THÔNG TƯ
LIÊN BỘ CÔNG AN- TƯ PHÁP SỐ 1500/HC-TP
NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 1956 VỀ VIỆC GIAM GIỮ VÀ
KIỂM TRA TRẠI TẠM GIAM VÀ TRẠI CẢI TẠO
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Kính gửi: Các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính,Giám đốc Công an và Công tố uỷ viên Toà án nhân dân các liên Khu Việt Bắc, 3, 4, Tả ngạn, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng, Tự trị Thái Mèo
Hội nghị cán bộ trại giam toàn quốc lần thứ 3 do Bộ Công an triệu tập ngày 1 tháng 2 năm 1956 sau khi kiểm điểm tình hình giam giữ ở các trại giam và trại cải tạo thấy có một số lệch lạc thiếu sót.
Liên Bộ nhận thấy cần phải sửa chữa gấp và nhắc nhở những thể lệ đã quy định về mấy vấn đề:
1. Nhiệm vụ của trại tạm giam và trại cải tạo đối với việc giam giữ và tha phạm nhân.
2. Nhiệm vụ của Toà án trong việc kiểm tra trại tạm giam và trại cải tạo.
I.VIỆC GIAM GIỮ
1. Trại tạm giam hoặc trại cải tạo chỉ nhận phạm nhân hoặc cho lấy phạm nhân đi khi có lệnh viết ký tên và đóng dấu của các cán bộ có thẩm quyền đã được quy định trong chương thứ1, mục 2 điểm 7 của quy chế tạm thời của trại giam và chương thứ 2, điều 3 của quy chế tạm thời của trại cải tạo. Nếu can phạm do Toà án nhân dân đặc biệt hoặc do Cục Quân pháp hoặc do Phòng Quân pháp gửi giam thì phải có lệnh viết ký tên và đóng dấu của Chánh án hoặc Phó chánh án Toà án nhân dân đặc biệt, Cục trưởng hoặc Cục phó Cục quân pháp, hay Trưởng, phó Phòng Quân pháp. Trong lệnh phải ghi rõ căn cước, lý lịch can phạm, tội phạm và ngày bắt giam. Nếu đã có án xử thì gửi kèm theo bản trích lục phiên toà, đồng thời gửi một bản lý lịch của phạm nhân (có mẫu kèm theo thông tư này) để thay thế cho hồ sơ, giúp cho trại cải tạo nắm được tội trạng của phạm nhân để giáo dục chúng cho có kết quả; khi di chuyển phạm nhân đến một trại khác thì bản lý lịch ấy phải gửi kèm theo phạm nhân đến trại mới.
Đồng thời với lệnh viết, nếu can phạm có những đồ vật quý, cơ quan ra lệnh giam can phạm phải gửi cho trại tạm giam hoặc trại cải tạo giấy biên nhận những đồ vật đó và chuyển cả những đồ vật đó cho trại tạm giam hoặc trại cải tạo.
2. Đối với can phạm bị giam cứu lâu ngày mà sắp quá hạn tạm giam đã ấn định trong thể lệ hiện hành (45 ngày đối với việc hình mà luật pháp ấn định xử phạt 3 năm tù trở xuống và 4 tháng đối với việc hình quan trọng và việc chính trị mà luật pháp ấn định xử phạt trên 3 năm tù) thì giám thị trại tạm giam phải báo cáo ngay cho Công an biết để nhắc nhở cơ quan đã có lệnh giam cứu nếu cần gia hạn, một bản sao của lệnh gia hạn giam cứu sẽ gửi cho Toà án để theo dõi. Trong trường hợp đã chuyển hồ sơ sang Toà án thì Công tố uỷ viên ký lệnh gia hạn giam cứu. Theo sắc lệnh số 40 ngày 29-3-1946 (điều 4) thì có thể gia hạn giam cứu được 2 lần, nhưng những cơ quan có nhiệm vụ điều tra cần phải tiến hành điều tra nhanh chóng càng sớm càng tốt.
3. Lúc giam cứu, cơ quan nào bắt thì cơ quan ấy ra lệnh tha. Trường hợp đã chuyển hồ sơ sang Toà án thì Công tố uỷ viên ký lệnh tha.
4. Đối với phạm nhân đã thành án mà đã mãn hạn tù thì Công tố uỷ viên tại địa hạt trại cải tạo nơi phạm nhân đang bị giam ký giấy phóng thích. Trại cải tạo không có quyền giữ phạm nhân quá ngày mãn hạn tù, trừ trường hợp có lệnh của cấp trên thì không kể. Đối với một số phạm nhân do Toà án nhân dân đặc biệt đã xử mà hồ sơ giấy tờ còn thiếu sót thì Công an điều tra thêm và đề nghị với Uỷ ban hành chính địa phương giải quyết.
5. Trại tạm giam và Toà án phải có 2 quyển sổ: một quyển ghi phạm nhân giam cứu, một quyển sổ ghi phạm nhân thành án. Trại cải tạo phải có một quyển sổ lý lịch phạm nhân (có những bản mẫu kèm theo thông tư này).
II.VIỆC KIỂM TRA
Công tố uỷ viên Toà án nhân dân tỉnh và khu cần phải kiểm tra các trại tạm giam và trại cải tạo theo như điều 12 trong quy chế tạm thời của trại tạm giam và điều 16 trong quy chế tạm thời của trại cải tạo đã quy định.
Nội dung chủ yếu của việc kiểm tra của Toà án là kiểm tra xem những nguyên tắc và thủ tục về bắt, giam và tha người có được các cơ quan có trách nhiệm chấp hành đúng không.
Cụ thể Toà án cần chú ý kiểm tra về những điểm sau đây:
1. Việc giam người có lệnh viết, có ký tên và đóng dấu của cán bộ và cơ quan có thẩm quyền không?
2. Thời hạn giam cứu có được thi hành đúng không?
3. Việc tha phạm nhân đã mãn hạn tù có làm đúng không?
Nếu trong khi kiểm tra, Toà án thấy có những khuyết điểm của trại về mặt thái độ đối xử với phạm nhân, chế độ ăn uống, bảo đảm sức khoẻ cho chúng,v.v. Toà án cần phải thảo luận với Công an và Ban Giám thị của trại để có kế hoạch sửa chữa.
Đối với những can phạm tuy đã bị bắt giam nhưng công an còn đang tiếp tục điều tra bí mật thì trước khi đi kiểm tra, Toà án phải thảo luận trước với Công an và giám thị của trại tạm giam để phòng ngừa những sơ hở có thể xảy ra làm khó khăn cho cuộc điều tra.
Các ông Công tố uỷ viên các Toà án nhân dân tỉnh và Toà án nhân dân khu phải thu xếp để có thể đi kiểm tra các trại tạm giam hoặc trại cải tạo mỗi tháng một lần. Kết quả của việc kiểm tra phải báo cáo lên cấp trên đồng thời gửi một bản sao cho Công an cấp tương đương. Nội chính khu có thể chọn một tỉnh làm thí điểm để lấy kinh nghiệm hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh khác cùng làm và thường xuyên báo cáo lên Trung ương.
Liên Bộ mong rằng các ông chấp hành đúng thông tư này; nếu gặp khó khăn trở ngại gì thì kịp thời báo cáo cho Liên Bộ biết.
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Vũ Đình Hoè
|
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Trần Quốc Hoàn
|