• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/07/2013
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 30/2013/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2013

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc xây dựng phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đấ

chuyên trồng lúa nướcbị mất do chuyển mục đích sử dụng

____________________

          

 Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP, ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

 Căn cứ Luật Đất đai 2003;

 Căn cứ Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn việc xây dựng phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc lập, xét duyệt phương án sử dụng lớp đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước khi được chuyển mục đích sử dụng để cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác; phương án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất lúa khác để bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo quyết định giao, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền (sau đây gọi tắt là phương án).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài (chủ đầu tư) được Nhà nước giao, cho thuê đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thẩm định, xét duyệt, kiểm tra việc thực hiện phương án.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

     1. Tầng canh tác là tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước, có tính chất lý hóa phù hợp cho trồng lúa, tuỳ theo loại đất mà có độ dày khác nhau theo quy định phân hạng đất lúa của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Lớp đất mặt thuộc tầng canh tác (sau đây gọi là lớp đất mặt) là lớp đất trên cùng của tầng canh tác của đất chuyên trồng lúa nước cần phải bóc khi được chuyển mục đích sử dụng để cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác.

3. Sử dụng lớp đất mặt là việc sử dụng khối lượng đất được bóc từ lớp đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước khi được chuyển mục đích sử dụng để cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác hoặc để khai hoang, phục hóa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước.

4. Đất trồng lúa kém chất lượng là đất trồng lúa có một hoặc một số các biểu hiện kém phù hợp cho sinh trưởng, phát triển của lúa như sau:

a) Độ dầy tầng canh tác thuộc loại mỏng nhất theo quy định phân hạng đất lúa của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Có các tính chất lý hóa ít phù hợp cho sinh trưởng phát triển của cây lúa như đất chua, phèn, mặn, đất bạc màu, đất xám, đất cát, đất lầy thụt...;

c) Bề mặt ruộng không bằng phẳng;

d) Mặt ruộng trũng, thấp.

5. Đất trồng trọt khác là đất trồng các loại cây trồng nông nghiệp khác ngoài cây lúa.

Chương II

LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN

Điều 4. Sử dụng lớp đất mặt để cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác

Các biện pháp sử dụng lớp đất mặt để cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác bao gồm: 

1. Sử dụng lớp đất mặt để cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng:

a) Tăng độ dầy của tầng canh tác và cải tạo lý hóa tính của đất trồng lúa có tầng canh tác mỏng hoặc có các tính chất lý hóa ít phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây lúa như đất bạc màu, đất xám, đất cát;

b) Cải tạo đất trồng lúa trũng, thấp hoặc không bằng phẳng: đổ đất tôn cao nền ruộng, tăng độ bằng phẳng mặt ruộng.

2. Sử dụng lớp đất mặt để cải tạo đất trồng trọt khác:

a) Đổ đất tôn cao mặt ruộng để hạn chế ngập úng;

b) Tăng độ dầy, chất lượng đất tầng canh tác;

c) Bổ sung đất vào ruộng, vườn, nương rẫy đang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây nông nghiệp khác.

3. Sử dụng lớp đất mặt để thực hiện các phương án theo hướng dẫn tại Điều 5 của Thông tư này hoặc phương án khác phù hợp điều kiện của địa phương.

Điều 5. Khai hoang, phục hóa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước

Các biện pháp để bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng bao gồm:

1. Khai hoang, phục hóa:

a) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng đảm bảo đủ điều kiện để trồng được 2 vụ lúa/năm trở lên;

b) Cải tạo mặt bằng, tạo lớp đất mặt phù hợp hoặc cải tạo lý hóa tính đất để trồng được 2 vụ lúa/năm trở lên.

2. Cải tạo đất lúa khác:

a) Tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp, không chủ động tiêu nước chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm thành đất trồng 2 vụ lúa/năm;

b) Xây dựng, cải tạo hệ thống thủy lợi, điều chỉnh độ cao mặt ruộng đối với đất trồng lúa nước nhờ nước mưa hoặc không chủ động tưới tiêu chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm thành đất trồng lúa 2 vụ lúa/năm;

c) Xây dựng, cải tạo đất lúa nương thành đất ruộng bậc thang trồng được 2 vụ lúa /năm.

3. Thực hiện các phương án khác phù hợp với điều kiện địa phương để khai hoang, phục hóa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước.

