đương trung cấp lý luận Mác-Lênin; đã tốt nghiệp hoặc đã học hết chương trình trung học pháp lý, trung học Tòa án, Kiểm sát, Công an thì coi như đã có trình độ tương đương sơ cấp lý luận Mác-Lênin.

3. Trình độ văn hoá đã tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc bổ túc văn hóa (10/10 hoặc 12/12). Riêng đối với chấp hành viên là người dân tộc thiểu số hoặc không phải là người dân tộc thiểu số nhưng đang công tác tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và một số huyện miền núi ở vùng khác (Bộ Tư pháp sẽ có quy định cụ thể) thì phải có trình độ văn hoá phổ thông cơ sở hoặc bổ túc văn hoá.

4. Có trình độ trung học pháp lý hoặc tương đương đối với chấp hành viên cấp huyện; có trình độ đại học pháp lý hoặc tương đương đối với chấp hành viên cấp tỉnh. Người có trình độ tương đương trung học pháp lý là người đã học hết chương trình trung học pháp lý nhưng vì lý do nào đó không dự thi tốt nghiệp được hoặc những người đã tốt nghiệp trung học Tòa án, Công an và Kiểm sát (có giấy chứng nhận của nhà trường) và người học trung học pháp lý tại chức mà đã học xong 3/4 chương trình. Người có trình độ tương đương đại học pháp lý là người học hết chương trình đại học pháp lý nhưng không đủ điều kiện hoặc vì lý do nào đó không dự thi tốt nghiệp được; người đã tốt nghiệp Cao đẳng Tòa án, Kiểm sát và Công an (có giấy chứng nhận của Nhà trường); người đang học pháp lý tại chức mà đã học xong 3/4 chương trình thì cũng được công nhận có trình độ tương đương đại học pháp lý.

Những cán bộ tuy chưa tốt nghiệp đại học pháp lý, nhưng đã học luân huấn dân sự và hình sự theo chương trình đại học, cũng được bổ nhiệm là chấp hành viên, sau đó các đồng chí này phải được bồi dưỡng thêm về kiến thức pháp lý và nghiệp vụ thi hành án.

5. Phải có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ, không có nhược điểm về thể chất (dị dạng, dị hình...)

6. Đã làm công tác nghiệp vụ trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an ít nhất là 2 năm và đã được huấn luyện nghiệp vụ thi hành án.

Chấp hành viên trưởng phải có đầy đủ tiêu chuẩn của chấp hành viên nêu trên và còn có khả năng quản lý, điều hành công việc của bộ phận thi hành án và đã làm chấp hành viên hoặc thẩm phán cùng cấp từ 2 năm trở lên.

Những cán bộ đủ tiêu chuẩn đã được bổ nhiệm làm chấp hành viên thì nay vẫn phải bổ nhiệm lại theo đúng trình tự và thẩm quyền quy định trong thông tư này.

Khi lựa chọn để đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên và chấp hành viên trưởng phải bảo đảm tiêu chuẩn quy định trên.

Để bảo đảm yêu cầu của công tác thi hành án, nơi nào không có hoặc có quá ít cán bộ đủ tiêu chuẩn chấp hành viên thì có thể chuyển một đồng chí thẩm phán đủ tiêu chuẩn sang để được bổ nhiệm làm chấp hành viên trưởng. (Đồng chí Chánh án cần báo cáo việc này với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp).

Những cán bộ đang là chấp hành viên mà chưa đủ tiêu chuẩn hoặc cán bộ khác giúp việc thi hành án mà chưa được bổ nhiệm chấp hành viên thì không được thực thi quyền năng và chế độ chính sách của chấp hành viên. Trường Đại học pháp lý Hà Nội, phân hiệu Đại học pháp lý tại thành phố Hồ Chí Minh phải khẩn trương tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp lý, nghiệp vụ thi hành án cho chấp hành viên, chấp hành viên trưởng và những cán bộ có kinh nghiệm thi hành án mà chưa đủ kiến thức pháp lý, để có thể bổ nhiệm làm chấp hành viên.

Trường hợp đặc biệt, nơi nào chưa có cán bộ đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa và kiến thức pháp lý quy định ở điểm 3 và 4, nhưng có đủ các tiêu chuẩn khác và đang là chấp hành viên tốt hoặc đang làm tốt công tác thi hành án từ 2 (hai) năm trở lên có thể đề nghị Bộ Tư pháp xem xét việc bổ nhiệm làm chấp hành viên kể cả chấp hành viên cấp huyện, sau đó những cán bộ này phải phấn đấu để đạt tiêu chuẩn quy định; nếu quá 2 (hai) năm kể từ ngày được bổ nhiệm mà vẫn không phấn đấu đạt đủ tiêu chuẩn chấp hành viên thì có thể bị miễn nhiệm.

II. BỘ NHIỆM CHẤP HÀNH VIÊN VÀ CHẤP HÀNH VIÊN TRƯỞNG

1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm chấp hành viên và chấp hành viên trưởng ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; bổ nhiệm chấp hành viên trưởng ở Tòa án nhân dân cấp huyện theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân nơi chấp hành viên công tác và Giám đốc Sở Tư pháp.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm các chấp hành viên của Tòa án nhân dân cấp huyện theo đề nghị của Chánh án nơi chấp hành viên công tác.

3. Trước khi đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên trưởng và bổ nhiệm chấp hành viên ở Tòa án nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Tư pháp cần trao đổi với Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

4. Những trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện với Giám đốc Sở Tư pháp về vận dụng tiêu chuẩn chấp hành viên và chấp hành viên trưởng đều phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét quyết định. Những trường hợp bổ nhiệm không đúng đều bị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bãi bỏ.

5. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm quản lý về mặt tổ chức các chấp hành viên, chấp hành viên trưởng và hướng dẫn kiểm tra hoặc phối hợp với Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiểm tra tổ chức, hoạt động thi hành án của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Nội dung Thông tư này, Bộ Tư pháp đã trao đổi với đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao./.

 

Bộ Tư pháp

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Đông