Điều 6. Lập, xét duyệt phương án tổng thể khai hoang, phục hóa, cải tạo đất trồng lúa, đất trồng trọt khác của địa phương

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa trong từng thời kỳ của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án của địa phương (cho cả thời kỳ và từng năm); gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Nội dung phương án tổng thể:

a) Quy định độ dầy lớp đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước cần bóc khi được chuyển mục đích sử dụng phù hợp với từng loại đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn tỉnh; 

b) Xác định vị trí, diện tích thửa đất, khoanh đất trồng lúa kém chất lượng hoặc đất trồng trọt khác cần được cải tạo bằng việc sử dụng lớp đất mặt được bóc từ đất chuyên trồng lúa nước khi được chuyển mục đích sử dụng;

c) Xác định vị trí, diện tích thửa đất cần khai hoang, phục hóa và đất lúa khác cần được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước để bù diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất khi được chuyển mục đích sử dụng.

3. Phương án tổng thể phải được lập và xét duyệt đồng thời hoặc chậm nhất sáu (06) tháng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của địa phương được xét duyệt.

4. Phương án tổng thể được công bố công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Điều 7. Lập, xét duyệt phương án cụ thể của chủ đầu tư

1. Chủ đầu tư căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa, phương án tổng thể của địa phương, phối hợp với chính quyền địa phương và thỏa thuận với người sử dụng đất để lập phương án cụ thể đối với từng dự án trên cơ sở lựa chọn các biện pháp phù hợp theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư này.

2. Trường hợp người sử dụng đất bị thiệt hại về cây trồng, công trình trên đất hoặc bị thiệt hại do chậm, lỡ thời vụ canh tác do thực hiện phương án thì chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất về mức hỗ trợ, bồi thường theo các quy định hiện hành và được tính vào chi phí chung thực hiện phương án.

3. Trường hợp địa phương chưa phê duyệt được phương án tổng thể theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phối hợp với chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để xác định vị trí, diện tích thửa đất, khoanh đất cần cải tạo hoặc cần khai hoang, phục hóa bằng việc sử dụng lớp đất mặt và phê duyệt độ dầy lớp đất mặt cần bóc để chủ đầu tư có cơ sở lập phương án.

4. Hồ sơ thẩm định

Chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hai (02) bộ hồ sơ cùng phí, lệ phí theo quy định về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi chủ đầu tư có dự án. Hồ sơ gồm:

a) Tờ trình thẩm định phương án theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có chứng thực các văn bản pháp lý có liên quan đến chủ trương đầu tư và địa điểm đầu tư;

c) Phương án bao gồm thuyết minh, khảo sát thiết kế cơ sở lập theo quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản; kèm theo trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất cần bóc lớp đất mặt và thửa đất cần cải tạo, khai hoang, phục hóa;

d) Phương án hỗ trợ, bồi thường cho người sử dụng đất tại nơi cần cải tạo, khai hoang, phục hóa (nếu có).

5. Trình tự, thời hạn giải quyết:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ ngay sau khi nhận hồ sơ đối với trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp hoặc trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc đối với trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu điện. Nếu hồ sơ đầy đủ thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ, nếu không đầy đủ thì yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu cần thiết thì xác minh thực địa, lập báo cáo thẩm định. Thời gian thẩm định kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ là mười (10) ngày làm việc hoặc hai mươi (20) ngày làm việc đối với trường hợp phải xác minh thực địa. Nếu hồ sơ chưa đạt yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi chủ đầu tư yêu cầu bổ sung, làm rõ. Thời gian yêu cầu trả lời tùy thuộc vào nội dung cần bổ sung, làm rõ và không tính vào thời gian thẩm định.

c) Phê duyệt phương án

Đối với dự án phải có xác nhận đăng ký đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả cho chủ đầu tư báo cáo thẩm định phương án để chủ đầu tư nộp cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án cùng với hồ sơ dự án theo quy định. Căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ dự án và báo cáo thẩm định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thẩm định dự án trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt theo quy định về phê duyệt dự án đầu tư.

Đối với dự án khác: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt phương án đã được thẩm định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Phân công trách nhiệm

1.  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã  xây dựng phương án tổng thể của địa phương; hướng dẫn, phối hợp với chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để lập phương án cụ thể đối với từng dự án; kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện phương án đã được xét duyệt theo quy định của pháp luật;

b) Xét duyệt phương án tổng thể của địa phương và phương án cụ thể của chủ đầu tư theo quy định;

c) Tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án tổng thể của địa phương;

b) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định phương án cụ thể của chủ đầu tư;

c) Thực hiện kiểm tra việc thực hiện phương án đã được xét duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả sử dụng lớp đất mặt; kết quả khai hoang, phục hóa, cải tạo đất trồng lúa và đất trồng trọt khác của các địa phương trong tỉnh.

3. Cục Trồng trọt

a) Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện Thông tư này;

b) Tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 7 năm 2013.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Văn Tám

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.